BVNTD

Covid-19 và sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của vấn nạn rác thải nhựa

      Rác thải nhựa là vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường sống tự nhiên. Nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy, hơn 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất kể từ đầu những năm 1950 đến nay. Khoảng 60% lượng nhựa đó đã trở thành rác thải, được gom vào các bãi rác hoặc “trôi dạt” trong môi trường tự nhiên như: đất, nước sông, hồ, biển… Nếu xu hướng này tiếp tục tiếp diễn, đến năm 2050, số lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cả số cá có trong tất cả các đại dương trên thế giới  .
      Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, số lượng các sản phẩm nhựa được sử dụng có xu hướng tăng cao, thậm chí, một số chính sách, quy định về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa đã buộc phải tạm dừng để đảm bảo yếu tố an toàn cho xã hội. Trước thực trạng trên, với vai trò là một trong các chủ thể của quá trình sản xuất-tiêu dùng, người tiêu dùng cần chủ động trong việc nhận thức và điều chỉnh hành vi tiêu dùng, góp phần hạn chế khủng hoảng rác thải nhựa, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế. 
1. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nhựa trong thời kỳ Covid-19
      Rác thải nhựa đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau như: rác thải nhựa sinh hoạt, rác thải nhựa y tế, rác thải nhựa công nghiệp, rác thải từ hoạt động xuất nhập khẩu, rác thải từ các khu du lịch, dịch vụ…trong đó, rác thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình có xu hướng ngày càng tăng do vấn đề phát triển dân số và sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của xã hội hiện đại.
      Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu dùng các sản phẩm nhựa vô tình đã được trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy, ví dụ như:
      – Khuyến cáo hoặc bắt buộc đeo khẩu trang y tế, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ khi tham gia các hoạt động tại khu vực công cộng.
      – Khuyến khích sử dụng các phương thức mua bán trực tuyến, qua đó, gián tiếp làm tăng số lượng túi nylong để bảo quản, vận chuyển hàng hóa hoặc gia tăng sử dụng hộp, cốc, thìa nhựa khi mua đồ ăn qua mạng…
      Hiện tại, chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng rác thải nhựa sinh hoạt trong thời kỳ Covid-19 nhưng rõ ràng, chỉ cần quan sát sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng hàng ngày là có thể thấy rõ số lượng rác thải nhựa đang có sự gia tăng đáng kể.

 
Khẩu trang, vỏ hộp thức ăn bị vất bừa bãi trên đường phố (Nguồn: Tổng hợp)
      Bên cạnh các các hoạt động tiêu dùng làm gia tăng số lượng rác thải nhựa, việc phải tạm dừng thực hiện một số chính sách hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng rác thải nhựa, ví dụ như  :
     – Tại Anh, quy định tính thêm phí đối với túi nilon tạm thời không có hiệu lực. Một số Bang tại Mỹ như Maine cũng tạm ngừng lệnh cấm sử dụng túi nilon.
     – Hiệp hội ngành nhựa Mỹ đã gửi một bức thư cho Bộ Y tế, yêu cầu cơ quan này “đưa ra thông báo chính thức về những lợi ích cho sức khỏe con người khi sử dụng đồ nhựa dùng một lần”. Đại dịch đang “buộc nhiều người Mỹ, các cơ sở kinh doanh nhận ra đồ nhựa dùng một lần là sự lựa chọn an toàn nhất”.
2. Hành động của người tiêu dùng để hạn chế vấn nạn rác thải nhựa
      Tác hại của rác thải nhựa đến sức khỏe của con người, đến sự an toàn của sinh vật biển, của nguồn nước ngầm và nhiều hệ lụy môi trường khác là vấn đề rõ ràng, nghiêm trọng và cần có hành động của toàn xã hội để chung tay khắc phục, cùng bảo vệ sự phát triển của các thế hệ tương lai.
      Để góp phần vào công cuộc này, mỗi người tiêu dùng cần tự ý thức, chủ động thực hiện và tích cực chia sẻ, lan tỏa ý thức hạn chế rác thải nhựa tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp thông qua những hành động thường ngày như sau:
1) Bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, chủ động phân loại rác thải.
 
Hướng dẫn phân loại rác thải (Nguồn: Tổng hợp)
2) Hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa một lần
      Rác thải nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đang trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Theo các nghiên cứu của Chương trình môi trường liên hợp quốc (UNEP), mỗi một phút người tiêu dùng toàn cầu mua 1 triệu chai nhựa đựng nước và mỗi năm 5 tỷ tỷ túi nhựa sử dụng một lần được tiêu thụ. Đồng thời, quá nửa các chế phẩm từ nhựa là loại dùng một lần . 
      Trên thực tế, việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần có thể được áp dụng trong nhiều hoạt động thường ngày của người tiêu dùng, ví dụ:
     – Ưu tiên sử dụng túi, hộp làm từ vật liệu có thể tự phân hủy sinh học hoặc có thể tái sử dụng để đi chợ, đựng thực phẩm, đựng rác thải hàng ngày. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng, nên dồn các đồ vật cần đựng vào số lượng túi nylong ít nhất có thể, ví dụ: khi đi siêu thị nên đựng đầy đồ vào 1 túi nhựa hoặc không nên chia nhỏ rác thải vào nhiều túi nhựa khác nhau khi đi đổ rác…
     – Lựa chọn quán café, giải khát có sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ, ống hút làm từ vật liệu thiên nhiên.
     – Mua thực phẩm, đồ đựng trong túi giấy thay vì hộp, bao bì bằng nhựa. 
     – Không nên tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá nhiều.
     – Sử dụng dụng cụ vệ sinh trong gia đình làm từ vật liệu thiên nhiên thay cho đồ nhựa, như: các loại chổi, các loại chất tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên, an toàn với môi trường…
     – Sử dụng bỉm vải thay cho bỉm nhựa đối với gia đình có con nhỏ.
 
Một số biện pháp giảm rác thải nhựa hàng ngày (Nguồn: http://nioeh.org.vn/tin-suc-khoe/giam-thieu-chat-thai-nhua-huong-toi-thien-nhien)
      Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang cùng nhau tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuộc chiến chống rác thải nhựa cũng là cuộc chiến lâu dài và ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhân loại. Vì vậy, ngay trong thời kỳ ảnh hưởng của dịch bệnh, trước khi tiêu dùng các sản phẩm nhựa, mỗi người tiêu dùng cần ý thức và cẩn trọng đối với hành vi của mình./.
 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương