BVNTD

[Bài số 3/8] – Những điều kiện đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam

Đặc thù của mô hình bán hàng đa cấp là việc tiếp thị hàng hóa được thực hiện trực tiếp qua phương thức truyền miệng, do đó khó kiểm soát được quá trình thông tin từ người này sang người khác. Không riêng gì bất kỳ quốc gia nào, hoạt động kinh doanh này ngay khi xuất hiện đã bị những đối tượng xấu lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo. Do đó, công tác quản lý đối với hoạt động này cũng là bài toán nan giải của cơ quan quản lý ở hâu hết các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, ngay sau khi hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện vào khoảng những năm 2000, pháp luật đã có quy định đầu tiên điều chỉnh tại Luật Cạnh tranh năm 2004 và sau đó là Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Trong thời gian qua, do các biểu hiện biến tướng xuất hiện ngày càng phức tạp và tinh vi, Nhà nước đã liên tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ, hạn chế các nguy cơ và tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội của hoạt động bán hàng đa cấp.

Và hiện nay, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này là Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về của Chính phủ quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP) thay thế cho Nghị định số 42/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Nghị định số 40/2018/NĐ-CP hiện nay được đánh giá là công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ và hiệu quả ngành bán hàng đa cấp so với giai đoạn trước đây. Theo đó, tổ chức cá nhân muốn kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam cần lưu ý về những điều kiện sau:

Thứ nhất, kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải đăng ký với Bộ Công Thương và chịu sự giám sát, quản lý của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và các cơ quan chuyên ngành liên quan như thuế, y tế, công an… theo quy định pháp luật (các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận theo quy định luôn được đăng công khai trên trang thông tin điện tử: vcca.gov.vn).

Hoạt động kinh doanh đa cấp không phép là trái pháp luật và có thể bị xử lý hình sự (phạt tiền tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo quy định tại Điều 217a Bộ Luật hình sự).

Thứ hai, về đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện với đối tượng là hàng hóa (tức là hoạt động bán hàng đa cấp). Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, ví dụ như kinh doanh bảo hiểm).

Thứ ba, một số điều kiện đăng ký hoạt động đối với tổ chức tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam (được quy định chi tiết tại Điều 7 của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP) đáng lưu ý như sau:

– Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đồng thời doanh nghiệp và thành viên chủ chốt của doanh nghiệp không được là doanh nghiệp và các thành viên chủ chốt của các đối tượng đã từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

– Về mặt tài chính, ngoài điều kiện về vốn điều lệ là 10 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp cần đáp ứng mức ký quỹ tối thiểu cũng từ 10 tỷ đồng trở lên;

– Về mặt kỹ thuật, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, hệ thống công nghệ thông tin này phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Thứ tư, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần tiến hành đăng ký và phải được Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận bằng văn bản để thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương đó.

Thêm vào đó, các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tối thiểu 15 ngày làm việc trước khi thực hiện.

Thứ năm, vấn đề đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp cũng đặc biệt được chú trọng. Chương trình đào tạo cơ bản dành cho người tham gia bán hàng đa cấp phải đảm bảo thời lượng đào tạo tối thiểu 8 tiếng. Công tác đào tạo cơ bản này phải được thực hiện trước khi người tham gia BHĐC được cấp Thẻ thành viên và phải do người được doanh nghiệp chỉ định là Đào tạo viên giảng dạy. Doanh nghiệp sẽ cử người học tại cơ sở đào tạo có chương trình được công nhận. Chỉ những người hoàn thành bài kiểm tra và được Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức đào tạo kiến thức pháp luật về BHĐC mới được doanh nghiệp lựa chọn và chỉ định làm Đào tạo viên.

Thứ sáu, để bảo vệ người tham gia trước các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, các quy định hiện nay cũng định hướng hoạt động bán hàng đa cấp đi vào đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng để thực hiện hoạt động huy động tài chính trái phép. Cụ thể:

– Hạn chế doanh nghiệp cho phép người tham gia ký gửi hàng hóa. Buộc các bên phải giao nhận hàng hóa sau khi thanh toán.

– Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. Đồng thời, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại các hàng hóa theo quy định và hoàn trả theo mức thỏa thuận với người tham gia bán hàng đa cấp nhưng không thấp hơn 90% số tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận số hàng hóa đó.

– Doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và khách hàng mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng đối với tiền hoa hồng và tiền thưởng.

Có thể nói Nghị định số 40/2018/NĐ-CP đã có nhiều quy định hướng hoạt động bán hàng đa cấp đi vào đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng để thực hiện hoạt động huy động tài chính trái phép. Nghị định này đã hoàn thiện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, nâng cao tính minh bạch của hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp cũng như tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

[Bài số 1/8] – Bản chất hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

[Bài số 2/8] – Các hình thức kinh doanh dễ bị nhầm là kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[Bài số 4/8] – Kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Viêt Nam trong thời gian vừa qua

[Bài số 5/8] – Những biểu hiện của hoạt động bán hàng đa cấp bất chính            

[Bài số 6/8] – Các hình thức bán hàng đa cấp biến tướng hiện nay

[Bài số 7/8] – “Kịch bản” lừa đảo của các đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép

[Bài số 8/8] – Những điều cần lưu ý khi tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương