BVNTD

Khái niệm, bản chất và đặc trưng pháp lý của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Theo Điều 8, Luật cạnh tranh, các thoả thuận hạn chế cạnh tranh gồm (1) thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, (2) thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ, (3) thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ, (4) thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư, (5) thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng, (6) thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh, (7) thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận, (8) thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Như vậy, những yếu tố của cạnh tranh trên thị trường như giá cả, chất lượng, sản lượng hay các yếu tố kinh doanh khác cũng chính là những yếu tố mà các bên tham gia thỏa thuận hướng tới nhằm làm áp lực cạnh tranh lẫn nhau. Dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mang bản chất hạn chế cạnh tranh nên cần phải được kiểm soát. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có những đặc trưng pháp lý sau:

Thứ nhất, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là chủ thể trong quan hệ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật cạnh tranh, được hiểu là các tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Doanh nghiệp là chủ thể tạo nên và quyết định mức độ cũng như hình thức của cạnh tranh, đồng thời, cũng chính các doanh nghiệp có thể gây hạn chế, giảm bớt hay thậm chí triệt tiêu cạnh tranh do chính mình tạo ra bằng các thỏa thuận. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể là giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau hoặc có thể là giữa những doanh nghiệp có mối liên hệ với nhau trong cùng một chuỗi sản xuất hay cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Thứ hai, giữa các doanh nghiệp có thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Thoả thuận đặc trưng pháp lý cơ bản và là yếu tố cấu thành hành vi quan trọng, được hiểu là sự thống nhất ý chí giữa các bên tham gia.

Trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đòi hỏi phải có sự thể hiện và thống nhất ý chí giữa các bên tham gia thỏa thuận thông qua sự thể hiện và thống nhất ý chí của những người có thẩm quyền và hướng tới mục đích hạn chế cạnh tranh. Vì vậy, thoả thuận hạn chế cạnh tranh thường là kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng giữa các bên tham gia với nhau liên quan đến một hoặc một số nội dung hay yếu tố nào đó của thị trường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các bên tham gia không trực tiếp thỏa thuận với nhau mà gián tiếp đạt được sự thoả thuận thông qua các nghị quyết, quyết định hay hành động chung của Hiệp hội mà các bên là thành viên. Sở dĩ trường hợp này cũng được coi là thoả thuận bởi khi các doanh nghiệp tham gia và là thành viên của hiệp hội, tự nguyện chấp nhận hay đồng tình theo những cam kết hay chủ trương chung của hiệp hội, chấp nhận cho phép hiệp hội được đưa ra nghị quyết, quyết định hoặc hành động chung bản thân các doanh nghiệp thành viên tuân thủ theo thì đó cũng chính là một sự thoả thuận giữa các doanh nghiệp thành viên đã đạt được. Hình thức của thỏa thuận dạng kiểu như vậy gần như mang tính chất uỷ quyền quyết định cho hiệp hội do vậy có giàng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý với các thành viên. Ngoài ra, thoả thuận hạn chế cạnh tranh còn có thể biểu hiện dưới dạng các cam kết tuân thủ hay đáp ứng những yêu cầu do một hoặc một số bên đặt ra. Trong thực tế, có trường hợp các doanh nghiệp thực hiện những hành vi giống nhau nhưng không vì thế mà có thể kết luận giữa các doanh nghiệp có sự thoả thuận bởi có thể đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên trên cơ sở tính toán và đưa ra quyết định một cách độc lập của từng doanh nghiệp. Chỉ có thể quy kết là có sự tồn tại một thoả thuận nếu có thông tin, chứng cứ cho thấy rằng giữa các doanh nghiệp đã có sự gặp gỡ, trao đổi và thống nhất giữa ý chí, hay nói cách khác các doanh nghiệp đã tìm được tiếng nói và hành động chung mà không bị tác động bởi bất cứ lý do nào.

Thứ ba, mục đích của thoả thuận là nhằm hạn chế cạnh tranh. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Nội dung của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là các yếu tố của cạnh tranh như giá cả hay thị trường. Mục đích của các bên tham gia thỏa thuận là làm giảm sức ép cạnh tranh hay chính là hạn chế cạnh tranh và thông qua đó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận, cho các doanh nghiệp tiềm năng, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và toàn xã hội. Đối với khách hàng, lợi ích trực tiếp bị thiệt hại là không được hưởng các sản phẩm với chất lượng tốt hơn và mức giá cả phù hợp hơn. Đối với doanh nghiệp không tham gia thoả thuận có nguy cơ mất cơ hội kinh doanh, bị loại ra khỏi thị trường. Với sự liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tạo nên sức mạnh khống chế và buộc khách hàng phải tuân theo những luật chơi do các doanh nghiệp này tự ra không dựa trên cơ sở quy luật của thị trường. Ngoài ra, bằng việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia thoả thuận cũng có thể áp đặt những điều kiện bất lợi trong các giao dịch với những doanh nghiệp ngoài thoả thuận.

Thứ tư, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được biểu hiện dưới một hình thức nhất định. Hình thức biểu hiện của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không được coi là tiêu chí bắt buộc, có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản, chính thức hay không chính thức. Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định hình thức biểu hiện của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều tra và xử lý đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, cho dù hình thức biểu hiện của thoả thuận hạn chế cạnh tranh không làm ảnh hưởng đến hậu quả pháp lý của các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được biểu hiện dưới các hình thức như bằng miệng hoặc văn bản, thoả thuận ngầm hay thoả thuận công khai dưới các loại như hợp đồng, nghị quyết, quyết định, nội quy của các hiệp hội.

Việc xác định hình thức biểu hiện của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không ảnh hưởng đến hậu quả pháp lý nhưng có khả năng ảnh hưởng tới mức độ thành công của việc chứng minh thỏa thuận. Nếu thoả thuận hạn chế cạnh tranh được thể hiện thông qua hình thức văn bản như hợp đồng, biên bản cuộc họp, quyết định, nghị quyết, các trao đổi điện thoại, fax, email… thì việc thu thập chứng cứ và chứng minh sẽ dễ dàng hơn. Vấn đề sẽ trở nên khó khăn nếu thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là các thỏa thuận ngầm. Khi đó cần phải dựa vào các loại chứng cứ gián tiếp nên việc chứng minh sẽ khó khăn hơn.

Thứ năm, hậu quả của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là làm giảm, làm sai lệch hay cản trở hoặc thậm chí triệt tiêu các hoạt động cạnh tranh bình thường trên thị trường. Tuy nhiên, hậu quả này có thể đã xảy ra hoặc chưa xảy ra. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chỉ đòi hỏi đảm bảo các yếu tố cấu thành về mặt hình thức. Khi xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không cần xét đến hậu quả thực tế mà chỉ cần xác định hậu quả về mặt hình thức. Hậu quả thực tế chỉ có ý nghĩa trong việc xác định mức độ trách nhiệm pháp lý hay mức phạt.

                                                        Phùng Văn Thành – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương