BVNTD

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ trì phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các bên liên quan tổ chức thành công Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9

09/12/2021

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về lĩnh vực cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) chủ trì phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9 vào ngày 01-02 tháng 12 năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị Cạnh tranh ASEAN là một sự kiện thường niên quan trọng của Nhóm Chuyên gia cạnh tranh ASEAN (AEGC), được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn cạnh tranh cho đại diện cơ quan quản lý cạnh tranh các thành viên ASEAN cũng như đại diện của các cơ quan cạnh tranh từ các nước ngoài Khối, cộng đồng doanh nghiệp, giới nghiên cứu trong và ngoài khu vực và các tổ chức/mạng lưới quốc tế về cạnh tranh tham dự, chia sẻ về các vấn đề mang tính thời sự, thiết thực về cạnh tranh trong khu vực.

Với mục tiêu như vậy, chuỗi các sự kiện ACC được cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN luân phiên tổ chức, bắt đầu từ năm 2011 và lần gần đây nhất là Hội nghị ACC lần thứ 8 được tổ chức vào tháng 11 năm 2019 tại Campuchia với chủ đề “Những cột mốc quan trọng và thách thức trong thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực ASEAN”. Hội nghị ACC lần thứ 8 tập trung vào các vấn đề như nỗ lực xây dựng chính sách và pháp luật cạnh tranh của các nước thành viên ASEAN, đảm bảo thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, hiệu quả tại từng quốc gia cũng trên phương diện khu vực khối ASEAN. Kể từ đó đến nay, các quốc gia ASEAN đã có nhiều thành tích và kết quả to lớn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh.

Với chủ đề “Hành động của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN nhằm thúc đẩy môi trường cạnh tranh ASEAN sau đại dịch”, Hội nghị ACC lần thứ 9 diễn ra trong bối cảnh đặt biệt khi mà Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN vừa hoàn thành Rà soát giữa kỳ Kế hoạch hành động cạnh tranh ASEAN 2016-2025, đồng thời đã xây dựng chương trình hoạt động mới cho giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, thế giới đang trải qua nhiều khó khăn thách thức khi dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đáng kể đối với hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu trong đó bao gồm lĩnh vực cạnh tranh.

Phát biểu Khai mạc, ông Satvinder Singh, Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã nhấn mạnh tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu trong đó có các nước ASEAN, cụ thể: đại dịch đã gây thiệt hại đến 3.3% GDP của ASEAN khi hầu hết các nước thành viên bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, đầu từ trực tiếp nước ngoài vào khu vực suy giảm 24.6% so với trước đại dịch và nhiều ngành, lĩnh vực bị suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra những dự báo lạc quan cho phát triển kinh tế trong thời gian tới với mức tăng trưởng kinh tế khu vực ước tính là 5% cho năm 2022.

Ông Satvinder Singh, Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Ở phạm vi khu vực, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước thành viên trong ASEAN trong trong việc giải quyết những khó khăn, thách thức vượt qua đại dịch cũng như phục hồi kinh tế sau đại dịch đồng thời nhấn mạnh mục tiêu hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết cao, năng động, sáng tạo và cạnh tranh, hòa nhập, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm.

Liên quan đến lĩnh vực cạnh tranh, ông cũng đánh giá cao phản ứng của Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN ứng phó với đại dịch. Ngay từ lúc dịch bệnh bắt đầu diễn ra, Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN đã có hành động tức thì khi đã thông qua việc ban hành Tuyên bố chung của AEGC nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong đó kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tuân thủ pháp luật cạnh tranh kể cả trong thời kỳ dịch bệnh. Tuyên bố cũng đồng thời nhấn mạnh cam kết của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN trong việc tăng cường hợp tác để xử lý những hành vi phản cạnh tranh diễn ra trong khu vực.

Trong bài Phát biểu khai mạc của mình, Tiến sĩ Guntur Syahputra Saragih, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cạnh tranh lành mạnh trong khu vực để nền kinh tế ASEAN có thể phục hồi nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ông chia sẻ kết quả từ một cuộc khảo sát của Ủy ban Cạnh tranh Indonesia vào năm 2021 về Tác động của đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế đến chính sách và luật cạnh tranh ở các nước ASEAN. Kết quả khảo sát cho thấy có sự lo ngại về việc gia tăng các nền kinh tế kỹ thuật số và tác động đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Điều đó đòi hỏi các chính phủ cần phải quan tâm đến chính sách cạnh tranh trong chiến lược tổng thể quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN trong việc thực thi chính sách và luật cạnh tranh khu vực.

Ông Guntur Syahputra Saragih, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Indonesia

Phát biểu Khai mạc, Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước thành viên trong xử lý các vấn đề của khu vực. Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn đánh giá cao tầm quan trọng của quá trình hợp tác giữa các nước thành viên trong Khối cũng như luôn tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác khu vực nói chung và về lĩnh vực cạnh tranh nói riêng. Chủ trì tổ chức Hội nghị ACC lần thứ 9 này là cơ hội quý báu để Việt Nam có thể đóng góp phần mình cho việc tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam

 Với mong muốn như vậy, Hội nghị ACC lần thứ 9 tiếp tục là cầu nối, là diễn đàn cạnh tranh cho các cơ quan cạnh tranh trong vào ngoài khu vực. Trước bối cảnh hiện tại, Hội nghị sẽ cung cấp một bức tranh tổng quan về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với thị trường ASEAN và tập trung thảo luận những vấn đề nổi cộm về cạnh tranh trong khu vực thời gian gần đây, cụ thể:

  1. Đảm bảo sự tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp đối với pháp luật cạnh tranh trong thời kỳ hậu Covid-19;
  2. Tăng cường vai trò của công tác thực thi chính sách cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ hậu Covid-19;
  3. Giải quyết những thách thức đặt ra đối với cơ quan cạnh tranh trong công tác thực thi pháp luật trong bối cảnh có sự dịch chuyển nhanh sang nền kinh tế số; và
  4. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh trong bối cảnh có thể xảy ra các cuộc khủng hoảng khác nữa trong tương lai.

Tại Hội nghị cạnh tranh này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng khẳng định công tác thực thi luật cạnh tranh và chính sách cạnh tranh hiệu quả sẽ là nền tảng để đảm bảo việc duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế, là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – thương mại và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như khu vực ASEAN. Ngoài ra, môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận với nguồn hàng hóa dồi dào hơn với chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý mà còn là chìa khóa dẫn đến đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Sau phần phát biểu khai mạc, Ông Looi Teck Kheong, Trưởng Bộ phận Cạnh tranh, Bảo vệ người tiêu dùng và Sở hữu trí tuệ, Ban Thư ký ASEAN đã trình bày tóm tắt kết quả Rà soát giữa kỳ Kế hoạch Hành động Cạnh tranh ASEAN giai đoạn 2016-2025 và các hoạt động sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025. Về cơ bản, các hoạt động về chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực đã được các nước ASEAN triển khai hiệu quả, phù hợp với thực tiễn thực thi của các quốc gia.

Ông Looi Teck Kheong, Trưởng Bộ phận Cạnh tranh, Bảo vệ người tiêu dùng và Sở hữu trí tuệ, Ban Thư ký ASEAN

Tại Phiên đầu Hội nghị, Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã chủ trì nội dung thảo luận “Đảm bảo tuân thủ pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19”. Theo kinh nghiệm tại một số quốc gia, để đảm bảo chuỗi cung ứng và phân phối hàng hoá thiết yếu trên thị trường, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể tạm thời nới lỏng công tác thực thi pháp luật cạnh tranh, cho phép một số hành vi hợp tác giữa các doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết; hoặc thẩm định nhanh các hồ sơ tập trung kinh tế khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời kỳ Covid-19. Tuy nhiên, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh, Ủy ban Thương mại và Lành mạnh Nhật Bản cũng khẳng định rẳng các cơ quan cạnh tranh vẫn luôn giám sát chặt chẽ thị trường, sẵn sàng đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn những doanh nghiệp trục lợi từ cuộc khủng hoảng bằng cách tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống trị của mình. Chính sách và luật cạnh tranh vẫn được coi là công cụ quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và càng cần thiết hơn trong thời kỳ phục hồi kinh tế nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh cho phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần to lớn vào nỗ lực chung của khu vực trong việc khắc phục tác động tiêu cực từ đại dịch.

Tại Phiên tiếp theo, Giáo sư Sakon Varunyuwatana, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Thái Lan (OTCC) đã chủ trì nội dung thảo luận “ Tăng cường vai trò của thực thi chính sách cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) trong thời kỳ hậu Covid-19”. Có thể nói, các doanh nghiệp MSME chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế khu vực ASEAN, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng và phát triển của các quốc gia thành viên ASEAN (AMS), cụ thể là chiếm 99% tổng số doanh nghiệp trong ASEAN và đóng góp từ 30% đến 53% GDP. Nhìn chung, trong hoạt động kinh doanh, các MSME thường gặp nhiều bất lợi về cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp lớn trên thị trường. Ông Meng Songkheang, Trưởng phòng Cạnh tranh về Bảo vệ người tiêu dùng Campuchia cho rằng các nước ASEAN cần hợp tác để đảm bảo luật và chính sách cạnh tranh tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một sân chơi bình đẳng cho các MSME; nhấn mạnh vai trò tuyên truyền pháp luật cạnh tranh để các MSME có thể sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý bảo vệ lợi ích khi tham gia thị trường, nhất là trong bối cảnh khó khăn do Covid-19. Cũng tại phiên này, Ông Siti Maulana Manap, Giám đốc Kế hoạch Chiến lược, Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MyCC) và Bà Rachel Burges, Đại học Nam Queensland đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ phía cơ quan cạnh tranh tại Malaysia và Ốt-xtrây-lia về luật và chính sách hỗ trợ cho các MSME, cách thức cơ quan cạnh tranh khuyến khích các MSME tham gia các chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh và nâng cao nhận thức về luật cạnh tranh trong cộng đồng MSME.

Chủ đề tại Phiên 3 của Hội nghị do Ông Ông Iskandar Ismail, Giám đốc điều hành, Ủy ban Cạnh tranh Malaysia chủ trì nhận được rất nhiều sự quan tâm “Sự phát triển của nền kinh tế số hiện nay và những thách thức đặt ra đối với cơ quan cạnh tranh trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh”. Với những hạn chế trong việc di chuyển do đại dịch gây ra, các doanh nghiệp đã dần chuyển dịch từ phương thức bán hàng trực tiếp truyền thống sang các phương thức bán hàng trực tuyến. Doanh nghiệp đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các nền tảng truyền thông xã hội, website, ứng dụng công nghệ để sản phẩm, thực hiện các giao dịch và tương tác với khách hàng thông qua phương thức trực tuyến. Thương mại điện tử và giao dịch trực tuyến cũng cho phép các doanh nghiệp tiếp cận với những thị trường rộng lớn hơn; thông qua đó củng cố sức mạnh hoặc vị trí thống lĩnh trên thị trường. Ông Rod Sims, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Australia  (ACCC) – một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực cạnh tranh – chia sẻ rằng các cơ quan cạnh tranh cần nhận thức sâu sắc cách thức hoạt động của thị trường, thường xuyên cập nhật kiến ​​thức trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường kinh tế số để có thể thực thi hiệu quả chính sách và luật cạnh tranh trong lĩnh vực này. Hiện nay, ACCC cũng đang thực nghiên nghiên cứu và rà soát các quy định pháp luật, khảo sát về thị trường kỹ thuật số nhằm đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi phản cạnh tranh hoặc có tác động tiêu cực đến cạnh tranh trong thị trường kỹ thuật số. Bên cạnh đó, phiên thảo luận còn có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các Ông Soohyun Yoon, Ủy viên thường trực, Ủy ban Thương mại Lành mạnh Hàn Quốc (KFTC), ông Loke Shiu Meng, trợ lý Giám đốc điều hành, Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Singapore (CCCS) và Bà Julie Clarke, Trường đại học Melbourne Úc khi các diễn giả đã đem lại bức tranh tổng thể về cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế số với các góc nhìn từ phía cơ quan cạnh tranh cũng như học giả về cạnh tranh.

Phiên thảo luận thứ 4 của Hội nghị tập trung vào vấn đề “Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh trong bối cảnh có thể xảy ra các cuộc khủng hoảng”. Chủ đề này được coi là một vấn đề quan trọng và được đề cập xuyên suốt Hội nghị ACC lần thứ 9. Các quốc gia ASEAN nhấn mạnh rằng hợp tác mang tính chất khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với những bất ổn kinh tế hiện nay và trong tương lai. Các nước ASEAN cần tăng cường nâng cao giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường gắn kết với các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân, xây dựng năng lực cho thời kỳ phát triển của kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm hướng tới phát triển bền vững. Ông Arsenio M. Balisacan, Chủ tịch, Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) khẳng định rằng sự hợp tác mạnh mẽ và cởi mở giữa các khu vực tài phán khác nhau là chìa khóa để đưa ra các biện pháp ứng phó về chính sách hợp lý trong khu vực. Ông Arsenio M. Balisacan phát biểu “Trong suốt một năm rưỡi qua, các cơ quan quản lý cạnh tranh cũng đã giữ liên lạc với nhau để thảo luận về các cập nhật về cách họ đã xử lý các thách thức trong khu vực pháp lý của riêng mình, bao gồm các phản ứng chính sách và thể chế đối với đại dịch. Do đó, trong thời gian sắp tới cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN cần tiếp tục thắt chặt hơn nữa việc hợp tác, tăng cường chia sẻ trong quá trình thực thi luật và chính sách cạnh tranh trong khu vực”.

Hội nghị ACC lần thứ 9 đã diễn ra thành công với sự tham gia trực tuyến của gần 1.000 lượt đại biểu đến từ cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN và các nước khác Úc, Niu Di-lân, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh cũng như các tổ chức quốc tế như OECD, các trường đại học, doanh nghiệp, học giả để chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn về các vấn đề cạnh tranh cũng như công tác thực thi luật và chính sách cạnh tranh với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa sự  phát triển của luật và chính sách cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, phục vụ lợi ích của cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Các đại biểu đánh giá cao những chủ đề mà Hội nghị đem lại vừa mang tính chất thực tiễn, vừa có tính chất chiến lược giúp các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng nói chung có thể cùng nhau duy trì, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh hiện nay và hậu Covid-19. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã bày tỏ vui mừng được chủ trì tổ chức Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9 này và gửi lời cảm ơn tới  Ban Thư ký ASEAN đã hỗ trợ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Hội nghị này cũng như cảm ơn các học giả, diễn giả các đại biểu đã tham gia và đóng góp cho sự thành công của Hội nghị.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Sự thành công của Hội nghị cho thấy dù được tổ chức theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến, Hội nghị Cạnh tranh ASEAN vẫn tiếp tục là cầu nối, là diễn đàn cạnh tranh quan trọng để cơ quan cạnh tranh các nước trong và ngoài khu vực, các học giả, chuyên gia cạnh tranh, các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội tương tác, trao đổi, chia sẻ để giải quyết các vấn đề nổi cộm về cạnh tranh trong khu vực, hướng tới mục tiêu duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh trong khu vực, đảm bảo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng.

Để xem lại toàn bộ nội dung của Hội nghị ACC lần thứ 9, có thể truy cập tại đường link:

Ngày 1: https://www.youtube.com/watch?v=icbcf7OQfGw&t=10103s

Ngày 2: https://www.youtube.com/watch?v=Qyh_G4cpy5M

 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương