edf40wrjww2News:News_Content
Một là, có sự lôi kéo mạng lưới nhà phân phối giữa các doanh nghiệp: Hiện tại nhiều doanh nghiệp để phát triển nhanh mạng lưới, gia tăng nhanh doanh thu bán hàng đã thực hiện một số hành vi như: dụ dỗ, lôi kéo hoặc dùng tiền để mua các “thủ lĩnh” (các nhà phân phối có kinh nghiệm kinh doanh, có mạng lưới tham gia ở tuyến dưới lớn) của doanh nghiệp hoặc, các nhà phân phối của doanh nghiệp này thực gièm pha nói xấu về hàng hóa, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp khác.
Hai là, sử dụng mô hình trả thưởng bất chính, tinh vi: một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chưa có Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp đã sử dụng chương trình bán hàng, kế hoạch trả thưởng bất chính, tiềm ẩn yếu tố “lừa đảo” một cách tinh vi mà người mới tham gia, kể cả cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước khó phát hiện được. Các chương trình bán hàng kiểu này thường được doanh nghiệp quảng cáo “mô hình này dễ làm, dễ kiếm tiền”, “bạn không cần phải bán hàng, chỉ cần tuyển dụng người mới vào công ty là bạn có hoa hồng”…hoặc khuyến dụ nhà phân phối mua một lượng lớn hàng hoá theo hình thức đầu tư theo nhiều gói sản phẩm, đầu tư nhiều mã số trong khi đó doanh nghiệp không chú trọng tới việc đào tạo kỹ năng cho nhà phân phối bán được hàng. Qua thực tế kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp này thường áp dụng phương thức trả thưởng theo kiểu mô hình “Nhị phân”, mô hình này bắt buộc nhà phân phối phải “cân chân” (nhưng trên thực tế khó xảy ra trường hợp “cân chân”), tức là tổng doanh thu trong kỳ trả thưởng giữa 2 nhánh phải bằng nhau, trường hợp không bằng nhau thì chỉ trả hoa hồng dựa trên doanh số ở nhánh có doanh thu nhỏ. Do vậy, các nhà phân phối ở tuyến trên phải thường xuyên thực hiện việc cân chân, nghĩa là phải tự mình bỏ tiền để đầu tư nhiều mã số ở nhánh yếu cho bằng nhánh mạnh hoặc là phải tuyển dụng các nhà phân phối mới gắng vào nhánh yếu và đề nghị, dụ dỗ họ mua hàng để cân chân. Hệ quả của việc này là nhiều người đã đầu tư một lượng lớn tiền để mua sản phẩm nhưng sản phẩm thì không bán lại được cho người tiêu dùng nên đã mất tiền.
Ba là, áp dụng phương thức kinh doanh đa cấp trong lĩnh vực dịch vụ: hiện tại trên địa bàn xuất hiện một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, kết hợp với hình thức thương mại điện tử thông qua các website như bán sim điện thoại và dịch vụ nạp tiền điện thoại, kinh doanh dịch vụ du lịch, học ngoại ngữ, phổ biến kiến thức… nhưng áp dụng kế hoạch trả thưởng theo mô hình đa cấp, trong đó đặc biệt có trường hợp doanh nghiệp áp dụng phương thức thương mại điện tử để huy động vốn và trả thưởng theo kiểu đa cấp, thông thường các doanh nghiệp này thường áp dụng mô hình trả thưởng theo kiểu “Nhị phân”, “Nhị phân biến tướng”. Hiện tại chưa có quy định quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ, áp dụng trang thương mại điện tử để kinh doanh và trả hoa hồng theo phương thức đa cấp.
Bốn là, có sự “lách luật” hình thức kinh doanh bán hàng: Pháp luật quy định cấm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp buộc người tham gia mua một lượng hàng hoá hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được tham gia mạng lưới. Trên thực tế các doanh nghiệp không trực tiếp vi phạm quy định này nhưng thường yêu cầu người tham gia mua bộ tài liệu khởi đầu với giá bán rất cao hoặc quy định trong chương trình bán hàng, người tham gia để được hoa hồng, lợi ích kinh tế khác (từ mạng lưới cấp dưới) thì trong một khoản thời gian ngắn phải tiêu thụ được một lượng hàng hoá nhất định; hoặc thường đưa ra các gói đầu tư với giá trị khác nhau và có các chính sách để khuyến khích người tham gia đầu tư các gói sản phẩm có giá trị cao. Các quy định theo hướng “lách luật” này, thực chất vẫn buộc người tham gia đóng tiền, mua hàng để được tham gia mạng lưới.
Năm là, có sự “núp bóng đầu tư” của doanh nghiệp nước ngoài: một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam thuộc loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ là một nhánh của doanh nghiệp bán hàng đa cấp nước ngoài, người đứng đầu doanh nghiệp thường là một nhà phân phối của doanh nghiệp ở nước ngoài, cá biệt có trường hợp người đứng đầu doanh nghiệp chỉ là người đứng tên giùm trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài này thường mở Văn phòng đại diện ở Việt Nam để trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động kinh doanh. Theo đó, chương trình bán hàng, nội quy hoạt động của các doanh nghiệp này chủ yếu được dịch ra từ văn bản ở nước ngoài, có trường hợp việc tính hoa hồng, trả thưởng cũng chuyển giao cho doanh nghiệp nước ngoài thực hiện qua phần mềm máy tính trên mạng lưới toàn cầu. Bên cạnh đó, có hiện tượng chuyển giao mạng lưới bán hàng giữa các doanh nghiệp với nhau theo yêu cầu của Công ty thực sự ở nước ngoài hoặc sự chuyển giao mạng lưới giữa các nhánh khác nhau trong cùng một công ty. Các hành vi này chưa được pháp luật quy định cụ thể, gây khó khăn trong công tác quản lý và không đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Sáu là, chưa giám sát được hoạt động của nhà phân phối: Hiện tại mặc dù trong quy định pháp lý đã quy định về biện pháp, mức xử phạt về hành vi phạm hành chính đối với nhà phân phối (người tham gia) vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như chưa xử lý được các hành vi vi phạm của nhà phân phối do các đối tượng này là cá nhân, hoạt động tự do, cơ quan quản lý nhà nước hầu như không thu thập được chứng cứ vi phạm của họ. Trong khi đó, do chạy theo lợi nhuận các nhà phân phối (thường là những nhà phân phối ở tuyến trên) đã tổ chức, hướng dẫn các nhà phân phối ở tuyến dưới của mình (qua kiểm tra thực tế nhiều doanh nghiệp thường uỷ quyền/giao việc đào tạo chương trình bán hàng cho các nhà phân phối ở tuyến trên thực hiện) quảng cáo sai sự thật về tính năng công dụng của hàng hoá nhằm dụ dỗ, lừa gạt người tiêu dùng mua hàng. Ngoài ra còn có hiện tượng, nhà phân phối ở tuyến trên thường đưa ra “yêu sách” đối với doanh nghiệp nếu không đáp ứng thì sẽ dẫn mạng lưới của mình sang doanh nghiệp khác và doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận nên thường làm ngơ để các nhà phân phối tự ý quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật.
Trung Thướng