BVNTD

Hội thảo “Kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018”

22/01/2021

Sáng ngày 14/01/2021, tại Hà Nội, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018”. Hội thảo do ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam và ông Okumura Tsuyoshi, chuyên gia thường trú JICA tại Việt Nam đồng chủ trì. Hội thảo còn có sự tham dự của ông Tsuchiya Takehiro, Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ, công chức của Bộ Công Thương, đại diện các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp, văn phòng tư vấn luật tại Hà Nội và một số doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

                                                             

             Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Cạnh tranh năm 2018 được Quốc hội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Luật Cạnh tranh 2018 có những thay đổi rõ nét về cách tiếp cận, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh mới được xây dựng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu quả thực thi. Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo đó điều chỉnh đối với các hành vi cạnh tranh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam khi hành vi đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, việc quy định có tính mở có thể tiệm cận với xu hướng quốc tế, giúp phản ánh chính xác hơn bản chất kinh tế của các hành vi phản cạnh tranh, tuy nhiên, cũng tạo áp lực đáng kể đối với việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cũng như việc thực thi pháp luật của cơ quan cạnh tranh. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Cạnh tranh 2018 và các vấn đề thực thi đối với các hành vi phản cạnh tranh bị cấm là việc làm cần thiết.

                                                                

               Ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam

Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, ông Shimizu Akira cho rằng, so với chính sách cạnh tranh trên thế giới thì Luật Cạnh tranh của Việt Nam đang được thực thi phù hợp với thực tế đa dạng của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Dự án hợp tác “Hoàn thiện chính sách và tăng cường năng lực thực thi Luật Cạnh tranh” do JICA phối hợp với Cục CT&BVNTD triển khai từ tháng 11 năm 2019 đến nay, thông qua một số hoạt động hội thảo đã cung cấp kiến thức pháp luật cạnh tranh và nhiều thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tham gia trình bày tham luận tại Hội thảo gồm có đại diện của Cục CT&BVNTD, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh và chuyên gia thường trú của JICA tại Việt Nam.

Trình bày tham luận “Tổng quan các quy định về Luật Cạnh tranh năm 2018”, ông Phùng Văn Thành – Phó Trưởng phòng, Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục CT&BVNTD đã phân tích những quy định cơ bản của pháp luật cạnh tranh hiện hành, nhấn mạnh một số điểm sửa đổi, bổ sung nổi bật của Luật Cạnh tranh 2018, trong đó các quy định mới về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cho phép cơ quan cạnh tranh Việt Nam có thể can thiệp, điều chỉnh đối với những hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế tác động hoặc có khả năng tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể đến thị trường Việt Nam, bất kể hành vi đó diễn ra bên trong hoặc bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tiếp đó, Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng, Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục CT&BVNTD đã trình bày tham luận “Các quy định kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2018 và một số vụ việc điển hình thời gian gần đây”, trong đó, giới thiệu những quy định cơ bản về kiểm soát tập trung kinh tế, gồm hình thức tập trung kinh tế, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế, quy trình thẩm định sơ bộ, thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế, quy trình điều tra đối với các hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế và các chế tài xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, Bà Trần Phương Lan cũng dẫn chứng một số vụ việc điển hình trong thời gian gần đây được Cục CT&BVNTD tiếp nhận, xem xét, qua đó nhấn mạnh những nội dung mà doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần lưu ý trong quá trình thực hiện tập trung kinh tế.

                                                          

  Ông Okumura Tsuyoshi – Chuyên gia thường trú của JICA tại Cục CT&BVNTD trình bày tham luận tại Hội thảo

Ngoài các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam, đại biểu tham dự Hội thảo cũng được giới thiệu một số quy định của Luật Chống độc quyền Nhật Bản liên quan đến vấn đề thông báo tập trung kinh tế và kinh nghiệm thực thi, kiểm soát tập trung kinh tế của Nhật Bản thông qua bài tham luận của ông Okumura Tsuyoshi – Chuyên gia thường trú của JICA tại Cục CT&BVNTD.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu có ý nghĩa nhằm đánh giá mức độ tích tụ của một số ngành kinh tế và hiện trạng hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam làm cơ sở để cơ quan cạnh tranh tham khảo trong quá trình thực thi và doanh nghiệp tham khảo trong quá trình tuân thủ các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế.

Hội thảo đã dành thời gian hơn một giờ đồng hồ để các đại biểu tham gia thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc tái cấu trúc nội bộ; nhóm doanh nghiệp liên kết; chủ thể thực hiện thông báo tập trung kinh tế và tổng doanh thu, tổng tài sản để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế đối với trường hợp tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp nước ngoài là công ty mẹ và có các công ty con hoạt động tại Việt Nam; thủ tục cần thực hiện trong trường hợp rút hồ sơ thông báo tập trung kinh tế… Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục CT&BVNTD và các đại diện khác của Cục CT&BVNTD đã giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thấu đáo cho các doanh nghiệp nhằm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật cạnh tranh./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương