BVNTD

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh trong giai đoạn mới

31/03/2023

Sau hơn 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh năm 2004, việc duy trì mô hình nhiều cơ quan tham gia quá trình tố tụng cạnh tranh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có thể dẫn đến kéo dài quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Cạnh tranh (sửa đổi), trình Quốc hội (khóa XIV) thông qua tại ngày 12/6/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, theo đó, đã quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương là đầu mối duy nhất có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh và hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh, bảo đảm tính kết nối, liên tục và thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các vụ việc cạnh tranh hoặc quá trình tố tụng cạnh tranh.

Hiện thực hóa mô hình cơ quan cạnh tranh, ngày 10 tháng 02 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2023.

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị định số 03/2023/NĐ-CP và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Về vị trí, theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 03/2023/NĐ-CP, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Trụ sở chính của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đặt tại Thành phố Hà Nội.

Về chức năng, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 03/2023/NĐ-CP, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 03/2023/NĐ-CP, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Về tố tụng cạnh tranh

+ Phát hiện, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh;

+ Tiếp nhận, xác minh, đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận, xem xét, thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh;

+ Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

+ Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

+ Tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

+ Tham gia tố tụng hành chính liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

+ Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền phối hợp, hỗ trợ quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cạnh tranh;

+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

+ Tiến hành hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

+ Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh có dấu hiệu của tội phạm;

+ Tiếp nhận, xem xét đơn xin hưởng khoan hồng, quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

+ Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh;

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác về tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

– Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tiếp nhận, thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, thẩm định, quyết định về việc tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật.

– Tiếp nhận, thụ lý, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật.

– Giám sát, phát hiện, xác minh và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định liên quan đến hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường của cơ quan nhà nước và các hành vi bị nghiêm cấm khác có liên quan đến cạnh tranh của tổ chức, cá nhân.

– Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao.

Ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại Hội nghị triển khai Nghị định số 03/2023/NĐ-CP và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Như vậy, kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2023, khi Nghị định số 03/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh sẽ chính thức đi vào hoạt động, mở ra một bước khởi đầu mới cho công tác điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và thực hiện kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo đúng trình tự, thủ tục được pháp luật cạnh tranh quy định ./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương