BVNTD

Lịch sử Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam

17/03/2020

      1. Bối cảnh ra đời Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới

            Ngày 15 tháng 3 năm 1962, cố Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã tuyên bố trong một bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ rằng “Người tiêu dùng bao gồm tất cả chúng ta. Đây là nhóm đối tượng lớn nhất trong nền kinh tế, tương tác với hầu hết các quyết định kinh tế. Tuy nhiên, dù quan trọng như thế, nhưng ý kiến và quan điểm của người tiêu dùng lại không được lắng nghe.” Cũng trong bài phát biểu này, cố Tổng thống John J. Kennedy đã chỉ ra 04 quyền cơ bản của người tiêu dùng, cụ thể như sau:

  • Quyền được an toàn: Hàng hóa không được gây hại cho người tiêu dùng.
  • Quyền được cung cấp thông tin: Doanh nghiệp nên cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn…, người tiêu dùng được bảo vệ khỏi những thông tin gây nhầm lẫn trong lĩnh vực quảng cáo, tài chính, gắn nhãn,…
  • Quyền được lựa chọn hàng hoá, dịch vụ: Người tiêu dùng được tự do lựa chọn hàng hóa và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa
  • Quyền được lắng nghe, góp ý: Người tiêu dùng có quyền phản ánh, khiếu nại về hàng hóa và quyền nhận được sự xem xét, giải quyết triệt để và hiệu quả các phản ánh, khiếu nại đó.

            Năm 1985, nội dung về quyền của người tiêu dùng được Liên hợp quốc (United Nations – UN) công nhận và mở rộng ra thành 08 quyền cơ bản của người tiêu dùng trong tài liệu Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Bảo vệ người tiêu dùng (United Nations Guidelines on Consumer Protection). (tham khảo tại đường link: https://unctad.org/en/PublicationsLibrary/ditccplpmisc2016d1_en.pdf)

            Sau đó, Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (Consumer International – CI) bắt đầu công nhận ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới, và hàng năm tổ chức sự kiện này với mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quốc gia.

Ảnh: trang web của CI về sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới

     Hàng năm, CI chọn một chủ đề khác nhau cho Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới, cụ thể như sau:

  • Năm 2017: “Xây dựng một thế giới kỹ thuật số an toàn cho người tiêu dùng”
  • Năm 2018: “Xây dựng thị trường kỹ thuật số công bằng hơn”
  • Năm 2019: “Sản phẩm thông minh đáng tin cậy”
  • Năm 2020: “Tiêu dùng bền vững”

            Chủ đề năm 2020 nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự liên quan giữa tiêu dùng và các sự cố về môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.

     2. Quá trình hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới tại Việt Nam

            Kể từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực thi hành, trong khoảng thời gian từ năm 2011 – 2015, vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới, Bộ Công Thương đã có những hoạt động hưởng ứng mạnh mẽ và sâu rộng, đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể như sau:

Biểu đồ: Tình hình hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới tại Việt Nam từ năm 2011 – 2015

Năm 2011-2012:

  • Năm 2011, tổ chức thành công 05 Hội thảo kỷ niệm Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới 15 tháng 3 tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương.
  • Thành lập trung tâm tiếp nhận, tư vấn, giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng tại Cục Quản lý cạnh tranh.
  • Năm 2012, đã có 42/63 địa phương (tăng gấp đôi so với năm 2011) tiến hành tổ chức các hoạt động để hưởng ứng sự kiện này, bao gồm treo biểu ngữ, khẩu hiệu, mit-tinh, hội thảo.

Năm 2013:

  • 55/59 địa phương tổ chức các hoạt động để hưởng ứng sự kiện này (tăng 13 địa phương so với năm 2012)

Năm 2014:

  • Là một năm thể hiện sự chủ động trong công tác tuyên truyền, tích cực đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng như VTV, HTV, Đài tiếng nói Việt Nam đối với sự kiện “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới”
  • 55/63 tỉnh/thành phố trên cả nước triển khai các hoạt động có tác động và hiệu quả cao.

Năm 2015:

            Bên cạnh các hoạt động hưởng ứng thường niên, có hai sự kiện đáng chú ý:

  • Ngày 06/03/2015, Bộ Công Thương đã công bố tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) tại số điện thoại 1800-6838 nhằm thúc đẩy tối đa công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
  • Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, theo đó lấy ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

     Quyết định 1035/QĐ-TTg nêu rõ việc công nhận Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và nền kinh tế đất nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác này; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.

Ảnh: Sự kiện Lễ Công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (năm 2016)

           “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" mang ý nghĩa quan trọng, được tổ chức hàng năm với chủ đề khác nhau cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều hình thức, phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương các cấp được tổ chức nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, sự kiện này giúp định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cung ứng của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

            Bên cạnh đó, ngày 15 tháng 3 cũng góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời phát huy sức mạnh, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng,… qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ảnh: Các quyền của người tiêu dùng (nguồn: internet)

      3. Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam

             Thực hiện Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động công bố và hưởng ứng sôi nổi sự kiện này, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ các doanh nghiệp cũng như nâng cao nhận thức của mọi chủ thể trong nền kinh tế về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc quốc gia có riêng một ngày dành cho người tiêu dùng cũng giúp cho công tác này được thực hiện cụ thể hơn, riêng biệt hơn, và gần gũi hơn, thực tế hơn với môi trường tiêu dùng ở Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, các chủ đề cho Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam được lựa chọn lần lượt là:

Bảng: Chủ đề Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam qua các năm

             Hưởng ứng sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức hàng năm, các tỉnh/thành phố trên cả nước đã thực hiện rất sôi nổi các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ người tiêu dùng. Từ năm 2016, số lượng các tỉnh/thành tổ chức các hoạt động hưởng ứng tăng lên nhiều so với những năm trước, có năm đạt 62/63 tỉnh/thành.

Biểu đồ: Tình hình hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới tại Việt Nam từ năm 2016 – 2019

             Đặc biệt, sự kiện này còn thu hút được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp qua hình thức cam kết thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: xây dựng tổng đài tiếp nhận phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng, thực hiện các chương trình, tháng hành động tri ân người tiêu dùng, tổ chức tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng,… Bên cạnh đó, các hình thức trao giải, khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng được thực hiện rất tích cực, từ đó gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với tiêu chí tổ chức các hoạt động hướng tới người tiêu dùng, lấy trọng tâm là người tiêu dùng, các hoạt động lớn được tổ chức vào dịp này như Tuần lễ tri ân, Ngày hội sản phẩm, hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm.

Ảnh: Các doanh nghiệp ký kết Chương trình Doanh nghiệp hành động vì người tiêu dùng 2017

             Năm 2020, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, các giao dịch thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng, đồng thời xuất hiện nhiều vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” cho sự kiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020. Sự kiện nhằm hướng tới người tiêu dùng có thói quen mua hàng trực tuyến, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến và các chủ thể liên quan (doanh nghiệp bán hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát,…). Bên cạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến, nhằm thực hiện hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương cũng xúc tiến hình thức ký cam kết bảo vệ người tiêu dùng giữa các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Sự kiện này được đánh giá là cột mốc đánh dấu cho công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời kỳ số, giúp nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật trong một lĩnh vực đang phát triển rất mạnh mẽ, đó là thương mại điện tử.

       4. Kết luận

              Trải qua nhiều năm thực hiện các hoạt động hưởng ứng với các nước trên thế giới cùng 04 năm hình thành và phát triển Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam, sự kiện này đã, đang và sẽ ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng và củng cố “tiếng nói” của người tiêu dùng trong nền kinh tế, giúp cho chủ thể này được lắng nghe, được tư vấn, giải quyết, và trên hết là được bảo vệ quyền lợi khi tham gia giao dịch. Điều này trước hết giúp cho trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng trở nên thuận lợi, tốt đẹp hơn, sau là đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào công cuộc phát triển nền kinh tế nói chung. Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là một sự kiện quan trọng và không thể thiếu, vì nó hướng tới tôn vinh của người tiêu dùng – tất cả chúng ta.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương