BVNTD

Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp khu vực phía Bắc”

Nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, vừa qua ngày 22 tháng 9 năm 2022, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp khu vực phía Bắc” tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Trong hai năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục tình hình, vượt qua khó khăn và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục CT&BVNTD đã phối hợp với các cơ quan liên quan từ Trung ương tới các Sở Công Thương tại địa phương thực hiện hàng loạt các biện pháp quản lý mạnh mẽ và đồng bộ, đặc biệt là triển khai hiệu quả Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 theo Quyết định số 2837/QĐ-BCT ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương để quản lý, thiết lập trật tư hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt tại các địa phương.

Các cơ quan quản lý đã dần chuyển sang phương thức quản lý mới, sử dụng nhiều công cụ trực tuyến hơn. Bộ Công Thương và các Sở Công Thương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều có trang thông tin điện tử để công khai, minh bạch thông tin. Các cơ quan quản lý kết nối, chia sẻ thông tin qua kênh trực tuyến thay cho văn bản giấy.

Trong hai năm vừa qua, Bộ Công Thương cũng tích cực triển khai công tác soạn thảo, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với những quy định mới nhằm quản lý hiệu quả hơn nữa đối với hoạt động bán hàng đa cấp, đồng thời thúc đẩy giao dịch trên công cụ trực tuyến, giảm chi phí và nguồn lực cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định hiện đang được rà soát ở giai đoạn cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về hoạt động của các doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp trên thị trường vẫn giữ ổn định ở con số 22, không có doanh nghiệp nào phải giải thể, phá sản do tác động của dịch bệnh. Không những vậy, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp vẫn liên tục tăng trưởng. Năm 2020, doanh thu ngành bán hàng đa cấp đạt hơn 15.438 tỷ đồng, tăng 22.8% so với năm 2019. Năm 2021, doanh thu ngành đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng 24% so với năm 2020. Như vậy, doanh thu toàn ngành bán hàng đa cấp trong 05 năm vừa qua không có năm nào giảm mà có xu hướng tăng liên tục với tỉ lệ tăng trưởng khá cao. Đóng góp của ngành vào nguồn thuế nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng mạnh, năm 2021, số thuế nộp ngân sách thống kê đạt là 2.819 tỷ đồng, tăng 35,1% so với năm 2020.

Danh sách 5 doanh nghiệp có doanh thu bán hàng đa cấp cao nhất trong năm 2021

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định trong việc tuân thủ pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và bị xử phạt hành chính qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Tại Hội nghị, đại điện các Sở Công Thương phía Bắc, Hiệp hội Bán hàng đa cấp và các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã trao đổi và cùng đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý tại địa phương và những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp./. 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương