BVNTD

Các câu hỏi thường gặp

Theo Điều 2 Luật BVQLNTD, đối tượng áp dụng của Luật bao gồm người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động BVQLNTD trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam cũng chịu sự điều chỉnh của Luật BVQLNTD
Theo quy định của Luật BVQLNTD, đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật bao gồm người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động BVQLNTD trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể: - Người tiêu dùng: Bao gồm tất cả những người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình hay tổ chức. (Khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD) - Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: Bao gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: thương nhân theo quy định của Luật thương mại; và cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. (Khoản 2 Điều 3 Luật BVQLNTD) - Cơ quan quản lý nhà nước: Bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD gồm Chính Phủ, Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh), UBND các cấp (Sở Công Thương, UBND cấp huyện), các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, y tế, thông tin truyền thông, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, ghi nhãn hàng hóa… (Điều 34 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP). - Tổ chức, cá nhân có liên quan: Bao gồm các tổ chức xã hội tham gia hoạt động BVQLNTD; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động BVQLNTD tại Việt Nam (Điều 2 Luật BVQLNTD).
Ngày 30 tháng 11 năm 2010, Chủ tịch nước đã ban hành Lệnh công bố Luật BVQLNTD. Trước đó, ngày 17 tháng 11 năm 2010, Luật BVQLNTD đã được Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 8 thông qua. Luật BVQLNTD với kết cấu gồm 6 Chương, 51 Điều, tập trung điều chỉnh các vấn đề về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; trách nhiệm quản lý nhà nước về BVQLNTD; trách nhiệm của các tổ chức xã hội về BVQLNTD; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng So với các văn bản pháp luật quy định về BVQLNTD trước đây, Luật BVQLNTD có những điểm mới có giá trị thực tiễn cao. Đó là các quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực BVQLNTD; vấn đề kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm cung cấp thông tin của bên thứ ba đối với người tiêu dùng; trách nhiệm bảo hành và thu hồi hàng hoá có khuyết tật; quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD; các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ,… Đối với các hành vi bị cấm, Luật BVQLNTD quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện một số hành vi như: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân; Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hoá, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng,... Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập trong Pháp lệnh BVQLNTD trước đây, trong vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Luật BVQLNTD quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về BVQLNTD (Khoản 1 Điều 19 Luật BVQLNTD). Luật cũng quy định về các điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực nhằm khắc phục vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong quan hệ giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Luật BVQLNTD cũng có riêng 01 Chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (Chương IV). Đặc biệt, Luật cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD tại tòa án với một số điều kiện cụ thể như vụ án dân sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng (Điều 41),… Bên cạnh đó, khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (Điều 42) và không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án (Điều 43). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 và thay thế Pháp lệnh BVQLNTD năm 1999.
Hiện nay, nước ta đã có một hệ thống pháp luật về BVQLNTD tương đối đầy đủ, bao gồm: - Các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực BVQLNTD: + Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; + Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.; + Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; + Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; + Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành công thương.; + Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; + Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 01 năm 2012 về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; + Thông tư số 10/2013/TT-BCT ngày 30 tháng 5 năm 2013 của Bộ Công Thương về ban hành mẫu đơn đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. - Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực BVQLNTD: Do vấn đề BVQLNTD có liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, bên cạnh các văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh, BVQLNTD còn được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác có liên quan, cụ thể như: Luật An toàn thực phẩm; Luật Cạnh tranh; Luật Giá; Luật Điện lực; Luật Quảng cáo; Luật Giao dịch điện tử; v.v. (Quy định chi tiết của một số lĩnh vực có thể xem tại Phần IX).
Ở bất kỳ quốc gia nào, người tiêu dùng luôn là nhóm đối tượng đông đảo được quan tâm nhiều nhất, là yếu tố quan trọng, động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của quốc gia. Chính vì vậy, trong tiến trình phát triển kinh tế của một nước, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của khu vực sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội thì cũng cần hài hòa, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Hơn nữa, đối với riêng doanh nghiệp, để có thể phát triển bền vững thì cần lấy người tiêu dùng làm trung tâm cho sự phát triển đó vì người tiêu dùng mới là nguồn lực và là động lực chính cho sự phát triển của bất cứ tổ chức, cá nhân kinh doanh nào. Tuy nhiên, do việc thiếu thông tin, thiếu sự lựa chọn, nên người tiêu dùng thường ở vị trí yếu thế hơn trong quan hệ mua, bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chính vì vậy, cần thiết có sự điều chỉnh của pháp luật và sự giám sát nhất định của nhà nước vào mối quan hệ tiêu dùng này để đảm bảo cân bằng lợi ích, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng và của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Kể từ khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 1986, kinh tế- xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tịu đáng ghi nhận. Nhưng song hành cùng với đó thì những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến lợi ích, chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam, như hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo gian dối, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng,... đang xuất hiện ngày càng nhiều. Việt Nam là quốc gia có sức tiêu dùng lớn với dân số gần 90 triệu dân. Pháp luật BVQLNTD theo nghĩa chung nhất là những quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa người tiêu dùng với các chủ thể khác khi thực hiện hoạt động tiêu dùng. Năm 1999, Nhà nước đã cho ban hành văn bản pháp lý cơ sở và đầu tiên cho hoạt động BVQLNTD ở Việt Nam với tên gọi là Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (hiện nay đã hết hiệu lực). Ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội Khóa XII kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật số 59/2010/QH12 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 là sự kế thừa, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm còn hạn chế của Pháp lệnh BVQLNTD năm 1999.
Điều 3 Luật BVQLNTD Việt Nam quy định “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật BVQLNTD Việt Nam, người tiêu dùng bao gồm các đối tượng không chỉ là cá nhân tiêu dùng riêng lẻ mà còn là tổ chức (như doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, đoàn thể...) tiến hành mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình hoặc tổ chức đó. Nói cách khác, các đối tượng này thực hiện việc mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không nhằm mục đích để bán lại hoặc mục đích sinh lời. Những đối tượng mua hàng hóa, dịch vụ để bán lại hoặc sử dụng làm nguyên liệu phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh được bảo vệ bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Bộ luật Hình sự,v.v.