BVNTD

Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam

23/09/2022

Sáng ngày 21 tháng 9 năm 2022, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án hợp tác “Hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực thực thi Luật Cạnh tranh” giữa Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cục CT&BVNTD đã tổ chức Hội thảo “Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử”. Tham dự Hội thảo có ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD, ông Bado Kazunao – Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.

Ông Trịnh Anh Tuấn phát biểu khai mạc tại Hội thảo (Nguồn ảnh: Cục CT&BVNTD)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, trong hơn ba năm triển khai công tác tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 (Luật Cạnh tranh 2018), Cục CT&BVNTD đã thực hiện nhiều hoạt động có hiệu quả nhằm giám sát cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam hiện nay đang có sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí, được kích hoạt và bùng nổ hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thời gian qua, Cục CT&BVNTD đã phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế triển khai một số nghiên cứu, khảo sát về cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, giúp cơ quan cạnh tranh quan sát, nắm bắt thực trạng, xu hướng cạnh tranh để sẵn sàng can thiệp khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trên các thị trường mới nổi này.

https://youtu.be/alue8xKBTz8

Video clip về cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử được trình chiếu tại Hội thảo (Nguồn ảnh: Cục CT&BVNTD)

Tại Hội thảo, video clip về cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam được trình chiếu, trong đó giới thiệu cho đại biểu: (i) những khái niệm cơ bản và các mô hình thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam; (ii) quy mô, cấu trúc thị trường trên một số phân khúc nền tảng trực tuyến; (iii) các xu hướng cạnh tranh khốc liệt về vốn, nguồn lực tài chính; sự bứt phá với hướng đi riêng vào các thị trường ngách, chuyên biệt và xu hướng cạnh tranh trong việc hình thành các hệ sinh thái số; (iv) một số rào cản trong việc gia nhập và mở rộng thị trường dưới tác động của các yếu tố trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như thuật toán (algorithms), trí tuệ nhân tạo (AI), hiệu ứng mạng lưới người dùng (network effects) và dữ liệu lớn (big data) và (v) một số quan ngại về hành vi phản cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đại diện Cục CT&BVNTD trình bày kết quả khảo sát nhận thức của sinh viên về cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam (Nguồn ảnh: Cục CT&BVNTD)

Hội thảo đã công bố kết quả khảo sát nhận thức của khoảng gần 1.400 sinh viên về thực trạng cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Theo đó, trong 12 tháng gần đây, có 57% sinh viên mua sắm trực tuyến thông qua website, sàn thương mại điện tử, ứng dụng di động, diễn đàn, mạng xã hội với phương thức thanh toán chủ yếu là tiền mặt khi nhận hàng. Trên 50% số sinh viên được khảo sát cho rằng, thông tin cá nhân và dữ liệu giao dịch mua sắm trên website, ứng dụng thương mại điện tử có giá trị kinh tế và trên 50% số sinh viên được khảo sát không quan ngại về việc thu thập, sử dụng, quản lý thông tin cá nhân và dữ liệu giao dịch mua sắm của các website, ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng phản ánh tỷ lệ nhất định (dưới 30%) sinh viên có trải nghiệm về các mức giá “0” đồng khi mua sắm trực tuyến hoặc trải nghiệm về hành vi “bán kèm” sản phẩm trên một số sàn thương mại điện tử.

Đại diện Cục CT&BVNTD trình bày về thực trạng cạnh tranh trong lĩnh vực nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam (Nguồn ảnh: Cục CT&BVNTD)

Trong lĩnh vực nền tảng gọi xe trực tuyến, theo trình bày của đại diện Cục CT&BVNTD, với bản chất là nền tảng dựa trên ứng dụng hoặc trực tuyến, cho phép người dùng thuê tài xế cá nhân, nền tảng gọi xe trực tuyến đặc thù bởi việc định giá động dựa trên các yếu tố cung – cầu; tính chất hai mặt của nền tảng và tính chất kết nối đa chủ ở cả hai mặt của nền tảng. Sau khi một số nền tảng gọi xe trực tuyến xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, đến nay, nhiều quy định của pháp luật về thuế, thương mại điện tử, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cạnh tranh đã được sửa đổi, bổ sung để cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh và mối quan hệ cạnh tranh giữa các nền tảng gọi xe trực tuyến.

Tại Việt Nam, một số nền tảng gọi xe trực tuyến phổ biến bao gồm: Grab, Gojek, Be, Vato, MyGo, FastGo, trong đó, theo số liệu của ABI Research, Grab chiếm 74,6% thị phần trên thị trường Việt Nam trong năm 2020. Theo số liệu khảo sát của Q&Me được thực hiện tháng 5 năm 2021, có tới 49% người được khảo sát ưa sử dụng phương thức gọi xe ô tô trực tuyến hơn so với phương thức đặt xe truyền thống, trong đó Grab là nền tảng phổ biến nhất trong lĩnh vực gọi xe ô tô trực tuyến với 66% người được khảo sát lựa chọn, Be là nền tảng phổ biến thứ hai với tỷ lệ sử dụng là 22%. Khoảng 48% người được khảo sát ưa sử dụng dịch vụ gọi xe mô-tô trực tuyến hơn so với sử dụng dịch vụ “xe ôm” truyền thống. Trong đó, 60% số người được khảo sát đã cài đặt và sử dụng ứng dụng Grab để đặt xe hai bánh, những người đã sử dụng dịch vụ gọi xe mô tô của Gojek và Be lần lượt chiếm 19% và 18%.

 Hiện nay, các nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt về tài chính; chất lượng dịch vụ, trải nghiệm, tiện ích và xu hướng mở rộng hệ sinh thái. Thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam cũng có những rào cản thị trường nhất định, có thể kể đến là rào cản về nguồn lực tài chính, rào cản về hiệu ứng mạng lưới người dùng, việc độc quyền sở hữu và khai thác dữ liệu người dùng, chiến lược hình thành “siêu ứng dụng” của các nền tảng lớn.

Cục CT&BVNTD đã đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, trong đó bao gồm nhóm giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh (gồm ban hành hướng dẫn chi tiết thực thi các quy định của pháp luật về cạnh tranh; ban hành Bộ quy tắc ứng xử đối với các nền tảng lớn; đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh; nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cạnh tranh; tăng cường giám sát, điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh; tăng cường hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh) và nhóm giải pháp thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến (gỡ bỏ rào cản pháp lý; thúc đẩy chuyển đổi số và áp dụng chiến lược cạnh tranh hiệu quả).

Đại diện Cục CT&BVNTD trình bày về thực trạng cạnh tranh trong lĩnh vực nền tảng bán lẻ trực tuyến (Nguồn ảnh: Cục CT&BVNTD)

Trong lĩnh vực nền tảng bán lẻ trực tuyến, đại diện Cục CT&BVNTD cho biết, là một phần của hoạt động thương mại điện tử, nền tảng bán lẻ trực tuyến có các đặc điểm như không có sự tiếp xúc trực tiếp về không gian, vật lý giữa người bán và người mua; được thực hiện không phụ thuộc vào phạm vi địa lý; được thực hiện thông qua bên thứ ba (nền tảng)… Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, quy mô thương mại điện tử bán lẻ năm 2021 đạt 13,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 7% tỷ trọng trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo số liệu của iPrice, một số sàn thương mại điện tử bán lẻ có lượng truy cập lớn ở Việt Nam hiện nay gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Vật giá, Fado, Vỏ Sò, trong đó, Shopee có gần 90 triệu lượt truy cập bình quân mỗi tháng trong Quý IV năm 2021.

Cuối cùng, Cục CT&BVNTD cũng đưa ra các khuyến nghị đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh nền tảng bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, theo đó, cần tự định vị vị trí của mình trên thị trường; xác định các rủi ro về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để từ đó xây dựng, thực hiện nghiêm túc chương trình, chính sách tuân thủ pháp luật cạnh tranh.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm không chỉ của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước mà còn của giới học giả, nghiên cứu trong lĩnh vực cạnh tranh./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương