BVNTD

Quyền thỏa thuận của người tiêu dùng trong các hợp đồng theo mẫu đã được chấp nhận đăng ký

     Để giải quyết câu chuyện bất cân xứng trong giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của cơ quan quản lý nhà nước thông qua cơ chế đăng ký (tiền kiểm) và cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát (hậu kiểm) đối với các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Theo đó:

     Đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc Danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhà nước kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thông qua cách thức yêu cầu đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp chỉ được sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để giao kết với người tiêu dùng sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với cơ quan nhà nước. Hiện nay, có 09 nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi sử dụng để giao kết với người tiêu dùng.

     Ngoài danh mục 09 nhóm hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đối với các lĩnh vực tiêu dùng còn lại, trong trường hợp phát hiện có vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi hoặc hủy bỏ các nội dung vi phạm trong các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. 

     Vậy một trong những vấn đề được đặt ra là, đối với các hợp đồng theo mẫu đã được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận đăng ký, thì các bên (doanh nghiệp, người tiêu dùng) có quyền được thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận thêm nhằm sửa đổi, bổ sung một/một số nội dung điều khoản hay không?

     Về vấn đề này, các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng theo mẫu và người tiêu dùng cần hiểu rõ và lưu ý một số điểm như sau:

     Thứ nhất, theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về giao kết hợp đồng, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự – là một trong những quan hệ dân sự được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Điều đó có nghĩa, các chủ thể hoàn toàn có quyền chủ động tự do thương lượng, thỏa thuận để đạt được sự thống nhất trong giao kết hợp đồng.

     Thứ hai, với tính chất đặc thù của hợp đồng theo mẫu là những hợp đồng được đơn phương soạn thảo bởi doanh nghiệp, nên trên thực tế người tiêu dùng hầu như không được thực sự tham gia vào quá trình soạn thảo, đàm phán cũng như thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng mẫu. Bởi lẽ đó, mục tiêu hướng tới của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu thông qua cơ chế đăng ký với cơ quan nhà nước là nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo đến mức tối đa sự cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quan hệ giao kết hợp đồng.

     Thứ ba, khái niệm kiểm soát “hợp đồng theo mẫu” của cơ quan quản lý nhà nước cần được hiểu thống nhất theo ý nghĩa là kiểm soát các hợp đồng mẫu, các điều khoản mẫu trong hợp đồng được xây dựng theo ý chí đơn phương của doanh nghiệp mà không có sự tham gia đàm phán thực sự của chủ thể còn lại là người tiêu dùng.

     Thứ tư, cơ chế kiểm soát hợp đồng theo mẫu theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoàn toàn không mang ý nghĩa hạn chế hay triệt tiêu quyền tự nguyện ký kết, tự do ý chí, tự do thương lượng giữa các bên theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Nói cách khác, cơ chế kiểm soát hợp đồng theo mẫu hoàn toàn không hạn chế việc các bên bằng ý chí tự nguyện của mình thỏa thuận với nhau để bổ sung hay sửa đổi các điều khoản của hợp đồng (nếu có).

     Như vậy, ngoài các điều khoản cơ bản trong hợp đồng theo mẫu đã được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận đăng ký, trường hợp muốn thay đổi/bổ sung nội dung thì người tiêu dùng và doanh nghiệp hoàn toàn có thể thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận thêm những nội dung khác trên cơ sở thống nhất ý chí và nhu cầu của các bên.

     Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những nội dung điều khoản được sửa đổi/bổ sung phải đảm bảo: (i) thực sự do các bên tự nguyện, bình đẳng thỏa thuận, thống nhất trên thực tế; (ii) không trái pháp luật, đạo đức xã hội theo quy định của pháp luật dân sự; (iii) tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật chuyên ngành và pháp luật dân sự./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Căn cứ Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/N
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ các hoạt động năm 2024 của Đề án triển khai Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu d
Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận thí sinh đủ điều kiện tham dự Vòng