edf40wrjww2News:News_Content
Tham dự buổi Tọa đàm có các đại biểu của VCAD, đại diện của các Bộ/ ngành, các viện, trường và phòng pháp chế của các Doanh nghiệp.
Phần trình bày của diễn giả với các nội dung chính bao gồm: bản chất pháp lý của cơ quan cạnh tranh; các yêu cầu cơ bản và tiêu chí xây dựng mô hình; thực trạng cơ quan cạnh tranh Việt Nam; những bất cập và một số khuyến nghị.
Chủ đề của Tọa đàm gắn liền với cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan cạnh tranh đã nhận được sự quan tâm và nhiệt tình đóng góp ý kiến từ phía các đại biểu.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huyên đến từ Bộ Tư pháp cho rằng cần có sự phân tích sâu hơn về bản chất pháp lý của cơ quan cạnh tranh, phải chỉ rõ được đâu là mặt “hành pháp”, đâu là mặt “tư pháp” và tính độc lập ở mức độ nào. Theo đó, việc trao quyền tự quyết trong điều tra là điều cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Ông Huyên cũng nêu ra lo ngại về việc “vênh nhau” giữa Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ, và thẩm quyền giải quyết của các đơn vị liên quan.
Theo quan điểm của Luật sư Lê Xuân Lộc, cần tập trung làm rõ mối quan hệ giữa VCAD và các chủ thể khác trong nền kinh tế, đây cũng là cơ hội để hướng dẫn hoạt động của các doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật. Bên cạnh đó, Ông Lộc cũng bày tỏ quan ngại đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nên có sự phân định quyền hạn một cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của mình VCAD không chỉ cần có sự độc lập mà còn cần có sự phối hợp với các tổ chức, đơn vị khác để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Theo ý kiến của Ông Hoàng Thành Nam – Viện Khoa học Kiểm sát, với một đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao nên được chia ra thành các nội dung thảo luận mang tính chuyên sâu và cần có thời gian trao đổi rộng rãi hơn. Ông Ngô Đức Minh – Vụ Pháp chế đánh giá đề tài có tính khoa học cao và nhất trí với một số đề xuất của tác giả Trịnh Anh Tuấn trong việc tách hoạt động điều tra phòng vệ thương mại ra khỏi hoạt động của VCAD.
Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc phân định thẩm quyền giải quyết cần được căn cứ vào luật gốc, đối với luật hình thức thì nên căn cứ vào Luật tố tụng và đối với luật nội dung thì nên bắt đầu từ Luật Dân sự. Các hành vi cạnh tranh liên quan đến khía cạnh kinh tế nhiều hơn và do đó việc điều chỉnh quan hệ dân sự cần được tính đến trước tiên.
Phần thảo luận đã diễn ra trong không khí sôi nổi và cởi mở. Các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra quan điểm và nhận định về mô hình tổ chức của cơ quan cạnh tranh. Đây là vấn đề hết sức cần thiết trong việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức của cơ quan cạnh tranh Việt Nam và các khuyến nghị, đề xuất của các đại biểu sẽ tiếp tục được nghiên cứu và đem ra trao đổi ở các chương trình tọa đàm sau.