BVNTD

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức tập huấn kỹ năng giải quyết khiếu nại người tiêu dùng và kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

04/11/2019

     Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) đã tổ chức khóa đào tạo về kỹ năng giải quyết khiếu nại người tiêu dùng và kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại Hải Phòng (ngày 25 tháng 10 năm 2019) và TP. Hồ Chí Minh (ngày 01 tháng 11 năm 2019) dành cho cán bộ, công chức, đại diện các Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng trên toàn quốc.

     Khóa đào tạo do Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD chủ trì. Tại Hải Phòng, khóa đào tạo có sự tham dự của gần 80 đại biểu là đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Sở Công Thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành khu vực Bắc Trung Bộ. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, khóa đào tạo được tổ chức nhằm tập huấn kỹ năng cho các cán bộ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại khu vực Nam Trung Bộ.

Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD phát biểu khai mạc

     Phát biểu khai mạc tại Khóa đào tạo, ông Trịnh Anh Tuấn –  Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quan tâm. Mặc dù vậy, bên cạnh một số kết quả bước đầu đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chủ quan là do sự hạn chế về năng lực thực thi pháp luật, thiếu tính đồng bộ, nhất quán trong thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa các địa phương và giữa cấp trung ương với cấp địa phương.

     Bởi vậy, khóa đào tạo đã hướng đến mục tiêu ghi nhận những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh và kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại địa phương; tạo diễn đàn để các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả thông qua một số vụ việc điển hình; tập huấn, bồi dưỡng một số kỹ năng cơ bản trong giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng và kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, để từ đó đảm bảo cơ chế, định hướng kiểm soát, giám sát; giải quyết khiếu nại, tranh chấp tiêu dùng thống nhất, đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro)

     Phát biểu tại Khóa đào tạo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro) chia sẻ, trong thời gian qua, Vincopro và các Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương đã tham gia tích cực vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu với vai trò trung gian hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, số lượng khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến Hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, các Hội cũng gặp một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, hiện nay, 40/55 Hội chưa được Nhà nước giao nhiệm vụ, cấp kinh phí. Do đó, hầu hết các cán bộ của Hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên tinh thần tự nguyện, không được thanh toán thù lao, tiền lương hoặc làm việc kiêm nhiệm. Thêm vào đó, cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị của Hội chưa được quan tâm, đầu tư; mạng lưới, nhân lực của Hội còn mỏng, người tiêu dùng còn khó tiếp cận; lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ bị khiếu nại rộng, nhưng trình độ, năng lực cán bộ Hội chỉ hạn chế ở một số lĩnh vực nhất định, đồng thời, cũng không được đào tạo, tập huấn thường xuyên…

Ông Đặng Văn Được – Phó Chánh Thanh tra, Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại Khóa đào tạo

     Nhìn từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Đặng Văn Được – Phó Chánh Tranh tra, Sở Công thương Hà Nội cho rằng việc thực hiện công tác này hiện nay chưa đạt hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng một phần xuất phát từ những bất cập trong các quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sự thiếu nhất quán, đồng bộ giữa pháp luật này với các pháp luật khác có liên quan; sự hạn chế trong hiểu biết pháp luật, ý thức lựa chọn sản phẩm, lưu giữ chứng từ giao dịch hay tham gia khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác