BVNTD

Cuộc họp Lãnh đạo cấp cao Cơ quan Cạnh tranh ASEAN lần thứ nhất

21/10/2021

      Ngày 11 tháng 10 năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tham dự Cuộc họp Lãnh đạo cấp cao Cơ quan Cạnh tranh ASEAN lần thứ nhất (ASEAN Heads of Competition Agencies) theo hình thức trực tuyến.
      Ngày 11 tháng 10 năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã tham dự Cuộc họp Lãnh đạo cấp cao Cơ quan Cạnh tranh ASEAN lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến (Cuộc họp AHCA). Thông qua Cuộc họp, các nhà  Lãnh đạo cấp cao (người đứng đầu) Cơ quan Cạnh tranh các nước thành viên ASEAN đã trao đổi, ghi nhận kết quả thực hiện Kế hoạch Hành động Cạnh tranh ASEAN 2025 (ACAP 2025), tiến độ triển khai các công việc của Nhóm Chuyên gia Cạnh tranh  ASEAN (AEGC), Lộ trình hoạt động Nâng cao năng lực về cạnh tranh khu vực ASEAN giai đoạn 2021 – 2025 (ASEAN Regional Capacity Buildings Roadmap) và đưa ra những nội dung mang tính chất định hướng cho hoạt động của Nhóm AEGC trong thời gian sắp tới. 
      Trong bài phát biểu khai mạc, Ông Kodrat Wibowo, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Indonesia, đồng thời giữ vai trò Chủ tịch Nhóm Chuyên gia Cạnh tranh ASEAN năm 2021 (AEGC), đã nhấn mạnh chủ đề chính của Nhóm AEGC trong năm 2021 là “Bảo vệ chính sách cạnh tranh hướng tới phục hồi kinh tế”. Trong thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động, gây gián đoạn và khó khăn đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, đến khu vực ASEAN và các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng. Do đó, cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN luôn thích ứng, đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm duy trì, đảm bảo hiệu quả môi trường cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn, nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn tiếp theo.
      Tại Cuộc họp, đại diện đứng đầu cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN cũng cho rằng hiện nay khuôn khổ pháp lý và quá trình thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh của các quốc gia ASEAN còn có những khác biệt nhất định. Do đó, cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN cần tăng cường chia sẻ thông tin, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin như (i) Xây dựng Hướng dẫn chia sẻ thông tin các vụ việc sáp nhập (Guidelines for Sharing Merger Cases), (ii) Thiết lập Cổng thông tin về các vụ việc sáp nhập (Information Portal on Merger Cases). Việc xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan cạnh tranh ASEAN được coi là bước khởi đầu nhằm nâng cao hợp tác thực thi cạnh tranh, nhất là trong thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh đối với các vụ việc cạnh tranh có tính chất xuyên biên giới.
      Cuộc họp AHCA cũng đánh giá cao việc cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN sẽ tiến hành xây dựng Sổ tay Điều tra về chính sách và luật cạnh tranh trong nền kinh tế kỹ thuật số trong năm tới; đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của Nhóm  AEGC trong năm 2022. Lãnh đạo đứng đầu cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN cũng cho rằng cần hoàn thiện Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ASEAN Comprehensive Recovery Framework) và các sáng kiến về cạnh tranh trong bối cảnh thực thi Kế hoạch hoạt động thực hiện Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử (ASEAN Agreement on e-Commerce). Các vấn đề về kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng và có tác động nhiều đến kinh tế các quốc gia, doanh nghiệp, cộng đồng người tiêu dùng và ngay cả trong việc thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh tại các quốc gia.
      Cũng tại Cuộc họp, với tư cách là Chủ tịch AEGC 2021, Indonesia đã thay mặt các nước thành viên ASEAN trình bày kết quả nghiên cứu “Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và việc thực thi chính sách và luật cạnh tranh”. Ông Kodrat Wibowo cho rằng mục tiêu chính của các cơ quan cạnh tranh ASEAN đó là thiết lập những cam kết mang tính khu vực nhằm đóng góp vào việc phục hồi kinh tế; trong đó nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của chính sách và luật cạnh tranh trong quá trình phục hồi kinh tế khu vực và của từng quốc gia. Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị để các cơ quan cạnh tranh ASEAN có thể cân nhắc áp dụng trong quá trình thực thi chính sách và luật cạnh tranh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.     
      Sáng kiến về Cuộc họp Lãnh đạo cấp cao Cơ quan Cạnh tranh ASEAN đã được cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN đưa ra và thống nhất tại Cuộc họp Nhóm Chuyên gia Cạnh tranh ASEAN năm 2020. Việc tổ chức họp có sự tham dự của người đứng đầu cơ quan cạnh tranh các quốc gia thành viên ASEAN sẽ là nền tảng để trao đổi về chính sách, thực thi luật và chính sách cạnh tranh ở cấp cao, cập nhật tình hình thực thi chính sách và luật cạnh tranh tại các quốc gia; đồng thời đưa ra những chủ đề thảo luận mang tính chất khu vực, định hướng nhằm hoàn thiện hóa, tạo thuận lợi hóa cho việc thực thi chính sách và luật cạnh tranh ASEAN trong dài hạn, góp phần thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát triển bền vững.
       Để biết thêm thông tin về Hợp tác khu vực ASEAN về Chính sách Cạnh tranh, có thể truy cập trang điện tử www.asean-competition.org./.
 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương