edf40wrjww2News:News_Content
CCS đã khởi xướng điều tra vụ việc thông qua thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Vào tháng 01 năm 2011, 16 văn phòng môi giới người giúp việc đã tiến hành họp với nhau tại câu lạc bộ Keppel đưa ra thảo luận về vấn đề mức lương cho những người giúp việc mới từ Indonesia, và thống nhất tăng mức lương lên 450S$ một tháng nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lao động hiện nay. Ngày 13 tháng 5 năm 2011, cơ quan cạnh tranh Singapore đã ra quyết định điều tra về hành vi vi phạm của 16 văn phòng môi giới, yêu cầu gửi bản giải trình và các thông tin, bằng chứng có liên quan. CCS đã nhận được 12 bản giải trình, lý giải nguyên nhân cũng như mô tả về hành vi vi phạm của các văn phòng.
Một số văn phòng môi giới đã đưa ra lập luận biện minh cho hành vi vi phạm của mình đó là bản thoả thuận này không đưa lại lợi nhuận cũng như tăng doanh thu cho các văn phòng môi giới. Giám đốc điều hành của văn phòng môi giới người giúp việc Best Home, một trong số văn phòng thực hiện hành vi vi phạm cho rằng: “Quyết định của CCS là không công bằng. Chúng tôi không biết rằng hành vi điều chỉnh mức lương là vi phạm pháp luật cạnh tranh”. Ông nhấn mạnh rằng: “Các văn phòng môi giới người giúp việc đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động trở lại Singapore làm việc vào những tháng đầu năm và việc thoả thuận tăng lương là điều cần thiết để giải quyết vấn đề khó khăn này”. Giám đốc một văn phòng môi giới người giúp việc khác cũng cho biết: “Chúng tôi muốn thảo luận với nhau về mức lương cho người giúp việc vì nếu một văn phòng môi giới tăng lương cho người giúp việc lên 450S$ một tháng, trong khi một văn phòng môi giới khác chỉ yêu cầu mức lương 380S$ một tháng, vậy khách hàng sẽ lựa chọn văn phòng môi giới nào?”
Theo CCS, hành vi thoả thuận của 16 văn phòng môi giới người giúp việc đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 34 của Luật Cạnh tranh Singapore “ Tổ chức các cuộc họp nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá”. Trong quá trình điều tra vụ việc, CCS không xem xét đến việc mức lương cho người giúp việc bao nhiêu thì hợp lý, mà vấn đề cốt lõi trong vụ việc cần làm rõ đó là ý chí thống nhất của các văn phòng môi giới cùng ấn định một mức lương và những tác động tiêu cực của hành vi đến môi trường cạnh tranh cũng như lựa chọn của người tiêu dùng.
Khi đưa ra mức phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm, CCS đã xem xét và cân nhắc nhiều yếu tố: bản chất của hành vi vi phạm, hoàn cảnh thực hiện hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng như căn cứ vào nội dung bản giải trình của các văn phòng. Tổng mức phạt đối với 16 văn phòng môi giới người giúp việc vi phạm là 152.563S$, và khoảng mức phạt từ 5.000S$ đến 42.317S$, tương đương khoảng 1% tổng doanh thu của mỗi văn phòng. Các văn phòng có thời gian 2 tháng để kháng cáo lên Toà án đối với quyết định này của CCS.
Trần Thị Thanh Huyền (Ban điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh_ Cục Quản lý cạnh tranh)