BVNTD

Một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

     Do đó, trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay, việc lựa chọn thiết lập giao kết tiêu dùng thông qua áp dụng HĐTM, ĐKGDC đã trở thành một điều rất phổ biến và ngày càng có xu hướng phát triển.

     Ở Việt Nam, khái niệm hợp đồng theo mẫu lần đầu tiên được  quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995. Theo đó, hợp đồng theo mẫu là: Hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra[1]. Với tư cách là bộ luật tư, điều chỉnh mọi mối quan hệ dân sự giữa các bên, định nghĩa về hợp đồng theo mẫu nêu trên không thay đổi trong BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015[2].

     Với tư cách là một khái niệm chuyên biệt thể hiện trong mối quan hệ tiêu dùng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng (là bên chiếm số đông và thường là bên yếu thế hơn), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam năm 2010 (Luật BVQLNTD) cũng đưa ra định nghĩa hợp đồng theo mẫu. Theo đó, “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng” (Khoản 3 Điều 3).

     Bên cạnh khái niệm hợp đồng theo mẫu, BLDS năm 2015 và Luật BVQLNTD còn đưa ra khái niệm điều kiện giao dịch chung. Theo Luật BVQLNTD 2010 (Khoản 5 Điều 3), “Điều kiện giao dịch chung là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với người tiêu dùng”.

     Vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được quy định trong Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn thi hành với các nội dung chính như sau:

     – Về đối tượng và cơ chế kiểm soát hợp đồng theo mẫu: Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng được trao quyền can thiệp vào mọi hợp đồng theo mẫu được sử dụng để xác lập giao dịch với người tiêu dùng. Trong đó, có 09 nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bị kiểm soát theo thủ tục bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước trước khi sử dụng để giao kết với người tiêu dùng, bao gồm: cung cấp điện sinh hoạt; cung cấp nước sinh hoạt; truyền hình trả tiền; dịch vụ điện thoại cố định mặt đất; dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả sau); dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả trước); dịch vụ truy nhập internet; vận chuyển hành khách đường hàng không; vận chuyển hành khách đường sắt; mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp[3]. Ngoài ra, cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm trong các hợp đồng theo mẫu thuộc những lĩnh vực còn lại trong trường hợp phát hiện vi phạm.

     – Về cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu: Sở Công Thương được giao nhiệm vụ kiểm soát hợp đồng theo mẫu áp dụng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ kiểm soát hợp đồng theo mẫu áp dụng trên phạm vi cả nước hoặc áp dụng trên phạm vi từ hai tỉnh trở lên.

– Về phạm vi kiểm soát, pháp luật trao quyền cho Bộ Công Thương và Sở Công Thương kiểm soát hợp đồng theo mẫu trong ba vấn đề[4]:

     Thứ nhất, kiểm soát về hình thức và ngôn ngữ hợp đồng theo mẫu quy định tại Điều 7 của Nghị định 99/2011/NĐ-CP, bao gồm: ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Việt, nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu; cỡ chữ ít nhất là 12; nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải tương phản nhau. Hiện nay, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết kế hợp đồng theo mẫu có cỡ chữ nhỏ, thậm chí chỉ khoảng 6-8, có nền giấy in hoa văn trùng với màu mực in chữ. Điều này gây ra sự khó chịu, bất tiện và trong một chừng mực nào đó cản trở việc đọc, tìm hiểu hợp đồng theo mẫu kỹ càng của người tiêu dùng. Do vậy, pháp luật cần đưa ra những quy định về mặt hình thức nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng và đầy đủ nội dung của hợp đồng theo mẫu cho người tiêu dùng.

     Thứ hai, kiểm soát về tính hiệu lực của điều khoản theo 09 trường hợp quy định tại Điều 16 Luật BVQLNTD. Những điều khoản rơi vào một trong 09 trường hợp này được xác định là không có hiệu lực, ví dụ: (i) loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật (như: loại trừ trách nhiệm bảo hành của bên bán căn hộ chung cư, loại trừ trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của thiết bị đo đếm nước của đơn vị cung cấp nước); (ii) hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng (như hạn chế quyền khiếu nại của bên mua về chất lượng căn hộ sau thời điểm nhận bàn giao căn hộ); (iii) cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đơn phương thay đổi hợp đồng theo mẫu (như cho phép bên bán đơn phương thay đổi thiết kế căn hộ hoặc một số nguyên vật liệu hoàn thiện bên trong căn hộ)…Những dạng điều khoản này hoàn toàn có lợi cho bên cung cấp, đẩy toàn bộ bất lợi về phía người tiêu dùng. Bởi vậy, Luật BVQLNTD quy định đây là những trường hợp không có hiệu lực ngay cả khi hợp đồng theo mẫu đã được ký kết nhằm tránh rủi ro cho người tiêu dùng trước những điều khoản bất công từ phía tổ chức, cá nhân kinh doanh. 

     Thứ ba, yêu cầu về sự phù hợp với quy định khác của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (như quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng, trách nhiệm của bên thứ ba, trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch, trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật) và nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng. Đây là một phạm vi rất rộng có tính mở, bổ trợ cho hai phạm vi xem xét mang tính liệt kê cụ thể nêu trên, cho phép cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xem xét, đánh giá hợp đồng theo mẫu theo các điều khoản khác của Luật BVQLNTD, văn bản hướng dẫn thi hành cũng như quy định khác trong những văn bản pháp luật có liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách đầy đủ nhất.

     Các quy định về cơ quan kiểm soát và phạm vi kiểm soát nêu trên được áp dụng như nhau cho cả nhóm đối tượng phải đăng ký cũng như nhóm đối tượng không thuộc phạm vi phải đăng ký. Nói cách khác, dù hợp đồng theo mẫu đó có phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước hay không, doanh nghiệp đều phải tuân thủ các quy định giống nhau và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát giống nhau về mặt nội dung và hình thức của hợp đồng. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong mọi lĩnh vực đều được bảo vệ bình đẳng như nhau trước những mặt trái của việc lạm dụng hợp đồng theo mẫu.

     Các quy định về kiểm soát hợp đồng theo mẫu bắt đầu được các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng triển khai từ năm 2012 với sự ra đời của Quyết định 02/2012/QĐ-TTg. Từ đó đến hết năm 2019, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) đã tiếp nhận và xử lý 4480 bộ hồ sơ đăng ký.

     Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký tại Cục CT&BVNTD thời gian qua đã giúp loại bỏ nhiều điều khoản vi phạm ra khỏi hợp đồng. Thực tế kiểm soát cho thấy, hầu hết hồ sơ đăng ký lần đầu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đều chứa đựng các điều khoản chưa tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tính trên tổng số đăng ký, tỷ lệ trung bình hồ sơ có điều khoản chưa tuân thủ quy định qua các năm khoảng trên 60%, trong đó: (i) khoảng 40% hồ sơ đăng ký có nhiều hơn 35 điều khoản chưa tuân thủ (trong đó có khoảng 30% hồ sơ này có từ 50-80 điều khoản chưa tuân thủ); (ii) khoảng 35% hồ sơ có từ 20-35 điều khoản chưa tuân thủ và (iii) khoảng 25% hồ sơ có ít hơn 20 điều khoản chưa tuân thủ. Bên cạnh đó, Cục CT&BVNTD đã thực hiện việc công bố công khai hợp đồng được chấp nhận trên trang thông tin điện tử của Cục.

     Về phía các Sở Công Thương, từ năm 2012 đến hết 2017, mặc dù có một số địa phương không phát sinh trường hợp nộp hồ sơ đăng ký nào, hầu hết các Sở Công Thương trên cả nước đều đã triển khai hoạt động tiếp nhận hồ sơ đăng ký với tổng số lượng đạt khoảng 1309 hồ sơ.

     Những kết quả này trong thời gian qua đã góp phần lành mạnh hóa quan hệ hai bên, tránh các tranh chấp phát sinh và góp phần chung vào đảm bảo trật tự xã hội; đồng thời giúp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tăng cường vai trò giám sát của xã hội và ý thức yêu cầu quyền lợi chính đáng từ phía người tiêu dùng.

     Chú thích:

[1] Xem Điều 406 BLDS năm 2005

[2] Xem Điều 407 BLDS năm 2005 và Điều 405 BLDS năm 2015

[3] Theo các Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg

[4] Điều 13 Nghị định 99/2011/NĐ-CP

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương