BVNTD

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là một dự án Luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Dự án Luật được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật… Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Công Thương, ngày 06 tháng 10 năm 2023, tại Tp. Hồ Chí Minh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 80 đại biểu đến từ các sở, ban ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng người tiêu dùng cũng như đại diện một số cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương cho biết để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi và nhanh chóng đưa các quy định của Luật; thực hiện phân công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi Luật được thông qua, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành  Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày 24 tháng 8 năm 2023, hồ sơ dự thảo Nghị định đã được đăng tải  công khai để lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Công Thương, đồng thời, đã được gửi xin ý kiến các Bộ, UBND các tỉnh, thành và các tổ chức có liên quan. Tới thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến đóng góp của 11 Bộ, 38 UBND và nhiều ý kiến của các hiệp hội ngành nghề, văn phòng luật sư.

Phát biểu tại Chương trình, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi và đánh giá cao sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung và Nghị định quy định một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng. Ông Liêm nhấn mạnh Chương trình Hội thảo là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trao đổi, làm rõ các vấn đề quy định trong Dự thảo Nghị định này, là cơ sở để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Trên cơ sở báo cáo tóm tắt một số nội dung trong Dự thảo Nghị định của đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đã có 12 đại biểu đến từ các văn phòng, công ty luật, hiệp hội ngành nghề, đại diện doanh nghiệp sản xuất,… đăng ký phát biểu trực tiếp tại Hội thảo, trong đó, một số vấn đề đã nhận được nhiều ý kiến tham gia như: khái niệm người có tầm ảnh hưởng, tiêu chí xác định nền tảng số lớn; các nội dung trong lĩnh vực kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vấn đề thu hồi hàng hóa có khuyết tật; trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn cũng như trách nhiệm trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên…Một số văn bản đóng góp ý kiến cũng đã được các đại biểu gửi để Ban tổ chức tổng hợp, phục vụ cho quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Tất cả các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo đã được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cung cấp thông tin trao đổi, làm rõ và ghi nhận để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh nằm trong chuỗi các hoạt động lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Sự kiện này có sự đồng hành của các doanh nghiệp, thương hiệu như Tập đoàn VNPT, URC Việt Nam.

Theo kế hoạch, Hội thảo tiếp theo sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 10 năm 2023 để tiếp tục lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hiệp hội và chuyên gia./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương