BVNTD

Tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu Thực trạng và Đề xuất giải pháp thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”

22/06/2022

Trước yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế thị trường, Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2004, có hiệu lực từ tháng 7 năm 2005 được áp dụng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam với phạm vi áp dụng liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ngày 12 tháng 6 năm 2018, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cạnh tranh 2018, thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 với nhiều sửa đổi nhằm tăng cường hiệu quả thực thi.

Song song với Luật Cạnh tranh, ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ – văn bản luật độc lập đầu tiên quy định riêng về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam – được Quốc hội khóa XI thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Luật quy định về quyền tác giảquyền liên quan đến quyền tác giảquyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Ngày 19 tháng 6 năm 2009, nhằm điều chỉnh một số vấn đề cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được ban hành.

Xem xét mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ là một vấn đề không hề đơn giản. Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ là hai luật đặc thù của nền kinh tế thị trường có mục tiêu chung nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Pháp luật sở hữu trí tuệ khuyến khích sáng tạo bằng cách trao cho người chủ sở hữu quyền bảo hộ độc quyền trong việc khai thác tài sản sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, pháp luật cạnh tranh khuyến khích sáng tạo bằng cách tạo cơ hội công bằng cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích công cộng, không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng an ninh. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ được pháp luật trao các quyền độc quyền khai thác và ngăn cản các chủ thể khác xâm phạm tới quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ, chính điều đó đã giúp chủ sở hữu hình thành một lợi thế cạnh tranh, một quyền lực thị trường. Đó chính là nguyên nhân để các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải sử dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh để can thiệp vào các quan hệ sở hữu trí tuệ. Theo đó, việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ mặc dù là quyền độc quyền hợp pháp của chủ sở hữu nhưng độc quyền đó không được phép xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Với các lợi thế cạnh tranh có được từ độc quyền sở hữu trí tuệ, các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ có thể ngăn cản việc tiếp cận khoa học công nghệ thông qua các ràng buộc mang tính hạn chế cạnh tranh nhằm ngăn cản sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác, thậm chí là từ chối chuyển giao dẫn đến ngăn cản sự tiếp cận khoa học công nghệ, phát minh sáng tạo của người tiêu dùng. Tất cả những điều đó, nếu xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và phúc lợi cho cộng đồng. Điều đó đòi hỏi hệ thống pháp luật các quốc gia ngoài các quy định đảm bảo quyền độc quyền cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, cũng như cơ chế đảm bảo cho họ thực hiện các quyền năng của mình một cách thuận lợi, hiệu quả thì cũng cần có các quy định ngăn cản hành vi lạm dụng quyền năng đó của họ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác, cũng như những yêu cầu chính đáng cho sự phát triển chung của cộng đồng, bảo vệ môi trường cạnh tranh góp phần phát triển kinh tế quốc gia.

Tại Việt Nam, tầm quan trọng của việc điều chỉnh pháp luật cạnh tranh đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ bước đầu đã được đề cập trong các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ mới chỉ dừng lại điều chỉnh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi hạn chế cạnh tranh được dẫn chiếu sang các quy định của pháp luật cạnh tranh. Trong khi đó, Luật Cạnh tranh 2004 và Luật Cạnh tranh 2018 hướng đến điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh nói chung chứ không có các quy định dành riêng cho các hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, các đặc trưng của quyền sở hữu hữu trí tuệ không được tính đến khiến cho rất nhiều các hành vi trên thực tế được xem là quyền hợp pháp của chủ sở hữu theo quy định của luật sở hữu trí tuệ lại trở thành hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu Thực trạng và Đề xuất giải pháp thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” được thực hiện nhằm nghiên cứu một cách tổng thể mối quan hệ giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với pháp luật cạnh tranh, đánh giá thực trạng thực thi, học tập kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật bản, Singapore nhằm đề xuất một số giải pháp làm nền tảng xây dựng các nguyên tắc và phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ cân bằng lợi ích giữa quyền độc quyền của chủ sở hữu và môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư, nghiên cứu sáng tạo gắn liền với phát triển kinh tế quốc gia, đảm bảo lợi ích cộng đồng, phúc lợi xã hội.

Sử dụng các phương pháp nghiên cứu tại bàn, tổng hợp, thống kê, xử lý số liệu; phân tích định tính, Đề tài nghiên cứu khoa học tập trung nghiên cứu các nội dung gồm: (i) Cơ sở lý luận chung, quy định pháp luật về mối quan hệ giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh (gồm Nghiên cứu mối quan hệ giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; Nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp quy định pháp luật của Việt Nam về hành vi hạn chế cạnh tranh lien quan đến quyền sở hữu trí tuệ; Nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp quy định pháp luật của Việt Nam về hành vi hạn chế cạnh tranh lien quan đến quyền sở hữu trí tuệ; Nghiên cứu về quyền sở hữu trí tuệ và tác động của quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh); (ii) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc); (iii) Thực trạng thực thi và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Về đánh giá, tổng hợp quy định pháp luật của Việt Nam về hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ: Pháp luật về hạn chế cạnh tranh ngăn cấm những hành vi tạo lập và sử dụng sức mạnh thị trường một cách bất chính. Trong khi đó, cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ lại trao cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ mang tính độc quyền. Như vậy, bảo hộ sở hữu trí tuệ đã giúp chủ sở hữu trí tuệ hình thành một quyền lực thị trường đối với những người muốn tiếp cận tài sản trí tuệ, ngược lại, quyền lực thị trường lại chính là một trong các đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. Nhà nước xem xét sử dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh can thiệp vào mối quan hệ về sở hữu trí tuệ nhằm ngăn ngừa việc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ lạm dụng sức mạnh, quyền lực thị trường mà nó có được từ việc sở hữu tài sản trí tuệ, nhằm cân bằng, bảo vệ lợi ích của cộng đồng.

Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh Việt Nam đã có nhiều quy định khác nhau về hình thức điều chỉnh, can thiệp của nhà nước vào độc quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh và phúc lợi xã hội. Để đạt được mục tiêu này, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã đưa ra các quy định nhằm giới hạn thời gian, không gian của quyền sở hữu trí tuệ; buộc chủ sở hữu sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ đúng mục đích, buộc chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ cho người khác với các điều kiện hợp lý, ngăn cấm chủ sở hữu áp đặt các điều kiện bất hợp lý với người nhận chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định này đều là các quy định hợp lý, là các công cụ pháp lý cơ bản nhằm điều chỉnh, ngăn ngừa các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện các hành vi gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, trong thủ tục bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành chưa thể hiện vai trò của cơ quan cạnh tranh, trong khi cơ quan này có chức năng xác minh và xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh mà chủ sở hữu tài sản trí tuệ có thể thực hiện căn cứ theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Do đó, pháp luật còn để ngỏ trình tự, thủ tục để chuyển kết luận vi phạm của vụ việc cạnh tranh thành căn cứ áp dụng biện pháp chuyển giao tài sản trí tuệ, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan. Một số quy định cấm tại Luật Sở hữu trí tuệ tương tự với quy định cấm về hành vi hạn chế cạnh tranh tại Luật Cạnh tranh, tuy nhiên Luật Sở hữu trí tuệ chỉ xem xét về khía cạnh dân sự của hành vi mà không xem xét đến việc xử lý như đối với một hành vi vi phạm theo pháp luật cạnh tranh.

Kết quả rà soát pháp luật về sở hữu trí tuệ cho thấy rải rác có các quy định cho phép nhà nước can thiệp vào độc quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ, ngăn chặn việc lạm dụng sức mạnh thị trường có được nhờ tài sản trí tuệ gây thiệt hại cho môi trường cạnh tranh cũng như sự phát triển kinh tế xã hội lành mạnh. Một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã đề cập đến khả năng xuất hiện hành vi hạn chế cạnh tranh của chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong pháp luật về cạnh tranh Việt Nam lại không có những điều khoản đối ứng, quy định đặc thù về các vấn đề hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đối với các quy định của pháp luật về hạn chế cạnh tranh, nghiên cứu tập trung phân tích các quy định mang tính chất điều chỉnh chung của Luật Cạnh tranh nhưng có các khía cạnh có thể áp dụng vào quan hệ sở hữu trí tuệ.

Về đánh giá, tổng hợp quy định pháp luật của Việt Nam về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ: Quan hệ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và chống cạnh tranh không lành mạnh thể hiện ở chỗ mục tiêu ban đầu của cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ chính là nhằm chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ đối tượng khác xâm phạm đến quyền lợi của chủ sở hữu trí tuệ. Luật Cạnh tranh 2004 quy định cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở đưa ra khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng (tinh thần của khái niệm này hoàn toàn đồng nhất với tinh thần của một trong những định nghĩa pháp lý phổ biến nhất và lâu đời nhất về cạnh tranh không lành mạnh xuất phát từ Điều 10 bis Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp). Ra đời sau, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 cũng đã có những quy định riêng cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời dẫn chiếu tới thẩm quyền xử lý các hành vi này theo quy định của Luật Cạnh tranh. Sự trùng lặp về một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa 02 văn bản pháp luật này đã được giải quyết tại Luật Cạnh tranh 2018 (thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004), với phương thức quy định mở rộng nội hàm của hành vi, chú trọng xem xét tới tác động phản cạnh tranh của hành vi mang lại. Sự mở rộng nội hàm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Luật Cạnh tranh 2018 (không phải loại bỏ hành vi trùng lặp một cách cơ học) vẫn mang lại cho doanh nghiệp khiếu nại nhiều sự lựa chọn khi xem xét một hành vi của đối thủ cạnh tranh là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay vi phạm pháp luật cạnh tranh, phụ thuộc mục đích mà doanh nghiệp khiếu nại muốn hướng tới.

Về kinh nghiệm thực thi pháp luật cạnh tranh liên quan tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Singapore và Trung Quốc: xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật canh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Singapore và Trung Quốc đều ban hành các hướng dẫn cụ thể về áp dụng pháp luật cạnh tranh liên quan tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các hướng dẫn này không phải là các văn bản pháp lý mang ý nghĩa cưỡng chế thi hành tuy nhiên có ý nghĩa rất lớn trong những vụ việc áp dụng pháp luật cụ thể, không chỉ đối với cơ quan thực thi (để thống nhất cách hiểu và thực thi văn bản pháp luật trong các vụ việc cụ thể) mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp (hiểu và tuân thủ quy định pháp luật).

Kết quả nghiên cứu về hệ thống pháp luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ, một số vụ việc điển hình và kinh nghiệm quốc tế cho phép Đề tài nghiên cứu đi đến một số kết luận như sau:

– Pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ đều hướng đến mục tiêu chung là khuyến khích tiến bộ khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ không dừng ở việc trao độc quyền cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ mà đòi hỏi tài sản đó phải được đưa vào ứng dụng, khai thác trong đời sống, đem lại lợi ích cho xã hội. Do đó, trong hai hệ thống pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ có những quy định kết nối với nhau nhằm hạn chế độc quyền có được từ tài sản trí tuệ, cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu với quyền tiếp cận của các tổ chức, cá nhân khác cũng như công chúng nói chung.

– Việt Nam đã ban hành Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ phù hợp với khuôn mẫu chung của cộng đồng quốc tế. Trong hai đạo luật này, rải rác đã có các quy định dẫn chiếu qua lại phản ánh sự kết hợp điều chỉnh của hai lĩnh vực pháp luật nhằm đạt tới sự cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan và khai thác tốt nhất giá trị của tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, có thể thấy sự tồn tại của các quy định này là do học tập, sao chép các mô hình pháp lý của các quốc gia phát triển mà không phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Do đó, một một số quy định đã không có nhiều giá trị áp dụng trong thực tế, mặt khác một số vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan đến cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ lại không có quy định điều chỉnh, chẳng hạn như vấn đề hạn chế cạnh tranh từ bản quyền tác giả hay nhãn hiệu. Đồng thời, giữa hai lĩnh vực pháp luật chưa có sự kết nối đồng bộ khiến cho nhiều quy định dẫn chiếu trở nên dở dang, ví dụ như quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh là cơ sở cho thủ tục bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ, hay các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không có chế tài tương ứng tại pháp luật cạnh tranh.

– Sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật khiến cho công tác thực thi không đem lại hiệu quả như mong muốn nhằm thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ. Về thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ, các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành bất kỳ một quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ nào, cho dù đã có cơ sở pháp lý kể từ Bộ luật Dân sự 1995. Về thực thi pháp luật cạnh tranh, khía cạnh độc quyền hình thành từ tài sản trí tuệ chưa được xem xét, chú trọng thích đáng, mặc dù kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy các cơ quan cạnh tranh đã sử dụng công cụ đặc thù để đánh giá các hành vi hạn chế cạnh tranh của chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Vấn đề không chỉ phát sinh trong quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ, mà còn với các lĩnh vực pháp luật khác, dẫn đến bế tắc trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại theo thủ tục dân sự hay việc thu hồi tên miền tại cơ quan quản lý internet sau khi các vụ việc cạnh tranh đã có kết luận cuối cùng.

– Công tác thực thi kém hiệu quả còn có nguyên nhân từ chỗ chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: giữa cơ quan cạnh tranh với cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ trong việc đánh giá hành vi hạn chế cạnh tranh làm cơ sở bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ, giữa cơ quan xử lý vi phạm cạnh tranh không lành mạnh về tên miền với cơ quan quản lý tên miền quốc gia trong việc thu hồi tên miền, giữa các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ với tòa án.

– Hiện nay, tại Việt Nam đã phát sinh yêu cầu thực tiễn về việc sử dụng pháp luật cạnh tranh kết hợp với pháp luật sở hữu trí tuệ để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến độc quyền hình thành nhờ tài sản trí tuệ, một số vụ việc hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trong thời gian vừa qua đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý và chưa được giải quyết triệt để.

–  Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển cho thấy cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh độc quyền và hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thông qua các án lệ cũng như ban hành quy định kết nối giữa hai lĩnh vực pháp luật cạnh tranh và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ phù hợp sẽ không chỉ hướng đến bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu mà còn khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích chủ sở hữu cũng như cân bằng lợi ích của xã hội. Bên cạnh bảo đảm sự độc quyền cho chủ sở hữu pháp luật cũng cần phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Một chế định pháp luạt cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ hợp lý sẽ góp phần giúp các quốc gia kiểm soát hiệu quả các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ gây cản trở cạnh tranh, đồng thời nó cũng là một công cụ nhằm yêu cầu, thúc đẩy quyền tiếp cận khoa học, công nghệ vì lợi ích của cộng đồng, xã hội thông qua yêu cầu bắt buộc chuyển giao.

Xuất phát từ kết quả nghiên cứu phản ánh tại Đề tài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất về hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi, với những nội dung cụ thể như sau:

– Về xây dựng pháp luật: Cần xây dựng một hoặc một số văn bản riêng điều chỉnh về các vấn đề cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Văn bản này nên được xây dựng dưới hình thức Nghị định kết hợp hướng dẫn Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ. Tiếp theo, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ có thể phối hợp xây dựng và ban hành thông tư liên bộ điều chỉnh các nội dung mang tính kỹ thuật trong lĩnh vực này.

– Về thực thi pháp luật: Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh và cơ quan thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, cơ chế phối hợp chung cần được xem xét trên các khía cạnh sau:

(i) Phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực được giao nhiệm vụ quản lý, đặc biệt là những vấn đề có xung đột pháp luật và chồng lấn về thẩm quyền;

(ii) Phối hợp trong việc tham vấn, đánh giá và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật;

(iii) Phối hợp trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu chung về các vụ việc đã xử lý.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương