Ngày 3-4 tháng 9 năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dung (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức Cuộc họp trực tuyến lần thứ tư của Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN (AEGC) với sự tham gia của đại diện cơ quan cạnh tranh các nước thành viên ASEAN và các chuyên gia tư vấn. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD đại diện Cục CT&BVNTD chủ trì phiên họp nói trên.
Mục tiêu cuộc họp nhằm rà soát giữa kỳ việc triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động về Cạnh tranh ASEAN 2025 (ACAP 2025) tại các nước ASEAN bao gồm các nội dung như: đánh giá hiệu quả của từng hoạt động đã thực hiện theo ACAP 2025; phân tích mức độ phù hợp và kế hoạch triển khai; đánh giá sự tương thích giữa ACAP và Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN; và xây dựng Kế hoạch thực hiện 05 năm tiếp theo.
ACAP 2025 với nhiều hoạt động được xây dựng và triển khai hướng tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác, tăng cường năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh tại các quốc gia thành viên ASEAN, gồm các các mục tiêu chiến lược như sau: (i) Khuôn khổ pháp lý về cạnh tranh được thiết lập tại tất cả các nước thành viên ASEAN; (ii) Nâng cao năng lực thực thi chính sách và luật cạnh tranh của các cơ quan cạnh tranh ASEAN; (iii) Thực hiện các cam kết về chính sách và luật cạnh tranh trong khu vực; (iv) Thúc đẩy nhận thức về cạnh tranh trong ASEAN; (v) Hướng tới việc hài hòa hóa về chính sách và luật cạnh tranh ASEAN.
Phát biểu khai mạc tại Cuộc họp, ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh mặc dù dịch COVID-19 đã gây ra một số tác động tiêu cực đến các cơ quan cạnh tranh ASEAN trong ngắn hạn đến trung hạn như hạn chế đi lại, tạm dừng hoạt động và cắt giảm ngân sách để ưu tiên cho những mục tiêu cấp bách hơn. Tuy nhiên về lâu dài, chính sách và luật cạnh tranh vẫn được chính phủ các nước ASEAN cam kết thực hiện đầy đủ như là một chiến lược giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tại Cuộc họp, Ban Thư ký ASEAN đánh giá trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác giai đoạn 2016-2020, đến nay các nước ASEAN đã triển khai thành công một số hoạt động cụ thể như (i) thiết lập được thể chế cạnh tranh ở các quốc gia ASEAN (09/10 quốc gia đã ban hành luật cạnh tranh và thành lập cơ quan cạnh tranh; nước còn lại là Campuchia đang trong quá trình hình thành cơ quan cạnh tranh và ban hành luật cạnh tranh, dự kiến vào năm 2020); (ii) tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua các hoạt động hỗ trợ giữa các nước trong và ngoài khu vực; (iii) khuyến khích việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh thông qua việc xây dựng Hướng dẫn chung của ASEAN về tuân thủ pháp luật cạnh tranh.
Kết thúc cuộc họp, Ông Trịnh Anh Tuấn cho rằng các thành viên AEGC cần tập trung nguồn lực nhằm triển khai các hoạt động nêu trên theo đúng tiến độ đã đề ra. Với vai trò là Chủ tịch AEGC năm 2020, Việt Nam sẽ luôn thể hiện vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác chung và toàn diện khu vực ASEAN trong lĩnh vực chính sách và luật cạnh tranh.