edf40wrjww2News:News_Content
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) được thành lập năm 1967 là một tổ chức kinh tế gồm 10 nước thành viên trong khu vực Đông Nam Châu Á. Asean là một trong những tổ chức khu vực có sự phát triển năng động và mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Hợp tác giữa các quốc gia trong Asean đang theo xu thế hướng tới thành lập Cộng đồng Asean vào năm 2015. Trong tuyên bố lần đầu tiên vào năm 2003, ý tưởng thành lập Cộng đồng Asean được dựa trên ba nhân tố chính gồm Cộng đồng kinh tế Asean (Asean economic community – AEC), Cộng đồng an ninh Asean và Cộng đồng văn hóa-xã hội Asean. Việc xây dựng thành công AEC sẽ đảm bảo sự hội nhập sâu trong khu vực về kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Nhân tố cơ bản thúc đẩy tiến trình xây dựng AEC là Lộ trình tổng thể chung xây dựng Cộng đồng kinh tế Asean (AEC Blueprint) lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2006 và được các quốc gia thành viên thông qua năm 2007.
Những nội dung cơ bản trong việc thành lập AEC bao gồm (i) thành lập một thị trường thống nhất và cơ sở sản xuất chung, (ii) hình thành khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, (iii) một khu vực với sự phát triển kinh tế đồng đều, và (iv) kinh tế khu vực sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong AEC Blueprint, chính sách cạnh tranh được xác định là một vấn đề mấu chốt được nhấn mạnh bằng mục tiêu tiến tới hình thành khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao. Để đạt được mục tiêu đặt ra, một số hoạt động ưu tiên được xác định và đưa vào kế hoạch hành động trong giai đoạn 2008 – 2015. Một trong những hoạt động đó là việc hợp tác chính sách cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên trong khối Asean.
2. Chính sách và pháp luật cạnh tranh trong Asean hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường chung thống nhất
Tạo lập môi trường có tính cạnh tranh cao rõ ràng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu hội nhập kinh tế của khu vực Asean. Điều này được thực hiện dựa trên việc xây dựng kết hợp bốn yếu tố. Đó là việc thành lập một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất dựa trên ý niệm về một thị trường cạnh tranh chung trong khối các nước Asean. Khả năng cạnh tranh và sự hội nhập của khu vực Asean vào nền kinh tế thế giới đòi hỏi nền kinh tế của từng quốc gia phải có tính cạnh tranh cao trên bình diện quốc tế. Ngoài ra, cạnh tranh cũng cần để đảm bảo có sự điều phối công bằng lợi ích từ việc hội nhập khu vực cho cả người tiêu dùng, các nhà sản xuất trong khu vực cũng như từng quốc gia thành viên. Dưới góc độ này, chính sách cạnh tranh, được định nghĩa là chính sách do các chính phủ đưa ra nhằm thúc đẩy hoặc duy trì cạnh tranh trên thị trường, bao gồm các biện pháp của chính phủ tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của doanh nghiệp để qua đó tác động đến cấu trúc của ngành công nghiệp và thị trường. Chính sách cạnh tranh được coi là một công cụ quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu AEC.
Nhìn một cách tổng thể, có thể nói việc tạo lập một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất trong Asean chỉ có thể đạt được nếu đảm bảo được sự tự do luân chuyển của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư và lao động giữa các nước trong khối Asean. Cùng với những yếu tố nêu trên thì việc xây dựng các thể chế và chính sách liên quan đến cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyến sở hữu trí tuệ và phát triển cơ sở hạ tầng cũng là rất cần thiết.
Cho đến nay, nền kinh tế các nước Asean thường đã mở cửa trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Chính sách phát triển của nhiều nước Asean theo hướng công nghiệp hóa hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong đó nhân tố chính là dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, vai trò nội tại của các nhân tố trong AEC là rất quan trọng. Chúng nhắm tới mục tiêu tăng cường sự hấp dẫn của khu vực như một tổng thể đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như là đảm bảo rằng toàn khu vực Asean luôn theo kịp với nền sản xuất thế giới.
Với mục tiêu hướng đến thành lập AEC vào năm 2015 thì chính sách cạnh tranh được xác định là một lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Điều này gắn liền với mục tiêu tạo dựng một khu vực với nền kinh tế cạnh tranh năng động. Một trong những cấu thành quan trọng không thể thiếu trong chính sách cạnh tranh của mỗi quốc gia đó là luật cạnh tranh. Nó bao gồm những chế định pháp luật hướng đến tạo lập, duy trì, thúc đẩy và tăng cường cạnh tranh trên thị trường thông qua việc điều chỉnh và xử lý đối với các hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp. Luật cạnh tranh thường quy định cấm đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng sức mạnh thị trường bao gồm lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền, tập trung kinh tế có tác động hạn chế cạnh tranh và các hành vi phản cạnh tranh khác.
Mặc dù chỉ là một trong số những cấu thành nhưng luật cạnh tranh đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách cạnh tranh của mỗi quốc gia. Có thể nói mỗi quốc gia trong Asean đều đã từng xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh của riêng mình thông qua việc xây dựng và thực thi các chính sách công nghiệp, chính sách ngành trong thời kỳ chưa ban hành luật cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ quốc gia nào xây dựng và thực thi thành công luật cạnh tranh thì chính sách cạnh tranh của quốc gia đó mới trở nên rõ ràng, minh bạch và mới hội đủ các điều kiện để hòa chung cùng các quốc gia khác trong khu vực tạo nên một chính sách cạnh tranh chung trong Asean. Điều này xuất phát từ chính mục tiêu, vai trò, ý nghĩa của luật cạnh tranh cũng như các chế định điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp bao gồm trong nó. Luật cạnh tranh của mỗi nước không chỉ ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính sách cạnh tranh, các chính sách kinh tế ngành của mỗi quốc gia mà nhiều trường hợp còn quy định trao quyền cho cơ quan cạnh tranh để thẩm định đối với nguy cơ tác động ảnh hưởng tới cạnh tranh trong các chính sách của chính phủ khi được ban hành.
Với ý nghĩa như nêu trên nên xây dựng, ban hành và thực thi luật cạnh tranh ở từng quốc gia thành viên Asean là một trong những điều kiện tiên quyết được đặt ra để làm tiền đề cho việc thành lập AEC vào năm 2015. Thái Lan và In-đô-nê-si-a là hai nước thành viên Asean ban hành và thực thi luật cạnh tranh đầu tiên vào năm 1999 sau khi chịu ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính Châu Á năm 1997 – 1998. Quyết định ban hành và thực thi luật cạnh tranh của In-đô-nê-si-a bị ảnh hưởng bởi chương trình hỗ trợ đối với các nước bị ảnh hưởng từ cuộc khủng khoảng tài chính do Qũy tiền tệ quốc tế IMF thực hiện. Còn việc ban hành và thực thi luật cạnh tranh của Thái Lan đơn thuần là do sự thúc đẩy của nền kinh tế trong nước và việc ban hành hiến pháp mới vào năm 1997. Tiếp sau đó Xinh-ga-po, Việt Nam cùng ban hành luật cạnh tranh vào năm 2004 và Ma-lai-xi-a ban hành vào năm 2010. Thực tiễn, việc ban hành và thực thi luật cạnh tranh của Xinh-ga-po là trên cơ sở nghĩa vụ pháp lý được đặt ra trong Hiệp định thương mại tự do song phương ký kết với Mỹ. Còn việc ban hành và thực thi luật cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu là bởi đó là một trong những điều kiện đặt ra trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Riêng đối với Ma-lai-xi-a là trường hợp đặc biệt. Ma-lai-xi-a đã bắt đầu manh nha soạn thảo luật cạnh tranh kể từ năm 1991 nhưng do có nhiều tranh cãi gay gắt trong cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cả các học giả… nên mãi tới năm 2010 luật này mới được ban hành. Trong số các thành viên còn lại trong Asean thì Lào, Cam-pu-chia và Phi-líp-pin đang trong quá trình chạy nước rút để ban hành luật cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu chung của khu vực. Cả ba nước Lào, Cam-pu-chia và Phi-líp-pin đều đã soạn thảo xong luật cạnh tranh của riêng mình và đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp để thông qua. Cơ quan cạnh tranh của Phi-líp-pin cũng đã được thành lập theo Sắc lệnh số 45 ngày 9 tháng 6 năm 2011 và nằm trong Bộ Tư pháp của nước này. Hai quốc gia còn lại là Bru-nêy và Mi-an-ma đang trong quá trình soạn thảo.
3. Những khác biệt trong pháp luật cạnh tranh và mục tiêu AEC
Cũng có những điểm khác biệt đáng kể trong luật cạnh tranh giữa các nước thành viên Asean bởi một số yếu tố khác biệt đã tác động trong quá trình soạn thảo. Những khác biệt đó bao gồm mục tiêu của luật, các chế định cơ bản, quan điểm lập pháp và quy định cấm cũng như hình thức và mức độ xử lý đối với hành vi vi phạm.
Thông thường mục tiêu không được thể hiện rõ trong luật cạnh tranh của các quốc gia nhưng có thể thấy được thông qua mục tiêu hành động của các cơ quan cạnh tranh ở từng nước. Nhìn chung hầu hết luật cạnh tranh của các quốc gia đều hướng tới mục tiêu hiệu quả của nền kinh tế và phúc lợi xã hội. Ngoài ra còn có các mục tiêu khác như thương mại tự do và công bằng, tính cạnh tranh của nền kinh tế hay sự phát triển. Ví dụ, Luật cạnh tranh của cả Thái Lan và In-đô-nê-si-a đều đề cao tầm quan trọng của thương mại tự do và công bằng. Mặc dù luật cạnh tranh là một yếu tố quan trọng để hướng tới thành lập AEC nhưng không có một quốc gia nào đề ra mục tiêu hội nhập khu vực và hài hòa hóa pháp luật cạnh tranh giữa các nước. Điều này có thể tạo nên những trở ngại trong quá trình thành lập AEC mà các quốc gia thành viên Asean cần lưu tâm nhằm hướng tới một thị trường chung thống nhất.
Nhìn một cách tổng thể, các chế định cơ bản trong luật cạnh tranh các nước là tương đồng bao gồm chế định điều chỉnh các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hay các-ten, chế định điều chỉnh các hành vi lạm dụng, và chế định điều chỉnh các hành vi tập trung kinh tế. Tuy nhiên, cách thức quy định và quan điểm lập pháp cũng có nhiều điểm khác biệt. Đó là sự khác biệt trong xác định hành vi, điều kiện cấm, nguyên tắc cấm (nguyên tắc vi phạm mặc nhiên hoặc đánh giá tác động hợp lý), hình thức và mức độ xử lý. Ví dụ, In-đô-nê-si-a quy định theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên đối với các hành vi thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, thỏa thuận tẩy chay và hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù lên tới 5 tháng tù. Ma-lai-xi-a quy định theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên đối với các hành vi thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường hay nguồn cung, giới hạn hay kiểm soát sản xuất hoặc phân phối sản phẩm, thỏa thuận hạn chế phát triển của khoa học, công nghệ hay đầu tư, và hành vi thông thầu. Hình thức xử lý có thể là phạt tiền hoặc phạt tù lên tới 5 năm tù. Đối với Xinh- ga-po thì nguyên tắc vi phạm mặc nhiên được áp dụng đối với các hành vi thỏa thuận ấn định giá, thông thầu, phân chia thị trường, hạn chế sản lượng và hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền và phạt tù lên tới 3 năm tù. Trong khi đó luật cạnh tranh của Việt Nam lại chỉ quy định hình thức xử phạt tiền đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, có thể nói việc ban hành và thực thi luật cạnh tranh là điều kiện quan trọng mà Asean đặt ra cho mỗi quốc gia để hướng tới thành lập AEC. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được một khu vực thị trường chung thống nhất có tính cạnh tranh cao với nền tảng cạnh tranh giống nhau thì không chỉ dừng lại ở việc đòi hỏi các thành viên phải ban hành và thực thi luật cạnh tranh mà một yêu cầu cao hơn nữa là phải tiến tới hài hòa hóa chính sách và pháp luật cạnh tranh của các thành viên nhằm khỏa lấp dần những khác biệt. Các thành viên Asean sẽ phải cùng nhau thống nhất xây dựng và đặt ra những tiêu chuẩn chung trong các chế định của luật cạnh tranh để từ đó đưa ra một lộ trình nhằm thực hiện một chính sách và pháp luật cạnh tranh chung nhằm đạt được mục tiêu chung của AEC.
4. Tình hình thực thi pháp luật cạnh tranh ở một số quốc gia Asean
Tình hình thực thi pháp luật cạnh tranh ở các quốc gia Asean cũng mang nhiều đặc điểm và màu sắc khác nhau do thời gian thực thi, kinh nghiệm và điều kiện thực thi khác nhau.
In-đô-nê-si-a được cho là quốc gia thực thi pháp luật cạnh tranh với nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều kết quả tốt nhất. Cơ quan cạnh tranh của In-đô-nê-si-a đã giải quyết tổng cộng 249 vụ việc trong giai đoạn từ năm 2000 – 2010, trong đó hơn 80% số vụ việc là thông thầu. Nguồn nhân lực của cơ quan này cũng tăng lên nhanh chóng, tăng hơn 10 lần trong thập kỷ vừa qua, từ 31 nhân viên năm 2000 tăng lên 353 nhân viên năm 2010. Bên cạnh việc điều tra và xử lý các hành vi vi phạm, cơ quan cạnh tranh In-đô-nê-si-a còn được quy định chức năng tham mưu cho Chính phủ trong các vấn đề về chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu cạnh tranh công bằng.
Xinh-ga-po cũng là một thành viên thực thi pháp luật cạnh tranh một cách rất tích cực. Kể từ khi thành lập, Cơ quan cạnh tranh Xinh-ga-po đã thành công trong việc điều tra và xử lý hàng loạt hành vi phản cạnh tranh bao gồm các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và thông thầu trong các lĩnh vực xăng dầu, điện và các công trình xây dựng.
Ngoài ra cơ quan cạnh tranh ở các quốc gia khác như Thái Lan và Ma-lai-xi-a cũng đang rất nỗ lực và tích cực trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh.
Phùng Văn Thành