BVNTD

Hội thảo “Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam và kinh nghiệm của Nhật Bản”

09/03/2020

     Hội thảo do ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ trì và điều hành cùng với sự tham gia điều phối của đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam; chuyên gia Nhật Bản thường trú tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là cán bộ, công chức của Bộ Công Thương, đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, văn phòng tư vấn luật và đại diện một số đơn vị truyền thông tại Hà Nội.

     Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, thời gian gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Trong đó, lĩnh vực thương mại điện tử được coi là lĩnh vực phát triển sôi động nhất trong thị trường kinh tế số, trở thành công cụ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Song song với sự phát triển mạnh mẽ đó, các vấn đề quan ngại về cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn.

     Theo bà Lê Thị Thu Hằng – chuyên viên Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng ổn định trên 20-30%/năm. Riêng trong năm 2019, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến đạt 10 tỷ USD (trung bình 1 người dân mua trực tuyến 216 USD/năm), tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 4,8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng cả nước. Đi cùng với đó, một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng xuất hiện ngày càng phổ biến hơn, chẳng hạn như giả mạo website, giả mạo sản phẩm (giả nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng) bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử…

     Tại Hội thảo, ông Tiêu Quang Khánh – chuyên viên Cục Canh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã giới thiệu các nội dung cơ bản của Luật Cạnh tranh 2018, trong đó, nhấn mạnh một số nội dung mới được sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn để điều chỉnh những hành vi phản cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh tế mới nổi, bao gồm cả thương mại điện tử.

     Theo bà Phạm Quế Anh – Chuyên gia tư vấn độc lập, mô hình kinh doanh mới trong thương mại điện tử hiện nay giữa người bán và người mua chính là nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian kết nối. Bản thân các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian kết nối không sản xuất sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ nhưng họ kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng. Về cơ bản, những dạng thức của hành vi phản cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng tương tự như trên các thị trường hàng hóa, dịch vụ thông thường, tuy nhiên, phương thức có thể tinh vi hơn, chẳng hạn như hành vi thỏa thuận ấn định giá giữa các đối thủ cạnh tranh thông qua việc điều chỉnh thuật toán định giá hay lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để định giá hủy diệt, loại bỏ đối thủ cạnh tranh dưới những chiêu trò khuyến mại, tặng thưởng đa dạng, phong phú… Do vậy, các quy định liên quan đến xác định thị trường liên quan, sức mạnh thị trường đáng kể, vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp hay đánh giá tác động cạnh tranh trong pháp luật cạnh tranh cũng cần phải được điều chỉnh, hoàn thiện để phù hợp với những thay đổi của thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

     Bên cạnh đó, tại Hội thảo, ông Totsuka Ryota – chuyên gia của Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản cũng chỉ ra một số quan ngại về cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử tại Nhật Bản trong thời gian gần đây, tiêu biểu như hành vi duy trì giá bán lại tối thiểu trên các sàn thương mại điện tử; hạn chế bán hàng trực tuyến của các nhà sản xuất, nhà bán lẻ hay hành vi đơn phương tăng phí sử dụng dịch vụ “gian hàng trực tuyến” (online mall); hạn chế việc mở gian hàng trực tuyến trên các sàn giao dịch khác; áp đặt, ràng buộc các điều kiện bất hợp lý đối với khách hàng của các chủ sàn thương mại điện tử… Ông Ryota nhấn mạnh, Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản sẽ thu thập thông tin về các dấu hiệu của hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường thương mại điện tử tại Nhật Bản và sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm này theo Luật Chống độc quyền Nhật Bản.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực cũng như sự quan tâm, yêu cầu làm rõ các vấn đề cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam từ các đại biểu tham gia Hội thảo.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương