BVNTD

Việt Nam tham dự Cuộc họp lần thứ 22 của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN thông qua hình thức trực tuyến

Từ ngày 03 đến ngày 06 tháng 05 năm 2021, Cuộc họp lần thứ 22 do Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) tổ chức đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của 10 quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện của các cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế đến từ Đức (GIZ), Úc (ACCC) và đại diện các tổ chức xã hội liên quan.

Chủ trì Cuộc họp, ông Mohamed Zahari bin Razali, Phó Tổng Thư ký, Bộ Nội thương và tiêu dùng, Ma-lay-xi-a, Chủ tịch luân phiên của ACCP đã có bài phát biểu khai mạc và bày tỏ sự cảm ơn tới các thành viên trong Ban Thư ký ASEAN, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng các nước thành viên ASEAN. Ông cũng nhấn mạnh sự quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng tiêu cực tới toàn xã hội.

Ảnh: Cuộc họp trực tuyến ACCP lần thứ 22

 Tại Cuộc họp lần thứ 22, các nước đã cùng nhau điểm lại các quyết định trọng điểm của các cơ quan cấp cao ASEAN và cập nhật về Kế hoạch chiến lược hành động bảo vệ người tiêu dùng của ASEAN năm 2025 (ASAPCP 2025), các chỉ số hiệu suất chính (KPIs) và khung giám sát và đánh giá hoạt động (M&E).

Tiếp đó, Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên cùng nhau thảo luận về tiến độ thực hiện các mục tiêu chiến lược của ASAPCP 2025, bao gồm: (i) Xây dựng khung hoạt động bảo vệ người tiêu dùng chung trong ASEAN; (ii) Đảm bảo việc nâng cao chỉ số trao quyền và kiến thức cho người tiêu dùng trong khu vực; Nâng cao sự tự tin của người tiêu dùng trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và trong các giao dịch thương mại xuyên biên giới; và (iv) Lồng ghép các vấn đề của người tiêu dùng vào các chính sách khác của ASEAN.

Cũng tại Cuộc họp, các nước thành viên ASEAN và đại diện Ban Dự án thuộc chương trình Phát triển các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng (CAP) trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-Niu Di Lân (AANZFTA) đã có cuộc họp lần đầu tiên kể từ khi Hiệp định được ký kết. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN hợp tác với CAP để thực hiện hoạt động tuyên truyền kiến thức cho người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 với 02 Hội thảo trực tuyến về lĩnh vực mua sắm online và cho vay tiêu dùng; xây dựng 01 Video clip giới thiệu về Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 2021. Ban dự án cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hoạt động đào tạo và hợp tác với các nước thành viên ASEAN trong thời gian tới.

Bên lề Cuộc họp, các nước thành viên ASEAN cũng tham gia họp Ban chỉ đạo dự án (PSC) lần thứ 5 cho Dự án hợp tác ASEAN-Đức trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp và Bảo vệ Người tiêu dùng Đức (BMVJ) cùng với đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã cùng nhau thảo luận về các hoạt động đang diễn ra và dự kiến tổ chức một số Hội thảo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử vào quý 3 năm 2021.

Ngoài ra, Cuộc họp Tham vấn lần thứ 3 với mạng lưới hiệp hội người tiêu dùng ASEAN (ACAN) với sự tham gia của các tổ chức xã hội liên quan và 10 nước thành viên đã bàn về những bất cập của người tiêu dùng trong thời kỳ Covid-19. Tại đây, một số Hội bảo vệ người tiêu dùng đã chia sẻ về những tác động và thách thức của xu hướng mua sắm trực tuyến đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cuộc họp ACAN cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội về việc hợp tác với ACCP trong tương lai.

Cuộc họp trực tuyến lần thứ 22 của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN và một số cuộc họp liên quan khác đã diễn ra thành công. Với tư cách là một thành viên của ACCP, đại diện của Việt Nam (Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) đã tham gia chủ động và hiệu quả vào việc cập nhật cho Cuộc họp về tình hình công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam cũng như đóng góp ý kiến đối với nhiều hoạt động chung của Cuộc họp.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương