edf40wrjww2News:News_Content
Các-ten quốc tế có mức độ nghiêm trọng hơn nhiều, bởi phạm vi ảnh hưởng của nó rất rộng lớn, ở quy mô đa quốc gia.
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế với sự hình thành của các tập đoàn xuyên quốc gia, với các doanh nghiệp có mạng lưới chi nhánh và hệ thống phân phối trên toàn cầu, thì các-ten quốc tế ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Một vụ các-ten quốc tế được coi là điển hình trong thời gian gần đây là vụ các-ten ấn định giá giữa các hãng hàng không quốc tế, được điều tra và xử lý đồng thời tại nhiều nước như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, Canada, Singapore, Hàn Quốc…Số tiền mà các hãng hàng không này phải nộp phạt do hành vi các-ten giá đã gây ấn tượng lớn với những con số lên tới hàng trăm triệu đô la.
1. Thông tin về vụ việc
Vụ việc các-ten quốc tế trong lĩnh vực vận tải hàng không nói trên liên quan đến việc hàng chục hãng hàng không quốc tế lớn đã thống nhất với nhau về các mức phụ phí nhiên liệu và phụ phí an ninh trong lĩnh vực vận tải hàng không, kéo dài hơn 6 năm từ năm 1999 đến năm 2006. Thỏa thuận này bắt đầu từ việc ấn định phụ phí nhiên liệu vào năm 1999, sau đó mở rộng sang việc áp dụng chung mức phụ phí an ninh với sự tham gia của hàng loạt các hãng hàng không danh tiếng như British Airway, Lufthansa, Air France-KLM (bao gồm cả Martinair), Cargolux, Singapore Airlines, Cathay Pacific, Japan Airlines, Korean Airlines, Air Canada, Qantas, LAN Chile, Garuda, Malaysian Airlines, Air New Zealand, Emirates, Thai Airways, SAS, Nippon Cargo, Asiana, Northwest Airlines, Polar Air Cargo…
2. Quá trình điều tra
Trong tháng 2 năm 2006, Vụ Chống độc quyền Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (US DoJ) và Ủy ban châu Âu đã tiến hành khám xét đồng loạt tại văn phòng của một số hãng hàng không ở các nước trên thế giới sau khi một trong các bên tham gia các-ten tự nguyện khai báo với các cơ quan này. Theo quan điểm của Ủy ban châu Âu, có lý do xác đáng để họ tin rằng các hãng hàng không này có thể vi phạm quy định về các-ten của EU. Ngoài việc khám xét, các cơ quan cạnh tranh này cũng gửi công văn yêu cầu các hãng hàng không cung cấp những thông tin, chứng cứ cần thiết liên quan đến thỏa thuận ấn định giá trong lĩnh vực vận tải hàng không.
Sau cuộc khám xét tại Hoa Kỳ và EU cho thấy có dấu hiệu về một vụ các-ten giá giữa hàng chục hãng hàng không quốc tế danh tiếng, các cơ quan cạnh tranh khác như Ủy ban cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Úc (ACCC), Cục Cạnh tranh Canada (CCB), Ủy ban Thương mại New Zealand (NZCC), Ủy ban thương mại công bằng của Hàn Quốc (KFTC), Ủy ban cạnh tranh của Singapore (CCS)…cũng đã bắt tay vào điều tra vụ việc. Do tính chất phức tạp của một vụ các-ten quốc tế, số lượng hãng hàng không tham gia thỏa thuận tương đối lớn, có hoạt động và mạng lưới phân phối ở nhiều quốc gia khác nhau, nên việc điều tra và theo đuổi kiện tụng được kéo dài từ năm 2006 đến nay vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, EU, Úc, Canada, các thủ tục tố tụng tại tòa án đối với một số hãng hàng không lớn đã được hoàn thành, kết quả là các doanh nghiệp này đã phải chịu mức xử lý vi phạm nặng nề.
3. Kết quả xử lý
Hình phạt được áp dụng đối với các hãng hàng không vi phạm các quy định về các-ten có thể bao gồm phạt tiền và phạt tù với mức độ xử lý khác nhau tùy thuộc vào quy định trong pháp luật cạnh tranh của các nước khác nhau và quan điểm của các cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động và mức thiệt hại do các-ten gây ra.
a) Hoa Kỳ
Vụ chống độc quyền, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đề xuất áp dụng các hình thức phạt hình sự đối với các hãng hàng không quốc tế và các cá nhân vi phạm quy định về các-ten. Tính đến thời điểm này, đã có 16 hãng hàng không và 4 lãnh đạo bị phạt, trong đó tổng số tiền phạt lên tới hơn 1.6 tỉ USD và 4 vị lãnh đạo cấp cao của một số doanh nghiệp ngoài việc bị phạt tù còn phải chịu hình thức phạt tiền cá nhân.
Bảng 1 dưới đây tóm tắt lại kết quả điều tra và xử lý đối với 16 hãng hàng không và 4 cá nhân vi phạm quy định về các-ten từ 01 tháng 8 năm 2007 đến nay:
Bảng 1. Kết quả điều tra và xử lý đối với các hãng hàng không và cá nhân
vi phạm các quy định về các-ten tại Hoa Kỳ
STT |
Hãng hàng không/cá nhân |
Ngày tháng |
Hành vi vi phạm |
Tình trạng pháp lý |
Mức phạt (USD) |
1 |
British Airways |
1/8/2007 |
Thông đồng ấn định giá trong vận tải hàng hóa và hành khách |
vi phạm |
300,000,000 |
2 |
Korean Airlines |
1/8/2007 |
Thông đồng ấn định giá trong vận tải hàng hóa và hành khách |
vi phạm |
300,000,000 |
3 |
Qantas |
27/11/2007 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
61,000,000 |
4 |
JAL |
16/4/2008 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
110,000,000 |
5 |
Air France-KLM |
26/6/2008 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
350,000,000 |
6 |
Cathay |
26/6/2008 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
60,000,000 |
7 |
SAS |
26/6/2008 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
52,000,000 |
8 |
Martinair |
26/6/2008 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
42,000,000 |
9 |
LAN Chile |
22/01/2009 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
88,000,000 |
10 |
ABSA |
22/01/2009 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
21,000,000 |
11 |
EL AL Israel |
22/01/2009 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
15,700,000 |
12 |
Cargolux |
9/4/2009 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
119,000,000 |
13 |
Nippon Cargo |
9/4/2009 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
45,000,000 |
14 |
Asiana |
9/4/2009 |
Thông đồng ấn định giá trong vận tải hàng hóa và hành khách |
vi phạm |
50,000,000 |
15 |
Northwest Airlines |
30/7/2010 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
38,000,000 |
16 |
Polar Air Cargo |
2/9/2010 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
17,400,000 |
17 |
Bruce McCaffrey, Qantas |
8/5/2008 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
6 tháng tù và 20,000 USD |
18 |
Timothy Pfeil, SAS |
28/7/2008 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
6 tháng tù và 5,000 USD |
19 |
Keith Packer, British Airways |
30/9/2008 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
8 tháng tù và 20,000 USD |
20 |
Frank de Jong, Martinair |
29/4/2009 |
Thông đồng ấn định mức phí trong vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
8 tháng tù và 20,000 USD |
Nguồn: Tổng hợp của Maurice Blackburn Laywers
b) Úc
Tháng 10 năm 2008, ACCC khởi động các thủ tục tố tụng tại Tòa án Liên bang Úc đối với những hãng không đầu tiên trong số các doanh nghiệp vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bao gồm Qantas và British Airway. Theo đó, Qantas và British Airway phải chịu mức phạt tiền lần lượt là 20 triệu đô la Úc và 5 triệu đô la Úc (sau khi đã miễn giảm lần lượt 50% và 30% nhờ phối hợp tốt với ACCC).
Hiện nay, ACCC đang tiến hành tố tụng đối với mỗi hãng hàng không trong số các doanh nghiệp bị điều tra, trừ hãng hàng không Lufthansa được hưởng chính sách khoan dung nhờ đáp ứng đúng yêu cầu về hợp tác với cơ quan cạnh tranh.
Tính đến thời điểm tháng 4/2011, tổng số tiền phạt đã lên tới 46.5 triệu đô la Úc. Mức phạt cụ thể áp dụng đối với từng hãng hàng không được liệt kê trong bảng 2 dưới đây:
Bảng 2. Kết quả xử lý đối với các hãng hàng không vi phạm
các quy định về các-ten tại Úc
STT |
Hãng hàng không |
Ngày tháng |
Mức phạt đề xuất |
Kết quả xử lý |
1 |
Qantas |
28/10/2008 |
Phạt 20 triệu đô la Úc về hành vi ấn định giá trong vận tải hàng không quốc tế |
Ngày 11/12/2008 Tòa án Liên bang đã phê chuẩn mức phạt đề xuất |
2 |
British Airways |
28/10/2008 |
Phạt 5 triệu đô la Úc về hành vi ấn định giá trong vận tải hàng không quốc tế |
Ngày 11/12/2008 Tòa án Liên bang đã phê chuẩn mức phạt đề xuất |
3 |
Singapore Airlines |
22/12/2008 |
ACCC tiến hành thủ tục tố tụng chống lại Singapore Airlines Cargo về hành vi ấn định giá |
đang tiến hành |
4 |
Air France |
10/2/2009 |
Phạt 3 triệu đô la Úc về hành vi ấn định giá trong vận tải hàng không quốc tế |
Ngày 16/02/2009 Tòa án Liên bang đã phê chuẩn mức phạt đề xuất |
5 |
KLM |
10/2/2009 |
Phạt 3 triệu đô la Úc về hành vi ấn định giá trong vận tải hàng không quốc tế |
Ngày 16/02/2009 Tòa án Liên bang đã phê chuẩn mức phạt đề xuất |
6 |
Martinair |
10/2/2009 |
Phạt 5 triệu đô la Úc về hành vi ấn định giá trong vận tải hàng không quốc tế |
Ngày 16/02/2009 Tòa án Liên bang đã phê chuẩn mức phạt đề xuất |
7 |
Cargolux |
10/2/2009 |
Phạt 5 triệu đô la Úc về hành vi ấn định giá trong vận tải hàng không quốc tế |
Ngày 16/02/2009 Tòa án Liên bang đã phê chuẩn mức phạt đề xuất |
8 |
Cathay Pacific |
30/4/2009 |
ACCC tiến hành thủ tục tố tụng chống lại Cathay Pacific về hành vi ấn định giá |
đang tiến hành |
9 |
Emirates |
18/8/2009 |
ACCC tiến hành thủ tục tố tụng chống lại Emirates về hành vi ấn định giá |
đang tiến hành |
10 |
Garuda Indonesia |
2/9/2009 |
ACCC tiến hành thủ tục tố tụng chống lại Garuda Indonesia về hành vi ấn định giá |
đang tiến hành |
11 |
Thai Airways |
28/10/2009 |
ACCC tiến hành thủ tục tố tụng chống lại Thai Airways về hành vi ấn định giá |
đang tiến hành |
12 |
Korean Air |
5/3/2010 |
ACCC tiến hành thủ tục tố tụng chống lại Korean Air về hành vi ấn định giá |
đang tiến hành |
13 |
Malaysian Airlines |
9/4/2010 |
ACCC tiến hành thủ tục tố tụng chống lại Malaysian Airlines về hành vi ấn định giá |
đang tiến hành |
14 |
JAL |
17/5/2010 |
Phạt 5.5 triệu đô la Úc về hành vi ấn định giá trong vận tải hàng không quốc tế |
Ngày 11/4/2011 Tòa án Liên bang đã phê chuẩn mức phạt đề xuất |
15 |
Air New Zealand |
17/5/2010 |
ACCC tiến hành thủ tục tố tụng chống lại Air New Zealand về hành vi ấn định giá |
đang tiến hành |
Nguồn: Tổng hợp của Maurice Blackburn Laywers và mục tin tức trên
trang tin điện tử của ACCC (www.accc.gov.au)
c) Canada
Năm 2009, Cục Cạnh tranh Canada đã hoàn thành điều tra và đề xuất xử lý vi phạm đối với 5 hãng hàng không bao gồm Air France, KLM, Martinair, Qantas và British Airways với mức phạt tiền cụ thể như sau:
Bảng 3. Kết quả điều tra và xử lý đối với các hãng hàng không vi phạm
các quy định về các-ten tại Canada
STT |
Hãng hàng không/cá nhân |
Ngày tháng |
Hành vi vi phạm |
Tình trạng pháp lý |
Mức phạt (CAN$) |
1 |
Air France |
26/6/2009 |
thông đồng ấn định phí đối trong lĩnh vực vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
4,000,000 |
2 |
KLM |
26/6/2009 |
thông đồng ấn định phí đối trong lĩnh vực vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
5,000,000 |
3 |
Martinair |
26/6/2009 |
thông đồng ấn định phí đối trong lĩnh vực vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
1,000,000 |
4 |
Qantas |
7/7/2009 |
thông đồng ấn định phí đối trong lĩnh vực vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
155,000 |
5 |
British Airways |
30/10/2009 |
thông đồng ấn định phí đối trong lĩnh vực vận tải hàng hóa quốc tế |
vi phạm |
4,500,000 |
Nguồn: Tổng hợp của Maurice Blackburn Laywers
d) Các cơ quan cạnh tranh khác
Vụ các-ten quốc tế trong lĩnh vực vận tải hàng không này cũng được điều tra và xử lý ở nhiều quốc gia khác như EU, New Zealand, Hàn Quốc…
Ngày 21 tháng 12 năm 2007, Ủy ban châu Âu xác nhận đã gửi Bản luận tội (Statement of Objections) cho một số hãng hàng không liên quan đến hành vi tham gia các-ten ấn định giá. Bản luận tội là một trong các bước chính thức trong điều tra chống độc quyền của Ủy ban châu Âu, theo đó Ủy ban thông báo cho các bên liên quan bằng văn bản về các vấn đề mà Ủy ban đang tố cáo họ. Các hãng hàng không thông báo đã nhận được “Bản luận tội” bao gồm Qantas, Singapore Airlines, Cathay Pacific, Air New Zealand, JAL, British Airways, Air France-KLM, SAS, Cargolux, Lan Airlines và All Nippon.
Cuối năm 2008, Ủy ban thương mại New Zealand (NZCC) đã khởi kiện ra Tòa án dân sự tối cao tại Auckland đối với 13 hãng hàng không và 7 lãnh đạo cấp cao về việc thực hiện hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh trên thị trường vận tải hàng không trong suốt một thời gian dài, gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tại cả trong và ngoài phạm vi lãnh thổ New Zealand. Các hãng hàng không bị khởi kiện bao gồm Air New Zealand, Qantas, British Airways, Cargolux International, Cathay Pacific, Emirates, Garuda, Japan Airlines, Korean Airlines, Malaysian Airline System, Singapore Airlines, Thai Airways và United Airlines.
Trong khi đó, Ủy ban thương mại lành mạnh Hàn Quốc (KFTC) đã xử phạt 19 hãng hàng không do tham gia các-ten vận tải hàng không. Tổng số tiền phạt được đưa ra là 120 tỉ won (tương ứng với 118 triệu đô la Mỹ), trong đó các hãng hàng không trong nước là Korean Air và Asiana Airlines phải chịu mức phạt lớn nhất, lần lượt là 48.7 và 20.7 tỉ won.
Sự khác biệt giữa các quốc gia trong điều tra và xử lý vụ việc
Với cùng một vụ việc các-ten nhưng quá trình điều tra và kết quả xử lý của các cơ quan cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm hoàn toàn không giống nhau giữa các quốc gia, do có sự khác biệt trong các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu của quá trình điều tra, để thu thập tài liệu, chứng cứ, Hoa Kỳ và EU đã áp dụng biện pháp khám xét tại chỗ. Việc khám xét được tiến hành đồng loạt, cùng thời điểm nhằm tránh việc tẩu tán chứng cứ. Tuy nhiên, tại Úc hay một số quốc gia khác, thay vì khám xét cơ quan cạnh tranh thường sử dụng lệnh yêu cầu cung cấp thông tin bắt buộc.
Bên cạnh đó, các hình thức xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp, cá nhân tham gia các-ten giá cũng như các mức độ phạt cũng khác nhau giữa các nước, tùy thuộc vào các tiêu chí xác định hình thức và mức độ xử lý vi phạm đối với các-ten của từng nước. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ và New Zealand, một số cá nhân là lãnh đạo cấp cao của một số hãng hàng không tham gia thỏa thuận ấn định giá trong lĩnh vực vận tải hàng không phải chịu hình thức phạt tù và/hoặc phạt tiền. Trong khi đó tại Úc, mặc dù Luật Cạnh tranh mới được sửa đổi, bổ sung năm 2009 theo hướng hình sự hóa các-ten, tuy nhiên trong vụ việc này, ACCC chưa áp dụng các hình thức phạt tù đối với các cá nhân tham gia khởi xướng, tổ chức thỏa thuận. Hàn Quốc và Canada chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Mức phạt tiền được áp dụng đối với các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận ấn định giá trong lĩnh vực vận tải hàng không có sự chênh lệch khá lớn giữa các quốc gia. Các hãng hàng không lớn như Qantas, British Airways, Air France-KLM, Korean Air, Martinair bị phạt hàng trăm triệu đô la Mỹ tại Hoa Kỳ, vài triệu cho đến vài chục triệu đô la tại Úc, Canada, Hàn Quốc…
Mặc dù khác biệt về cách thức điều tra và hình thức, mức độ xử lý vi phạm, tuy nhiên các cơ quan cạnh tranh này đều có chung quan điểm coi các-ten giá là hành vi phản cạnh tranh nguy hại nhất. Do đó, mức phạt nặng kết hợp với chính sách, chương trình khoan dung, miễn giảm hình phạt được các cơ quan cạnh tranh này áp dụng triệt để nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.
Khó khăn, bất cập
Với sự áp dụng hiệu quả các chương trình khoan dung, miễn giảm hình phạt, việc phát hiện và xử lý các-ten đã trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong một vụ các-ten quốc tế, đặc biệt đối với trường hợp mà thỏa thuận được thực hiện trong suốt thời gian dài như vụ các-ten giá nêu trên, thì các cơ quan cạnh tranh gặp không ít khó khăn trong quá trình điều tra và xử lý.
Thứ nhất, đây là một vụ các-ten quốc tế với sự tham gia của nhiều hãng hàng không đến từ khắp các châu lục như châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi. Các hãng hàng không này có trụ sở chính và các văn phòng đại diện, chi nhánh đặt tại nhiều nước trên thế giới. Ngôn ngữ mà họ sử dụng để trao đổi thông tin hết sức đa dạng, không chỉ dùng duy nhất tiếng Anh. Do đó, một trong những khó khăn khiến cho quá trình điều tra bị kéo dài đó là yêu cầu phải dịch các tài liệu, chứng cứ từ tiếng nước ngoài sang ngôn ngữ được sử dụng tại quốc gia mà cơ quan cạnh tranh đang tiến hành điều tra.
Thứ hai, vụ các-ten giá này có sự tham gia của hàng chục hãng hàng không của các nước khác nhau, do đó với số lượng hàng trăm nghìn văn bản, tài liệu cũng gây trở ngại cho việc thu thập, quản lý thông tin, chứng cứ.
Thứ ba, việc thỏa thuận giữa các hãng hàng không về mức phụ phí nhiên liệu và phụ phí an ninh được kéo dài trong khoảng thời gian hơn 6 năm từ năm 1999 đến năm 2006 mới bị phát hiện, do đó việc thẩm vấn, lấy lời khai của nhân chứng và các bên bị điều tra cũng gặp khó khăn trong nỗ lực gợi nhớ lại các sự kiện đã xảy ra rất lâu trong quá khứ.
Sự cần thiết phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh
Xuất phát từ những khó khăn nêu trên cho thấy, việc phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh các nước trong việc trao đổi thông tin, tài liệu, chứng cứ, kết quả điều tra, xác minh, xử lý…là hết sức cần thiết nhằm rút ngắn quá trình điều tra và thực thi hiệu quả pháp luật và chính sách cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực điều chỉnh các hành vi các-ten quốc tế.
Thực tế, nhiều cơ quan cạnh tranh như Hoa Kỳ, EU đã rất tích cực trong việc vận động các cơ quan cạnh tranh khác cùng phối hợp trong điều tra các-ten quốc tế. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có quy định riêng về việc bảo mật thông tin, tài liệu của doanh nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do khiến các cơ quan cạnh tranh e ngại trong việc chia sẻ thông tin trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh nói chung và điều tra các-ten nói riêng.
Người viết: Hoàng Thị Thu Trang
Đơn vị: Ban Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh