BVNTD

Google tìm kiếm sáng tạo bằng tiền

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Trong sự kiện trên, giới công nghệ Việt Nam quan tâm đặc biệt hơn một phần bởi một trong ba nhà sáng lập Katango là người Việt Nam. Hơn thế, trước đó chính Google đã mua hụt Socbay cách đây hơn 1 năm. Vì thế, câu chuyện mua lại các doanh nghiệp công nghệ nhỏ của gã khổng lồ này một lần nữa được khơi lại: Google muốn mua lại các doanh nghiệp công nghệ nhỏ vì lí do gì? Sự sáng tạo, tài năng của các nhà sáng lập, hay đơn giản chỉ là “ăn bớt” những chú cá bé?

Miếng bánh Google vẫn còn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp công nghệ nhỏ ở Việt Nam, nhưng tìm ra thị trường ngách và xây dựng những ứng dụng công nghệ mà “của nhà Google chưa trồng được” như thế nào, vẫn là con đường dài cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn trở thành đối tác hay “người nhà” của gã khổng lồ số một thế giới này.

Trong những năm qua, Google đã mua lại hàng trăm công ty với mục tiêu cung cấp một giải pháp tích hợp mạnh. Google không chỉ cung cấp các dịch vụ liên quan đến tìm kiếm, mà nó còn cung cấp một môi trường tích hợp trong đó người sử dụng Internet càng ngày càng bị níu chân vào đó. Khó có thể kể tên một dịch vụ Internet hoặc sản phẩm mà Google là không đứng top đầu.

Theo các nhà phân tích kinh doanh, chiến lược mua lại của Google dựa trên một triết lý chỉ mua lại các thị trường ngách nhỏ, và chỉ mua lại khi Google không thể tự mình sản xuất các sản phẩm tốt hơn – đã có đóng góp đáng kể cho việc mở rộng toàn cầu của gã khổng lồ này.

Với rất ít các thông tin chi tiết trước mỗi thương vụ mua lại, nhiều nhà phân tích cho rằng, Google thường mua lại các công ty để: (1) có thêm nguồn dữ liệu, như các bài báo, lưu trữ kỹ thuật số, kho ảnh; (2) quy tụ thêm người dùng, nói cách khác, mở rộng tập khách hàng và thị phần; (3) làm giàu vốn công nghệ, như các phần mềm, web hoặc các ứng dụng cho máy tính; (4) quy tụ thêm các nhà phát triển công nghệ

Thêm vào đó, Google đôi khi đầu tư vào các đối tác nước ngoài khi cần tính hợp pháp hay chính trị, giống như khi Google hợp tác với Tianya hoặc Ganji, mua cổ phần của Baidu ở Trung Quốc, hoặc Google có thể hỗ trợ cho một công ty nhằm tác động đến thị trường theo hướng không có lợi cho đối thủ cạnh tranh. Ví dụ: Google trả tiền cho các nhà phát triển Mozilla để cải thiện Firefox, hoặc trả tiền cho Mozilla khi người dùng tìm kiếm trên Google bằng cách sử dụng trình duyệt Firefox, nhằm cân bằng thị trường đối với Microsoft Internet Explorer.

Nhiều người cho rằng, có khi Google mua các công ty chỉ để vô hiệu hóa một đối thủ cạnh tranh, hoặc để ngăn chặn một đối thủ cạnh tranh trong việc mua lại một đối thủ khác, và phát triển quá mạnh.

Nói cách khác, có thể diễn giải các mục tiêu của Google là: (1) thu thập tất cả các dữ liệu của thế giới (2) làm cho rằng dữ liệu đó trở nên hữu ích và dễ tiếp cận để điều khiển sự chú ý của người sử dụng trực tiếp đối với các sản phẩm; (3) thu lợi nhuận từ quảng cáo hiển thị với các dữ liệu.

Nhìn vào danh sách các vụ mua lại của Google, có thể thấy rõ các mục tiêu đó. Ở vụ mua lại hãng công nghệ Deja Usernet năm 2001, đơn giản Google chỉ nhằm vào việc sở hữu kho dữ liệu khổng lồ của Deja Usernet với hơn 500 triệu thảo luận nhóm. Tại thời điểm đó, Google cho biết, “Usenet và cộng đồng thịnh vượng của nó là một trong những nguồn thông tin hoạt động tích cực nhất và có giá trị trên Internet.” Sau đấy, Google đã cho đăng quảng cáo bên cạnh những thảo luận này, cũng như sử dụng các kho lưu của Deja để thu hút người dùng đến với các dịch vụ của Google. Tương tự, với thương vụ mua lại YouTube năm 2006, Google đã sở hữu kho dữ liệu video clip và lượng người dùng khổng lồ của mạng video số 1 thế giới này.

Năm 2003, Google mua lại Pyra Labs/Blogger. Sở hữu một công nghệ viết blog có thể mang lại cho Google một cơ hội để cạnh tranh, nhưng nhiều người không cho rằng đó là lý do thực sự khiến Google mua lại công ty này. Thay vào đó, có nhiều khả năng Google chỉ đơn giản là mua lại Blogger để có được những người dùng của Blogger cũng như những dũ liệu người dùng đã đăng kí với Blogger.

Cũng trong năm 2003, Google mua Kaltix. Larry Page vào thời điểm đó đã nói, “Kaltix hoạt động dựa trên một số công nghệ tìm kiếm hấp dẫn, và Google là nền tảng lý tưởng cho việc phát triển của những tiến bộ”. Đây là một ví dụ khác về việc Google mua lại các công ty là để mua lại một công nghệ cũng như các nhà phát triển công nghệ.

Năm 2004, Google mua lại 2,6% cổ phần Baidu với nỗ lực nhằm giành quyền kiểm soát công ty này. Tuy hiện giờ Baidu vẫn hoạt động độc lập trừ việc giao diện khá giống trang tìm kiếm số một ở Mỹ, nhưng rõ ràng việc tìm kiếm một đối tác tại địa phương (trong trường hợp này là Trung Quốc), đã chứng minh cho mục tiêu mua lại công ty vì những lí do chính trị.

Gần đây nhất, Google đã mua lại Katango (một trong ba nhà sáng lập của Katango là người Việt Nam) để cải thiện và làm mới các tính năng của Circles trong mạng xã hội Google+. Phần mềm của Katango tự động sắp xếp danh sách bạn bè trên Facebook và iPhone vào các nhóm bằng cách dùng các thuật toán phân tích dữ liệu một cách hàng loạt và tương tác trực tuyến.Google muốn sử dụng công nghệ của Katango để cải thiện chức năng Circles (chức năng giúp người dùng Google+ sắp xếp danh sách bạn bè vào các nhóm khác nhau) cho phép người dùng có thể chia sẻ các thứ với các thành viên trong gia đình hay công việc với các người dùng trong nhóm khác.

Google dường như càng ngày càng thực dụng hơn trong vụ việc mua lại các tiến bộ nằm trong chiến lược mà họ đang quan tâm.

Trước đây, Google không tập trung quá nhiều vào việc mua lại công nghệ và dữ liệu, trong khi ngày nay các vụ mua lại của Google lại thường chỉ nhằm nắm lấy cơ sở người dùng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Google bắt đầu tập trung quá nhiều vào các vụ mua lại các công ty chỉ nằm sở hữu dữ liệu, gã khổng lồ này có thể rơi vào các rắc rối pháp lý khi bị cáo buộc độc quyền khi chỉ mua các thị phần không có những tiến bộ công nghệ, mà hậu quả cuối cùng là làm tổn thương người sử dụng.

Một số công ty hiện đang cố gắng để làm cho mình có vẻ thực sự dễ dàng và phù hợp cho Google mua lại, bằng việc phát triển dựa trên các khuôn khổ nền tảng của Google: ứng dụng RememberTheMilk dựa trên Google Calendar hoặc ứng dụng Zoho sử dụng công nghệ như của Google Gears là ví dụ.

Ở Việt Nam, nhiều công cụ tìm kiếm “made in Việt Nam” đã từng ấp ủ tham vọng xây dựng thành công rồi bán cho nước ngoài để kiếm tiền. Mục đích đó được xem là hợp pháp và chính đáng, nhất là với “miếng bánh Google” vẫn còn ngon mắt. Câu chuyện giữa Google và Socbay là một ví dụ.

Được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2002, Socbay.com là hệ thống tìm kiếm tiếng Việt trực tuyến tại Việt Nam được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ tìm kiếm của Naiscorp. Socbay đang cung cấp các dịch vụ tìm kiếm: Tin tức; MP3; Video; Rao vặt; Từ điển; Hình ảnh. Sự ra đời của Socbay dựa trên yếu tố cốt lõi: công nghệ xử lý tiếng Việt.

Từ năm 2006, Socbay đã được đánh tiếng để Google mua lại, nhưng đến cuối năm 2009, đầu năm 2010, thương vụ này lại nóng trở lại. Dù kết quả là Socbay đã từ chối về với Google, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Thực tế, dù mạnh đến đâu, Google vẫn còn những điểm thiếu, chưa phải là hoàn hảo. Với việc Google đề nghị mua lại Socbay, nhiều người cho rằng Google đã thể hiện ý đồ cá lớn nuốt cá bé nhiều hơn là khả năng mua lại Socbay vì nền tảng công nghệ. Dẫu Google vẫn gặp trở ngại trong xử lí tìm kiếm tiếng Việt, nhưng ở thời điểm nhận được đề nghị mua lại, Socbay không phải là xuất chúng trong mắt dân công nghệ.

Với tập người dùng còn hạn chế, Socbay cũng không phải đích nhắm mục tiêu của Google. Thậm chí một chuyên gia công nghệ, giám đốc một trung tâm bảo mật tại TP.HCM không ngần ngại xác nhận rằng, đã nghe nói đến Socbay từ hai năm nay nhưng tổng cộng sử dụng công cụ này chỉ có duy nhất… một lần. Vấn đề nhân tài cũng không phải là lí do khiến Google có hứng thú với Socbay khi mà chính đại diện Socbay đã phát biểu, Google có thể tìm kiếm nhiều nhân tài giỏi hơn những người ở Socbay.

Miếng bánh Google vẫn còn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp công nghệ nhỏ ở Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để tìm ra thị trường ngách và xây dựng những ứng dụng công nghệ mà “của nhà Google chưa trồng được”, vẫn là con đường dài cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn trở thành đối tác hay “người nhà” của gã khổng lồ số một thế giới này.

                                                                                Bảo Anh (tổng hợp)

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương