BVNTD

Lưu ý người tiêu dùng khi giải quyết tranh chấp nghĩa vụ hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại Tòa án

      Gần đây, một số Tòa án gửi công văn đề nghị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan đến tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ký giữa các bên (loại hợp đồng theo mẫu). Nội dung đề nghị cung cấp chứng cứ thường bao gồm:
      – Thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư của doanh nghiệp tại Cục CT&BVNTD;
      – Bản hợp đồng mua bán căn hộ chung của doanh nghiệp (hợp đồng theo mẫu) được Cục CT&BVNTD thông qua (nếu có);
      – Các kiến nghị của Cục đối với Tòa án về việc thụ lý vụ án, giải quyết tranh chấp. 
      Khác với các loại hợp đồng hình thành từ sự thương lượng trực tiếp, riêng lẻ của các bên, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư trong các công văn đề nghị cung cấp chứng cứ của Tòa án là loại hợp đồng theo mẫu (hợp đồng do bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để ký kết với người tiêu dùng). Do xuất phát từ yếu tố đơn phương, trong nhiều trường hợp, các chủ thể kinh doanh sử dụng loại hình hợp đồng này như một cách khai thác lợi ích và đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng. Theo đó, việc cung cấp tài liệu chứng cứ của Cục trong trường hợp này giúp Tòa án có thêm cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng theo mẫu. 
Bên cạnh loại hợp đồng theo mẫu như trên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn điều chỉnh cả hình thức giao dịch thông qua điều kiện giao dịch chung (là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với người tiêu dùng) và cả hợp đồng giao kết với người tiêu dùng nói chung. Dưới góc độ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những nội dung sau đây liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, và điều kiện giao dịch chung thuộc thẩm quyền xem xét của Tòa án trên cơ sở khởi kiện của người tiêu dùng:
       Thứ nhất, xem xét tính hiệu lực của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng và điều kiện giao dịch chung về mặt nội dung, cụ thể:
       Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Luật BVQLNTD) quy định 09 trường hợp các điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực, bao gồm:
       – Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;
       – Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;
       – Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng;
       – Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ;
       – Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
       – Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau;
       – Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua bên thứ ba;
       – Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình;
       – Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý.
       Quy định này tại Điều 16 áp dụng cho hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, không giới hạn phạm vi hay đối tượng áp dụng. Theo đó, nếu có điều khoản trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung rơi vào một trong 09 trường hợp nêu trên, người tiêu dùng có thể khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu nội dung tương ứng.
       Thứ hai, xem xét tính hiệu lực của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về mặt hình thức, cụ thể:
       Theo Điều 119 và Điều 129 Bộ Luật Dân sự 2015, trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản và có đăng ký mà giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực này thì vô hiệu. Trong khi đó:
       – Về yêu cầu văn bản, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải được lập thành văn bản theo Điều 7 Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
       – Về yêu cầu đăng ký, hiện nay có 09 hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bao gồm:
      1. Cung cấp điện sinh hoạt;
      2. Cung cấp nước sinh hoạt;
      3. Truyền hình trả tiền;
      4. Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất;
      5. Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả sau); Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả trước); 
      6. Dịch vụ truy nhập internet;
      7. Vận chuyển hành khách đường hàng không;
      8. Vận chuyển hành khách đường sắt;
      9. Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp.
      Thẩm quyền tiếp nhận đăng ký: Cục CT&BVNTD hoặc Sở Công Thương. 
      Người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin về các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được thông qua trên trang thông tin điện tử của các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc liên hệ trực tiếp để biết thêm thông tin chi tiết. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung người tiêu dùng giao kết với doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về hình thức nêu trên, người tiêu dùng có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu.
      Thứ ba, nguyên tắc giải thích hợp đồng, cụ thể:
      Theo Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.
      Theo đó, đối với những nội dung không rõ ràng, dễ hiểu dẫn tới những cách hiểu khác nhau, người tiêu dùng có thể yêu cầu Tòa án áp dụng nguyên tắc giải thích có lợi cho người tiêu dùng nêu trên để giải quyết.
      Cục CT&BVNTD thông tin để người tiêu dùng tham khảo, nghiên cứu các quy định liên quan trong Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm có thêm căn cứ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương