BVNTD

Những điểm mới về phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018

     Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh”. Quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Cạnh tranh năm 2004 đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn trong quá trình thực thi và áp dụng luật.

     Thứ nhất, quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ liệt kê các dạng hành vi phản cạnh tranh (hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh) mà không quy định cụ thể chưa xem xét đến “yếu tố tác động” cạnh tranh của hành vi đó tới thị trường. Yếu tố tác động của các hành vi phản cạnh tranh được đánh giá không chỉ ở quá khứ (có tác động) mà có thể còn đánh giá ở tương lai (có khả năng gây tác động). Bên cạnh đó, yếu tố tác động của hành vi còn được xem xét dựa trên nguyên tắc phạm vi địa lý chịu sự tác động của hành vi. Như vậy, tất cả các hành vi mặc dù diễn ra ở bất kỳ khu vực địa lý nào nhưng có “tác động” hoặc “có khả năng gây tác động” hạn chế cạnh tranh đáng kể tại thị trường Việt Nam cần được điều chỉnh bởi pháp luật cạnh tranh.

     Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ quy định điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh…” và áp dụng đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh…bao gồm cả…doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”, thì chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh đối với các hành vi phản cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường Việt Nam. Do vậy, các hành vi này chưa được xử lý triệt để, góp phần bảo vệ môi trường cạnh tranh của thị trường trong nước.

     Thứ hai, quy định phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh năm 2004 không tách biệt nhóm hành vi tập trung kinh tế và nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, nhóm hành vi tập trung kinh tế và nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh khác biệt nhau đáng kể về bản chất cũng như tác động của hành vi tới cạnh tranh trên thị trường.

     Tập trung kinh tế là việc tích tụ sức mạnh thị trường để hình thành nên chủ thể kinh tế có hiệu quả hoạt động cao hơn. Hoạt động tập trung kinh tế là quyền của doanh nghiệp, được thừa nhận rộng rãi và được quy định tại Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và các Luật chuyên ngành. Tuy nhiên, việc tích tụ sức mạnh thị trường đến một mức độ nhất định có thể tác động hoặc gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường (hình thành nên hình thái thị trường tạo thuận lợi cho việc thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc thoả thuận hạn chế cạnh tranh). Do vậy, pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi tập trung kinh tế nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn các tác động hạn chế cạnh tranh

     Trong khi đó, hành vi hạn chế cạnh tranh có bản chất là những hành vi “bất thường” về mặt kinh tế gây tác động hoặc có khả năng tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường. Pháp luật cạnh tranh thực hiện điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh nhằm loại bỏ, chấm dứt các hành vi phản cạnh tranh, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh. Như vậy, Luật Cạnh tranh năm 2004 coi nhóm hành vi tập trung kinh tế thuộc vào nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh là chưa phù hợp với bản chất và tác động của nhóm hành vi tập trung kinh tế tới môi trường cạnh tranh.

     Dựa trên những khó khăn, bất cập nêu trên, Luật Cạnh tranh 2018 đã điều chỉnh quy định liên quan đến “phạm vi điều chỉnh” phù hợp với nhu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế.

vĐiều 1 Luật Cạnh tranh 2018 quy định như sau:

     “Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh”.

     Như vậy, phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 Luật Cạnh tranh 2018 đã được mở rộng và thay đổi như sau:

     Thứ nhất, quy định điều chỉnh đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam. Điều này có nghĩa Luật Cạnh tranh 2018 điều chỉnh cả những hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.

     Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới, Luật Cạnh tranh 2018 cũng đã xây dựng các nguyên tắc thực hiện hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh tại Điều 108 và Điều 109. Dựa trên nguyên tắc cơ bản đó, cơ quan thực thi có cơ sở để thực hiện nội dung phối hợp điều tra, chia sẻ thông tin trong điều tra vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới giữa cơ quan cạnh tranh của các quốc gia thành viên trong cam kết quốc tế, Hiệp định thương mại song phương, đa phương, biên bản ghi nhớ hoặc các hình thức hợp tác quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

     Thứ hai, tách biệt tập trung kinh tế ra khỏi nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh theo đúng bản chất và tác động của hành vi tới cạnh tranh trên thị trường. Theo như phân tích ở trên, về bản chất, tập trung kinh tế là quyền của doanh nghiệp đã được pháp luật công nhận. Pháp luật cạnh tranh chỉ điều chỉnh hành vi tập trung kinh tế nhằm mục đích ngăn ngừa việc thay đổi cấu trúc thị trường có thể dẫn tới việc làm tổn hại tới động lực cạnh tranh trên thị trường, từ đó làm suy giảm hiệu quả kinh tế và xâm hại tới người tiêu dùng.

     Do vậy, khác biệt với Luật cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 kiểm soát việc tập trung kinh tế theo cả hai cơ chế “tiền kiểm” và “hậu kiểm”. “Tiền kiểm” nhằm phòng ngừa khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh thông qua việc đánh giá tác động của hành vi trong tương lai để từ đó áp dụng các điều kiện nhằm khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh, chỉ những giao dịch tập trung kinh tế không có biện pháp khả thi để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh mới bị cấm. Kiểm soát “hậu kiểm” nhằm xử lý việc vi phạm cơ chế phòng ngừa tập trung kinh tế (điều tra hành vi vi phạm và xử phạt).

     Phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh 2018 đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với nhu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế, tạo cơ chế pháp lý cho cơ quan cạnh tranh quốc gia thực thi hiệu quả, từ đó tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương