BVNTD

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Hội thảo phổ biến Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14

23/07/2019

       Hội thảo do ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Phụ trách Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Trung ương; các Sở, ban, ngành địa phương khu vực miền Bắc; đại diện các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp lớn, văn phòng luật và trường đại học tại Hà Nội

       Tại Hội thảo, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã giới thiệu những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng trong Luật Cạnh tranh năm 2018. Đặc biệt, Hội thảo tập trung phổ biến rõ hơn những quy định mới trong kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế. Đây là những nội dung thiết thực, gắn với hoạt động kinh doanh, cạnh tranh của doanh nghiệp, do đó, được đại biểu quan tâm.

       Như vậy, liên quan đến các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được Luật điều chỉnh, từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, các hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ; phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan và thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ bị cấm trong mọi trường hợp mà không cần xét đến thị phần kết hợp giữa các bên tham gia thỏa thuận. Một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khác bị cấm khi xác định thỏa thuận đó gây tác động hoặc có thể gây tác động tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường. Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm nhiều tiêu chí để đánh giá mức độ và tác động của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thay vì chỉ sử dụng yếu tố thị phần như hiện nay.           Đồng thời, Luật cũng quy định về chính sách khoan hồng cho phép miễn, giảm mức phạt tiền đối với doanh nghiệp tham gia thỏa thuận tự nguyện khai báo về hành vi vi phạm cho Ủy ban cạnh tranh Quốc gia nhằm tăng cường phát hiện và điều tra vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

       Đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, ngoài ngưỡng thị phần 30% trên thị trường liên quan, Luật Cạnh tranh 2018 quy định “sức mạnh thị trường đáng kể” có thể là căn cứ để xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp. Sức mạnh thị trường đáng kể được xác định trên cơ sở kết hợp phân tích, đánh giá nhiều yếu tố như tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; rào cản gia nhập hoặc mở rộng thị trường; sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp; quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ…

       Đối với tập trung kinh tế, ngoài thị phần kết hợp giữa các bên tham gia tập trung kinh tế, Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm các tiêu chí khác để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế, gồm tổng tài sản, tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế và giá trị giao dịch của tập trung kinh tế. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2018, tập trung kinh tế sẽ bị cấm nếu có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, bất kể giao dịch tập trung kinh tế đó được thực hiện bên trong hay bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tương tự như đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Luật mới sử dụng cách tiếp cận đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh dựa trên các phân tích kinh tế nhằm kiểm soát tập trung kinh tế.

       Có thể thấy, nhiều quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế trong Luật Cạnh tranh năm 2018 đã tiệm cận với xu hướng của thế giới khi xem xét, nhìn nhận vào bản chất, tác động của hành vi để đưa ra quyết định cấm, không cấm hay áp dụng những biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề về cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc donh nghiệp và cơ quan cạnh tranh sẽ không chỉ sử dụng tiêu chí định lượng đơn giản là thị phần hay thị phần kết hợp trên thị trường liên quan để đo lường, đánh giá hành vi như quy định của Luật Cạnh tranh 2004. Do vậy, Luật cũng quy định thời điểm có hiệu lực thi hành sau hơn 01 năm kể từ ngày ban hành để các cơ quan xây dựng pháp luật có đủ thời gian thiết kế các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể việc thi hành các quy định nêu trên trong Luật Cạnh tranh 2018.

       Các ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận và cân nhắc tiếp thu trong quá trình xây dựng các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương