BVNTD

Một số vấn đề cần lưu ý trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ

Thời gian qua, các tranh chấp, phản ánh, khiếu nại liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vẫn tiếp tục được cơ quan truyền thông thông tin cũng như người tiêu dùng phản ánh tới cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thị trường ghi nhận không ít các quảng cáo, giới thiệu hấp dẫn về quyền lợi của khách hàng (Khách Nghỉ dưỡng) khi tham gia mô hình này, như: giá trị hợp đồng hấp dẫn, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, kênh đầu tư sinh lời lý tưởng, địa điểm nghỉ dưỡng phong phú, công ty cung cấp dịch vụ uy tín v.v…
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp người dân tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ phán ánh quyền lợi của họ trong hợp đồng ký kết trên thực tế không giống với thông tin quảng cáo, giới thiệu.
Liên quan đến vấn đề này, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và một số thông tin phản ánh về mô hình kinh doanh này cho đến nay tại Việt Nam, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổng hợp một số nội dung thiếu rõ ràng cần lưu ý trong loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để người dân nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tham gia giao dịch, cụ thể như sau:
1. Nghĩa vụ tài chính của Khách Nghỉ dưỡng.
Bên cạnh khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng (khoảng vài trăm triệu đồng), Khách Nghỉ dưỡng có thể phải thanh toán chi phí hàng năm (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng) để sử dụng quyền nghỉ dưỡng trên thực tế. Tuy nhiên, trong hợp đồng có thể không quy định cụ thể, rõ ràng về khoản chi phí này và các vấn đề có liên quan, ví dụ: không quy định mức phí cụ thể; không quy định về nguyên tắc thu, thay đổi phí tại thời điểm giao kết Hợp đồng và trong suốt thời hạn Hợp đồng; thiếu quy định về tiêu chuẩn, chất lượng các dịch vụ nghỉ dưỡng được cung cấp … Thậm chí, các điều khoản trong hợp đồng có thể trao cho bên cung cấp dịch vụ quyền xác định mức chi phí hàng năm và các vấn đề có liên quan.
2. Chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng.
Mặc dù được quảng cáo vô cùng hấp dẫn với các tiện nghi, chất lượng nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, 5*, tuy nhiên danh mục dịch vụ và chất lượng dịch vụ cung cấp tới Khách Nghỉ dưỡng có thể không được cụ thể hóa trong hợp đồng. Điều này khiến Khách Nghỉ dưỡng thiếu cơ sở pháp lý để khiếu nại bên cung cấp dịch vụ trong trường hợp họ cho rằng chất lượng dịch vụ không đảm bảo, không tương xứng với số chi phí thường niên/ phí duy trì phải chi trả hoặc không đúng với kỳ vọng về một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng – mục đích xác lập hợp đồng ban đầu của bên mua.
3. Khả năng đầu tư sinh lời.
Theo phản ánh của một bộ phận người mua, họ tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ như một kênh đầu tư sinh lợi do được giới thiệu, hứa hẹn (nhưng không quy định trong hợp đồng) có thể dễ dàng chuyển nhượng một phần/ toàn bộ hợp đồng hoặc quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này có thể gắn với điều kiện trả phí và phải được bên cung cấp dịch vụ đồng ý trước bằng văn bản. Mức phí chuyển nhượng và điều kiện chuyển nhượng cụ thể có thể không được quy định tại thời điểm ký kết Hợp đồng mà thuộc quyền quyết định của bên cung cấp dịch vụ tại từng thời điểm. 
4. Địa điểm nghỉ dưỡng.
Bên cạnh khả năng sinh lời, địa điểm nghỉ dưỡng phong phú cũng là một trong các lợi ích thu hút bên mua. Theo thông tin quảng cáo, giới thiệu, Khách Nghỉ dưỡng có thể được nghỉ dưỡng tại dự án của Doanh nghiệp hoặc các địa điểm khác trong và ngoài nước (có thể trên toàn thế giới) của các đối tác trong mạng lưới liên kết với Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hợp đồng, có thể Khách Nghỉ dưỡng không được cung cấp thông tin về danh sách các công ty liên kết cụ thể, đồng thời bên cung cấp dịch vụ không được cam kết về các tiêu chí lựa chọn đối tác liên kết. Theo đó, không có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của Doanh nghiệp khi Doanh nghiệp lựa chọn đối tác liên kết thiếu năng lực/ không đáp ứng được kỳ vọng của Khách Nghỉ dưỡng.
5. Chế tài xử lý vi phạm. 
Thông thường, các hợp đồng sẽ quy định quyền chấm dứt Hợp đồng của Doanh nghiệp. Tuy nhiên, hợp đồng có thể quy định không rõ ràng hoặc không quy định các trường hợp cụ thể Khách Nghỉ dưỡng được quyền chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng và chế tài xử ý vi phạm tương ứng đối với vi phạm của bên cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, hợp đồng có thể trao cho bên cung cấp dịch vụ quyền chấm dứt hợp đồng đối với mọi vi phạm của Khách Nghỉ dưỡng, từ vi phạm về nghĩa vụ thanh toán đến vi phạm quy định tại nội quy/ quy chế và các nhóm vi phạm khác. Như vậy, Khách Nghỉ dưỡng đứng trước rủi ro lớn trong việc bị bên cung cấp dịch vụ chấm dứt Hợp đồng và mất khoản tiền đã thanh toán mặc dù thời hạn hợp đồng có thể còn dài.
Xuất phát từ việc điều khoản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thường phức tạp, khoản tiền phải thanh toán một lần lớn, thời hạn hợp đồng dài, cơ chế chấm dứt Hợp đồng cho Khách Nghỉ dưỡng có thể không thuận lợi cùng với nhiều hạn chế khác có thể được quy định trong hợp đồng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị người dân lưu ý nghiên cứu kỹ hợp đồng và đề nghị luật sư tư vấn, nếu có thể, để đánh giá toàn diện về quyền lợi, nghĩa vụ và rủi ro có thể xẩy ra trước khi quyết định tham gia giao dịch./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương