BVNTD

Thỏa thuận ấn định giá dưới góc độ pháp luật Cạnh tranh

18/06/2021

1. Đặt vấn đề
Trên thị trường cạnh tranh tự do, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh để tồn tại. Cạnh tranh là động lực phát triển của doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực để đạt được lợi thế so với đối thủ cạnh tranh. Nhưng cũng chính vì lý do đó, không ít các doanh nghiệp đã nhìn nhận cạnh tranh như một mối hiểm họa đối với khả năng thu lợi nhuận cũng như sự tồn vong của doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì nỗ lực điều chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển, một số doanh nghiệp đã chọn con đường dễ dàng hơn là cùng nhau thỏa thuận, dàn xếp các yếu tố của thị trường nhằm hạn chế thậm chí triệt tiêu cạnh tranh. Một trong những yếu tố doanh nghiệp thường có xu hướng thỏa thuận là giá hoặc các vấn đề liên quan trực tiếp đến giá của sản phẩm hay dịch vụ. Các hành vi thỏa thuận này được gọi chung là thỏa thuận ấn định giá.
Thông qua thỏa thuận ấn định giá như thỏa thuận ấn định mức giá, tăng hay giảm giá, duy trì giá, cắt giảm chiết khấu, khuyến mại… các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thể tăng, duy trì thị phần hay lợi nhuận. Hậu quả tất yếu của thỏa thuận ấn định giá là sự độc quyền giá đối với hàng hóa hay dịch vụ và giá của hàng hóa, dịch vụ không còn tuân thủ theo quy luật thị trường, không còn do các yếu tố của thị trường quyết định mà bị khống chế bởi một nhóm các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. Điều này sẽ làm gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận đồng thời xâm hại trực tiếp tới lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đối thủ khác, của người tiêu dùng và của toàn xã hội.
2. Thỏa thuận ấn định giá theo pháp luật cạnh tranh của một số quốc gia
Thỏa thuận ấn định giá được coi là một trong những hành vi thỏa thuận gây tác động hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng nên được quy định điều chỉnh trong pháp luật cạnh tranh/chống độc quyền của các quốc gia, tuy nhiên, trên thực tế không có một khái niệm hay định nghĩa chung, thống nhất giữa các quốc gia về thỏa thuận ấn định giá.
Mỹ là nước đã xây dựng và ban hành luật cạnh tranh sớm nhất , cụ thể là Đạo luật chống độc quyền Sherman năm 1890. Đạo luật này quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận ấn định giá. 

Cũng có ý kiến cho rằng Ca-na-đa là nước đầu tiên ban hành luật cạnh tranh. Ngày 2 tháng 5 năm 1989, Ca-na-da ban hành một đạo luật mang tên Đạo luật ngăn chặn và hạn chế sự kết hợp hạn chế thương mại (An Act for the Prevention and Suppression of Combinations in Restraint of Trade) trong đó có quy định về hành vi kết hợp hạn chế thương mại thông qua việc thống nhất giá hoặc hạn chế sản lượng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đây là văn bản luật cạnh tranh đầu tiên trên thế giới và gọi tắt là Canada’s Competition Act of 1889. Tuy nhiên, theo tác giả thì Đạo luật chống độc quyền Sherman do Mỹ ban hành năm 1890 là văn bản luật cạnh tranh hoàn chỉnh đầu tiên.

Mặc dù vậy, định nghĩa hay khái niệm thỏa thuận ấn định giá cũng không được ghi nhận trong các văn bản luật mà thông qua các án lệ. Tại phần nhận định trong bản án của Tòa cấp quận khu vực đông Michigan tuyên đối với Công ty Nu-Phonics [United States v. Nu-Phonics, Inc, 433 F. Supp. 1006 (E. D. Mich. 1977)] xác định thỏa thuận ấn định giá là một thỏa thuận được hình thành với mục đích và có tác động làm tăng, giảm, ấn định, duy trì hay bình ổn mức giá của hàng hóa trong thương mại liên bang. Bản án này, thông qua một số án lệ khác , cũng xác định một thỏa thuận ấn định giá trực tiếp là một thỏa thuận mà ở đó giá của hàng hóa hay dịch vụ đã được các bên thống nhất và thể hiện một cách rõ ràng. Mục đích hạn chế cạnh tranh của hành vi thỏa thuận giá trực tiếp là quá rõ ràng và vì vậy những thỏa thuận loại này, không cần bàn thêm, cũng rõ ràng là hạn chế thương mại bất hợp lý. Thỏa thuận ấn định giá bất hợp pháp cũng có thể được thực hiện thông qua những phương thức gián tiếp. Tòa án này cũng cho rằng sự tương đồng giá giữa các đối thủ cạnh tranh bản thân nó chưa hẳn đã đủ là chứng cứ chứng minh cho một hành vi thỏa thuận ấn định giá.
Singapore không đưa ra khái niệm chính xác trong luật cạnh tranh nhưng theo giải thích của Ủy ban cạnh tranh Sigapore thì thỏa thuận ấn định giá là việc các đối thủ cạnh tranh cùng thống nhất ấn định, kiểm soát hoặc duy trì mức giá bán của hàng hóa hay dịch vụ. Đó có thể là thỏa thuận ấn định trực tiếp giá hàng hóa dịch vụ, là việc có một thỏa thuận nhằm tăng hoặc duy trì mức giá thực tế. Nó cũng có thể là thỏa thuận không trực tiếp ấn định mức giá, ví dụ như việc các đối thủ cạnh tranh đồng ý cùng đưa ra mức chiết khấu giống nhau hoặc dành các điều khoản tín dụng giống nhau cho khách hàng. Thỏa thuận ấn định giá không nhất thiết phải bằng văn bản, có khi chỉ cần là một sự thống nhất chung thông qua trao đổi miệng, ví dụ như tại một cuộc họp của Hiệp hội hay tại một sự kiện xã hội nào đó, có thể đã là đủ để minh chứng và cho thấy rằng có tồn tại một thỏa thuận ấn định giá. Vấn đề không nằm ở chỗ thỏa thuận này đạt được như thế nào, bằng hình thức nào hoặc là được thực hiện như thế nào, mà vấn đề là ở chỗ các đối thủ cạnh tranh đã cùng thống nhất với nhau .
Newzealand quy định hành vi thỏa thuận ấn định giá trong Đạo luật thương mại, theo đó bất kỳ một thỏa thuận nào giữa các đối thủ nhằm ấn định giá của hàng hóa hay dịch vụ hoặc nhằm tác động đến giá đều bị coi là bất hợp pháp. Trong tài liệu hướng dẫn thực thi, Ủy ban thương mại lành mạnh của Newzeland đưa ra khái niệm: “Thỏa thuận ấn định giá là trường hợp có một thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh để ấn định, kiểm soát hoặc duy trì mức giá, hoặc các yếu tố cấu thành giá của hàng hóa hay dịch vụ. Trên thực tế, thỏa thuận ấn định giá là bất kỳ một thỏa thuận hay hành động nào đó mà có tác động tới việc định giá của mỗi đối thủ cạnh tranh”. Một số dạng hành vi thỏa thuận ấn định giá được cơ quan này chỉ ra như thỏa thuận ấn định mức giá tối thiểu, thỏa thuận loại bỏ hoặc cắt giảm mức chiết khấu, thỏa thuận xây dựng công thức chuẩn để tính giá (adopt a formula for calculating price), thỏa thuận cùng tăng giá, thỏa thuận duy trì mức giá. Cơ quan này cũng khẳng định những nội dung trên đây chỉ mang tính định hướng thể hiện quan điểm riêng họ còn việc hành vi thỏa thuận có vi phạm luật hay không phải dựa vào quyết định của tòa án.
Úc quy định sự hợp tác giữa các đối thủ cạnh tranh với nỗ lực nhằm đạt được một giao kèo, sự sắp đặt hoặc thống nhất chung với mục đích để ấn định mức giá của bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào sẽ bị cấm căn cứ theo Phần 45 và 45A trong Đạo luật về hành vi thương mại (Trade Practices Act 1974). Điều này sau đó được quy định cụ thể tại Đạo luật cạnh tranh và người tiêu dùng năm 2010 (Competition and Consumer Act 2010).
Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc không đưa ra khái niệm nhưng xác định các yếu tố của thỏa thuận ấn định giá bất hợp pháp gồm: (1) có tồn tại một giao kèo, sự sắp đặt hoặc thống nhất chung (gọi là thỏa thuận) giữa các bên, (2) có ít nhất 2 trong số các bên tham gia thỏa thuận là đối thủ cạnh tranh, (3) thỏa thuận có mục đích hoặc có tác động ấn định, kiểm soát hay duy trì giá của hàng hóa hay dịch vụ, (4) những nội dung được ấn định phải là giá hoặc là mức giảm giá, mức triết khấu hay mức tín dụng liên quan đến giá của hàng hóa hay dịch vụ cung cấp hoặc theo yêu cầu của các bên tham gia thỏa thuận.
Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc cũng chỉ ra có những trường hợp mà các các đối thủ đang cạnh tranh trên thị trường sẽ bán hàng hóa hoặc dịch vụ ở mức giá bằng nhau hoặc giống nhau vì vậy sự biến động giá của một trong số đó cũng tương đối giống với mức biến động tương đương của phần còn lại. Mặc dù biểu hiện này khá giống với hành vi thỏa thuận ấn định giá nhưng không phải lúc nào cũng bị quy kết là thỏa thuận ấn định giá. Hiện tượng đó có thể do một số lý do kinh doanh hoàn toàn chính đáng như: (1) giá bán của doanh nghiệp được công khai quá rõ ràng (như bảng giá bán xăng dầu chẳng hạn) cho phép các đối thủ cạnh tranh nhanh chóng nắm bắt và điều chỉnh giá để  theo kịp với xu hướng thị trường (thường được hiểu như kiểu định giá song song  – parallel pricing), (2)một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường có thể có chi phí thấp hơn các hãng kinh doanh khác. Vì vậy, để tránh giảm hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp này điều chỉnh giá theo doanh nghiệp thống lĩnh. Khi đó, doanh nghiệp thống lĩnh trở thành kẻ “dẫn giá” còn các doanh nghiệp khác là những kẻ “ăn theo giá” . Về hình thức, Uỷ ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc cho rằng thỏa thuận ấn định giá không nhất thiết phải lập thành văn bản mà đơn giản chỉ cần là “một ám hiệu và một cái gật đầu” (a wink and a nod) được thực hiện thông qua một cuộc rượu tại một quán nhậu địa phương, tại một cuộc họp của Hiệp hội hoặc tại một sự kiện nào đó. Vấn đề cơ quan này quan tâm không phải thỏa thuận đó diễn ra như thế nào, bằng cách nào hoặc thậm chí là hiệu quả ra sao, mà vấn đề quan trọng đó là việc các đối thủ đã trao đổi để đưa ra mức giá cho các hàng hóa hay dịch vụ .
Anh ban hành Đạo luật cạnh tranh (Competition Act) năm 1998 và Cơ quan giám sát cạnh tranh và thị trường của Anh (CMA – Competition and Markets Authority) có thẩm quyền áp dụng và thực thi luật này song song với các quy định tại Điều 101 và 102, Hiệp ước cộng đồng Châu Âu. Theo giải thích của CMA  thì thỏa thuận ấn định giá là một khái niệm rộng bao gồm các dạng thỏa thuận về mặt pháp lý có thể thực hiện hoặc không thực hiện được, có thể được lập thành văn bản hoặc thỏa thuận miệng, nó bao gồm cả cái được gọi là thỏa thuận quân tử. Cũng không cần đòi hỏi các bên phải đạt được thỏa thuận thông qua gặp mặt và trao đổi trực tiếp, mà việc trao đổi thông tin qua thư tín hay điện thoại cũng đủ để nói lên thỏa thuận. Cơ quan này cũng khẳng định rằng, thực tế trong các vụ thỏa thuận có thể có một bên nào đó có thể chỉ đóng một vai trò rất hạn chế trong việc thiết lập ra thỏa thuận, hoặc có thể không hoàn toàn cam kết về việc thực hiện đúng thỏa thuận, hoặc cũng có thể chỉ tham gia thỏa thuận dưới sức ép của các thành viên khác, nhưng tất cả điều đó cũng không có nghĩa là thành viên đó không phải là một thành viên tham gia thỏa thuận (cho dù những yếu tố này có thể được xem xét khi quyết định mức tiền phạt áp dụng cho thành viên đó). Theo cơ quan này thì có vô số cách thức thỏa thuận ấn định giá, có thể là thỏa thuận trực tiếp ấn định mức giá nhưng cũng có thể là thỏa thuận ấn định các yếu tố cấu thành hay liên quan trực tiếp đến giá. Những thỏa thuận ấn định giá có thể hạn chế cạnh tranh, mặc dù không hoàn toàn làm triệt tiêu cạnh tranh giá. Có nhiều thỏa thuận chỉ hướng tới ấn định mức giá và chỉ tác động gián tiếp đến mức giá nhưng vẫn được xem là thỏa thuận ấn định giá như các thỏa thuận về mức giảm giá hay mức triết khấu, thỏa thuận về mức tính phí vận chuyển, phí thanh toán cho các dịch vụ kèm theo, thỏa thuận về các điều khỏa tín dụng hay bảo hiểm…
Như vậy, mặc dù không đưa ra khái niệm nhưng trong quá trình thực thi các cơ quan cạnh tranh có thể trực tiếp hay gián tiếp đưa ra những giải thích hoặc cách hiểu tương đối thống nhất về thỏa thuận ấn định giá.
Ngoài ra, trên bình diện quốc tế, thỏa thuận ấn định giá cũng được nghiên cứu và đề cập trong một số tổ chức quốc tế. Trong tài liệu“Bộ quy tắc đồng thuận đa phương về kiểm soát các hành vi hạn chế kinh doanh” do Tổ chức thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) ban hành xác định các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động cạnh tranh hoặc có khả năng cạnh tranh, cần phải hạn chế hành vi thỏa thuận ấn định giá, khi hành vi này, thông qua các thỏa thuận hoặc sự dàn xếp chính thức hoặc không chính thức, bằng văn bản hoặc không phải bằng văn bản, hạn chế sự tiếp cận thị trường hoặc hạn chế cạnh tranh một cách bất hợp lý, gây ảnh hưởng bất lợi hoặc có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối vớ thương mại quốc tế, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển, và đối với sự phát triển kinh tế của những nước này. Tổ chức này cũng đã nghiên cứu và đưa ra Luật mẫu về cạnh tranh trong đó nêu nghiêm cấm thỏa thuận ấn định giá hay các điều kiện bán hàng khác, bất kể bằng miệng hay bằng văn bản, chính thức hay không chính thức giữa các công ty đang hoặc sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau. Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) trong tài liệu Các thuật ngữ kinh tế, công nghiệp và cạnh tranh đưa ra khái niệm “thỏa thuận ấn định giá là thỏa thuận giữa những người bán để tăng hoặc ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh giữa các hãng này và thu được lợi nhuận cao hơn. Thỏa thuận ấn định giá được tạo lập bởi các hãng kinh doanh trong một nỗ lực nhằm cùng hành động một cách thống nhất như một thực thể độc nhất trên thị trường .
3. Các dạng biểu hiện của hành vi thỏa thuận ấn định giá
Tuy không có một khái niệm chung thống nhất nhưng một cách chung nhất có thể hiểu thỏa thuận ấn định giá là một thỏa thuận bất kỳ giữa các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh hoặc giữa các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ nhằm tăng, giảm, ấn định hoặc duy trì giá sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Đối với hành vi thỏa thuận ấn định giá không nhất thiết đòi hỏi các bên tham gia thỏa thuận phải bán ở cùng một mức giá giống nhau, một mức giá đồng nhất hoặc tất cả các đối thủ cạnh tranh trong một ngành nhất định cùng phải tham gia vào thỏa thuận. Thỏa thuận ấn định giá được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Một số dạng biểu hiện của hành vi thỏa thuận ấn định giá được các cơ quan cạnh tranh trên thế giới nhìn nhận và thống kê có thể bao gồm nhưng không giới hạn (i) xây dựng và áp dụng chung mức triết khấu, (ii) xây dựng và thống nhất mức giảm giá hay khuyến mại, (iii) thống nhất cùng giữ giá (không giảm giá), (iv) thống nhất cùng loại bỏ hoặc giảm mức triết khấu, mức giảm giá hay khuyến mại, (v) xây dựng và thống nhất công thức chung để tính giá, (vi) duy trì các mức giá cụ thể khác nhau giữa các dạng sản phẩm khác nhau, các kích cỡ khác nhau, hoặc duy trì mức khối lượng sản phẩm khác nhau, (vii) áp dụng mức phí tối thiểu hoặc thực hiện chính sách giá chung, (viii) ấn định các điều khoản về tín dụng, (ix) không thông báo về giá, (x) trao đổi thông tin về giá.
Theo quan điểm của nhiều cơ quan cạnh tranh trên thế giới thì bất kỳ dạng hành vi thỏa thuận nào giữa các đối thủ cạnh tranh trên thị trường nhằm hạn chế cạnh tranh về giá đều bị coi là bất hợp pháp.
4. Bản chất và tác động của hành vi thỏa thuận ấn định giá
Về bản chất, thỏa thuận ấn định giá là thỏa thuận nhằm loại bỏ, triệt tiêu hoặc hạn chế cạnh tranh về giá cả giữa các doanh nghiệp. Thỏa thuận ấn định giá có thể bao gồm các thỏa thuận (ngầm hoặc công khai) nhằm tăng, giảm, kìm giữ giá các sản phẩm trên thị trường.
Thỏa thuận ấn định giá là một trong những dạng thỏa thuận có tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh cũng như là nền kinh tế của các quốc gia. Tại phần nhận định trong bản án của Tòa án cấp quận khu vực đông Michigan tuyên đối với Công ty Nu-Phonics  xác định không có một thỏa thuận nào thể hiện một cách rõ ràng là hạn chế thương mại hơn là thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm ấn định mức giá, và thỏa thuận này bị coi là vi phạm mặc nhiên Đạo luật chống độc quyền Sherman ngay từ lúc ban đầu khi luật này mới được ban hành. Hoặc như ông Graeme Samuel, cựu Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc có nói thỏa thuận ấn định giá, một trong số những hình thái biểu hiện của hành vi các-ten, bị coi là một khối u ác tính của nền kinh tế Úc. Nó là kẻ thù của định giá cạnh tranh, là nguyên nhân gây ra tình trạng giá cả cao hơn mức mà thị trường cho phép . Còn với thái độ chỉ trích tiêu cực hơn nữa, ông William E. Kovacic, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại lành mạnh liên bang Mỹ cho rằng hành vi các-ten nói chung và hành vi thỏa thuận ấn định giá nói riêng có tác động rất xấu đến bất kỳ nền kinh tế nào, nó như là một cái ung nhọt của nền kinh tế thị trường và đặc biệt hành vi này có thể bị xem như là hành vi ăn cướp trắng trợn và còn có tính chất nghiêm trọng hơn cả hành vi ăn cướp vì nó có ảnh hưởng tới và xâm phạm lợi ích của nhiều người tiêu dùng và là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn của nền kinh tế . Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan cạnh tranh trên thế giới hiện nay là phòng chống, đấu tranh và điều tra, xử lý đối với các hành vi thỏa thuận ấn định giá.
5. Nguyên tắc, hình thức và mức độ xử lý
Thực tiễn thực thi, trên cơ sở đánh giá mức độ nguy hại của dạng hành vi, các nước đi trước đã đưa ra các nguyên tắc để đánh giá tính bất hợp pháp của một thỏa thuận. Có hai nguyên tắc được các cơ quan cạnh tranh trên thế giới sử dụng bao gồm nguyên tắc vi phạm mặc nhiên (per se illegal) và nguyên tắc đánh giá tác động hợp lý (rule of reason). Do hành vi thỏa thuận ấn định giá có tính chất nghiêm trọng nên thường được xử lý theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. Đối tượng có thể bị xử lý là các cá nhân và/hoặc tổ chức tham gia thỏa thuận. Hình thức xử lý gồm (i) phạt tù có thể được áp dụng đối với cá nhân, (ii) phạt tiền có thể được áp dụng đối với cá nhân và/hoặc tổ chức, (iii) biện pháp khắc phục hậu quả. Trước đây Hoa Kỳ là quốc gia đi tiên phong trong việc quy định áp dụng hình thức xử phạt tù đối với các đối tượng vi phạm trong các vụ thỏa thuận ấn định giá còn các quốc gia khác chỉ quy định hình thức xử phạt tiền. Tuy nhiên, do tính chất nghiêm trọng của hành vi nên hiện nay có nhiều quốc gia trên thế giới đã chính thức áp dụng hình thức xử phạt tù đối với đối tượng vi phạm và nhiều quốc gia khác đang trong quá trình nghiên cứu áp dụng.
6. Thỏa thuận ấn định giá theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam
Thỏa thuận ấn định giá được liệt kê là một dạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11 và bị cấm theo quy định tại Điều 12, Luật Cạnh tranh 2018.
Khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 quy định “thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Và theo quy định tại Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018, thỏa thuận này bị cấm theo hai trường hợp:
–    Khoản 1 Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 quy định cấm thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan.
–    Khoản 4 Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 quy định cấm thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Mặc dù không có văn bản pháp lý quy định chi tiết, cụ thể những biểu hiện của hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018. Tuy nhiên, phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh trên thế giới và thông lệ của Việt Nam, biểu hiện của hành vi thỏa thuận ấn định giá:
–    Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp bao gồm nhưng không giới hạn ở các hành vi thỏa thuận sau đây: (i) Thỏa thuận áp dụng các mức giá cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ; (ii) Thỏa thuận tăng giá ở một mức cụ thể hoặc thống nhất về tỉ lệ tăng giá; (iii) Thỏa thuận không giảm giá hoặc chỉ giảm giá ở một mức cụ thẻ hoặc thống nhất về tỉ lệ giảm giá; (iv) Thỏa thuận áp dụng công thức tính giá hoặc các yếu tố cấu thành giá; (v) Thỏa thuận về mức giá tối thiểu của hàng hóa, dịch vụ; (vi) Thỏa thuận về xác định hoặc duy trì giá trong một khoảng nhất định; (vii) Thỏa thuận về việc phải thông tin, tham vấn lẫn nhau mỗi khi tăng hoặc giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ; (viii) Thỏa thuận về các mức giá của hàng hóa, dịch vụ để đàm phán ký kết hợp đồng với một bên thứ ba bất kỳ.
–    Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách gián tiếp bao gồm nhưng không giới hạn ở những hành vi thỏa thuận sau đây: (i) Các hành vi thỏa thuận tại khoản 1 điều này đối với các hàng hóa, dịch vụ khác có liên quan; (ii) Thỏa thuận không chiết khấu, không khuyến mại, không cấp tín dụng hoặc không thực hiện các chương trình hậu mãi, chăm sóc khách hàng hoặc các điều kiện thương mại có liên quan trực tiếp đến giá khác; (iii) Thỏa thuận giữa nhà cung cấp với các đại lý, nhà phân phối về giá bán lại tối thiểu hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng; (iv) Trao đổi thông tin về giá và các chương trình khuyến mại, giảm giá, chiết khấu.
Theo quy định tại Điều 14, Luật Cạnh tranh 2018 thoả thuận ấn định giá là một trong những hành vi có thể được xem xét cho hưởng miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng được một hoặc một số những điều kiện: (a) Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; (b) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế; (c) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm; (d) Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá. Tuy nhiên, đây không phải là quy định miễn trừ tự động mà để được hưởng miễn trừ, các bên tham gia thỏa thuận phải thực hiện thủ tục đề nghị cho hưởng miễn trừ quy định. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị cho hưởng miễn trừ của các bên, cơ quan cạnh tranh có trách nhiệm xem xét, thẩm định và quyết định.
Theo quy định tại Điều 110, Luật Cạnh tranh 2018, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh; tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; loại bỏ điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh; chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế; chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế; cải chính công khai; các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm.
Theo quy định tại Điều 111, Luật Cạnh tranh 2018 mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh quy định phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận đối với hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận đối với hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
7. Một số đánh giá
Trên cơ sở các quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam về hành vi thỏa thuận ấn định giá và căn cứ vào các quy định cũng như thực tiễn thực thi luật cạnh tranh của các quốc gia khác trên thế giới có thể thấy một số điểm sau:
Thứ nhất, quan điểm lập pháp và quy định cụ thể về hành vi thỏa thuận ấn định giá của Việt Nam về cơ bản phù hợp với thực tiễn thế giới.
Thứ hai, quy định thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như tại Khoản 1, Điều 11, Luật Cạnh tranh 2018 là chính xác và khoa học, thể hiện được bản chất của hành vi. Trong thực tiễn đời sống kinh tế có rất nhiều các dạng hành vi thỏa thuận của doanh nghiệp có tác động ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để từ đó hạn chế hoặc làm giảm sức ép cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp. Trong quá trình thực thi, cơ quan cạnh tranh cần lưu tâm đối với những dạng hành vi thỏa thuận ấn định giá gián tiếp, ấn định các yếu tố không phải là giá nhưng có tác động trực tiếp đến giá.
 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương