BVNTD

Amazon Nhật Bản cam kết chấm dứt hành vi vi phạm Luật Chống độc quyền Nhật Bản và bồi hoàn các nhà cung cấp số tiền 2 tỷ Yên Nhật (tương đương với 19 triệu đô la Mỹ)

09/10/2020

Ngày 10 tháng 9 năm 2020, Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật Bản (JFTC) chấp nhận cam kết của Amazon Japan G. K (sau đây gọi là Amazon Nhật Bản) về việc chấm dứt hành vi có khả năng vi phạm Điều 19 Luật Chống độc quyền Nhật Bản. Điểm (v) Khoản 9 Điều 2 Luật Chống độc quyền quy định về hành vi lạm dụng lợi thế trong giao dịch với đối tác để thực hiện một trong các hành vi sau:


(a) Buộc đối tác mua hàng hóa và dịch vụ ngoài hàng hóa dịch vụ quy định trong hợp đồng giao dịch dài hạn;
(b) Buộc đối tác cung cấp tiền, dịch vụ hoặc lợi ích kinh tế khác;
(c) Từ chối nhận hàng hóa, chậm chễ thanh toán hoặc giảm khoản phải thanh toán theo quy định tại hợp đồng dài hạn; thay đổi điều khoản giao dịch hoặc thực hiện giao dịch theo cách thức bất lợi cho đối tác.


1.    Hành vi có khả năng vi phạm Điều 19 Luật Chống độc quyền

Từ tháng 5 năm 2016 đến nay, Amazon Nhật Bản thực hiện một số hành vi liên quan đến lạm dụng lợi thế giao dịch với đối tác cung cấp cụ thể:

(1)     Ký kết “hợp đồng bồi thường tồn kho”  với nhà cung cấp để giảm mức tiền phải trả cho nhà cung cấp như đã quy định trong hợp đồng dài hạn (mặc dù nhà cung cấp không có lỗi);
(2)    Yêu cầu nhà cung cấp hoàn tiền với lý do việc kinh doanh hàng hóa nhập từ nhà cung cấp không đạt được lợi ích mục tiêu mặc dù trước đó không có thỏa thuận nào giữa hai bên về trách nhiệm hoàn tiền cũng như không có căn cứ để tính toán mức tiền hoàn này;
(3)    Yêu cầu nhà cung cấp thanh toán tiền nhưng không thực hiện trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo quy định tại “Hợp đồng chương trình tiếp thị chung”  với nhà cung cấp;
(4)    Yêu cầu nhà cung cấp thanh toán cho Amazon Nhật Bản khoản tiền được tính bằng cách nhân số tiền của lượng hàng hóa Amazon Nhật Bản nhập từ nhà cung cấp với một tỷ lệ nhất định được quy định trước. Số tiền này được coi là tiền nhà cung cấp tài trợ cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp mình vào hệ thống Amazon Nhật Bản;
(5)    Trả hàng cho nhà cung cấp khi thấy hàng tồn kho quá nhiều mặc dù lượng hàng tồn kho quá nhiều không xuất phát từ lỗi nhà cung cấp và cũng không thuộc một trong các trường hợp được trả hàng như: (i) đã được quy định rõ ràng theo thỏa thuận với nhà cung cấp; (ii) có sự đồng ý trước của nhà cung cấp; và (iii) nhà cung cấp đề nghị Amazon Nhật Bản trả hàng.


2.    Biện pháp xử lý của JFTC

Nhận thấy hành vi của Amazon Nhật Bản có khả năng vi phạm Điều 19 Luật Chống độc quyền, JFTC đã tiến hành điều tra vụ việc. Ngày 10 tháng 7 năm 2020, JFTC thông báo áp dụng thủ tục cam kết  để xử lý vụ việc. Theo quy trình thủ tục cam kết, Amazon Nhật Bản gửi JFTC Kế hoạch cam kết trong đó đồng ý bồi thường cho 1.400 nhà cung cấp với tổng số tiền 2 tỷ Yên Nhật (tương đương với 19 triệu đô la Mỹ) với nội dung cam kết cụ thể như sau:


(1)  Amazon Nhật Bản cam kết dừng các hành vi có khả năng vi phạm Luật Chống độc quyền;
(2) Thực hiện biện pháp khắc phục bằng tiền đối với nhà cung cấp là đối tượng của hành vi nêu tại Mục 1;
(3) Thông báo cho nhà cung cấp và toàn thể công ty về việc thực hiện nội dung cam kết;
(4) Tiến hành một số biện pháp cần thiết nhằm tăng cường tuân thủ pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp, cụ thể: (i) Soạn thảo và thông báo cho cán bộ nhân viên Amazon Nhật Bản về phương châm hành động của doanh nghiệp liên quan đến việc tuân thủ Luật Chống độc quyền trong giao dịch với các nhà cung cấp: (ii) tập huấn và kiểm tra định kỳ với nhân viên, cán bộ chuyên trách liên quan về việc tuân thủ Luật Chống độc quyền trong giao dịch với nhà cung cấp.
(5) Hằng năm báo cáo JFTC về tình hình thực hiện các biện pháp nêu tại Cam kết (trong thời hạn 03 năm).


Xét thấy nội dung Kế hoạch cam kết đáp ứng điều kiện về việc xử lý vụ việc theo thủ tục cam kết, ngày 10 tháng 9 năm 2020, JFTC đã chấp nhận cam kết của Amazon Nhật Bản. Cũng theo cam kết này Amazon Nhật Bản đồng ý bồi thường  cho 1.400 nhà cung cấp với tổng số tiền khoảng 2 tỷ Yên Nhật (tương đương với 19 triệu đô la Mỹ). Theo ông Koji Mukai, Trưởng phòng điều tra III của JFTC, việc doanh nghiệp vi phạm Luật Chống độc quyền bồi thường trực tiếp cho đối tượng chịu thiệt hại từ hành vi vi phạm chỉ có thể thực hiện được từ khi JFTC áp dụng thủ tục cam kết trong điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh.


Ghi chú:

1. “hợp đồng bồi thường tồn kho”: Hợp đồng bồi thường tồn kho là hợp đồng ký kết giữa Amazon Nhật Bản và nhà cung cấp trong đó quy định khi giá hàng hóa Amazon Nhật Bản nhập từ nhà cung cấp bị giảm, nhà cung cấp sẽ trả cho Amazon Nhật Bản số tiền được tính toán bằng cách nhân mức chênh lệch giá (trước và sau khi giảm) với số lượng tồn kho của hàng hóa đó tại Amazon Nhật Bản.

2.“Hợp đồng chương trình tiếp thị chung”: Hợp đồng chương trình tiếp thị chung là hợp đồng được ký kết giữa Amazon Nhật Bản với các nhà cung cấp trong đó quy định Amazon Nhật Bản sẽ đăng thông tin liên quan đến hàng hóa Amazon Nhật Bản nhập từ nhà cung cấp lên website của Amazon Nhật Bản tại địa chỉ “Amazon.co.jp”.

3. "thủ tục cam kết": là thủ tục mà JFTC áp dụng trong điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh  theo đó JFTC và doanh nghiệp bị điều tra đồng ý tiến hành giải quyết vụ việc cáo buộc vi phạm Luật Chống độc quyền theo hình thức cam kết. Thủ tục cam kết thường được áp dụng để xử lý vụ việc liên quan đến hành vi đơn phương của doanh nghiệp như lạm dụng lợi thế giao dịch với đối tác kinh doanhmà không áp dụng đối với một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thông thầu, ấn định giá.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương