BVNTD

ASEAN cập nhật nội dung “Sổ tay về pháp luật cạnh tranh” – 2013

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Để đảm bảo một sân chơi bình đẳng và phát triển một nền văn hóa cạnh tranh công bằng trong khu vực, tất cả các nước thành viên ASEAN đã cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành và công bố pháp luật cạnh tranh hoàn chỉnh trước năm 2015. Thông qua hành động này, các nước đã thể hiện nỗ lực trong việc tạo điều kiện phát triển công bằng cho các doanh nghiệp và tăng cường hiệu suất kinh tế khu vực trong thời gian dài.

Tháng 8 năm 2007, tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN (AEM), Nhóm Chuyên gia cạnh tranh ASEAN (AEGC) đã được chứng nhận là một diễn đàn khu vực để trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và chính sách cạnh tranh. Cho tới nay, AEGC đã hoàn thành phiên bản đầu tiên của Sổ tay Pháp luật và Chính sách cạnh tranh trong khu vực ASEAN (“Sổ tay”). Phiên bản này đã được ra mắt tại Hội nghị AEM lần thứ 42 vào tháng 8 năm 2010 tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Tiếp theo phiên bản đầu tiên, phiên bản cập nhật của Sổ tay được phát hành vào năm 2013, ghi lại diễn biến thúc đẩy quá trình phát triển pháp luật và chính sách cạnh tranh tại các nước ASEAN. Việc này đã giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn sự phát triển cũng như khác biệt quan trọng trong pháp luật cạnh tranh của các nước ASEAN.

Về tiến trình xây dựng pháp luật cạnh tranh tại các nước ASEAN, điều này được đánh giá là khá ổn định. Brunei, Campuchia, Myanmar và Philippines đang trong quá trình soạn thảo pháp luật cạnh tranh. Lào tuy chưa thi hành pháp luật cạnh tranh, nhưng cũng đang trong quá trình xem xét Nghị định về cạnh tranh hiện tại (Nghị định số 15/PMO ngày 04/02/2004).

Cụ thể, Brunei đang trong quá trình soạn thảo pháp luật cạnh tranh từ năm 2011. Trong quá trình thông qua pháp luật cạnh tranh, có một vài kế hoạch đề xuất về việc công bố hướng dẫn về một khung pháp lý phù hợp để thực thi pháp luật cạnh tranh. Mặc dù chưa được thực thi toàn bộ, nhưng một số điều khoản liên quan đến cạnh tranh đã được thi hành trong lĩnh vực viễn thông của Brunei.

Campuchia đang có những bước đi đầu tiên trên con đường hội nhập vào nền kinh tế ASEAN và thế giới. Mặc dù đã có nỗ lực thiết lập nền kinh tế thị trường, nhưng hiện nay Campuchia chưa có luật cạnh tranh chính thức. Điều này thực ra không đáng ngạc nhiên, vì trong hoàn cảnh hiện tại, Campuchia đang bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, bao gồm rất nhiều văn bản pháp luật và các quy định. Mặc dù chưa hoàn thiện pháp luật cạnh tranh, nhưng Campuchia hiện đang hoàn thành dự thảo, và sẽ trình lên Hội đồng Bộ trưởng trong thời gian sắp tới. Pháp luật của Campuchia trong giai đoạn này điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh tham gia sản xuất hoặc cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ tiện ích và cả những chủ thể kinh doanh trong các ngành độc quyền chính phủ. Bên cạnh các lệnh cấm về các hành vi phản cạnh tranh nói chung, luật cũng điều chỉnh những hành vi lừa bịp của doanh nghiệp.

Indonesia đã có một vài thay đổi trong quy trình xử lý vụ việc và các điều khoản về sáp nhập. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng đang xem xét việc rà soát luật cạnh tranh hiện tại (Luật số 5 năm 1999), chủ yếu là các vấn đề liên quan đến quy trình như cho phép khung thời gian điều tra dài hơn, cho tăng quyền hạn điều tra và tăng cường năng lực cho KPPU – Cơ quan cạnh tranh Indonesia.

Về phía mình, Lào đang rà soát Nghị định 15/PMO (04/02/2004). Trở thành thành viên chính thức thứ 158 của WTO từ tháng 02 năm 2013, việc Lào có luật cạnh tranh chính thức càng trở nên quan trọng. Với các nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng pháp luật cạnh tranh hiện tại và tham dự các diễn đàn khu vực cũng như diễn đàn thế giới về chính sách cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh sau rà soát được mong đợi sẽ được Quốc hội thông qua trước năm 2015. Bên cạnh đó, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trực thuộc Bộ Công Thương Lào cũng đã được thành lập.

Luật cạnh tranh Malaysia có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Luật điều chỉnh các thỏa thuận phản cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh, nhưng không cấm một cách rõ ràng hành vi sáp nhập phản cạnh tranh. Ủy ban cạnh tranh Malaysia (MyCC) đã đưa ra một số tài liệu hướng dẫn, bao gồm Văn bản Hướng dẫn xác định thị trường, các thỏa thuận phản cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và quy trình xử lý khiếu nại.

Myanmar đang trong quá trình xây dựng dự thảo pháp luật cạnh tranh. Hiến pháp mới năm 2008 của Myanmar bao gồm Điều 36b quy định về việc Myanmar sẽ “bảo vệ và ngăn nhặn các hành vi gây hại đến lợi ích công như độc quyền hoặc thao túng giá của 1 cá nhân hoặc 1 nhóm với ý định gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh bình đẳng trong các hoạt động kinh tế”. Điều này cho thấy nỗ lực của Myanmar trong việc xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho nền kinh tế nội địa thông qua việc xây dựng và thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh.

Philippines từ lâu nay đã thông qua một phương pháp tiếp cận liên ngành về pháp luật cạnh tranh. Sắc lệnh số 45 được ban hành năm 2011 quy định về việc thành lập Văn phòng Cạnh tranh (OFC) trực thuộc Bộ Tư pháp. Văn phòng Cạnh tranh có vai trò như cơ quan cạnh tranh, có chức năng điều tra tất cả các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật cạnh tranh. Các nhà thực thi luật theo từng ngành sẽ tiếp tục thực thi các chính sách cạnh tranh trong khu vực ngành tương ứng của họ.

Singapore, Thái Lan và Việt Nam không có thay đổi nào về pháp luật cạnh tranh kể từ phiên bản Sổ tay đầu tiên. Kể từ đó, Singapore có một vài vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh về ấn định giá sản phẩm và ấn định lương tháng của công nhân. Ủy ban cạnh tranh Singapore (CCS) đã có những quyết định tác động tới các cơ quan tuyển dụng về việc ấn định lương tháng của công nhân Indonesia ở Singapore, ấn định giá mô hình của các công ty sản xuất mô hình, trao đổi thông tin thương mại nhạy cảm về giá, cụ thể là giá vé phà của các doanh nghiệp kinh doanh phà. Tại Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương hiện tại đã hoàn thành quy trình điều tra một vụ việc thống nhất giá trong thị trường tấm lợp và đang chuẩn bị chuyển hồ sơ vụ việc lên Hội đồng cạnh tranh – cơ quan đưa ra quyết định phán xét. Đây là một vụ việc điển hình phản ánh mức độ hạn chế trong hiểu biết và nhận thức về pháp luật cạnh tranh của các hiệp hội, tổ chức ngành nghề tại Việt Nam, khi đóng vai trò tổ chức để các doanh nghiệp thành viên tham gia và thực hiện các thỏa thuận liên quan đến giá/phí hàng hóa/dịch vụ.

            Có thể thấy một sự thật rằng, thông qua tiến trình xây dựng và phát triển cạnh tranh của các nước ASEAN, viễn cảnh về một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong từng nước và trong cả khu vực hoàn toàn có thể thực hiện được trong tương lai gần. Nỗ lực xây dựng, rà soát pháp luật cạnh tranh và sửa đổi pháp luật cho phù hợp với bối cảnh nền kinh tế nội địa cùng với sự tham gia tích cực các diễn đàn cạnh tranh trong khu vực của các nước sẽ chứng minh được điều đó.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương