BVNTD

Tóm tắt kết quả rà soát luật cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Được đánh giá là hiến pháp của nền kinh tế thị trường như cách ví của các nhà khoa học nên ngay từ khi được ban hành, Luật cạnh tranh được kỳ vọng công cụ quan trọng nhằm tạo lập và đảm bảo một môi trường kinh doanh bình đẳngsự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thị trường.

Thực tiễn cho thấy sau hơn 9 năm thực thi, Luật cạnh tranh đã phát huy được tốt vai trò trong việc tạo lập, duy trì và đảm bảo một môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật cạnh tranh cũng gặp phải nhiều khó khăn, một phần do có sự mâu thuẫn, chồng chéo và thậm chí là những lỗ hổng và khoảng cách pháp lý so với pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, cùng với xu thế phát triển của kinh tế – xã hội, trong những năm qua nhiều luật chuyên ngành đã được xây dựng và ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Trong quá trình ban hành mới và sửa đổi, bổ sung có nhiều quy định liên quan đến cạnh tranh đã được đưa vào pháp luật chuyên ngành để phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như là tính hệ thống, đồng bộ trong việc thực thi luật và chính sách cạnh tranh, việc đánh giá sự tương thích, phù hợp hay những mâu thuẫn, chồng chéo giữa luật chuyên ngành so với Luật cạnh tranh cần phải được thực hiện. Xuất phát từ thực tiễn đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản thực hiện báo cáo rà soát luật cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành. Từ kết quả đánh giá, phân tích một cách độc lập sự tương thích, phù hợp của từng pháp luật chuyên ngành được lựa chọn với pháp luật cạnh tranh có thể khái quát một số điểm sau:

1. Về môi trường pháp lý, sự tương thích và phù hợp giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành, và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Kết quả rà soát cho thấy một xu hướng khá rõ trong công tác lập pháp là càng nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành trong thời gian gần đây có chứa các quy phạm, điều khoản hoặc nội dung liên quan đến cạnh tranh. Hơn thế, nhiều luật chuyên ngành mới được ban hành còn có cả những điều khoản cụ thể điều chỉnh các hành vi đã được quy định điều chỉnh trong pháp luật cạnh tranh. Những quy phạm, điều khoản và nội dung liên quan đến cạnh tranh được quy định trong pháp luật chuyên ngành ở hai cấp độ.

Thứ nhất, quy định cụ thể trong văn bản luật. Ví dụ, Điều 19, Luật viễn thông quy định trực tiếp về các hành vi hạn chế cạnh tranh.

Thứ hai, quy định trong các văn bản dưới luật, thường là trong Nghị định hướng dẫn và thậm chí cả trong thông tư. Đây có thể được coi là một trong những điểm bất cập lớn nhất của hoạt động lập pháp. Ví dụ, liên quan đến cạnh tranh trên thị trường điện lực, Luật điện lực chỉ quy định mang tính nguyên tắc, theo đó thị trường điện lực được hoạt động theo các nguyên tắc bảo đảm công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực, tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Với quy định mang tính nguyên tắc này, sẽ rất phù hợp và tính thống nhất của pháp luật sẽ được đảm bảo nếu Luật điện lực dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật cạnh tranh nhằm điều chỉnh những hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường điện lực. Tuy nhiên, câu chuyện lại hoàn toàn khác khi các văn bản dưới luật trong lĩnh vực điện lực lại trực tiếp quy định về các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, quy định hình thức và mức độ xử lý, thậm chí cả thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý đối với các hành vi vi phạm, và đặc biệt những nội dung quy định này lại có sự chồng chéo, mâu thuẫn với những quy định trong pháp luật cạnh tranh.

Nội dung cạnh tranh trong các quy phạm, điều khoản trong pháp luật chuyên ngành như đã đề cập thường được chia làm ba nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, là quy định về hành vi, theo đó trong các pháp luật chuyên ngành có các điều khoản quy định trực tiếp các hành vi về hạn chế cạnh tranh, về cạnh tranh không lành mạnh. Thứ hai, là quy định về hình thức và mức độ xử lý vi phạm, theo đó trong pháp luật chuyên ngành có các điều khoản quy định trực tiếp về hình thức và mức độ xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực chuyên ngành. Thứ ba, quy định về thẩm quyền, trình tự và thủ tục xử lý đối với hành vi vi phạm.

Được đánh giá là hiến pháp của nền kinh tế thị trường nên Luật cạnh tranh phải được xem là luật gốc, điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Ngoài ra, Khoản 1, Điều 5, Luật cạnh tranh quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật cạnh tranh với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng quy định của Luật cạnh tranh. Quy định này là nền tảng pháp lý giúp đảm bảo sự tương thích, phù hợp và thống nhất của cả hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề cạnh tranh. Căn cứ trên quy định này, sẽ rất hợp lý và đảm bảo sự phù hợp, tính thống nhất cao trong cả hệ thống pháp luật nếu những văn bản pháp luật (kể cả các luật sửa đổi, bổ sung) được ban hành sau khi Luật cạnh tranh có quy định dẫn chiếu đến pháp luật cạnh tranh nhằm điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong các ngành, lĩnh vực cụ thể đó. Hoặc nếu có xây dựng các điều khoản cụ thể trong pháp luật chuyên ngành nhằm quy định điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì cần tham khảo các quy định về hành vi, về hình thức và mức độ xử lý, về thẩm quyền và quy trình xử lý trong pháp luật cạnh tranh để việc quy định không bị mâu thuẫn, chồng chéo, không có sự khác biệt. Nếu điều đó được thực hiện thì không chỉ giữa pháp luật cạnh tranh và các pháp luật chuyên ngành có sự phù hợp, tương thích mà thông qua đó đảm bảo sự thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật, tạo nên một môi trường pháp lý thống nhất giúp tăng cường và đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các chủ thể trên thị trường.

Tuy nhiên, kết quả rà soát đã minh chứng cho một câu chuyện hoàn toàn khác. Thứ nhất, pháp luật chuyên ngành hầu như không dẫn chiếu đến pháp luật cạnh tranh để điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trong các ngành, lĩnh vực cụ thể. Thứ hai, trong nhiều pháp luật chuyên ngành có xây dựng những điều khoản quy định và điều chỉnh đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh với sự khác biệt khá lớn về nội dung như cấu thành hành vi, thẩm quyền xử lý, hình thức và mức độ xử lý so với những điều khoản quy định trong pháp luật cạnh tranh. Điều này dẫn tới có khá nhiều mâu thuẫn, chồng chéo và thậm chí cả những lỗ hổng hay khoảng cách pháp lý giữa pháp luật cạnh tranh và các pháp luật chuyên ngành về các quy định liên quan đến cạnh tranh. Trong số những luật chuyên ngành có chứa đựng các quy phạm, điều khoản hoặc nội dung về cạnh tranh đã được rà soát chỉ có một tỉ lệ nhỏ là đảm bảo được sự tương thích, phù hợp và thống nhất với các quy định của pháp luật cạnh tranh. Hơn nữa sự thống nhất cũng mới chỉ dừng lại ở cấp độ quan điểm lập pháp hoặc ở các quy định mang tính nguyên tắc chứ chưa đạt tới sự tương thích, phù hợp và thống nhất giữa các nội dung quy định chi tiết cụ thể.

Kết quả rà soát cũng cho thấy mức độ của sự mâu thuẫn và sự chồng chéo giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành cũng khá đặc thù và phức tạp. Đó không chỉ là sự mâu thuẫn và chồng chéo, thậm chí là khác biệt trong quan điểm lập pháp hoặc giữa các quy định cụ thể của Luật cạnh tranh và luật chuyên ngành mà còn là giữa các quy định của Luật cạnh tranh với các quy định trong các văn bản hướng dẫn dưới luật trong pháp luật chuyên ngành. Tình trạng này mặc dù cũng đã xuất hiện đâu đó trong hệ thống pháp luật ở một số nội dung hay lĩnh vực khác, tuy nhiên trong lĩnh vực cạnh tranh thì tình trạng này đang ngày càng khá phổ biến và trở nên trầm trọng. Thậm chí, những quy định hay điều khoản về cạnh tranh trong một số pháp luật chuyên ngành dường như còn có xu hướng cách ly khỏi các quy định mang tính nguyên tắc chung trong pháp luật cạnh tranh.

Từ kết quả rà soát và phân tích trên có thể kết luận sự tương thích, phù hợp và thống nhất của hệ thống pháp luật trong các vấn đề về cạnh tranh hiện tại không được đảm bảo. Nguyên nhân chính là do những mâu thuẫn, chồng chéo và thậm chí khác biệt giữa các quy phạm, điều khoản liên quan đến cạnh tranh trong pháp luật chuyên ngành với luật cạnh tranh.

Với vị trí trung tâm và có vai trò quan trọng trong chính sách cạnh tranh, một trong những chính sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia thông qua việc tạo lập, duy trì một môi trường cạnh tranh bình đẳng nên sự mâu thuẫn, chồng chéo và khác biệt giữa các quy định liên quan đến cạnh tranh trong pháp luật chuyên ngành với các quy định của pháp luật cạnh tranh không chỉ làm giảm hiệu lực thực thi của pháp luật cạnh tranh mà thông qua đó còn làm giảm hiệu quả và ý nghĩa của chính sách cạnh tranh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mục tiêu của chính sách cạnh tranh không đạt được.

2. Về những mâu thuẫn, chồng chéo và khoảng cách pháp lý giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành

Từ kết quả rà soát cho thấy những mâu thuẫn, chồng chéo và lỗ hổng pháp lý giữa các quy định liên quan đến cạnh tranh trong pháp luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật cạnh tranh thể hiện ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, là sự mâu thuẫn, khác biệt trong việc xác định vị trí của doanh nghiệp trên thị trường. Đây là một vấn đề khá nguy hiểm và là kết quả của sự bất nhất trong hoạt động lập pháp. Trước đây, Luật cạnh tranh được coi là văn bản pháp luật được áp dụng chung trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Với ý nghĩa đó, việc xác định vị trí thống lĩnh của bất kỳ một doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp nào đó trên thị trường phải căn cứ theo quy định tại Điều 11, Luật cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện trường hợp pháp luật chuyên ngành tự quy định tiêu chí riêng nhằm xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp mà không cần căn cứ theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Ví dụ, Điều 19, Luật viễn thông năm 2009 quy định về cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, theo đó cấm doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu thực hiện một số hành vi về cạnh tranh. Nếu chỉ dừng lại nội dung quy định đó hoặc trong điều này có quy định dẫn chiếu đến pháp luật cạnh tranh nhằm xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp viễn thông thì rất phù hợp. Điều đó vừa đảm bảo sự tiến bộ của pháp luật viễn thông đồng thời đảm bảo cho sự phù hợp và thống nhất giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật viễn thông. Nhưng khác với cách thức nêu trên đây, Khoản 4, Điều 19, Luật viễn thông quy định trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng mà Nhà nước cần quản lý cạnh tranh, Danh mục doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu; quy định và tổ chức thực hiện biện pháp quản lý nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông. Trên cơ sở quy định này, ngày 15 tháng 11 năm 2005, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT ban hành danh mục và xác định doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng. Điều đáng bàn ở đây là Thông tư số 18/2012/TT-BTTT hoàn toàn không đưa ra bất kỳ tiêu chí nào nhằm xác định thị trường và vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp trên các thị trường đã được xác định, nhưng lại chỉ rõ thị trường và nêu đích danh doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Có thể nói những nội dung được quy định Điều 19, Luật viễn thông và Thông tư số18/2012/TT-BTTT ở một chừng mực nào đó sẽ rất hữu ích cho cơ quan cạnh tranh trong những vụ việc cụ thể trên thị trường viễn thông. Bởi thị trường viễn thông mang tính đặc thù nên việc xác định thị trường liên quan và doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh theo pháp luật cạnh tranh là không hề đơn giản. Vì vậy, bằng việc đã xác định các thị trường dịch vụ riêng rẽ và đưa ra danh sách doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên các thị trường đó như trong Thông tư số 18/2012/TT-BTTT sẽ giúp giảm tải những công việc liên quan đến việc xác định thị trường, vị trí của doanh nghiệp cho cơ quan cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng điều này và cho rằng pháp luật cạnh tranh và viễn thông có sự tương thích là hoàn toàn sai lầm.

Thứ hai, là sự mâu thuẫn, chồng chéo và khác biệt về cách quy định hành vi giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành. Đây cũng là hiện tượng khá phổ biến thu được từ kết quả rà soát các quy định của pháp luật chuyên ngành. Với việc ban hành Luật cạnh tranh, lần đầu tiên các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh được quy định một cách rõ ràng theo những tiêu chí cụ thể, có các yếu tố cấu thành hành vi rõ ràng và được điều chỉnh một cách hệ thống. Luật cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xác định rõ đâu là hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, đâu là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền, đâu là hành vi tập trung kinh tế và đâu là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như những hành vi nào bị cấm và cấm theo điều kiện nào. Sẽ là phù hợp khi xây dựng quy định về các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các pháp luật chuyên ngành có sự dẫn chiếu hoặc quy định theo các yếu tố cấu thành hành vi trong pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tiễn lại khác. Kết quả rà soát cho thấy có trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định về hành vi cạnh tranh nhưng không đúng và đủ theo những yếu tố cấu thành hành vi mà pháp luật cạnh tranh đã quy định, ví dụ như Điều 89, Luật đấu thầu năm 2013. Kết quả rà soát cũng cho thấy có trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh nhưng hoàn toàn khác biệt và có sự mâu thuẫn so với các quy định của pháp luật cạnh tranh, ví dụ, Khoản 2, Điều 19, Luật viễn thông.

Thứ ba, là sự mâu thuẫn, chồng chéo và xung đột về thẩm quyền xử lý giữa cơ quan cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành khác. Đây là vấn đề rất khó tháo gỡ trong trường hợp phát sinh những vụ việc cạnh tranh mà có sự xung đột về thẩm quyền xử lý. Theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền điều tra đối với các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh và Hội đồng cạnh tranh có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm. Sẽ là phù hợp nếu pháp luật chuyên ngành dẫn chiếu quy định của pháp luật cạnh tranh để xác định thẩm quyền xử lý khi có hành vi vi phạm xảy ra. Tuy nhiên, thực tế pháp luật chuyên ngành lại quy định thẩm quyền xử lý cho cơ quan quản lý chuyên ngành, dẫn tới sự xung đột về thẩm quyền xử lý vi phạm giữa cơ quan cạnh tranh và cơ quan quản lý chuyên ngành. Ví dụ, Thông tư số 18/2012/TT-BCT ngày 29 tháng 6 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định giám sát thị trường phát điện cạnh tranh có giao thẩm quyền điều tra và xử lý đối với hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường cho Cục điều tiết điện lực. Hoặc Khoản 5, Điều 19, Luật viễn thông quy định các doanh nghiệp viễn thông khi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường dịch vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Trong khi theo quy định của pháp luật cạnh tranh thì trong trường hợp này doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh.

Thứ tư, là sự mâu thuẫn và khác biệt về hình thức và mức độ xử lý theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành. Đây chính là mâu thuẫn cơ bản giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành, đặc biệt về hình thức và mức độ xử lý đối với những hành vi hạn chế cạnh tranh. Theo quy định của pháp luật cạnh tranh, hành vi hạn chế cạnh tranh được coi là có tính chất và mức độ nguy hại rất cao đối với môi trường cạnh tranh bởi đó là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, pháp luật cạnh tranh quy định hình thức xử phạt tiền với mức độ xử phạt được quy định rất nghiêm khắc, tối đa đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Từ kết quả rà soát cho thấy trong nhiều pháp luật chuyên ngành cũng có quy định cấm đối với những hành vi có bản chất hạn chế cạnh tranh tương tự như những hành vi hạn chế cạnh tranh quy định trong pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, quy định về việc xử lý chỉ mang tính chất phạt hành chính, đặc biệt là mức độ xử phạt thấp hơn nhiều so với quy định trong pháp luật cạnh tranh. Ví dụ, Điều 10, Luật g quy định cấm đối với các hành vi thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi. Tuy nhiên, chủ thể vi phạm chỉ phải chịu phạt tiền nhưng mang tính chất phạt hành chính với số tiền phạt không lớn.

Thứ năm, là sự mâu thuẫn, khác biệt về quy trình xử lý vi phạm giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành. Pháp luật cạnh tranh bao gồm hai phần là luật nội dung và luật hình thức, trong đó luật hình thức quy định một quy trình và thủ tục tố tụng rất chặt chẽ, bao gồm các giai đoạn điều tra với thời gian và yêu cầu cụ thể nhằm chứng minh hành vi vi phạm để quyết định xử lý. Ngược trở lại pháp luật chuyên ngành quy định thủ tục xác định hành vi vi phạm đơn giản hơn và với thời gian thường ngắn hơn so với thời gian tố tụng theo pháp luật cạnh tranh.

Thư sáu, là sự mâu thuẫn, khác biệt trong các quy định mang tính khái niệm hoặc các quy định mang tính kỹ thuật. Kết quả rà soát cho thấy có rất nhiều khái niệm pháp lý có sự khác biệt giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành, và giữa pháp luật chuyên ngành với nhau.

Thứ bảy, vấn đề rào cản pháp lý đặt ra trong các pháp luật chuyên ngành và mục tiêu đảm bảo và thúc đẩy một môi trường cạnh tranh lành mạnh của pháp luật cạnh tranh. Rõ ràng để đạt được mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh thì pháp luật cạnh tranh phải không ngừng hướng tới việc xoá bỏ các rào cản gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường và những rào cản khác. Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy còn nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan đến các quy định mang tính rào cản thị trường trong pháp luật chuyên ngành. Những quy định mang tính đặt điều kiện cho việc thành lập hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong pháp luật chuyên ngành trong nhiều trường hợp là không cần thiết và không phù hợp với mục tiêu mở rộng thị trường, đẩy mạnh cạnh tranh của pháp luật cạnh tranh.

3. Định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh

Từ thực tiễn như đã phân tích cho thấy giải pháp trong dài hạn là cần phải thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất việc sửa đổi, bổ sung cả pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo sự thống nhất cho toàn bộ hệ thống pháp luật. Muốn vậy phải thực hiện một cách đồng đều ba nội dung.

Nội dung thứ nhất, là cần xây dựng một chính sách cạnh tranh thống nhất, mang tính định hướng chung cho tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết bởi chính sách cạnh tranh là một trong những chính sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Chính sách cạnh tranh một mặt nhằm chủ động tạo ra các tiền đề cho cạnh tranh, mở cửa thị trường, loại bỏ các rào cản làm cản trở xâm nhập thị trường, mặt khác thực thi các biện pháp chống lại các chiến lược độc quyền hoá thị trường và hạn chế cạnh tranh.

Một chính sách cạnh tranh tốt và minh bạch, được xây dựng phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế – xã hội đất nước, với những mục tiêu cụ thể được xác định rõ ràng làm cơ sở và định hướng cho việc xây dựng và ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật sẽ là tiền đề nhằm tạo ra sự tương thích, phù hợp và thống nhất giữa các quy định liên quan đến vấn đề cạnh tranh trong các pháp luật chuyên ngành. Và đó cũng chính là cơ sở để tạo nên sự thống nhất cho toàn bộ hệ thống pháp luật.

Vấn đề cạnh tranh trong nền kinh tế đã được Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay và chính sách cạnh tranh cho nền kinh tế cũng đã được Nhà nước ta xây dựng. Tuy nhiên, từ thực tiễn kết quả rà soát bộc lộ ra những mâu thuẫn, chồng chéo và bất cập của hệ thống pháp luật đã cho thấy vấn đề hoặc là chính sách cạnh tranh của chúng ta được xây dựng không tốt nên không phát huy được hiệu quả trong việc định hướng cho các hoạt động lập pháp, hoặc là tầm quan trọng của chính sách cạnh tranh đã không được đánh giá đúng mức nên không được sử dụng một cách hiệu quả đúng với tầm vóc của nó. Dù có ở trường hợp nào đi nữa thì cũng đòi hỏi chúng ta cần phải xem xét, đánh giá và nhận thức lại tầm quan trọng của chính sách cạnh tranh để sử dụng chính sách này như một công cụ hữu hiệu nhằm phát triển kinh tế đất nước thông qua việc định hướng xây dựng một khung pháp lý thống nhất để tạo lập và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường.

Nội dung thứ hai, là cần xây dựng và hoàn thiện (sửa đổi, bổ sung) nhằm tạo ra hệ thống các văn bản pháp luật cạnh tranh đồng bộ và tiên tiến. Pháp luật cạnh tranh là một bộ phận và là cấu thành rất quan trọng trong chính sách cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật cạnh tranh phù hợp với nội dung của chính sách cạnh tranh. Thực tiễn sau hơn 9 năm thực thi cho thấy Luật cạnh tranh về cơ bản là tiến bộ và phù hợp với chính sách cạnh tranh. Cho đến nay Luật cạnh tranh đã phát huy được tốt vai trò trong việc tạo lập, duy trì và đảm bảo một môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Luật cạnh tranh là hoàn hảo. Một trong những yêu cầu và đòi hỏi tất yếu hiện nay là phải tiến hành sửa đổi, bổ sung luật này bởi những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một là, quá trình thực thi đã gặp phải nhiều khó khăn, một phần do chính sự bất cập và thiếu sót trong các quy định cụ thể của Luật cạnh tranh. Hai là, bản thân pháp luật cạnh tranh cũng có nhiều bất cập, mâu thuẫn. Cụ thể là sự mâu thuẫn và bất cập giữa những quy định của Luật cạnh tranh và các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Hay nói cách khác, bản thân hệ thống cạnh tranh đã thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Ba là, so với thời kỳ mới ban hành, hiện nay điều kiện kinh tế đã có nhiều thay đổi vì vậy việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi và xu thể phát triển mới của kinh tế – xã hội. Bốn là, trong những năm gần đây nhiều pháp luật chuyên ngành có xu hướng thoát ly khỏi pháp luật cạnh tranh để xây dựng các quy định riêng về vấn đề cạnh tranh. Hiện tượng này giống như việc trăm hoa đua nở nhưng không về một hướng. Và bản thân Luật cạnh tranh cũng đã không thể hiện đúng tầm vóc của mình là đạo luật trung tâm để các luật chuyên ngành khác dẫn chiếu và áp dụng theo. Chính vì vậy nên đã xuất hiện ngày càng nhiều những mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí là những lỗ hổng và khoảng cách pháp lý giữa pháp luật cạnh tranh so với pháp luật chuyên ngành. Từ đó việc sửa đổi, bổ sung Luật cạnh tranh là cần thiết.

Nội dung thứ ba, là sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến cạnh tranh trong pháp luật chuyên ngành theo hướng lấy chính sách cạnh tranh làm trung tâm và các quy định của pháp luật cạnh tranh làm nền tảng. Có thể khẳng định xu hướng thoát ly khỏi pháp luật cạnh tranh để xây dựng những quy định riêng về cạnh tranh trong pháp luật chuyên ngành là bởi trong quá trình xây dựng pháp luật chuyên ngành đã không hướng tới chính sách cạnh tranh chung và không vì mục tiêu chung trong việc kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh. Nếu không giải quyết được hiện tượng này và nếu chính sách, pháp luật cạnh tranh không thể hiện được vai trò là trung tâm để quy tụ các pháp luật chuyên ngành đi về một mối thì trong tương lai có lẽ nền cạnh tranh nước nhà sẽ ngày một trầm trọng bởi các quy định mang tính tản mạn, mâu thuẫn và khác biệt về hành vi, về hình thức và mức độ xử lý, xung đột và giằng xé về mặt thẩm quyền.

Ba nội dung trên phải được triển khai một cách đồng đều và thống nhất, phải trên cơ sở một quan điểm chỉ đạo và định hướng thông suốt nhằm tránh trường hợp bị lái theo những định hướng lợi ích khác nhau.

Trên đây là tóm tắt những kết quả chính trong báo cáo rà soát pháp luật cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành được Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp cùng với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện. Báo cáo có ý nghĩa thực tiễn cao, phục vụ trước hết cho công tác rà soát tổng thể toàn bộ môi trường cạnh tranh dưới góc độ các quy định pháp lý trong từng ngành/lĩnh vực cụ thể để từ đó có định hướng và giải pháp cho việc sửa đổi, bổ sung Luật cạnh tranh. Ngoài ra, báo cáo còn được sử dụng như một bộ cẩm nang mang tính tham khảo và định hướng về cách thức giải quyết, áp dụng luật cho các cán bộ làm công tác cạnh tranh trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương