edf40wrjww2News:News_Content
Kinh nghiệm của EU
Tại Liên minh châu Âu (EU), chính sách Hiện đại hóa EU có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2004 đã làm thay đổi sâu sắc việc thực thi Điều 81 và 82, Hiệp ước Rome, loại bỏ thủ tục thông báo được đưa ra áp dụng từ những năm 1960 và phân chia trách nhiệm thực thi giữa các nước thành viên trong phạm vi biên giới quốc gia của họ. Theo đó, phần lớn quyền lực thực thi được chuyển giao cho các quốc gia thành viên, trong đó bao gồm đặc quyền xử phạt hình sự và phạt tù đối với các hành vi các-ten vi phạm. Đồng thời cùng với các quy định mới trong Quy chế thực thi số 1/2003, Liên minh châu Âu đã tinh lọc các quy trình, thủ tục của mình và tăng cường các công cụ phát hiện và trừng phạt các-ten.
Đặc điểm quan trọng trong thực thi chống các-ten theo Chính sách hiện đại hóa bao gồm: tăng cường Chương trình khoan dung; Hướng dẫn của EU về xử phạt và các mức độ xử phạt; thừa nhận quyền hành động của cá nhân và xây dựng một mạng lưới hợp tác chính thức giữa các nước thành viên và EU. Mặc dù ở một vài khía cạnh nào đó, một số đặc điểm thực thi của EU cũng có nét tương đồng với Hoa Kỳ, tuy nhiên chúng vẫn có sự khác biệt đáng kể.
Chương trình thông báo khoan dung của EU (Leniency Notice)
Năm 1996, Liên minh châu Âu lần đầu tiên ban hành chương trình khoan dung đối với các-ten, tuy nhiên trong 6 năm thực thi Ủy ban mới chỉ nhận được một số lượng nhỏ đơn xin hưởng khoan dung. Năm 2002, Chương trình thông báo khoan dung của Ủy ban bắt đầu có hiệu lực, đã giúp đa dạng hóa sự lựa chọn cho những doanh nghiệp sẵn sàng thừa nhận vi phạm. Chương trình này được sửa đổi theo hướng cho phép chắc chắn được hưởng khoan dung trong trường hợp tự nguyện khai báo, thay vì các chương trình khoan dung trước kia của Ủy ban đòi hỏi phải cân nhắc rất kỹ trước khi cho phép miễn trừ 100% tiền phạt trên cơ sở xem xét từng vụ việc. Trong bốn năm tiếp theo, Ủy ban đã nhận được 165 đơn xin hưởng khoan dung.
Tháng 12 năm 2006, Ủy ban đã thông qua chương trình thông báo khoan dung sửa đổi, theo đó tăng cường tính minh bạch đối với những người xin hưởng khoan dung về các thủ tục khoan dung và hướng dẫn về ý nghĩa của việc “hợp tác đầy đủ”. Chương trình thông báo khoan dung sửa đổi đòi hỏi người xin hưởng khoan dung phải trình báo thông tin nhằm phục vụ khám xét, cung cấp báo cáo của doanh nghiệp, tiết lộ chứng cứ cáo buộc hành vi vi phạm hoặc hành vi bóp méo hoặc tiêu hủy chứng cứ. Ủy ban EU tiếp tục quy định người nộp đơn xin hưởng khoan dung thậm chí vẫn có thể bị xử là có tội và sẽ áp dụng quyết định xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn được hưởng khoan dung.
Thông báo Khoan dung đồng thời quy định miễn giảm đáng kể mức phạt đối với các doanh nghiệp lần lượt là người thứ hai và thứ ba khai báo về hành vi sai trái của họ. Khi sử dụng Chương trình khoan dung kết hợp với Hướng dẫn xử phạt của Ủy ban châu Âu với việc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xác định mức phạt hợp lý, các doanh nghiệp thông báo về hành vi vi phạm có thể được miễn giảm mức phạt tới 50%.
Hướng dẫn xử phạt của EU
Nếu Thông báo khoan dung đưa ra “mức khoan hồng lớn” cho những người tham gia các-ten, thì Hướng dẫn xử phạt ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban lại chính là “chiếc gậy” nghiêm khắc để phát hiện và xử phạt họ. Một trong số những quy định có thể dẫn đến tăng mức phạt đối với doanh nghiệp tham gia các-ten là quy định nhân mức phạt theo từng năm mà doanh nghiệp đã tham gia các-ten. Ngày 8 tháng 2 năm 2007, trong vụ Danone Tòa án Công lý châu Âu đã đưa ra quan điểm khẳng định Ủy ban EU có thể tăng tiền phạt đối với những hành vi tái phạm. Tháng 2 năm 2007, EU đã tuyên bố một mức phạt cao kỷ lục 992 triệu € đối với 5 công ty sản xuất thang máy đã tiến hành thỏa thuận ấn đinh giá tại bốn quốc gia khu vực EU. Mức phạt này được EU tuyên bố vào thời điểm 1 năm sau khi đã áp dụng mức phạt cao nhất 1.8 tỉ € đối với 7 vụ các-ten riêng biệt.
Quyền cá nhân hành động
Trong năm 2005, Ủy ban đã ban hành Dự thảo tờ trình về bồi thường thiệt hại (Green Paper on Damages) nhằm giải quyết sự khác biệt về thủ tục trong thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả cá nhân giữa các nước thành viên. Ủy ban đang soạn thảo Quyết sách (White Paper) nhằm tiếp tục tinh chỉnh thủ tục áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại của Tòa án các nước thành viên. Các vấn đề khác cũng đang được xem xét bao gồm hành động bồi thường tập thể, tiếp cận chứng cứ, vai trò của người mua gián tiếp trong việc đạt được tiền bồi thường thiệt hại, tác động ràng buộc của các quyết định được ban hành ở các nước thành viên khác, các biện pháp đảm bảo bồi thường hiệu quả và cân nhắc tác động của hành động bồi thường thiệt hại cá nhân đối với chương trình khoan dung của EU.
Hiện đại hóa và mạng lưới cạnh tranh châu Âu
Đặc điểm thứ tư và cũng là đặc điểm mạnh nhất của hiện đại hóa chính là việc chuyển giao quyền lực thi hành. Hiện nay, Ủy ban EU đã chia sẻ trách nhiệm thực thi Điều 81 và Điều 82 với 27 nước thành viên, các cơ quan cạnh tranh và tòa án riêng của họ. Mỗi nước thành viên đều có quyền thiết lập cơ chế thực thi Hiệp ước liên minh trong phạm vi biên giới của mình, bao gồm thực thi hình sự Điều 81, 82 của Hiệp ước, theo đó cho phép áp dụng chế tài hình sự đối với các vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh.
Tổ chức thực thi đa quốc gia nhằm đạt được thành công tối ưu và giảm thiểu sự chồng chéo các nguồn lực thực thi đã được quy định tại Quy chế 1/2003 và thông báo hợp tác. Đặc điểm cốt lõi trong hợp tác của EU là thiết lập được Mạng lưới cạnh tranh châu Âu (ECN), theo đó các nước thành viên phải cam kết chia sẻ thông tin, thậm chí những thông tin bảo mật về các hoạt động thực thi của mình và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác điều tra. Việc thông qua và áp dụng Chương trình khoan dung mẫu (Model Leniency Programme) tháng 9 năm 2006 là một trong những hoạt động hợp tác chính thức của ECN. 23 quốc gia thành viên bao gồm cả Ai-len đã tham gia ký kết Chương trình khoan dung mẫu.
Trong số các nước EU, Ai-len và Estonia là hai quốc gia quy định phạt hình sự đối với cả 2 đối tượng doanh nghiệp và cá nhân. Trong số đó, hệ thống pháp luật của Ai-len có nhiều nét tương đồng nhất với pháp luật của Hoa Kỳ. Các nước EU khác chỉ có chế tài phạt hình sự hoặc với cá nhân hoặc với doanh nghiệp, chứ không phải áp dụng đồng thời đối với cả hai đối tượng. Chẳng hạn, Vương quốc Anh áp dụng hình phạt phi hình sự đối với doanh nghiệp và phạt tiền hình sự, phạt tù và phế truất giám đốc đối với các cá nhân vi phạm trong các vụ việc thỏa thuận ấn định giá, thông đồng đấu thầu và phân chia thị trường.
Kinh nghiệm thực thi hình sự chống các-ten của Ai-len
Từ tháng 10 năm 2005, Cơ quan cạnh tranh và Thủ trưởng Cơ quan công tố của Ai-len đã thực thi hình sự chống các-ten đối với 18 cá nhân. Trong số đó, 17 cá nhân bị kết án tù đều thuộc trường hợp tham gia vụ việc các-ten dầu sưởi Galway. Vụ dầu sưởi đã tạo nên hai kỷ lục đầu tiên ở châu Âu, đó là: lần đầu tiên một bồi thẩm đoàn quyết định kết án hình sự theo pháp luật cạnh tranh sau khi xét xử và lần đầu tiên thực hiện giam giữ bị cáo hình sự tại châu Âu theo pháp luật cạnh tranh đối với một cá nhân vi phạm trong lĩnh vực cạnh. Tháng 10 năm 2005, J.P. Lambe đã thừa nhận trợ giúp và tiếp tay cho việc thỏa thuận ấn định giá của Liên hiệp xúc tiến dầu mỏ Connaught và sau đó đã bị kết án 6 tháng tù giam, bị đình chỉ và phạt tiền 15.000 €. Tháng 3 năm 2006, Michael Flanagan đã bị bồi thẩm đoàn nhất trí kết án tù sau hơn 2 giờ nghị án. Trong vụ các-ten dầu sưởi tòa án đã áp tuyên phạt tổng cộng 122.000 € tính đến thời điểm này.
Tháng 1 năm 2007, người thứ 18 bị kết án tù là cá nhân vi phạm trong vụ các-ten xe mô tô có liên quan đến Hiệp hội đại lý xe Ford tại Ai-len. Ông Denis Manning – thư ký Hiệp hội đại lý xe Ford tại Ai-len đã thừa nhận là một trong những người hỗ trợ và tiếp tay cho việc thỏa thuận ấn định giá và đã bị Thẩm phán Tòa án hình sự Trung ương Liam McKechnie kết án 12 tháng tù giam, bị đình chỉ 5 năm và phạt tiền 30.000 €. Mức án mà thẩm phán McKechnie đã tuyên đối với ông Manning tăng gấp đôi so với mức phạt tiền và thời hạn phạt tù cao nhất trước đó từng được áp dụng trong vụ các-ten dầu sưởi.
Đến tháng 6 năm 2007, Giám đốc Cơ quan công tố đã ra bản cáo trạng 6 điểm cáo buộc John McGlynn đã vi phạm Chương 4 và 6, Đạo luật năm 2002 do thông qua việc hỗ trợ và tiếp tay cho Hiệp hội đại lý Citroen tiến hành thỏa thuận ấn định giá đối với phương tiện giao thông tại Ai-len. Việc xét xử vụ việc được diễn ra tại Tòa án hình sự Trung ương vào ngày 3 tháng 3 năm 2008.
Thách thức trong thực thi hình sự chống các-ten tại Ai-len
Những thành công được tinh lọc qua nhiều năm kinh nghiệm trong thực thi hình sự chống các-ten của Hoa Kỳ và EU chỉ đưa ra các cách tiếp cận chứ không phải là một công thức để các quốc gia khác mong muốn đạt được những thành công như thế có thể áp dụng nguyên trạng. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa khoan dung, hướng dẫn minh bạch về mức phạt tiền, phạt tù và áp đặt mức phạt cứng là mô hình có thể thực hiện được thông qua nhiều cách tiếp cận thực thi.
Quá trình thực thi hình sự chống các-ten tại Ai-len đã trải qua rất nhiều thách thức. Các án phạt gần đây trong các vụ các-ten tại Ai-len còn rất khiêm tốn và không phản ánh được mức độ thiệt hại do các-ten gây ra hoặc các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay. Sự dè dặt của cơ quan tư pháp trong việc kết án tù giam đối với các bên tham gia các-ten cũng phản ánh kinh nghiệm chống độc quyền trước kia của Hoa Kỳ trong việc kết án phạt tù. Sự dè dặt đó được kỳ vọng chỉ tồn tại một thời gian ngắn.
Pháp luật và thực tiễn của Ai-len
Ai-len là một quốc gia theo chế độ dân chủ lập hiến với hệ thống thông luật và quyền cá nhân mạnh mẽ của những người bị cáo buộc tội hình sự. Ở Ai-len, cá nhân có quyền chống lại các cáo buộc và Hiến pháp đã quy định rõ ràng về quyền bất khả xâm phạm vào khu vực nhà riêng của công dân. Ai-len đã ký Công ước nhân quyền châu Âu và Công ước này bắt đầu có hiệu lực tại Ai-len từ năm 2003.
Mức độ xử phạt hình sự đối với các-ten
Luật Cạnh tranh của Ai-len lần đầu tiên được thông qua vào năm 1991, và Luật sửa đổi năm 1996 đã quy định một số hành vi là vi phạm hình sự. Một đạo luật mới được ban hành năm 2002, thay thế cho bộ luật năm 1991 và 1996, theo đó tăng cường hình phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, bổ sung một loạt các quy định về hành vi và bổ sung thêm hình phạt đối với thỏa thuận ấn định giá, thông đồng đấu thầu và phân chia thị trường. Hành động bồi thường thiệt hại cá nhân là một đặc điểm của Đạo luật đã có từ năm 1991.
Mục 4 và 5, Luật Cạnh tranh Ai-len năm 2002 về cơ bản cũng phản ánh giống như Điều 81 và 82, Hiệp ước Liên minh châu Âu. Mục 6 và 7, Luật Cạnh tranh đã hình sự hóa các vi phạm quy định tại Mục 4 và 5 cũng như Điều 81 và 82, Hiệp ước EU, theo đó quy định các hình phạt đối với cả cá nhân và doanh nghiệp. Mục 6 của Đạo luật quy định chi tiết về các hành vi các-ten nghiêm trọng, được coi là những vi phạm có thể bị truy tố và xử phạt tới hơn 4 triệu € hoặc 10% doanh thu của năm dương lịch trước năm bị kết án và bị phạt tù tới 5 năm. Luật Cạnh tranh năm 2002 cũng quy định chung các hành vi các-ten vi phạm có thể chịu hình phạt tới 3000 € phạt tiền và 6 tháng tù giam. Tương tự như Hoa Kỳ, cơ quan cạnh tranh cũng có thể lựa chọn truy tố hành vi vi phạm các quy định tại Mục 4 và 5 của Đạo luật giống như một vi phạm dân sự trước Tòa án tối cao và giảm bớt tính huấn thị cũng như giải trình.
Cơ quan cạnh tranh có thẩm quyền điều tra các vi phạm, tiến hành khám xét các cơ sở kinh doanh và nhà riêng, triệu tập các bên để thẩm vấn và/hoặc phát hành các tài liệu, yêu cầu cung cấp thông tin và xác định hình phạt đối với những người cố tình né tránh quá trình điều tra.
Giám đốc Cơ quan công tố xác định liệu có nên truy tố vụ việc theo hướng cáo buộc hay không. Các vụ việc hình sự được truy tố trước một bồi thẩm đoàn và tội danh được xác định khi không còn bất kỳ một nghi ngờ chính đáng nào. Giám đốc Cơ quan công tố có quyền cân nhắc kỹ lưỡng việc truy tố, trong đó có quyền gia hạn miễn trừ truy tố cho cá nhân và doanh nghiệp.
Chương trình khoan dung của Ai-len
Chương trình khoan dung của Ai-len được Cơ quan cạnh tranh và Cơ quan công tố phối hợp thi hành, theo đó cho phép các bên tham gia các-ten có thể được miễn trừ truy tố. Cơ quan cạnh tranh và Cơ quan công tố phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa ra một hệ thống đảm bảo giúp người xin hưởng khoan dung có thể tin tưởng rằng hồ sơ xin hưởng khoan dung của họ được bảo mật và xử lý nhanh chóng. Chương trình này cũng đưa ra một hệ thống đánh dấu và kiểm tra bằng văn bản khi Cơ quan công tố cho phép hưởng khoan dung. Tuy nhiên, cho tới nay, số lượng đơn xin hưởng khoan dung vẫn còn rất hạn chế
Còn nữa)
Hoàng thị thu trang (Nguồn tham khảo: “Cartel criminalization in Ireland and Europe: Can the United States model of criminal antitrust enforcement be successfully transferred to Ireland and Europe?”, ABA International Section, 01/10/2007; tca.ie)