BVNTD

HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Ngày 18 tháng 01 năm 2022, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (Luật BVQLNTD (sửa đổi)).

Hội thảo ghi nhận sự tham gia của hơn 90 đại biểu là đại diện Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật BVQLNTD (sửa đổi), đại diện các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, văn phòng luật sư và các phương tiện báo chí, truyền thông.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD cho biết, Bộ Công Thương đã tiến hành đăng tải Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương từ ngày 10.01.2022. Hội thảo ngày hôm nay là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động mà Cục CT&BVNTD sẽ triển khai trong thời gian tới để có thể thu thập rộng rãi ý kiến của các bên liên quan, góp phần đảm bảo xây dựng Dự thảo Luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Với vai trò đồng chủ trì Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, sự kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp – một trong những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật với đơn vị xây dựng sẽ giúp cho Dự thảo Luật đạt được tính thực tế cao trong quá trình xây dựng và triển khai.

Giới thiệu về Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi), ông Cao Xuân Quảng – Đại diện Tổ Biên tập cho biết, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành,Dự thảo đã được chỉnh lý, sửa đổi nhiều nội dung. Cụ thể:

– Dự thảo Luật sẽ có bố cục 07 Chương và 80 Điều, so với 06 Chương và 50 Điều của Luật năm 2010.

– Dự thảo Luật hiện giữ nguyên 13 Điều khoản, sửa đổi 38 Điều khoản và bổ sung mới 29 Điều khoản.

– Về nội dung, các điều khoản được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở rà soát, đánh giá, đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

– Một số nhóm quy định đã được điều chỉnh, bổ sung gồm: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, một số khái niệm; Các hành vi bị cấm; Quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15 tháng 3);Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao địch đặc thù; Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; và Trách nhiệm quản lý nhà nước về BVQLNTD;

Ông Cao Xuân Quảng – Đại diện Tổ Biên tập Luật BVQLNTD (sửa đổi)

Bảng so sánh nội dung giữa Luật BVQLNTD 2010 và Dự thảo Luật BVQLNTD xem tại đây.

Tại Phiên thảo luận, đại biểu đến từ các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và luật sư đã cho ý kiến sôi nổi đối với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật, trong đó có một số nhóm vấn đề như: sự xung đột giữa pháp luật BVQLNTD và pháp luật chuyên ngành như pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, pháp luật bán hàng đa cấp, pháp luật tố tụng dân sự; việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật; việc xác định các giao dịch đặc thù; xác định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác bảo vệ người tiêu dùng…

Các đại biểu cho ý kiến đối với Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) tại phiên thảo luận

Đối với các ý kiến được nêu trực tiếp tại Hội thảo, đại diện Tổ Biên tập đã có ý kiến giải trình, tiếp thu. Do thời lượng Hội thảo có hạn, một số vấn đề sẽ được VCCI tiếp tục tổng hợp và gửi để Cục CT&BVNTD báo cáo Tổ Biên tập xem xét tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật.

Ảnh: Các đơn vị đồng chủ trì tiếp thu ý kiến

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho rằng đây là những ý kiến có giá trị cao để Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, với tư cách là đơn vị được thường trực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp để xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có chất lượng nhất trình các cấp có thẩm quyền.

Thực hiện chuỗi hoạt động lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi), Bộ Công Thương phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) tổ chức Hội thảo với sự tham gia của các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Sở Công Thương trên cả nước vào ngày 19 tháng 1 năm 2022 (hình thức trực tuyến).

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được đăng tải để lấy ý kiến hoàn thiện tại địa chỉ: http://legal.moit.gov.vn/du-thao-van-ban/18.html./. 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương