BVNTD

Hội thảo công bố kết quả báo cáo nghiên cứu “Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam”

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Hội thảo do ông Bạch Văn Mừng – Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh chủ trì, các đại biểu gồm có ông Martin Rama – Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) ở Việt Nam và trên 50 đại biểu đến từ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm, đại diện từ hiệp hội dược và các đại biểu khác.

Sau khi nghe đại diện nhóm nghiên cứu trình bày nội dung báo cáo, các đại biểu đã lần lượt đưa ra các ý kiến đánh giá của mình về  kết quả được nêu ra. Ông Martin Rama đã đánh giá cao công trình nghiên cứu của nhóm làm dự án. Theo ông, “báo cáo có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, đặc biệt là đối với hoạt động chi tiêu công và an sinh xã hội, trong đó có việc cung cấp các dịch vụ y tế cho người nghèo”. Ông khẳng định “thị trường dược có một số đặc điểm nhất định, chẳng hạn như người tiêu dùng không quyết định được loại dược phẩm họ mua mà phụ thuộc vào yếu tố phía cung như việc kê đơn thuốc của các bác sỹ”. Đây là lý do khiến cho đội ngũ trình dược viên có tác động lớn đến trong quá trình phân phối và lưu thông dược phẩm đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các điều kiện đầu thầu mua thuốc và các yếu tố khác khuyến khích khác.v.v. cũng tác động đến lựa chọn người mua thuốc, đại diện của WB ở Việt Nam cũng đưa ra gợi ý có thể tăng quyền của người mua thông qua việc cung cấp thông tin và nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống bảo hiểm y tế trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Bà Từ Viết Lan, đại diện của Cục Quản lý dược cũng đánh giá cao kết quả của báo cáo. Theo bà Lan, báo cáo đã đưa ra được những phân tích và đánh giá sắc sảo về thị trường Dược. Cấu trúc thị trường dược hiện nay khá phức tạp và phân bố không đồng đều với 60% tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, còn 40% phân bố ở các thành phố và địa phương khác. Đây là vấn đề mang tính xã hội cần được xem xét và điều chỉnh. Bà Lan cho rằng, nhóm nghiên cứu nên bổ sung vào báo cáo hoạt động “tiếp tay” giữa bệnh viện và đội ngũ trình dược viên trong việc kê đơn thuốc đến người tiêu dùng vì đây là hiện tượng phổ biến không chỉ riêng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý giá thuốc gặp rất nhiều khó khăn, thực tế là giá thuốc nhập khẩu về Việt Nam thường bị đẩy lên cao so với giá của các nước khác nhưng trong Luật Dược hiện chưa có chế tài xử lý. Do đó, nếu Luật Cạnh tranh có thể tác động và xử lý được vấn đề này thì đây sẽ là giải pháp góp phần làm tăng tính cạnh tranh của thị trường và tăng lợi ích của người tiêu dùng. Ngoài ra, bà Lan cũng nhất trí với việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa Bộ Y tế và Bộ Công Thương trong việc hình thành một hệ thống phân phối thuốc nhập khẩu trên thị trường Việt Nam.

Ông Tạ Ngọc Dũng, với tư cách là chuyên gia độc lập cũng đánh giá kết quả báo cáo là khách quan và khá toàn diện. Ông Dũng cũng lưu ý đến việc dược phẩm là loại hàng hóa đặc biệt do khả năng thay thế thấp và việc sử dụng phụ thuộc vào đơn thuốc được kê. Đối với thị trường dược thì mỗi loại dược phẩm lại được xem là một thị trường riêng. Vì vậy, năng lực điều tiết là yếu tố quan trọng và để bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng cần phải tăng cường việc cung cấp thông tin. Trước đây, công tác tiền kiểm được ưu tiên nhưng trong bối cảnh hiện nay, hoạt động hậu kiểm được đánh giá là quan trọng, cần được đẩy mạnh và đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành một cách thường xuyên và chặt chẽ.

Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Huyên – cán bộ Bộ Tư pháp, báo cáo đã khái quát được những vấn đề đặc thù của thị trường dược Việt Nam. Cho đến nay, Luật Cạnh tranh chỉ được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường Việt Nam, còn các văn phòng đại diện và chi nhánh công ty nước ngoài (không có chức năng kinh doanh) lại không thuộc diện điều chỉnh của Luật Cạnh tranh. Ngoài ra, ông Huyên cho rằng cần phải phân biệt rõ thỏa thuận ngang và thỏa thuận dọc để có cơ sở xác định hành vi vi phạm. Đồng thời cũng phải căn cứ trên từng trường hợp cụ thể mà xử lý theo Luật Cạnh tranh hoặc theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Đại diện của Tổng công ty Dược cũng đồng tình với những kết quả phân tích của báo cáo. Ông cho biết thêm, sự gắn kết giữa các nhà sản xuất dược còn rất lỏng lẻo và chúng ta cũng chưa có một hệ thống phân phối dược đủ mạnh. Ở nước ngoài, các nhà sản xuất không trực tiếp thực hiện việc phân phối, trong khi ở nước ta, đa số các doanh nghiệp lại vừa sản xuất vừa phân phối. Trong quá trình đấu thầu bệnh viện, thuốc sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước lại bị đánh điểm thấp hơn so với thuốc nhập khẩu mặc dù đa số các nhà máy sản xuất thuốc trong nước đã đạt được tiêu chuẩn GSP. Theo đó, báo cáo nên định ra hệ thống phân phối dược một cách rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho công tác quản lý và giám sát. Bên cạnh đó, báo cáo nên tập trung tính toán các số liệu của các nước trên thế giới và khu vực như Malaysia, Philippin, Thái Lan,…

Cũng tại hội thảo, có ý kiến gợi ý báo cáo nên bổ sung phân đoạn thị trường của thương hiệu chính đối với một loại hoạt chất đặc biệt. Một điểm cần lưu ý đó là nhu cầu về dược phẩm phụ thuộc vào các cơ sở y tế và các bác sỹ, chính vì thể đối tượng chính cần hướng đến trong các chương trình nâng cao nhận thức về thuốc là các chuyên gia y tế chứ không phải người tiêu dùng.

Những ý kiến cũng như nhận định của các chuyên gia và đại diện các tổ chức tại hội thảo đã góp phần bổ sung và hoàn thiện thêm các nội dung của báo cáo. Báo cáo ra đời sẽ có ý nghĩa thực tiễn trong việc tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong hệ thống phân phối dược phẩm Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn ngành dược và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

(Nguồn: CCID)

 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương