BVNTD

Kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo pháp luật Hoa Kỳ

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Liên quan đến thoả thuận hạn chế cạnh tranh, Điều 2, Đạo luật Sherman quy định mọi giao kèo, liên kết dưới dạng độc quyền hoặc bất kỳ một hình thức khác, hoặc âm mưu, nhằm hạn chế kinh doanh hoặc trao đổi thương mại giữa các bang với nhau, hoặc với quốc gia khác, đều bị tuyên bố là bất hợp pháp (Điều 1) và bất kỳ người nào có được vị trí độc quyền hoặc cố gắng đạt được vị trí độc quyền, hoặc âm mưu, liên kết với một hoặc một số người khác nhằm duy trì tình trạng độc quyền đối với một phần bất kỳ trong giao dịch hoặc trao đổi thương mại giữa các bang với nhau hoặc với các quốc gia khác đều bị coi là vi phạm trọng tội.

Đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cơ quan thực thi Hoa Kỳ phân làm hai nhóm là nhóm hành vi vi phạm mặc nhiên (violations per se) và nhóm hành vi vi phạm theo đánh giá tác động hợp lý (violations of the rule of reason). Để xác định một thoả thuận có ngăn cản cạnh tranh một cách bất hợp lý hay không, các Tòa án Hoa Kỳ áp dụng một trong hai nguyên tắc nêu trên, phụ thuộc vào loại thỏa thuận đó là gì. Một số dạng thỏa thuận được coi là hiển nhiên gây tác động hạn chế cạnh tranh tới mức chúng luôn là bất hợp pháp, bất kể đó chỉ là dự tính của các bên hay đã có ảnh hưởng thực tế do các thỏa thuận về cạnh tranh gây ra, đó là nhóm thỏa thuận vi phạm mặc nhiên. Tòa án tối cao Hoa Kỳ xác định thỏa thuận được coi là vi phạm mặc nhiên là những thỏa thuận có tác động nguy hại đến môi trường cạnh tranh nên mặc nhiên bị coi là bất hợp pháp mà không cần phải điều tra về những tác động gây ra hoặc lý do để thực hiện thỏa thuận. Nhóm hành vi được coi là vi phạm mặc nhiên bao gồm thỏa thuận ấn định giá theo chiều ngang, phân chia thị trường theo chiều ngang, hạn chế sản lượng và thông đồng đấu thầu. Những hành vi thỏa thuận khác có thể được xem xét theo nguyên tắc đánh giá tác động hợp lý, nghĩa là khi xem xét những hành vi thỏa thuận thuộc nhóm này thì cần phải đánh giá những tác động tích cực hoặc hiệu quả kinh tế mà hành vi thỏa thuận mang lại cho môi trường cạnh tranh hoặc cho người tiêu dùng và xã hội. Trong đánh giá tác động hợp lý, dự định và ảnh hưởng cạnh tranh được cân nhắc trên cơ sở so sánh với lợi ích hoặc hiệu quả kinh tế mang lại. Điều 3, Đạo luật Clayton quy định việc tham gia các thỏa thuận liên quan đến hàng hóa, vật dụng, máy móc, thiết bị hoặc các hàng hóa khác mà có thể có bị coi là thỏa thuận ràng buộc, thỏa thuận mua bán độc quyền hay các thỏa thuận có kèm yêu cầu chung, là vi phạm pháp luật nếu sự ảnh hưởng của các thỏa thuận này có thể làm giảm cạnh tranh một cách đáng kể.

Bên cạnh quy định cấm, pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ còn quy định cho hưởng miễn trừ đối với một số dạng thoả thuận, thường là theo ngành (block exemption). Một số ngành được điều chỉnh bởi các chương trình kế hoạch theo luật định của liên bang. Trong một vài trường hợp, Nghị viện Hoa Kỳ ban hành văn bản quy định rõ luật chống độc quyền không áp dụng đối với một ngành công nghiệp trong những tình huống theo quy định của pháp luật. Đối với một số trường hợp khác, mặc dù không có những chỉ dẫn theo quy định của pháp luật, việc loại trừ khỏi sự điều chỉnh của pháp luật chống độc quyền được các Tòa án diễn giải nhằm bảo vệ sự thống nhất trong kế hoạch hành động của Quốc Hội. Cũng có một số lượng giới hạn những tình huống mà trong đó Tòa án, theo cơ chế quyền lực pháp lý cơ bản, sẽ trì hoãn việc áp dụng luật chống độc quyền cho đến khi một cơ quan hành chính có thẩm quyền theo quy định của pháp luật của ngành công nghiệp đó đưa ra xác nhận ban đầu về tranh chấp hoặc những yếu tố quan trọng liên quan đến nó. Tuy nhiên, danh sách các ngành được miễn trừ có sự thay đổi theo thời gian. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ năm 1977 đã thống kê 16 lĩnh vực riêng biệt được hưởng miễn trừ khỏi sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh gồm nông nghiệp, năng lượng, giao thông, ngân hàng và bảo hiểm, báo chí, tổ chức giáo dục chuyên nghiệp và bóng chầy. Danh sách này sau đó đã bị thu hẹp lại.

Theo pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ, các vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh được xử lý theo án lệ. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý mà cơ quan cạnh tranh kiến nghị áp dụng đối với các bên vi phạm sẽ căn cứ vào mức độ tác động của hành vi vi phạm đối với môi trường cạnh tranh và thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng, có thể gồm hình thức phạt tiền hoặc/và phạt tù đối với doanh nghiệp, cá nhân vi phạm (đặc biệt đối với các thỏa thuận thuộc dạng vi phạm mặc nhiên), phạt cảnh cáo và các biện pháp khắc phục hậu quả nếu cần thiết (như chấm dứt hoặc đình chỉ hành vi thỏa thuận). Thực tiễn, tại Hoa Kỳ, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đặc biệt là các thoả thuận các-ten nghiêm trọng, từ lâu đã bị coi là vi phạm hình sự.

Để điều tra đối với các thoả thuận hạn chế cạnh tranh, Hoa Kỳ là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách khoan hồng vào năm 1978. Sau một thời gian áp dụng, trung bình mỗi năm chỉ có một số ít cá nhân/doanh nghiệp nộp đơn xin hưởng khoan hồng và không giúp phát hiện ra một vụ thoả thuận các-ten quốc tế nào. Những bất cập của chương trình khoan hồng năm 1978 được cho là đã yêu cầu bên vi phạm phải báo cáo về hoạt động bất hợp pháp của họ trước khi cơ quan cạnh tranh tiến hành cuộc điều tra và đòi hỏi cơ quan công tố phải hết sức thận trọng và có phần khắt khe trong việc suy xét cho phép hưởng khoan hồng đối với những người đáp ứng đủ điều kiện. Chính sách khoan hồng của Hoa Kỳ sau đó đã được sửa đổi vào năm 1993 cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, thay vì doanh nghiệp chỉ được hưởng khoan hồng trong trường hợp cơ quan cạnh tranh chưa hề có thông tin về vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và chưa tiến hành điều tra vụ việc thì theo quy định sửa đổi mới doanh nghiệp vẫn có thể được hưởng khoan hồng nếu cơ quan cạnh tranh đã tiến hành điều tra vụ việc nhưng vẫn chưa thu thập được đầy đủ các chứng cứ cần thiết trong khi doanh nghiệp xin hưởng khoan hồng có thể cung cấp thông tin hỗ trợ cho quá trình điều tra. Ngoài ra, theo quy định trong chính sách khoan hồng mới, doanh nghiệp nộp đơn được hưởng khoan hồng tự động trong trường hợp cơ quan cạnh tranh chưa có thông tin gì về vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thay vì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết như trước kia. Với các quy định được sửa đổi năm 1993, các lãnh đạo của doanh nghiệp đã được hưởng khoan hồng tự động cũng được hưởng miễn trừ nếu họ hợp tác đầy đủ với cơ quan cạnh tranh. Để được hưởng khoan hồng, doanh nghiệp khai báo phải đáp ứng điều kiện không phải là doanh nghiệp giữ vai trò tổ chức, dẫn đầu các-ten và các điều kiện khác, theo đó công ty cũng như các giám đốc, cán bộ, nhân viên của công ty đều có thể được miễn truy tố hoàn toàn. Một nội dung mới sau đó cũng được bổ sung áp dụng trong chương trình khoan hồng đó là chương trình khoan hồng cá nhân. Đây là chương trình miễn giảm hình phạt cho các nhân viên công ty tự nguyện khai báo, còn được gọi là ân xá bổ sung. Bên cạnh đó, chính sách khoan hồng bổ sung còn cho phép miễn giảm đáng kể mức phạt đối với những người phát hiện và tố giác vụ thỏa thuận các-ten thứ hai, nhưng đồng thời lại đang phải chịu trách nhiệm pháp lý vì đã tham gia vụ thỏa thuận các-ten thứ nhất. Năm 2004, chính sách khoan hồng của Hoa Kỳ lại tiếp tục được bổ sung nhằm tăng cường, thúc đẩy động cơ tự nguyện khai báo bằng việc loại bỏ hình phạt tiền gấp ba lần mức bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra cho người bị hại đối với những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện được hưởng khoan hồng. Chính sách khoan hồng với những quy định hợp lý đã mang lại hiệu quả lớn cho cơ quan cạnh tranh trong quá trình thực thi. Tỷ lệ đơn xin hưởng khoan hồng của doanh nghiệp tăng từ mức một đơn mỗi năm theo theo quy định ban đầu lên con số xấp xỉ một đơn mỗi tháng theo quy định mới. Thông qua chính sách khoan hồng, với những thông tin và chứng cứ được doanh nghiệp cung cấp, đã mang lại những thành công nhất định cho cơ quan cạnh tranh trong quá điều tra những vụ việc thỏa thuận HCCT nghiêm trọng. Tại Hoa Kỳ, chương trình khoan hồng được coi là công cụ điều tra hữu hiệu nhất của cơ quan cạnh tranh. Chẳng hạn, trong các vụ điều tra về hành vi thỏa thuận các-ten trên thị trường vitamin, điện cực than chì, đấu giá tác phẩm nghệ thuật và bộ nhớ ngoài DRAM của máy tính, cơ quan cạnh tranh đã có những lợi thế điều tra đáng kể nhờ các thông tin do người xin hưởng khoan hồng cung cấp. Cơ chế minh bạch cũng như tính chắc chắn trong việc cung cấp thông tin của người tự nguyện khai báo, đánh giá của cơ quan cạnh tranh đối với đơn xin hưởng miễn trừ của doanh nghiệp là người thứ hai và thứ ba khai báo về thỏa thuận các-ten cũng như quy định thời hạn phạt tù dài hơn đã làm tăng giá trị và tính hiệu quả của chương trình khoan hồng.

Để hỗ trợ và tăng tính hiệu quả khi áp dụng chương trình khoan hồng, tháng 6/2004 Hoa Kỳ đã sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp. Lý do được đưa ra là một chương trình khoan hồng muốn thành công phải dựa trên chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm. Chỉ khi có nguy cơ và rủi ro phải chịu một hình thức xử phạt nặng nề trong trường hợp bị phát hiện thì mới khiến cho các doanh nghiệp hay cá nhân vi phạm có động cơ khai báo với cơ quan cạnh tranh để được miễn trừ một phần hoặc toàn bộ số tiền phạt mà đáng ra doanh nghiệp hay cá nhân phải chịu. Mức độ xử phạt được quy định tăng. Cụ thể, đối với doanh nghiệp vi phạm, mức phạt tối đa có thể áp dụng được quy định tăng từ 10 triệu lên 100 triệu đô la Mỹ. Đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tối đa có thể áp dụng được quy định tăng từ 350.000 lên 1 triệu đô la Mỹ. Về thời hạn phạt tù tối đa được quy định tăng từ 3 lên 10 năm. Ngay sau khi được sửa đổi, đến năm 2005 đã có 50 doanh nghiệp bị xử phạt số tiền trên 10 triệu đô la Mỹ, trong đó 9 doanh nghiệp bị xử phạt trên 100 triệu đô la Mỹ. Tăng cường mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh đã làm giảm động cơ tham gia, thực hiện thỏa thuận các-ten, tuy nhiên các cơ quan chống độc quyền của Hoa Kỳ không thể gia tăng thành công nếu chỉ áp dụng mức phạt cao. Trong những năm 90, thời hạn phạt tù trung bình đối với các-ten là 8 tháng, nhưng đến năm tài chính 2005, thời hạn phạt tù trung bình đã tăng lên 24 tháng. Thời hạn phạt tù đáng kể đối với cá nhân vi phạm, thay vì yêu cầu nộp tiền phạt cao hơn, đã khuyến khích tinh thần tự nguyện khai báo và hợp tác của cả doanh nghiệp và các nhân viên của họ.

Một điểm nổi bật và then chốt nữa trong kinh nghiệm điều tra các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của Hoa Kỳ thể hiện ở chỗ pháp luật cạnh tranh nước này cho phép cơ quan cạnh tranh được thực hiện quyền khám xét nhằm tìm kiếm thông tin và chứng cứ về hành vi vi phạm. Theo đó, cơ quan cạnh tranh trong khi điều tra các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có quyền tiến hành khám xét và thu giữ tang vật, tài liệu… được cho là có liên quan đến hành vi vi phạm của các doanh nghiệp. Với thẩm quyền như vậy, các cơ quan cạnh tranh của Hoa Kỳ trong quá trình điều tra có thể điều động điều tra viên tiến hành khám xét đúng lúc, đúng thời điểm nhằm tìm kiếm và thu giữ những chứng cứ quan trọng, xác thực đối với vụ việc. Ngoài những quy định trong các văn bản luật thuộc thì án lệ cũng là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền tại Hoa Kỳ thực thi quyền lực. Với mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và để hạn chế phạm vi cũng như khả năng cơ quan cạnh tranh, toà án… đưa ra quá nhiều quyết định có nội dung khác nhau trong các vụ việc tương tự, một loạt thực tiễn xét xử của toà án hay việc giải quyết vụ việc của cơ quan cạnh tranh đã trở thành những án lệ, làm mẫu cho những vụ việc sau đó. Xu hướng mới của Toà án tối cao Hoa Kỳ là mở rộng và sử dụng nhiều hơn các án lệ làm cơ sở để xử lý những vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh tương tự.

                                                                                  Phùng Văn Thành – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương