BVNTD

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2021

      Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Trong 10 năm thực thi vừa qua (2011-2021), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
      Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần đạt được một số kết quả nổi bật, trong đó đặc biệt là việc hình thành hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương; mạng lưới các Hội Bảo vệ người tiêu dùng và một số thành tựu trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại và thực thi các trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
     1. Kết quả xây dựng và kiện toàn hệ thống các tổ chức thực thi
     a. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước

     Tại Trung ương: Nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công Thương được giao chủ yếu cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (trước đây là Cục Quản lý cạnh tranh).
     Tại địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): Sở Công Thương là đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao thực hiện chức năng bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% Sở Công Thương đã tiếp tục phân công nhiệm vụ này cho các Phòng chuyên môn như Phòng Quản lý thương mại, Phòng Kế hoạch, Tài chính, Thanh tra Sở, … 
     Tại cấp huyện: Phần lớn Ủy ban nhân dân cấp huyện hiện đã giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế Hạ tầng. Có một số ít Ủy ban nhân dân cấp huyện giao nhiệm vụ này cho Phòng Nông nghiệp hoặc một Phòng chuyên môn khác.
  
     b. Hệ thống tổ chức xã hội
     Trong giai đoạn 2011 – 2021, số lượng các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (các Hội bảo vệ người tiêu dùng) đã có sự gia tăng đáng kể, từ 44 Hội bảo vệ người tiêu dùng (sau đây gọi tắt là Hội) trên cả nước vào năm 2012 lên 57 Hội vào năm 2021. Tại một số tỉnh, thành phố đã phát triển mạng lưới Hội xuống cấp huyện, xã. Một số Hội của địa phương đã đăng ký là thành thành viên của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO), tạo thành một khối tổ chức thống nhất, cùng hoạt động vì mục tiêu chung là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
     2. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
     Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành, hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan được ban hành để hình thành một hệ thống “khung” chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm: 
     + Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
     + Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
     + Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP;
     + Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg;
     + Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2018 và Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2019 sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg;
     – Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, một hệ thống các văn bản chính sách, hướng dẫn cũng được các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành để tổ chức thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm: 
     + Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam;
     + Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020;
     + Các Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam hàng năm do Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân/Sở Công Thương các tỉnh, thành phố ban hành;
     + Đặc biệt, ngày 22 tháng 01 năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; và ngày 12 tháng 7 năm 2021, Thủ tướng  Chính phủ ban hành Quyết định số 1157/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025.
     3. Kết quả thực thi trách nhiệm của doanh nghiệp
     Với vị trí là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong 10 năm qua, nhận thức và hành động của các doanh nghiệp tại Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện tính chủ động và hiệu quả, trong đó, nổi bật là việc thực thi các trách nhiệm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bảo hành sản phầm; thu hồi hàng hóa có khuyết tật; tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, ….
     4. Kết quả thực thi một số nội dung chính của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
     a. Công tác giải quyết khiếu nại
     Tại Bộ Công Thương, số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng tới Bộ tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2014-2021. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ Công Thương hàng năm đều trên 90%. 
     Tại các Sở Công Thương, số lượng vụ việc khiếu nại được tiếp nhận gia tăng rõ nét, cụ thể, từ trung bình 100 vụ việc mỗi năm trong giai đoạn 2011-2012 đã tăng lên hơn 500 vụ việc mỗi năm giai đoạn 2015-2018. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc là 85%. 
     Tại các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, số vụ khiếu nại đến các Hội tăng nhanh, năm 2015 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011, năm 2012. Trong giai đoạn 2011-2019, các Hội trên cả nước đã tư vấn và giải quyết 13.294 vụ khiếu nại của người tiêu dùng với tỷ lệ giải quyết thành công trên 80%; số vụ việc còn lại do không đủ chứng cứ hoặc không thuộc thẩm quyền nên đã được chuyển sang các cơ quan chức năng khác để giải quyết.
     b. Công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung 
     Từ năm 2012 đến 09 tháng đầu năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận và xử lý trên 4.480 bộ hồ sơ đăng ký. 100% hồ sơ xử lý đúng thời hạn luật định và đảm bảo không gây trở ngại, khó khăn cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trên trang thông tin điện tửcủa Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tại link: http://vcca.gov.vn đều cho đăng tải toàn bộ các Hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung được chấp nhận. Việc làm này tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham khảo, người tiêu dùng giám sát và tạo kênh kết nối thông tin với hoạt động của các Sở Công Thương trên cả nước.
     Tại các địa phương, số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2012-2020, đã có 3.759 bộ hồ sơ gửi đăng ký tại các Sở Công Thương.
     c. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Kể từ năm 2018, thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được giao thêm cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động chủ trì tiến hành 34 hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xử lý vi phạm với số tiền phạt là hơn 1,5 đồng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương các tỉnh, cùng với các cơ quan thẩm quyền có liên quan đã rất quan tâm triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng; đảm bảo xây dựng một môi trường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, vì người tiêu dùng và tuân thủ pháp luật.
     d. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã được tất cả các chủ thể liên quan chủ động thực hiện liên tục, thường xuyên thông qua nhiều hình thức, phương thức, cụ thể: đã hình thành phong trào hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam vào ngày 15 tháng 3 hàng năm; đã tổ chức hàng chục nghìn hội thảo, tập huấn, mit tinh, phát hành 387.219 bản sách báo, tạp chí và tài liệu tuyên truyền; hơn  2.300.000 tờ rơi và 116.045 buổi phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phạm vi và đối tượng tuyên truyền cũng đã được mở rộng, không chỉ tập trung ở các vùng thành thị mà đã định hướng xuống các vùng sâu, vùng xa và hướng tới đối tượng đặc biệt (đồng bào dân tộc) hoặc các nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên…
 
     Ảnh: Lễ Công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2016
     e. Hợp tác quốc tế
     Trong giai đoạn 2011 – 2021, các cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam cũng đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm: Mạng lưới Thực thi bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (International Consumer Protection Enforcement Network – ICPEN); Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ASEAN Committee on Consumer Protection – ACCP); Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (Consumer International – CI), … Không chỉ tham gia, Việt Nam còn đóng vai trò là thành viên chủ động, có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, trong đó, góp phần xác định và đặt ra các vấn đề mới như: cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới, thiết kế các dự án nhằm tăng cường năng lực bảo vệ người tiêu dùng tại các khu vực, …
     Có thể thấy, trong giai đoạn 2011 – 2021, việc thực thi các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần cải thiện, hạn chế và ngăn chặn một số hành vi, lĩnh vực có nguy cơ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng; kêu gọi và huy động sự tham gia của nhiều chủ thể, bao gồm cả trong và ngoài nước, từ đó, góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương