BVNTD

Giới thiệu pháp luật kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh của Nhật Bản

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Liên quan đến các quy định kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản có một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, về luật quy định và nội dung quy định: Luật cạnh tranh của Nhật Bản quy định không doanh nhân nào được tham gia vào những thỏa thuận hay hợp đồng quốc tế với những nội dung tạo ra hạn chế thương mại bất hợp lý hay các hoạt động thương mại không bình đẳng (Khoản 1, Điều 6). Hạn chế thương mại bất hợp lý được hiểu là những hành vi kinh doanh, thực hiện bởi bất kỳ một chủ thể kinh doanh nào, thông qua hợp đồng, thoả thuận hay bằng bất kỳ một hình thức nào khác không phụ thuộc vào tên gọi, trong một nỗ lực với các chủ thể kinh doanh khác, cùng hạn chế hoặc thực hiện những hành vi kinh doanh tương tự như ấn định, duy trì hoặc tăng giá, hoặc để giới hạn sản xuất, kỹ thuật, sản phẩm, với các bên hoặc doanh nghiệp đối thủ, mà do vậy, xâm phạm lợi ích công, gây ra hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trong một lĩnh vực thương mại cụ thể (Khoản 2, Điều 6). Có thể thấy, quy định của Nhật Bản thể hiện rõ dấu hiệu của thoả thuận hạn chế cạnh tranh là thoả thuận giữa các doanh nghiệp kinh doanh xâm phạm lợi ích công và nhằm hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trong một lĩnh vực thương mại cụ thể, có thể là thoả thuận công khai hoặc ngầm. Theo phán quyết của Toà tối cao Tokyo năm 1953, gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể là trong một điều kiện thị trường, mà bản thân cạnh tranh suy giảm, trong một lĩnh vực hoạt động thương mại cụ thể hoặc nhóm doanh nghiệp đó có khả năng kiểm soát giá, chất lượng, số lượng, và điều kiện thị trường khác, do vậy, kiểm soát thị trường. Như vậy, gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trong một lĩnh vực thương mại cụ thể chính là tạo lập, duy trì, củng cố sức mạnh thị trường.

Thứ hai, về cơ quan thực thi và thẩm quyền: Tại Nhật Bản, cơ quan thực thi là Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC). Theo quan điểm của nhà nước Nhật Bản, Luật cạnh tranh là nền tảng cơ bản cho các hoạt động kinh tế nên cần được thực thi với tính liên tục và nhất quán bởi một cơ quan trung lập và công bằng, không chịu ảnh hưởng hay tác động của bất kỳ một đảng phái chính trị nào. Vì vậy, JFTC hoạt động một cách hoàn toàn chủ động và độc lập, không chịu sự quản lý hoặc chỉ đạo của bất kỳ một cơ quan nào như các cơ quan hành chính thông thường khác. JFTC gồm có Chủ tịch và 4 Ủy viên hội đồng cạnh tranh. Chủ tịch và các Ủy viên hội đồng được Thủ tướng bổ nhiệm từ những người trên 35 tuổi có kinh nghiệm, kiến thức về luật pháp hoặc kinh tế, sau khi được Hạ viện và Thượng nghị viện chấp nhận. Nhiệm kỳ của Chủ tịch và các Ủy viên hội đồng là 5 năm. Trừ trường hợp có lý do được quy định trong luật (như vi phạm pháp luật, bị phạt tù), Chủ tịch và các Ủy viên hội đồng không thể bị bãi nhiệm trái mong muốn và có thể được tái bổ nhiệm nếu không quá 70 tuổi (tuổi nghỉ hưu). Để tổ chức họp, Ủy ban cạnh tranh cần sự có mặt của Chủ tịch và ít nhất 2 Ủy viên hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, sự cố (như bệnh tật…) thì Ủy viên hội đồng có thể thay mặt Chủ tịch. Do đặc thù của hoạt động thực thi là cần một nguồn nhân lực lớn, có chất lượng để thực hiện cùng lúc nhiều hoạt động phức tạp, và cũng do lịch sử tồn tại hơn 60 năm nên số lượng cán bộ nhân viên đang làm việc tại JFTC trong 10 năm trở lại đây luôn trên 500 người và không ngừng gia tăng. Đến năm 2009, JFTC đã có 779 cán bộ nhân viên, trong đó có 442 điều tra viên. Đây cũng là điều thường thấy tại hầu hết các cơ quan cạnh tranh trên thế giới.

Thứ ba, nội dung các quy định về xử lý vi phạm: Luật cạnh tranh của Nhật Bản quy định hai hình thức hay biện pháp xử lý chính là xử lý loại trừphạt tiền.

Từ kết quả của điều tra, nếu xác định có hành vi vi phạm, sau khi gửi thông báo (giải thích chứng cứ nếu cần) và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nộp bản giải trình và chứng cứ, JFTC sẽ áp dụng biện pháp loại trừ. Biện pháp xử lý loại trừ là việc JFTC ban hành lệnh loại trừ hành vi vi phạm như lệnh loại bỏ điều khoản vi phạm ra khỏi hợp đồng, yêu cầu doanh nghiệp vi phạm cam kết không tái phạm với những điều kiện nhất định, nếu tái phạm, JFTC có quyền xử phạt ngay lập tức mà không cần điều tra từ đầu, với mức xử phạt cao hơn. Ngay cả trong trường hợp không thu được chứng cứ về hành vi vi phạm, biện pháp xử lý cảnh cáo vẫn có thể được JFTC áp dụng nếu có nghi ngờ về hành vi vi phạm. Hơn nữa, cả trong trường hợp không có lệnh phạt cảnh cáo, từ quan điểm ngăn chặn hay ngăn ngừa hiệu quả hành vi vi phạm, JFTC sẽ giải thích và lưu ý doanh nghiệp bị tình nghi trên căn cứ và quan điểm của Luật cạnh tranh. Liên quan đến đấu thầu, việc dàn xếp đấu thầu nếu nghi ngờ có can dự của bên mời thầu thì sẽ xử lý thích đáng và nghiêm khắc dựa trên quy định của Luật ngăn ngừa hành vi can dự dàn xếp đấu thầu.

Từ kết quả điều tra, nếu xác định có hành vi vi phạm, cùng với việc ban hành mệnh lệnh cho doanh nghiệp hoặc hiệp hội có biện pháp cần thiết để loại trừ hành vi vi phạm, JFTC ban hành lệnh nộp phạt. Mục đích của việc phạt tiền là trưng thu lợi ích kinh tế do hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp mang lại. Mức tiền phạt cụ thể được tính trên cơ sở sử dụng công thức tính nhân doanh thu hàng hóa/dịch vụ là đối tượng của hành vi vi phạm với một tỷ lệ phạt nhất định. Công thức này nhằm giúp cho việc xác định mức phạt như một biện pháp hành chính trở nên đơn giản và rõ ràng. Đặc điểm của tiền phạt là khoản thiệt hại kinh tế do cơ quan nhà nước áp đặt cho doanh nghiệp để nhằm đạt được mục đích hành chính là ngăn ngừa hành vi vi phạm. Đây không phải là chế tài phạt hình sự mà là biện pháp hành chính trong đó cơ quan JFTC ban hành lệnh nộp phạt.

Luật cạnh tranh của Nhật Bản phân chia tỷ lệ tính tiền phạt theo nhóm hành vi, ngành nghề, vai trò và việc tái phạm hay không của các doanh nghiệp nhằm để xác định được mức tiền phạt hợp lý, tương xứng với hành vi và thiệt hại đã gây ra. Tỉ lệ tính tiền phạt cụ thể đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể như tại Bảng 2.3.

Bảng 2.3. Quy định về cách tính tiền phạt đối với vi phạm pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản

 

Doanh nghiệp lớn

Doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngành công nghiệp chế tạo v.v…

10%

Từ bỏ sớm

8%

4%

Từ bỏ sớm

3.2%

Tái phạm

15%

Tái phạm

6%

Vai trò chủ đạo

15%

Vai trò chủ đạo

6%

Tái phạm + chủ đạo

20%

Tái phạm + chủ đạo

8%

Ngành bán lẻ

3%

Từ bỏ sớm

2.4%

1.2%

Từ bỏ sớm

1%

Tái phạm

4.5%

Tái phạm

1.8%

Vai trò chủ đạo

4.5%

Vai trò chủ đạo

1.8%

Tái phạm + chủ đạo

6%

Tái phạm + chủ đạo

2.4%

Ngành bán buôn

2%

Từ bỏ sớm

1.6%

1%

Từ bỏ sớm

0.8%

Tái phạm

3%

Tái phạm

1.5%

Vai trò chủ đạo

3%

Vai trò chủ đạo

1.5%

Tái phạm + chủ đạo

4%

Tái phạm + chủ đạo

2%

Doanh thu được tính

Tối đa 3 năm tính từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm

Giá trị làm tròn

1 triệu Yên

 

 

Theo quy định của Luật cạnh tranh Nhật Bản, cá nhân tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp có thể bị xử lý hình sự. Cơ quan JFTC có quyền thực hiện điều tra hình sự đối với cá nhân vi phạm song song với điều tra hành chinh đối với doanh nghiệp vi phạm. Để quyền điều tra hành chính không bị sử dụng vào điều tra hình sự, JFTC đã lập tường lửa để tách biệt giữa bộ phận điều tra hình sự và điều tra hành chính. Ví dụ, lập Ban điều tra hình sự tách khỏi hoạt động của bộ phận điều tra hành chính, chỉ định cán bộ thực hiện điều tra hình sự từ các nhân viên của Ban điều tra hình sự và các nhân viên này không được thực hiện điều tra hành chính. Trường hợp xác định đáng phải truy tố hình sự thì cần thông qua Viện Kiểm sát tối cao.

Thứ tư, nội dung trong các quy định về chính sách khoan hồng: Chính sách khoan hồng đã được áp dụng tại Nhật Bản, đó là quy định cho miễn hoặc giảm mức tiền phạt được áp dụng đối với các chủ thể tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chủ động đến khai báo với cơ quan quản lý cạnh tranh về hành vi của mình, đồng thời cung cấp cho cơ quan cạnh tranh các tài liệu chứng cứ có giá trị chứng minh thỏa thuận đó. Theo quy định của Nhật Bản thì số lượng các chủ thể có thể được hưởng cơ chế khoan hồng không vượt quá 5 doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp có thể thực hiện khai báo để được hưởng khoan hồng tại thời điểm trước hoặc sau khi khởi động điều tra, và chỉ tối đa 3 doanh nghiệp đầu tiên khai báo sau khi khởi động điều tra mới được hưởng khoan hồng. Quy định cụ thể về chính sách khoan hồng như sau:

                      Nếu khai báo trước khi cơ quan cạnh tranh ra quyết định điều tra, doanh nghiệp khai báo đầu tiên được miễn 100% tiền phạt, doanh nghiệp thứ hai được giảm 50% tiền phạt, doanh nghiệp thứ ba được giảm 30% tiền phạt. Các doanh nghiệp khai báo sau khi ra quyết định điều tra được giảm 30% tiền phạt.

                      Có bốn điều kiện để doanh nghiệp được hưởng các mức miễn, giảm hình phạt được đưa ra. Một là chủ động khai báo về hành vi thỏa thuận của mình. Hai là đã chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm. Ba là cung cấp cho cơ quan cạnh tranh các tài liệu hay chứng cứ có giá trị chứng minh về hành vi thỏa thuận một cách chủ động hoặc khi được cơ quan cạnh tranh yêu cầu. Bốn là không ép buộc doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận hoặc không ngăn cản các doanh nghiệp khác rút lui hoặc chấm dứt thỏa thuận.

Mặc dù mới được áp dụng từ tháng 4/2006, nhưng chính sách khoan hồng của Nhật đã phát huy tác dụng ngay từ lúc triển khai. Tính đến tháng 5/2007 cơ quan cạnh tranh của Nhật đã tiếp nhận thông tin khai báo từ tổng cộng 105 công ty. Năm 2009, cơ quan cạnh tranh Nhật nhận được tổng cộng 85 vụ khai báo đúng sự thật về hành vi vi phạm để xin được hưởng miễn, giảm hình phạt. Và tính đến cuối tháng 3/2010 có tổng số 349 vụ việc xin hưởng chính sách khoan hồng.

Như vậy, thực tiễn tại Nhật Bản chứng minh chính sách khoan hồng thực sự là một công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến chống các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Thông qua việc áp dụng chính sách khoan hồng, cơ quan cạnh tranh Nhật đã phát hiện ra rất nhiều vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đặc biệt là thông đồng đấu thầu, mà trước đó họ không thể phát hiện ra.

Thứ năm, nội dung các quy định liên quan đến khám xét: Khám xét là một trong những biện pháp điều tra được quy định theo luật và JFTC có thể thực hiện khi cần thiết nhằm thu thập thông tin và bằng chứng về hành vi vi phạm. Khám xét được thực hiện tại các địa điểm hay cơ sở kinh doanh… của doanh nghiệp bị tình nghi thực hiện hành vi vi phạm, trong đó bao gồm cả việc kiểm tra sổ sách, tài liệu đồng thời ra lệnh nộp sổ sách, tài liệu liên quan và lưu giữ để kiểm tra nhằm thu thập vật chứng cần thiết để chứng minh vi phạm. Khi quyết định thực hiện khám xét hiện trường, trước tiên JFTC phải chọn nơi khám xét, đó là trụ sở hay địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp bị tình nghi và có thể mở rộng ra cơ sở kinh doanh của bạn hàng hay cơ quan nhà nước đã đặt hàng. Trong các vụ thông thầu, do số lượng các cơ sở bị tình nghi vi phạm thường lớn nên tùy từng vụ việc, có trường hợp phải thực hiện khám xét tới trên 50 địa điểm. Bước tiếp theo là quyết định cán bộ phụ trách khám xét. Tùy theo quy mô của doanh nghiệp bị tình nghi để quyết định số cán bộ thực hiện khám xét.

Thứ sáu, một số kết quả thực thi: Công tác thực thi pháp luật cạnh tranh tại Nhật trong những năm qua cũng đạt được những kết quả khả quan. Theo thống kê của JFTC, biện pháp xử phạt tiền và lệnh xử lý loại trừ được áp dụng nhiều nhất còn truy tố hình sự áp dụng không thường xuyên. Theo JFTC, tính theo các loại hành vi vi phạm thì thỏa thuận giá và thông thầu là hai nhóm hành vi nguy hiểm và thường xuyên xảy ra nhất nên đây cũng là hai nhóm hành vi bị xử phạt nhiều nhất, số vụ bị xử phạt cũng gấp nhiều lần các hành vi khác. Số lần xử lý đối với hành vi dàn xếp đấu thầu trong suốt 10 năm qua tại Nhật Bản luôn luôn ở vào mức cao nhất, trong giai đoạn 2001-2004 trung bình là 25 vụ/năm. Thông thầu là hành vi khá phổ biến và được xem là vấn nạn quốc gia tại Nhật, nhưng nhờ cơ chế phát hiện vi phạm hiệu quả nên đã phát hiện và xử lý đối với nhiều vụ việc và dần cải thiện môi trường và thói quen kinh doanh của doanh nghiệp. Theo JFTC số doanh nghiệp vi phạm là rất lớn, chủ yếu là trong các thỏa thuận các-ten về giá và thông thầu với sự thỏa thuận của nhiều doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực lớn đến môi trường cạnh tranh và người tiêu dùng. Năm 2005 là đỉnh điểm với 399 doanh nghiệp bị phạt tiền mà đến 99% là do thực hiện hành vi thông thầu và thỏa thuận các-ten về giá bị phát hiện và xử lý phạt tiền.

Phùng Văn Thành

(Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh)

 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương