edf40wrjww2News:News_Content
Sau một khoảng thời gian bình lặng, mức độ thực thi pháp luật chống lại các hành vi các-ten và các thoả thuận hạn chế cạnh tranh của ICA đã ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh kể từ năm 2013. Trong năm 2013, ICA đã mở 15 cuộc điều tra mới để điều tra đối với những hành vi thoả thuận. Và trong 5 tháng đầu năm 2014, cơ quan này đã tiếp tục mở thêm 11 cuộc điều tra mới cùng đối với các hành vi thoả thuận. Phạm vì điều tra của ICA cũng được mở rộng. ICA không chỉ tiến hành điều tra đối với những hành vi các-ten mà cả những hành vi thoả thuận theo chiều dọc, hành vi trao đổi thông tin giữa các đối thủ cạnh tranh, các thoả thuận liên kết ngành nghề cũng như là hành vi thông thầu trong lĩnh vực mua sắm công. Hầu hết những vụ việc này được khởi xướng trên cơ sở từ những thông tin được phản ánh hoặc từ những thông tin khiếu nại. Không một vụ việc nào được khởi xướng trên cơ sở của một hồ sơ xin hưởng miễn trừ. Điều này cũng cho thấy sự thất bại rõ ràng của chính sách khoan hồng tại Ý chưa được khắc phục. Một kiến nghị mới của ICA ngày 2 tháng 10 năm 2012 được đưa lên Quốc hội của Ý nhằm cải tổ để thúc đẩy hiệu quả của chương trình khoan hồng nhưng chưa được thông qua.
Tổng quan pháp luật cạnh tranh của Ý
Tương tự quy định tại Điều 101, Hiệp ước hoạt động của Liên minh Châu Âu (Treaty on the Functioning of European Union – TFEU), tại Khoản 2, Điều 2, Luật cạnh tranh của Ý số 287 ngày 10 tháng 10 năm 1990 quy định cấm các thoả thuận trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá mua hoặc giá bán hoặc bất kỳ điều kiện thương mại nào khác, phân chia thị trường hoặc nguồn cung hàng hoá, dịch vụ. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 1, Luật cạnh tranh Ý, các quy định của pháp luật cạnh tranh của Ý sẽ được giải thích phù hợp với những nguyên tắc trong pháp luật cạnh tranh của Cộng đồng chung Châu Âu.
Cơ quan cạnh tranh của Ý (Italian Competition Authority – ICA) và Toà dân sự của Ý sẽ chịu trách nhiệm thực thi các quy định về các-ten trong pháp luật cạnh tranh của Ý. Vào tháng 01 năm 2012, các toà án đặc biệt đã được thành lập nằm trong hệ thống Toà án dân sự của Ý phục vụ cho việc thực thi pháp luật cạnh tranh của Ý và pháp luật cạnh tranh Châu Âu. Các phán quyết do Cơ quan cạnh tranh và Toà dân sự Ý đưa ra phải được quyết định dựa trên nguyên tắc ảnh hưởng. Như tại Điều 2, Luật cạnh tranh Ý quy định Luật cạnh tranh áp dụng đối với những thoả thuận các-ten gây tác động phản cạnh tranh, có thể là ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh đối với thị trường của Ý. Điều này cũng quy định Luật cạnh tranh được áp dụng đối với cả trường hợp hành vi thoả thuận xảy ra ở ngoài lãnh thổ của Ý (nhưng gây tác động phản cạnh tranh trên thị trường của Ý) hoặc hành vi được thực hiện trên thị trường ý bởi một chủ thể không phải là doanh nghiệp của Ý. Tương tự, Điều 101, TFEU quy định áp dụng đối với những hành vi các-ten gây tác động ảnh hưởng tới thương mại giữa các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu. Những hành vi các-ten vi phạm Điều 2, Luật cạnh tranh Ý hoặc Điều 101, TFEU đều bị xử lý bởi cơ quan có thẩm quyền và còn có thể bị kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại từ các bên thứ ba.
Theo quy định tại Điều 15, Luật cạnh tranh Ý, ICA có thể quyết định, dựa trên cơ sở mức độ và thời gian thực hiện hành vi vi phạm, áp dụng mức xử phạt bằng tiền lên tới 10% doanh thu trong năm tài chính trước năm vi phạm đối với từng bên vi phạm. Quyết định của ICA có thể bị khiếu nại lên Toà hành chính tối cao. Bất kỳ bên thứ ba nào phải chịu thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra đề có thể nộp đơn lên Toà án dân sự để thực hiện việc kiện đòi bồi thường dân sự. Việc kiện đòi bồi thường dân sự có thể dựa trên cơ sở quyết định của ICA (hành động phái sinh – a follow-on action) hoặc được tiến hành một cách độc lập. Toà án dân sự không nhất thiết phải căn cứ vào quyết định của ICA, nhưng có thể sử dụng các thông tin và chứng cứ mà ICA đưa ra. Pháp luật của Ý không cho phép phạt thiệt hại, thay vào đó chỉ cho phép yêu cầu bồi thường bù đắp thiệt hại. Toà án dân sự và ICA cũng đều được trao thẩm quyền yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục.
Mặc dù không quy định hình thức xử lý hình sự trong Luật cạnh tranh nhưng một số hành vi các-ten cụ thể có thể bị quy tội dựa trên các điều khoản trong Luật hình sự của Ý. Đặc biệt, Điều 501, Luật hình sự của Ý quy định cho phép áp dụng hình thức xử lý hình sự (bao gồm cả phạt tù lên tới 3 năm) đối với hành vi xâm hại thị trường thông qua việc sử dụng không chính đáng những thông tin nhạy cảm về giá cả của hàng hoá, dịch vụ. Cũng theo quy định tại điều này, các cá nhân có thể bị kết án (và phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, và phạt tiền tới 25.822 Euro) đối với hành vi đầu cơ tích trữ về giá và khối lượng của các loại nguyên liệu thô cho sản xuât hay các loại thực phẩm thiết yếu cho đời sống dân sinh. Điều 507, Luật hình sự của Ý cũng quy định xử phạt tù (tới 3 năm) đối với những cá nhân tham gia vào các thoả thuận tẩy chay. Và cuối cùng, Điều 353, Luật hình sự của Ý quy định xử lý hình sự (bao gồm phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm) đối với hành vi thoả thuận để thông đồng trong đấu thầu.
ICA có thẩm quyền kết thúc quá trình điều tra, nếu như trong vòng 3 tháng kể từ ngày bắt đầu điều tra, các doanh nghiệp thuộc diện bị điều tra đưa ra cam kết khắc phục đối với hành vi phản cạnh tranh. Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 14, Luật cạnh tranh của Ý, ICA có thể giám sát buộc thực hiện cam kết.
Hướng dẫn thực thi trong lĩnh vực mua sắm công
Bảo vệ cạnh tranh trong lĩnh vực mua sắm công là một trong những ưu tiên hàng đầu của ICA bởi lĩnh vực này có sử dụng các nguồn lực công. Vào tháng 10 năm 2013, ICA đã xuất bản Sách hướng dẫn cho các Cơ quan quản lý đấu thầu nhằm giúp họ trong việc phát hiện các dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh trong các hồ sơ dự thầu. Cơ quan quản lý đấu thầu cũng được yêu cầu báo cáo ICA nếu như họ phát hiện dấu hiệu nghi vấn về một trong số những hành vi đã được liệt kê trong Sách hướng dẫn như sau:
· Hành vi tẩy chay,
· Chào thầu giả tạo,
· Chào thầu chung bởi những hội kinh doanh tạm thời hoặc thông qua một thoả thuận thầu phụ,
· Thông thầu và phân chia thầu,
· Những bất thường trong các hồ sơ thầu (ví dụ như có những nội dung giống nhau bất thường trong các hồ sơ thầu khác nhau).
Sau khi có báo cáo từ Cơ quan quản lý đấu thầu, nếu ICA nhận thấy có những yếu tố nghi ngờ thì sẽ mở cuộc điều tra. Sách hướng dẫn dường như đã trở thành một công cụ hữu hiệu để phát hiện và đấu tranh đối với những hành vi các-ten trong lĩnh vực mua sắm công. Tuy nhiên, cũng cần có sự phân biệt giữa hành vi liên doanh thầu bởi những hội doanh nghiệp tạm thời hoặc thoả thuận thầu phụ với tất cả những dạng hành vi nghi vấn khác. Trong khi những dạng hành vi các-ten khác trong đấu thầu mua sắm công có bản chất phản cạnh tranh rõ ràng, và được coi là các hành vi mang bản chất hạn chế cạnh tranh, thì hành vi liên doanh thầu bởi những hội doanh nghiệp tạm thời hoặc thoả thuận thầu phụ là những dạng bỏ thầu đặc biệt được pháp luật cho phép. ICA cho rằng những hành vi này có thể ẩn chứa trong đó một thoả thuận phản cạnh tranh nếu như các bên tham gia là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà có thể tham gia cuộc thầu một cách độc lập. Hiện nay ICA cũng đanh thực hiện kế hoạch cho xuất bản Sách hướng dẫn về cách tính tiền phạt trong các vụ việc các-ten.
Chương trình khoan hồng
Căn cứ theo quy định tại Điều 15, Luật cạnh tranh của Ý, vào năm 2007, ICA đã cho xây dựng và thực thi Quy định về miễn phạt tù và giảm mức phạt tiền đối với đương sự thông qua chương trình khoan hồng. Quy định này đã được sửa đổi vào năm 2013. Chương trình khoan hồng của Ý dựa chủ yếu theo các chương trình khoan hồng mẫu được đưa ra trong Mạng lưới cạnh tranh Châu Âu (European competition network – ECN) tuy nhiên cũng có một số điểm khác biệt về mức độ cho hưởng khoan hồng so với chính sách này của Ủy ban Châu Âu.
Mặc dù chương trình khoan hồng mục đích chung nhất là nhắm tới phát hiện những thoả thuận các-ten theo chiều ngang có tính chất bí mật như thoả thuận ấn định giá hay phân chia thị trường, nhưng trong hướng dẫn thực thi, về nguyên tắc ICA không loại trừ việc áp dụng chương trình khoan hồng đối với những thoả thuận các-ten có yếu tố thoả thuận dọc.
Doanh nghiệp đầu tiên thông tin cho ICA về sự tồn tại của một thoả thuận các-ten bí mật và cung cấp các chứng cứ có tính quyết định để cho ICA có thể tiến hành điều tra thành công thì sẽ được miễn 100% số tiền phạt. Các doanh nghiệp khác tiếp theo xin hưởng chính sách khoan hồng nếu cung cấp thông tin và chứng cư liên quan đến hành vi các-ten có thể được xem xét cho giảm mức tiền phạt. Tuy nhiên, mức tiền phạt được giảm không vượt quá 50% tổng số tiền phạt. Quy định này có sự khác biệt tương đối so với quy định trong chương trình khoan hồng của Ủy ban Châu Âu (quy định nhiều mức miễn trừ cố định dựa trên nguyên tắc thứ tự đến trước). Mức cho hưởng miễn trừ theo quy định của Ý không cố định theo mức và không có tính chất giống nhau. Ví dụ, trong vụ các-ten mỹ phẩm, Công ty Procter & Gamble được chấp nhận là doanh nghiệp thứ ba xin hưởng khoan hồng và đã được miễn giảm 40% trong tổng số tiền phạt. Trong khi đó, trong vụ các-ten của các hãng vận tải biển quốc tế, Công ty DHL cũng được chấp nhận là doanh nghiệp thứ ba xin hưởng khoan hồng và đã được miễn 49% trong tổng số tiền phạt. Để xác định một mức giảm tiền phạt phù hợp, ICA phải xem xét và cân nhắc theo thứ tự các yếu tố gồm thời điểm cung cấp chứng cứ, mức độ hợp tác của doanh nghiệp, và giá trị của các thông tin, chứng cứ mà doanh nghiệp đã cung cấp. Như vậy, thời điểm cung cấp chứng cứ được xem xét trước tiên. Điều này có nghĩa là về nguyên tắc nếu cung cấp thông tin, chứng cứ càng sớm, ở giai đoạn đầu tiên của quá trình điều tra, sẽ được hưởng mức miễn giảm tiền phạt nhiều hơn.
Để được hưởng miễn giảm mức tiền phạt theo chương trình khoan hồng, doanh nghiệp xin hưởng khoan hồng phải thú nhận sự tham gia của họ vào thoả thuận các-ten bí mật kèm theo bằng chứng cụ thể. Nếu chỉ dừng lại ở việc thông báo một cách đơn giản về hành vi thoả thuận các-ten mà không có đầy đủ các thông tin, chứng cứ kèm theo nhằm hỗ trợ quá trình điều tra thì có thể sẽ không được miễn hay giảm mức tiền phạt.
Hình thức xử phạt đối với hành vi các-ten
Luật cạnh tranh của Ý quy định trao cho ICA thẩm quyền đưa ra hình thức và mức độ xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về chống độc quyền. Điều 5, Luật cạnh tranh Ý quy định nếu ICA xác định một cách chắc chắn rằng có hành vi vi phạm luật chống độc quyền, thì ICA có quyền yêu cầu các chủ thể liên quan dừng hành vi vi phạm. Và trong những trường hợp có vi phạm nghiêm trọng xảy ra, ICA có thể quyết định, dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi và thời gian thực hiện hành vi vi phạm, xử phạt tới 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện vi phạm đối với từng chủ thể tham gia thoả thuận.
Ngoài ra, Luật cạnh tranh Ý cũng quy định hình thức và mức độ xử phạt đối với hành vi thiếu sự hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra. Điều 14, Luật cạnh tranh Ý quy định rằng ICA có thể phạt tiền tới 25.822 Euro đối với bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào từ chối cung cấp các thông tin, tài liệu, hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ các thông tin, tài liệu khi được yêu cầu trong quá trình điều tra. Mức xử phạt có thể tăng lên 51.645 Euro nếu như thông tin hoặc tài liệu được cung cấp có sự giả mạo hoặc cố ý cung cấp thông tin không đáng tin cậy. Theo Điều 31, Luật cạnh tranh Ý, nguyên tắc chung về xử phạt hành chính quy định trong Luật số 689/1981 áp dụng đối với mức phạt do ICA đưa ra từ trước tới thời điểm hiện tại là phù hợp. Các án lệ đã xác định rõ rằng các quy định và nguyên tắc xử phạt hành chính trong Luật số 689/1981 đã đưa ra các tiêu chí và cơ sở để tính tổng số tiền phạt, trong khi Luật cạnh tranh Ý và Quy chế số 217/1998 quy định cụ thể trình tự và thủ tục xử phạt.
Với nghĩa vụ áp dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh của Ý phải phù hợp với các nguyên tắc pháp luật cạnh tranh của Cộng đồng chung Châu Âu, ICA cũng phải đảm bảo sự tương thích giữa cách tính mức tiền phạt của mình với cách thức được đưa ra trong hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu. Giống như phương pháp được Ủy ban Châu Âu hướng dẫn, trước tiên ICA sẽ quyết định tổng mức tiền phạt cơ sở tương xứng và trên cơ sở tổng giá trị mua, bán hàng hoá, dịch vụ liên quan tới hành vi vi phạm. Sau đó nhân số tiền này với số lần tương ứng với số năm thực hiện hành vi vi phạm. Sau nhiều năm ICA tính toán mức tiền phạt dựa trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu, đến nay ICA đang có ý định xây dựng một hướng dẫn tính tiền phạt riêng trên cơ sở phù hợp với hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu đồng thời có những quy định riêng phù hợp với pháp luật của Ý. Ví dụ, trong hướng dẫn tính tiền phạt mà ICA xây dựng sẽ quy định việc các bên liên quan nếu trì hoãn trả tiền đã bị ICA tuyên phạt thì sẽ bị tính tăng tiền theo pháp luật của Ý. Theo Khoản 6, Điều 27, Luật số 689/1981, mức phạt ban đầu sẽ bị tăng thêm 10% sau 6 tháng trì hoãn trả tiền phạt, tính từ ngày tới hạn phải trả của số tiền phạt ban đầu.
Trong một số vụ việc gần đây, Toà hành chính tối cao Ý đã đưa ra tiền lệ rằng trong trường hợp số tiền phạt ban đầu bị phủ quyết bởi Toà sơ thẩm và sau đó lại được Toà phúc thẩm công nhận, thì việc trì hoãn nộp tiền phạt sẽ bị tính thậm chí đối với cả khoảng thời gian mà số tiền phạt ban đầu bị Toà sơ thẩm phủ quyết.
Trong năm 2013, ICA đã kết thúc điều tra 9 vụ việc trong đó kết luận có hành vi vi phạm Điều 2, Luật cạnh tranh Ý và Điều 101, TFEU, và 1 vụ việc cũng đã được kết thúc điều tra và đưa ra kết luận vào nửa đầu năm 2014. Có 7 trong số 10 vụ việc nêu trên, ICA xác định chắc chắn có hành vi vi phạm và đưa ra hình thức cũng như mức độ xử phạt đối với các bên vi phạm, với tổng số tiền phạt lên tới khoảng 190 triệu Euro.
Tham khảo:
– Thông tin từ Cơ quan cạnh tranh Ý – website: http://www.agcm.it/en/
– Tông tin từ website: http://globalcompetitionreview.com
Phùng Văn Thành – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh