BVNTD

Các câu hỏi thường gặp

Theo Điều 6 Luật Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo mật thông tin của người tiêu dùng như sau: Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
  •  Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin;
  •  Các doanh nghiệp viễn thông có thoả thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hoá đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
  •  Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 16 Luật Viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông có những quyền như sau:
  • Lựa chọn doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông để giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông;
  • Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng dịch vụ viễn thông;
  • Sử dụng dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá cước trong hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông;
  • Từ chối sử dụng một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông;
  • Được bảo đảm bí mật thông tin riêng theo quy định của pháp luật;
  • Khiếu nại về giá cước, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông gây ra
Theo Điều 6 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP về đăng ký giá thì: Trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thực hiện đăng ký giá bằng việc lập, phân tích việc hình thành mức giá và gửi văn bản đăng ký giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá. Cụ thể như sau:
  •  Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ thực hiện bán buôn thì đăng ký giá bán buôn;
  •  Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vừa thực hiện bán buôn, vừa thực hiện bán lẻ thì đăng ký cả giá bán buôn và giá bán lẻ;
  •  Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là đơn vị nhập khẩu, đồng thời là nhà phân phối độc quyền thì phải đăng ký giá bán buôn và giá bán lẻ dự kiến;
  •  Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là nhà phân phối độc quyền, tổng đại lý thì phải đăng ký giá bán buôn, giá bán lẻ dự kiến; đại lý thì phải đăng ký giá bán lẻ.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận văn bản đăng ký giá bao gồm:
  •  Ở trung ương là các bộ, ngành theo quy định của pháp luật;
  •  Ở địa phương là Sở Tài chính và các Sở quản lý ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bộ Tài chính quy định cụ thể về quy trình tiếp nhận, xử lý và Biểu mẫu đăng ký giá, cơ quan tiếp nhận biểu mẫu đăng ký giá. Quy định về đăng ký giá tại Nghị định này không áp dụng đối với các dịch vụ bưu chính viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông.
Theo Điều 10 Luật Giá, những hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh bị cấm trong lĩnh vực giá bao gồm:
  • Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;
  • Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;
  • Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý;
  • Các hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi.
Khoản 1 Điều 15 Luật Giá quy định: hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau:
  • Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông;
  • Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.
Khoản 2 Điều 15 quy định cụ thể danh sách các hàng hóa, dịch vụ được thực hiện bình ổn giá, bao gồm:
  • Xăng, dầu thành phẩm;
  • Điện;
  • Khí dầu mỏ hóa lỏng;
  • Phân đạm; phân NPK;
  • Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;
  • Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;
  • Muối ăn;
  • Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi;
  • Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;
  • Thóc, gạo tẻ thường;
  • Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Điều 24 Luật Quảng cáo nêu rõ những quy định về quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác như sau. Quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo:
  • Tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận;
  •  Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá ba tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại, quá ba thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận;
  • Tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo; phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo và không được thu phí dịch vụ đối với thông báo từ chối của người nhận.
Quảng cáo bằng các hình thức khác trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 23 Luật Quảng cáo nêu rõ những quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử. Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định sau:
  •  Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin;
  •  Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.
Quảng cáo trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thực hiện theo các quy định nói trên. Quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên
Điều 22 Luật Quảng cáo nêu rõ những quy định về quảng cáo trên báo nói, báo hình như sau:

Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.

Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình sau:
  • Chương trình thời sự;
  • Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.

Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.

Cơ quan báo nói, báo hình có nhu cầu ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Trong trường hợp cơ quan báo chí có nhu cầu thay đổi nội dung giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải gửi hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép đến cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Điều 21 Luật Quảng cáo nêu rõ những quy định về quảng cáo trên báo in như sau:
  1. Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
  2. Cơ quan báo chí được phép ra phụ trương quảng cáo và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trước ít nhất 30 ngày tính đến ngày phát hành đầu tiên của phụ trương quảng cáo.
  3. Phụ trương quảng cáo của báo phải đánh số riêng; có cùng khuôn khổ, phát hành kèm theo số trang báo chính.
  4. Trên trang một của phụ trương quảng cáo phải ghi rõ các thông tin sau:
  • Tên tờ báo;
  • Tên, địa chỉ của cơ quan báo chí;
  • Dòng chữ “Phụ trương quảng cáo không tính vào giá bán”.
5. Không được quảng cáo trên bìa một của tạp chí, trang nhất của báo.
Theo Điều 16 Luật Quảng cáo, người tiêu dùng được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo. Người tiêu dùng được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật. Khi tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại, phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo với cơ quan quản lý nhà nước và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra; được quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo hoặc người quảng cáo cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo.