BVNTD

Điểm mới về Đối tượng điều chỉnh của Luật cạnh tranh 2018

24/07/2020

     Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004 đánh dấu mốc quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là công cụ quan trọng để nhà nước kiểm soát các hành vi có tính chất phản cạnh tranh. Điều này có nghĩa, đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh được xác định để quy định điều chỉnh các đối tượng thực hiện các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường.

     Luật Cạnh tranh 2004 quy định về đối tượng điều chỉnh tại Điều 2 như sau:

     “ Điều 2. Đối tượng áp dụng

     Luật này áp dụng đối với:

     1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam;

     2. Hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam.”

     Tuy nhiên, trong quá trình thực thi và áp dụng luật, quy định về đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2004 đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế. Chính vì vậy Luật Cạnh tranh 2018 đã quy định mở rộng đối tượng áp dụng, cụ thể theo Điều 2 của Luật Cạnh tranh 2018:

     “Điều 2. Đối tượng áp dụng

     1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

     2. Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam.

     3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.”

     Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung đối tượng “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”. Theo đó, bất kể một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, kể cả cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh gây tác động tiêu cực đến hoạt động cạnh tranh lành mạnh của thị trường Việt Nam, thì đều chịu sự điều chỉnh của Luật này.

     Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh đối với mọi đối tượng liên quan đến cạnh tranh trên thị trường, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính… sẽ đem lại một số tác động tích cực bao gồm: giảm thiểu việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho một hoặc một nhóm các doanh nghiệp nào đó đến mức gây bất bình đẳng trong cạnh tranh; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế chung của một Chính phủ liêm chính, khuyến khích và tạo lập môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và không phân biệt đối xử; và đảm bảo sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính… tăng tính hiệu quả và đồng bộ của việc thực thi pháp luật cạnh tranh.

     Thêm vào đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước. Luật Cạnh tranh 2004 mặc dù đưa ra các hành vi bị cấm đối với các cơ quan nhà nước nhưng đã không có bất cứ một hình thức xử lý nào, khiến cho các quy định đó rất khó đi vào cuộc sống và không có được hiệu quả thực thi nhất định. Chính vì vậy Luật Cạnh tranh 2018 bên cạnh việc bổ sung thêm đối tượng áp dụng, còn bổ sung thêm các hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước, cụ thể theo Điều 8, Luật Cạnh tranh 2018:

     “ Điều 8: Các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh

     1. Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi gấy cản trở cạnh tranh trên thị trường sau đây:

     ….

     d)  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh ”

     Và đông thời bổ sung thêm quy định về mức xử lý vi phạm đối với loại hành vi này theo Khoản 1 Điều 113.

     “ Điều 113: Thẩm quyền và hình thức xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh

     1.  Trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan Nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Cơ quan nhà nước được yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm,  khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật

     2. …..”

     Những sửa đổi của Luật Cạnh tranh 2018 đã phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế, tạo cơ chế pháp lý cho cơ quan cạnh tranh quốc gia thực thi hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương