Trước tình hình đó, EU đã đưa ra và áp dụng những chính sách nhằm kiểm soát cũng như ngăn cản làn sóng, nguy cơ thâu tóm này. Cụ thể như sau:
EU kiểm soát hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) thông qua Quy định Sáp nhập (EU Merger Regulation). Theo đó, các bên tham gia M&A sẽ bị phạt tiền nếu giao dịch được tiến hành hay hoàn tất trước khi được Hội đồng Châu Âu (EC) thông qua. (Quy định Hội đồng EC số No.139/2004). Trong giai đoạn dịch bệnh, EU khuyến khích các bên sáp nhập trì hoãn giao dịch hoặc nộp đơn thông báo điện tử. EC kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản và công nghệ chiến lược quốc gia trước các khoản đầu tư nước ngoài có thể đe dọa các mục tiêu chính sách công. Đồng thời, các ngân hàng cũng được yêu cầu giúp đỡ Chính phủ, doanh nghiệp trong nước chống lại sự thâu tóm từ của các doanh nghiệp nước ngoài.
Tại Đức, trường hợp liên quan đến việc một nhà đầu tư không phải của Đức mua lại cổ phần trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên trong một công ty Đức, các bên có thể phải nộp hồ sơ đầu tư nước ngoài với Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang Đức theo Pháp lệnh Ngoại thương và Thanh toán. Điều này áp dụng cho các hoạt động quân sự hay các lĩnh vực "cơ sở hạ tầng quan trọng" (như năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, vận tải, chăm sóc sức khỏe, nước, thực phẩm, tài chính và bảo hiểm). Trong giai đoạn dịch bệnh, mặc dù khả năng vận hành hiện tại đang được đảm bảo nhưng Đức vẫn khuyến khích các bên sáp nhập hoãn các giao dịch nếu có thể. Bên cạnh đó, Bộ Kinh tế Đức yêu cầu các doanh nghiệp phải thông báo tất cả các hoạt động mua bán cổ phần từ 10% trở lên trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, người máy, vật liệu bán dẫn, công nghệ sinh học và công nghệ lượng tử…đồng thời phải cho phép chính quyền thẩm tra các giao dịch này. Các nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch mua từ 25% cổ phần của một công ty Đức cũng sẽ bị Chính phủ điều tra.