edf40wrjww2News:News_Content
Thứ nhất, về hình thức và nội dung quy định: Tùy thuộc mỗi nước, thoả thuận hạn chế cạnh tranh được quy định theo những cách khác nhau nhưng hầu hết đều quy định nhắm đến bản chất hạn chế cạnh tranh của hành vi. Đây là điểm nổi bật của các quy định kiểm soát đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong pháp luật cạnh tranh các nước. Các cách quy định có thể là quy định bao quát nhắm đến bản chất hạn chế cạnh tranh của hành vi, ví dụ như theo Luật chống độc quyền Sherman của Mỹ, hoặc quy định theo cách liệt kê giới hạn hoặc không giới hạn những hành vi thoả thuận điển hình có nhắm đến bản chất hạn chế cạnh tranh của hành vi, ví dụ như Luật cạnh tranh của Hàn Quốc. Điểm thứ hai có thể thấy là pháp luật cạnh tranh của tất cả các nước chỉ chú trọng quy định hình thức của hành vi mà không yêu cầu nội dung thỏa thuận phải được thực hiện. Điểm thứ ba là pháp luật cạnh tranh của các nước không quy định đặt ra yêu cầu về hình thức mà đều ngầm định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể là công khai hoặc thỏa thuận ngầm. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể được thể hiện dưới dạng văn bản tài liệu nhưng cũng có thể không được ghi lại dưới bất kỳ một hình thức nào.
Thứ hai, nguyên tắc quy định cấm đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh được pháp luật các nước quy định cấm theo hai nguyên tắc gồm nguyên tắc vi phạm mặc nhiên (per se illegal) và nguyên tắc đánh giá tác động hợp lý (rule of reason). Vi phạm mặc nhiên là nguyên tắc coi một số dạng hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh cụ thể là mặc nhiên vi phạm pháp luật cạnh tranh. Nguyên tắc này được áp dụng để quy định cấm đối với những hành vi thoả thuận điển hình có bản chất hạn chế cạnh tranh rõ nét, cụ thể là nhóm các thỏa thuận các-ten nghiêm trọng. Đó là thoả thuận giữa các doanh nghiệp đối thủ trên thị trường nhằm ấn định giá, phân chia thị trường, hạn chế hoặc kiểm soát sản lượng, và thông đồng đấu thầu. Đánh giá tác động hợp lý là nguyên tắc đánh giá tính bất hợp pháp của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên cơ sở cân nhắc giữa những tác động tích cực và tiêu cực, đặc biệt là tác động thúc đẩy cạnh tranh và tác động hạn chế cạnh tranh hoặc giữa tác động hạn chế cạnh tranh và hiệu quả hay lợi ích kinh tế mà hành vi thỏa thuận mang lại. Áp dụng nguyên tắc này đòi hỏi phải xem xét tính bất hợp pháp của thỏa thuận trên cơ sở đánh giá xem liệu thỏa thuận đó có nhắm đến hay có tác động hạn chế cạnh tranh hay không, hoặc cân nhắc giữa hiệu quả kinh tế mang lại với tác động hạn chế cạnh tranh.
Thứ ba, về quy trình, cơ quan tiến hành tố tụng và thẩm quyền: Quy trình tố tụng thường bắt đầu từ việc cơ quan cạnh tranh phát hiện hoặc tiếp nhận hồ sơ khiếu nại hay thông tin về hành vi vi phạm và quyết định điều tra sự việc. Quy trình này ở các quốc gia thường giống nhau, bao gồm giai đoạn là điều tra và xử lý. Điều tra là giai đoạn thu thập và xác minh đối với các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc; thực hiện tìm kiếm bằng chứng và chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm. Xử lý là việc cơ quan có thẩm quyền áp đặt những biện pháp chế tài đối với đối tượng bị kết luận là có hành vi vi phạm. Đây là giai đoạn kế tiếp ngay sau giai đoạn điều tra.
Thứ tư, quy định xử lý đối với hành vi vi phạm: Trong trường hợp hành vi thỏa thuận bị xác định là hành vi vi phạm thì tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng, mức độ tác động hay thiệt hại do hành vi gây ra mà có thể bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Tùy thuộc quy định của từng quốc gia mà đối tượng có thể bị xử lý gồm doanh nghiệp, cá nhân và hiệp hội ngành nghề. Các hình thức xử lý vi phạm phải phù hợp với đối tượng bị xử lý và đồng thời phải tương xứng với mức độ nguy hiểm hay tác động gây hại của hành vi, có thể là phạt tù được áp dụng đối với cá nhân hoặc phạt tiền được áp dụng đối với doanh nghiệp, cá nhân và/hoặc tổ chức. Ngoài ra, tổ chức hoặc/và cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Nhiều quốc gia quy định xử lý vi phạm đối với các cá nhân tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp. Hình thức xử lý có thể áp dụng với các cá nhân là phạt tù và/hoặc phạt tiền. Xử lý vi phạm đối với cá nhân thường là trong các trường hợp thỏa thuận thuộc nhóm các thỏa thuận các-ten nghiêm trọng. Ngoài cá nhân, doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp có thể bị phạt tiền, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc/và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Phạt tiền là hình thức xử phạt chính. Ngoài phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung và/hoặc biện pháp khắc phục hậu quả cũng được các cơ quan thực thi chú trọng áp dụng như là giải pháp nhằm cân bằng thị trường, đưa thị trường trở về trạng thái cạnh tranh hơn hoặc trạng thái cạnh tranh ban đầu trước khi xảy ra vi phạm.
Thứ năm, quy định về thời hạn và thời hiệu: Tùy từng quốc gia mà pháp luật cạnh tranh có thể quy định hoặc không quy định về vấn đề thời hạn, mà chủ yếu là thời hạn điều tra và/hoặc xử lý trong các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, về thời hiệu xử lý hầu hết các quốc gia đều quy định nhưng có thể khác nhau. Một số quốc gia quan điểm rằng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có xu hướng ngầm hóa nên cơ quan cạnh tranh rất khó phát hiện được ngay mà có khi phải một thời gian dài sau mới phát hiện được nên quy định thời hiệu xử lý khá dài. Trong khi đó, nhiều nước lại cho rằng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cần phải được phát hiện và xử lý ngay nên quy định thời hiệu xử lý ngắn dưới.
Thứ sáu, quy định về miễn trừ: Việc xử lý các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh luôn đòi hỏi sự cẩn trọng bởi thực tế và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy nhiều trường hợp lợi ích hay hiệu quả kinh tế mang lại có thể lớn hơn so với tác động hạn chế cạnh tranh do hành vi gây ra. Vì vậy, pháp luật cạnh tranh của hầu hết các nước đều chứa đựng các quy định liên quan đến việc cho hưởng miễn trừ khỏi sự giàng buộc hay điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh trong những trường hợp đặc biệt. Thông thường, miễn trừ được quy định theo hai cách. Một là, quy định miễn trừ đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh cụ thể trong nền kinh tế hoặc đối với một số dạng hành vi cụ thể. Hai là, quy định cho hưởng miễn trừ trong từng vụ việc với những tình huống cụ thể. Trong trường hợp thứ hai, để được hưởng miễn trừ, các bên liên quan phải gửi hồ sơ lên đến quan có thẩm quyền để xin hưởng miễn trừ trước khi thực hiện.
Thứ bảy, về chính sách khoan hồng: Thực tiễn cho thấy không dễ để phát hiện được các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đặc biệt là những thoả thuận ngầm. Một trong những công cụ hữu hiệu mà cơ quan cạnh tranh nhiều nước áp dụng nhằm phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là chính sách khoan hồng. Chính sách khoan hồng là một cơ chế do Nhà nước quy định dành quyền miễn trừ khỏi các chế tài phạt mà pháp luật áp dụng đối với các thành viên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhưng chủ động khai báo, cung cấp thông tin, tài liệu hay chứng cứ chứng minh hành vi thỏa thuận và có sự hợp tác với cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra. Hiện nay có rất nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách khoan hồng trong cuộc chiến chống lại các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy còn có sự khác nhau trong các quy định cụ thể tại các quốc gia đã áp dụng nhưng nhìn chung chính sách khoan hồng sau khi ra đời đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cơ quan điều tra phát hiện và xử lý thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Phùng Văn Thành – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh