BVNTD

Đẩy mạnh phát triển y tế điện tử để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh Covid 19

      Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ đời sống xã hội và cách thức con người liên lạc với nhau để làm việc, học tập và giải trí từ trực tiếp sang gián tiếp, thông qua các phương tiện điện tử được kết nối Internet như điện thoại, máy tính, hay các thiết bị điện tử thông minh khác. Khi các khái niệm như thương mại điện tử (E-Commerce), kinh doanh điện tử (E-Business), giải pháp điện tử (E-Solution), v.v., đang trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam thì khái niệm y tế điện tử (E-Health hay Digital Health ) và các dịch vụ y tế điện tử (E-Health Services) bắt đầu xuất hiện và cũng được lan tỏa một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có diễn biến hết sức phức tạp.  
1. Nhu cầu phát triển y tế điện tử
      Y tế điện tử là một lĩnh vực kết hợp giữa tin học y tế, y tế công cộng và kinh doanh, đề cập đến các dịch vụ y tế và thông tin được cung cấp hoặc nâng cao thông qua Internet và các công nghệ liên quan. Theo nghĩa rộng hơn, thuật ngữ này không chỉ đặc trưng cho sự phát triển kỹ thuật mà còn thể hiện tinh thần, cách suy nghĩ, thái độ và cam kết đối với tư duy toàn cầu, được nối mạng, nhằm cải thiện chăm sóc sức khỏe tại địa phương, khu vực và trên toàn thế giới bằng cách sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. 
      Trước những đợt dịch bệnh bùng phát với số ca nhiễm bệnh tăng cao kỉ lục khiến cho hệ thống y tế quá tải, rất nhiều các quốc gia (Hoa Kỳ , Anh , Nhật Bản , Ấn Độ …) đã đẩy mạnh các dịch vụ y tế trực tuyến và đây chính là phương thức hiệu quả giúp các quốc gia quản lý đại dịch và các khủng hoảng liên quan đến sức khỏe. Theo thống kê của Statista 2021, hơn 21 tỷ đô la Mỹ đã được đầu tư vào việc phát triển các công cụ kỹ thuật số phục vụ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong năm 2020, cao gấp hơn 20 lần so với năm 2010. Ngay cả trước đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng các công cụ y tế kỹ thuật số cũng đã tăng mạnh và người tiêu dùng cũng có xu hướng tích cực đón nhận việc chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số. Tuy nhiên, Covid 19 như là một cú hích làm thị trường này bùng nổ. Thị trường y tế điện tử toàn cầu trị giá khoảng 175 tỷ đô la Mỹ năm 2019 và theo cách tính toán tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR), dự kiến đến năm 2025, giá thị trường này sẽ đạt gần 660 tỷ đô la theo dự báo của Statista.


 
Ảnh: Quy mô thị trường ngành y tế điện tử toàn cầu được dự báo từ năm 2019 đến năm 2025 (tính bằng tỷ đô la Mỹ)
      Trong thời gian qua, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phát triển một nền tảng giúp triển khai hệ thống khám chữa bệnh (KCB) từ xa gồm: Tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn KCB từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật KCB từ xa . Đến ngày tháng 9 năm 2021, hệ thống này đã kết nối 1000 điểm  khám chữa bệnh từ xa, đánh dấu mốc giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài các nền tảng khám chữa bệnh từ xa, trong thời gian qua, Việt Nam cũng phát triển rất nhiều các ứng dụng hỗ trợ người tiêu dùng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như Vietnam Health Declaration, Bluezone, Ncovi.  
     Các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, trực tuyến trở nên đặc biệt quan trọng ở các quốc gia từ khi đại dịch bùng phát. Nó cho phép người dân hỏi ý kiến bác sĩ mà không cần ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa, tránh nguy cơ lây nhiễm virus. Dịch bệnh Covid 19 buộc các hệ thống chăm sóc sức khỏe phải gia tăng dịch vụ trực tuyến để giảm các hoạt động thăm khám trực tiếp tại cơ sở y tế, phân loại các trường hợp cần hội chẩn khẩn cấp, thực hiện các cuộc phẫu thuật… 
2. Lợi ích của việc phát triển y tế điện tử
      Việc phát triển y tế điện tử đem lại lợi ích cho hệ thống y tế, cho người tiêu dùng và cho toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 . Một số lợi ích có thể nhắc đến bao gồm:
      Thứ nhất, một trong những tiềm năng nổi bật của y tế điện tử là tăng hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí.
      Thứ hai, y tế điện tử có thể nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn người tiêu dùng có thể dễ dàng so sánh dịch vụ giữa các nhà cung cấp khác nhau để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất đồng nghĩa với việc sức mạnh của người tiêu dùng được gia tăng khi họ trở nên chủ động hơn trong các quyết định của mình.
     Thứ ba, y tế điện tử trao quyền cho người tiêu dùng/bệnh nhân – bằng cách cung cấp cơ sở kiến thức về y học và khuyến khích việc sử dụng hồ sơ điện tử cá nhân. Y tế điện tử mở ra con đường mới cho y học khi người tiêu dùng và bệnh nhân có được nguồn thông tin dồi dào và nhận thức tốt hơn về quyền và lợi ích của họ.
     Thứ tư, y tế điện tử khuyến khích mối quan hệ mới giữa bệnh nhân và chuyên gia y tế, hướng tới mối quan hệ đối tác thực sự, nơi các quyết định được đưa ra theo cách thức chia sẻ.
     Thứ năm, y tế điện tử góp phần đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của các y bác sĩ thông qua phương thức trực tuyến thường xuyên và giáo dục người tiêu dùng về sức khỏe, thông tin phòng ngừa phù hợp.
     Thứ sáu, y tế điện tử giúp tạo điều kiện và chuẩn hóa việc trao đổi thông tin giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
     Thứ bảy, y tế điện tử giúp mở rộng phạm vi chăm sóc sức khỏe vượt ra ngoài ranh giới thông thường của ngành y tế truyền thống cả về phạm vi địa lý cũng như lĩnh vực chuyên môn. Y tế điện tử cho phép người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế trực tuyến từ các nhà cung cấp toàn cầu. Các dịch vụ này có thể bao gồm từ việc cung cấp thông tin, tư vấn các kiến thức cơ bản đến việc cung cấp các giải pháp, biện pháp can thiệp phức tạp hơn hoặc các sản phẩm như thuốc men, dược phẩm, vật tư… 
3. Bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ y tế điện tử
     Xây dựng và phát triển một hệ thống y tế điện tử hoạt động hiệu quả là yêu cầu bức thiết đối với mọi quốc gia để bảo vệ người dân trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh Covid 19 và những dịch bệnh tương tự khác. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, trong quá trình này cũng sẽ tiềm ẩn những nguy cơ xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng như vấn đề cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; chất lượng hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm; lừa đảo; chiếm đoạt và sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người tiêu dùng…Vì vậy, để tăng cường lợi ích và hiệu quả của hệ thống y tế điện tử, đồng thời, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cần sự phối hợp của nhiều chủ thể liên quan, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức về y tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc thực hiện một số hoạt động có liên quan, bao gồm: 
a) Giám sát và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ y tế điện tử.
Y tế điện tử là lĩnh vực rất đặc thù. Việc sử dụng các hàng hóa, dịch vụ có liên quan ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tài sản thậm chí tính mạng của người tiêu dùng. 
Vì vậy, để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ được cung cấp, cần tăng cường tiếp nhận và xử lý yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến các vấn đề về cung ứng, bình ổn giá và kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, vật tư y tế và hàng hóa thiết yếu. Xử lý nghiêm bất kỳ hành vi gian lận thương mại nào gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
b) Xử lý hành vi cung cấp thông tin không chính xác.
Dịch vụ y tế điện tử liên quan là một lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến khía cạnh sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, hầu như rất ít người tiêu dùng có đủ kiến thức đánh giá chính xác về tình huống mà thường dựa hoàn toàn vào thông tin của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ để thực hiện hành vi tiêu dùng. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần tăng cường xử lý các hành vi cung cấp thông tin và quảng cáo không chính xác, chứa các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng hoặc các hành vi lừa đảo được lan truyền trong cộng đồng trong thời kỳ đại dịch trong quá trình cung cấp các dịch vụ y tế.
c) Bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
      – Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, đối với dịch vụ y tế, người tiêu dùng thường dễ dàng trao thông tin cá nhân và đồng ý cho các bên có liên quan khác khai thác dữ liệu. Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không yêu cầu dữ liệu cá nhân phải được bảo vệ đúng cách (bỏ qua và không quan tâm quá nhiều đến các chính sách bảo mật).
      – Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, các cơ quan tổ chức có liên quan cần yêu cầu và giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện đúng và đầy đủ các trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
d) Khuyến khích nâng cao việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp.
     Do đặc thù của loại hàng hóa dịch vụ và đối tượng thụ hưởng nên các dịch vụ y tế điện tử không chỉ là vấn đề kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa y tế mà còn có thể liên quan đến vấn đề đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc giám sát, xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý cũng cần xây dựng các cơ chế khuyến khích động viên họ thực hiện các trách nhiệm đạo đức với người tiêu dùng.
 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương