edf40wrjww2News:News_Content
Cùng với sự phát triển mạnh của kinh tế khu vực, những đạo luật chống độc quyền có tính khả thi cao và việc chú trọng nhiều hơn trong công tác thực thi ở các quốc gia sẽ đóng vai trò tiên quyết để quyết định chất lượng của sự phát triển kinh tế cũng như là những giá trị và lợi ích của sự phát triển mang đến cho toàn khu vực. Trong giai đoạn 2011 – 2012, việc áp dụng và thực thi Luật cạnh tranh trong khu vực có những điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, liên quan đến việc phát triển thể chế và cơ chế thực thi.
Năm 2011 đánh dấu sự phát triển đầy ý nghĩa trong việc phát triển thể chế và cơ chế thực thi luật chống độc quyền ở các quốc gia thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Một số quốc gia đã thành lập ra cơ quan cạnh tranh mới, một số quốc gia khác tạo sự phát triển mới đối với luật cạnh tranh hoặc tăng cường mạnh hơn nữa đối với các chính sách thực thi.
Cơ quan cạnh tranh mới được thành lập của Ma-lai-xi-a, Ủy ban cạnh tranh Ma-lai-xi-a (Malaysia Competition Commission – MyCC), lấy năm 2011 là năm chuẩn bị và tạo tiền đề cho việc thực thi Luật cạnh tranh – đạo luật được ban hành ngày 10 tháng 06 năm 2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Luật cạnh tranh Ma-lai-xi-a quy định đối tượng và phạm vi áp dụng là đối với mọi chủ thể kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, rộng hơn so với các quy định về chống độc quyền trước đó của nước này, vốn chỉ áp dụng trong các lĩnh vực viễn thông, truyền thông đa phương tiện và trong ngành năng lượng.
Tương tự như vậy, tại Hồng Kông, một dự thảo về luật cạnh tranh áp dụng đối với mọi chủ thể kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cũng đã được đệ trình lên Hội đồng lập pháp. Dự luật này hướng tới mở rộng phạm vi áp dụng so với các quy định về chống độc quyền trước đây, vốn chỉ được áp dụng trong lĩnh vực viễn thông và truyền hình. Trong trường hợp dự luật được thông qua thì Ủy ban cạnh tranh sẽ là cơ quan thực thi.
Chính phủ Phi-líp-pin đã thành lập Phòng cạnh tranh đặt dưới Bộ Tư pháp nước này và lần đầu tiên thực hiện điều tra đối và xử phạt đối với hành vi các-ten. Tại Niu Di-lân, chính phủ cũng đã đệ trình một dự luật mới lên Quốc hội nước này trong đó quy định áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi các-ten.
Ủy ban thương mại công bằng Đài Loan cũng đã đưa ra các quy định mới nhằm cụ thể hóa và thực thi chính sách khoan dung (leniency policy) trong đó quy định tăng nặng nhiều lần mức phạt đối với hành vi các-ten. Quy định mới được áp dụng kể từ năm 2012 nhằm hạn chế các hành vi các-ten và đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tự khai báo về hành vi các-ten để hưởng khoan hồng.
Chính phủ Úc cũng đã thông qua luật sửa đổi quy định cấm đối với hành vi báo hiệu giá (price signalling) giữa các doanh nghiệp đối thủ. Luật sửa đổi có hiệu lực kể từ giữa năm 2012 và được áp dụng đầu tiên trong lĩnh vực ngân hàng.
Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc đã sửa đổi các quy định về khoan dung trong khi Cơ quan cạnh tranh Ca-na-đa cũng đã sửa đổi và ban hành Hướng dẫn thực thi các quy định về sáp nhập.
Thứ hai, liên quan đến hoạt động áp dụng và thực thi luật.
Trong những năm gần đây việc áp dụng và thực thi Luật cạnh tranh ở các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Sau đây là một số vụ việc cạnh tranh điển hình của các cơ quan cạnh tranh ở các nước trong khu vực thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2012.
Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc đã thành công trong việc điều tra và truy tố bốn công ty lọc dầu đã có hành vi thỏa thuận phân chia thị trường diễn ra trong suốt 10 năm qua. Tổng số tiền phạt đối với bốn công ty tham gia thỏa thuận lên tới 400 triệu đô la Mỹ. Vụ việc thứ hai do cơ quan này điều tra liên quan đến hành vi thỏa thuận ấn định giá của bốn nhà sản xuất kính dùng cho bóng đèn hình điện tử (cathode ray tubes) để lắp vào màn hình tivi hoặc máy tính. Việc điều tra được khởi xướng từ năm 2007 với sự hợp tác của Bộ Tư pháp Mỹ (United States Department of Justice) và Ủy ban Châu Âu (European Commission). Tổng mức tiền phạt đối với bốn công ty sản xuất kính lên tới 47 triệu đô la Mỹ.
Việc Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (National Development and Reform Commission – NDRC) thực hiện điều tra chống độc quyền đối với hai doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông cũng được coi là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa trong năm 2011. Ngoài ra, cơ quan này cũng đã điều tra và ban hành quyết định xử phạt đối với hai công ty dược phẩm tư nhân đã tham gia thỏa thuận tăng giá các loại thuốc dùng để trị bệnh cao huyết áp với tổng số tiền phạt gần 1,1 triệu đô la Mỹ, mức tiền phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong một vụ việc cạnh tranh kể từ khi Luật chống độc quyền nước này có hiệu lực vào năm 2008.
Tòa án Úc, căn cứ hồ sơ điều tra, đã ban hành quyết định xử phạt đối với một công ty Xinh-ga-po và một công ty Ấn Độ tổng số tiền là 4,5 triệu đô la Mỹ về hành vi thỏa thuận ấn định giá giấy bán vào thị trường nước này. Năm 2011 cũng được coi là năm của những quyết định kiện tụng quan trọng khi Ủy ban cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC) quyết định thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm trong đó bác bỏ các luận điểm và đánh giá được đưa ra để không cho phép vụ việc sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ giữa Matcash và Franklins đươc thực hiện. Việc này nhằm để làm rõ và thống nhất xác định những nguyên tắc cơ bản trong việc đánh giá tập trung kinh tế theo quy định của Luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. ACCC cũng đã thành công trong việc tiếp tục xử phạt đối với doanh nghiệp tham gia thỏa thuận ấn định giá chuyên trở hàng hóa trong một vụ việc mà cơ quan này đang tiến hành điều tra.
Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các cơ quan cạnh tranh của Ca-na-đa, Hàn Quốc, Niu Di-lân, Úc đã cùng thực hiện điều tra và ban hành các quyết định xử phạt đối với các hãng hàng không quốc tế do đã có hành vi thỏa thuận ấn định giá dịch vụ.
Thứ ba, liên quan đến hoạt động hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh của các nước.
Cùng với sự gia tăng các hoạt động thương mại quốc tế, sự hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh của các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang đóng một vai trò quan trọng. Qua các vụ việc cạnh tranh liên quan đến những chủ thể kinh doanh không chỉ ở một mà ở nhiều quốc gia cho thấy cần thiết phải xây dựng một chính sách chống độc quyền chung hữu hiệu và đủ mạnh để có thể răn đe và hạn chế những hành vi phản cạnh tranh có thể xảy ra trong khuôn khổ nền kinh tế của từng quốc gia và cả nền kinh tế khu vực, đồng thời cũng yêu cầu thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan cạnh tranh trong khu vực.
Trong giai đoạn 2011 – 2012 nhiều chương trình hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, đào tạo để nâng cao kỹ năng và năng lực thực thi giữa các cơ quan cạnh tranh của các nước trong khu vực đã được tổ chức thành công.
· Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ chính sách thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế tại Hàn Quốc (OECD – Korea Policy Centre) đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với nhiều chủ đề khác nhau như lạm dụng vị trí thống lĩnh, kiểm soát tập trung kinh tế, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh….tại nhiều địa điểm khác nhau như Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…để bàn thảo các vấn đề liên quan đến chính sách cạnh tranh và trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh.
· Chương trình hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp giữa các cơ quan cạnh tranh (agency-to-agency technical assistance) đã tạo cho nhiều cán bộ ở các cơ quan cạnh tranh có cơ hội được tham gia các khóa đào tạo học tập kinh nghiệm, trau rồi và nâng cao kỹ năng và năng lực thực thi.
Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ trong việc phát triển thể chế và đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác thực thi nhưng ưu tiên hàng đầu đối với các cơ quan cạnh tranh ở các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới là song song với việc tiếp tục sửa đổi để tiến tới có một bộ luật cạnh tranh hoàn thiện, tiến bộ, phù hợp và mang tính thực thi cao thì cần xây dựng được các mối quan hệ bền vững mà có thể cho phép thực hiện các chương trình hợp tác hiệu quả để thúc đẩy việc hướng tới một chính sách cạnh tranh thống nhất, xây dựng nền tảng pháp lý cơ bản trong lĩnh vực cạnh tranh và đặc biệt là cùng nâng cao năng lực thực thi luật hiệu quả.
(Tổng hợp theo thông tin do Tạp chí cạnh tranh toàn cầu đăng tải tại trang web – www.globalcompetitionreview.com)