BVNTD

Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ qua kênh siêu thị, trung tâm thương mại tại Việt Nam

24/07/2020

     Thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm gần đây đang có những bước thay đổi dần từ kênh bán hàng truyền thống (thường thuộc sở hữu của các cá nhân hay hộ gia đình, nó tồn tại dưới các hình thức như chợ, cửa hàng và cửa tiệm nhỏ tại các mặt phố, khu dân cư) đến bán hàng hiện đại (siêu thị, chuỗi siêu thị, cửa hàng nhượng quyền, trung tâm thương mại (TTTM) và kể cả bán hàng không qua cửa hàng như có thể bán hàng tận nhà, bán hàng qua bưu điện, bán hàng qua mạng). Việc mua sắm theo hình thức hiện đại (đặc biệt tại siêu thị) không chỉ là thói quen dành riêng cho những người có thu nhập khá mà còn dành cho cả những người có thu nhập trung bình. Các mô hình bán lẻ hiện đại này đã phát huy tốt vai trò tăng cường thương mại và dịch vụ, giúp đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng thuận tiện hơn.

     Đặc điểm của hoạt động bán lẻ qua siêu thị, trung tâm thương mại

     Hoạt động bán lẻ qua siêu thị, trung tâm thương mại tại Việt Nam có những đặc điểm như sau:

     Bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng: Siêu thị thực hiện chức năng bán lẻ – bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng chứ không phải để bán lại. Đây là một kênh phân phối ở mức phát triển cao, được quy hoạch và tổ chức kinh doanh dưới hình thức những cửa hàng quy mô, có trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại, văn minh, do thương nhân đầu tư và quản lý, được Nhà nước cấp phép hoạt động.

     Áp dụng phương thức tự phục vụ: Đây là phương thức bán hàng cho phép khách hàng sau khi chọn mua được hàng hoá sẽ đến chỗ người bán để trả tiền hàng, tuy nhiên trong quá trình mua vẫn có sự giúp đỡ, hướng dẫn của người bán. Ngoài ra, một số siêu thị hiện đại còn áp dụng hình thức tự phục vụ. Theo đó, khách hàng xem xét và chọn mua hàng, bỏ vào giỏ hoặc xe đẩy đem đi và thanh toán tại quầy tính tiền đặt gần lối ra vào. Người bán vắng bóng trong quá trình mua hàng.

     Phương thức thanh toán thuận tiện: Hàng hóa gắn mã vạch, mã số được đem ra quầy tính tiền ở cửa ra vào, dùng máy quét để đọc giá, tính tiền bằng máy và tự động in hóa đơn. Đây chính là tính chất ưu việt của siêu thị, đem lại sự thỏa mãn cho người mua sắm… Đặc điểm này được đánh giá là cuộc đại "cách mạng" trong lĩnh vực thương mại bán lẻ.

     Phương thức trưng bày hàng hóa phong phú, sáng tạo: Qua nghiên cứu cách thức vận động của người mua hàng khi vào cửa hàng, người điều hành siêu thị có cách bố trí hàng hóa thích hợp trong từng gian hàng nhằm tối đa hoá hiệu quả của không gian bán hàng. Do người bán không có mặt tại các quầy hàng nên hàng hóa phải có khả năng “tự quảng cáo”, lôi cuốn người mua. Siêu thị làm được điều này thông qua các nguyên tắc sắp xếp, trưng bày hàng hóa nhiều khi được nâng lên thành những thủ thuật. Chẳng hạn, hàng có tỷ suất lợi nhuận cao được ưu tiên xếp ở những vị trí dễ thấy nhất, được trưng bày với diện tích lớn; những hàng hóa có liên quan đến nhau được xếp gần nhau; hàng khuyến mại phải thu hút khách hàng bằng những kiểu trưng bày đập vào mắt; hàng có trọng lượng lớn phải xếp ở bên dưới để khách hàng dễ lấy; bày hàng với số lượng lớn để tạo cho khách hàng cảm giác là hàng hoá đó được bán rất chạy…

     Hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng thường ngày như thực phẩm, quần áo, bột giặt, đồ gia dụng, điện tử… với chủng loại rất phong phú, đa dạng. Siêu thị thuộc hệ thống các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, khác với các cửa hàng chuyên doanh chỉ chuyên sâu vào một hoặc một số mặt hàng nhất định. Chủng loại hàng hóa của siêu thị có thể lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn loại hàng. Thông thường, một siêu thị có thể đáp ứng được 70-80% nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng về ăn uống, trang phục, mỹ phẩm, đồ làm bếp, chất tẩy rửa, vệ sinh…

     Rào cản gia nhập thị trường bán lẻ qua siêu thị tại Việt Nam

     Trong các nghiên cứu về cạnh tranh cũng như các vụ việc cạnh tranh đã được điều tra thực tế, rào cản thị trường là một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ cạnh tranh trên thị trường hiện tại cũng như tương lai. Rào cản thị trường càng lớn thì thị trường càng kém tính cạnh tranh và càng dễ nảy sinh các hành vi phản cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hữu. Một số rào cản gia nhập thị trường bán lẻ qua siêu thị tại Việt Nam gồm rào cản tài chính, rào cản kỹ thuật công nghệ, rào can chính sách, pháp lý, …

     Trên thực tế, để kinh doanh siêu thị, chi phí đầu tư ban đầu là khá lớn cho việc triển khai mặt bằng, đầu tư các tài sản cố định, xây dựng kho bãi và ứng trước một phần chi phí giá vốn cho các nhà cung ứng hàng hóa. Do đó, nếu doanh nghiệp không có nguồn vốn dài hạn đủ lớn thì không thể kinh doanh trong lĩnh vực siêu thị.

     Kinh doanh siêu thị là lĩnh vực không đòi hỏi cao về khoa học công nghệ nhưng lại cần trình độ quản lý tốt. Bằng chứng thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý cao như Vingroup, AEON, Metro, BigC khi gia nhập thị trường Việt Nam đều đạt được thành công lớn mặc dù là các doanh nghiệp mới. Sự thành công của những doanh nghiệp này chủ yếu do chiến lược kinh doanh đúng đắn, thương hiệu đã được khẳng định đẳng cấp cùng phương pháp quản lý hiệu quả.

     Việt Nam là một thị trường siêu thị hết sức tiềm năng với số lượng dân số lớn và nhu cầu mua sắm cao. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cũng xây dựng không ít những văn bản quy phạm pháp luật khắt khe đối với các nhà kinh doanh siêu thị trên thị trường. Những chính sách pháp luật này ra đời nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các siêu thị, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

     Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ qua kênh siêu thị, trung tâm thương mại tại Việt Nam

     Trước bối cảnh hội nhập kinh tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã và đang đón nhận nhiều luồng đầu tư mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ trên thế giới có nhiều lợi thế về vốn, kinh nghiệm quản lý… khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trong nước tăng mạnh. Chính vì vậy, việc giám sát chặt chẽ hành vi của các doanh nghiệp tham gia trên thị trường bán lẻ là hết sức cần thiết để kịp thời có biện pháp can thiệp, nhất là khi cấu trúc thị trường đang phân lớp rõ rệt và có sự hiện diện của các tổ chức hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Căn cứ Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/N
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ các hoạt động năm 2024 của Đề án triển khai Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu d
Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận thí sinh đủ điều kiện tham dự Vòng