BVNTD

Điều tra hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh của cơ quan cạnh tranh Châu Âu

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Thẩm quyền điều tra đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thuộc Ủy ban Châu Âu hoặc cơ quan cạnh tranh của mỗi quốc gia Châu Âu. Việc khởi xướng điều tra có thể dựa trên đơn khiếu nại hoặc cơ quan có thẩm quyền tự khởi xướng dựa trên các dấu hiệu tự thu thập được.

Qúa trình tố tụng của Ủy ban Châu Âu bao gồm các bước sau đây.

1) Xác định vị trí thống lĩnh

Bước đầu tiên trong quá trình tố tụng mà Ủy ban Châu Âu thực hiện là điều tra để xác định xem liệu doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp là đối tượng bị điều tra trong vụ việc có vị trí thống lĩnh hay không.

Sức mạnh thống lĩnh của doanh nghiệp phải gắn với một thị trường liên quan nhất định. Vì vậy, xác định thị trường liên quan là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong giai đoạn này. Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

Thị trường sản phẩm liên quan: Là thị trường của tất cả các loại sản phẩm hay dịch vụ mà người tiêu dùng cho rằng có thể thay thế được cho nhau dựa trên các đặc điểm về đặc tính của sản phẩm, mức giá bán và mục đích sử dụng.

Thị trường địa lý liên quan: Là một khu vực địa lý xác định trong đó các điều kiện cạnh tranh tương tự đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xác định.

Theo pháp luật cạnh tranh của Châu Âu, thị phần không phải là yếu tố duy nhất để xác định sức mạnh thống lĩnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan cạnh tranh Châu Âu luôn xác định thị phần là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sức mạnh của một doanh nghiệp so với doanh nghiệp khác trên thị trường liên quan.

Ủy ban Châu Âu xác định nếu một doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có (i) mức thị phần trên thị trường liên quan càng lớn, và (ii) thời gian nắm giữ mức thị phần lớn càng dài thì điều đó cho thấy khả năng doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp này có vị trí thống lĩnh càng lớn hoặc dấu hiệu về doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh càng rõ ràng. Ủy ban Châu Âu xác định nếu một doanh nghiệp có thị phần trên thị trường liên quan nhỏ hơn 40% thì rất khó để có sức mạnh thống lĩnh.

Bên cạnh thị phần, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét thêm nhiều yếu tố khác gồm:

          Khả năng gia nhập thị trường rễ dàng hay khó khăn, tức là có tồn tại các rào cản đối với các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường hay không, bao gồm các loại rào cản tự nhiên, rào cản pháp lý, công nghệ…,

          Có sự hiện hữu sức mạnh đối kháng của người mua hay không,

       Quy mô, sức mạnh tài chính, sức mạnh vô hình và hữu hình khác của doanh nghiệp cũng như các nguồn lực của doanh nghiệp mà trong một chừng mực nào đó có thể tác động đáng kể lên chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối các sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ trên thị trường.

Pháp luật cạnh tranh Châu Âu không quy định cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Bản thân có sức mạnh thống lĩnh là quyền tự nhiên của doanh nghiệp và không trái pháp luật. Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh được quyền thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh giống như các doanh nghiệp khác trên thị trường. Tuy nhiên, điểm khác biệt là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh bị buộc phải có những trọng trách đặc biệt, tuân thủ theo một số quy định nhất định nhằm đảm bảo rằng các hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh không gây tác động hay phương hại tới các hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Hay nói cách khác, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh không được thực hiện một số hành vi, ví dụ như không được từ chối giao dịch, không được định giá quá mức, không được đưa ra điều kiện độc quyền bán, độc quyền mua trong các giao dịch hợp đồng.

2) Điều tra

Thẩm quyền điều tra của Ủy ban Châu Âu được quy định chi tiết tại Quy chế của Hội đồng Châu Âu số 1/2003 ban hành ngày 16 tháng 12 năm 2002 để thực thi các điều khoản chống độc quyền trong Hiệp ước của Liên minh Châu Âu. Theo đó, Ủy ban Châu Âu có quyền thực hiện:

          Gửi yêu cầu cung cấp thông tin,

         Và trong khuôn khổ cuộc điều tra sẽ đến doanh nghiệp để kiểm tra các loại sổ sách, giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh, sao chép lại hoặc thậm chí lưu giữ các thông tin, tài liệu cần thiết, thẩm vấn hoặc phỏng vấn các nhân viên hoặc đại diện doanh nghiệp có liên quan.

Sau khi kết thúc giai đoạn khởi xướng điều tra, Ủy ban Châu Âu sẽ đưa ra quyết định tiếp tục theo đuổi vụ việc bởi thuộc những vấn đề được ưu tiên và tiếp tục điều tra sâu về vụ việc hoặc là đình chỉ điều tra.

3) Tuyên cáo (statement of objections) tuyên bố cáo buộc

Sau khi điều tra, Ủy ban Châu Âu có thể đưa ra tuyên cáo về sự việc (statement of objections). Thực chất, đây là một tuyên bố chính thức của Ủy ban Châu Âu về quá trình điều tra được gửi đến cho bên liên quan trong đó đưa ra kết quả điều tra ban đầu với những cáo buộc vi phạm cụ thể. Sau khi nhận được tuyên cáo từ Ủy ban Châu Âu, bên liên quan có quyền thực hiện quyền bào chữa.

Khi thực hiện quyền bào chữa, doanh nghiệp được quyền tiếp cận hồ sơ tài liệu của vụ việc, tức là có quyền tiếp cận toàn bộ các tài liệu không thuộc dạng bảo mật mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình điều tra. Sau đó, doanh nghiệp có thể gửi lời bào chữa bằng văn bản tới Ủy ban Châu Âu. Doanh nghiệp liên quan cũng có thể yêu cầu mở một cuộc điều trần dưới sự điều khiển của một cán bộ điều trần độc lập. Sau khi xem xét và đánh giá nội dung bào chữa và các quan điểm do doanh nghiệp đưa ra, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét lại toàn bộ các cáo buộc của mình. Và trong một số trường hợp, dựa trên nội dung bào chữa và các luận điểm do doanh nghiệp đưa ra, Ủy ban Châu Âu có thể huỷ bỏ một phần các cáo buộc hoặc thậm chí quyết định đình chỉ vụ việc.

Nếu việc bào chữa của doanh nghiệp không đủ sức thuyết phục để Ủy ban Châu Âu quyết định huỷ toàn bộ các cáo buộc, thì bước tiếp theo Ủy ban sẽ dự thảo quyết định cấm đối với các hành vi vi phạm cụ thể. Dự thảo quyết định sau đó được đệ trình lên Hội đồng tư vấn (advisory committee) bao gồm đại diện từ các cơ quan cạnh tranh của các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu. Điều này nhằm tạo ra cơ hội kiểm tra lần cuối đối với nội dung của dự thảo quyết định. Nếu như chế tài xử phạt được đưa ra trong dự thảo quyết định, Hội đồng tư vấn có thể tổ chức họp một phiên riêng nhằm thảo luận cụ thể về mức phạt. Và cuối cùng, dự thảo quyết định sẽ được gửi cho đoàn uỷ viên Ủy ban Châu Âu để ra quyết định.

3) Cam kết

Ủy ban Châu Âu cũng có thể lựa chọn đưa ra quyết định yêu cầu thực hiện cam kết theo quy định tại Điều 9, Quy chế Hội đồng Châu Âu số 1/2003. Đây là cách thức nhanh nhất nhằm khôi phục lại các hoạt động cạnh tranh hiệu quả của thị trường. Quyết định yêu cầu thực hiện cam kết không bao gồm các nội dung chứng minh hành vi vi phạm và mức xử phạt. Và sau khi tham vấn với các chủ thể tham gia thị trường khác nếu thấy rằng những cam kết được đưa ra là thích hợp thì Ủy ban Châu Âu có thể đưa ra quyết định bắt buộc thực hiện.

4) Xử phạt

Doanh nghiệp tham gia vào các hành vi phản cạnh tranh bị xác định vi phạm pháp luật cạnh tranh của Châu Âu có thể bị xử phạt theo quy định tại Quy chế Hội đồng Châu Âu số 1/2003.  Nhằm hướng tới cả hai mục đích trừng phạt và răn đe, ngăn chặn, mức xử phạt do Ủy ban Châu Âu đưa ra luôn phải đảm bảo tương xứng với tính chất, mức của hành vi vi phạm và thời gian thực hiện hành vi vi phạm. 

                                                                      Phùng Văn Thành (Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh)

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương