BVNTD

Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thương vụ sáp nhập trong ngành dược được Ủy ban cạnh tranh Ấn Độ thông qua

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

 I. Thông tin vụ việc

Ngày 8 tháng 12 năm 2014, Ủy ban cạnh tranh Ấn Độ (Competition Commission of  India – CCI) ra thông cáo cho biết đã thông qua thương vụ sáp nhập giữa Công ty Sun Pharmaceuticals Industries Limited (Sun Pharma) và Ranbaxy Laboratories Limited (Ranbaxy). Thông tin cụ thể về vụ việc như sau:

1. Cơ sở tiến hành điều tra

Sun Pharma là công ty chuyên về dược phẩm, chuyên sản xuất và phân phối các loại dược phẩm công thức như các loại thuốc biệt dược tại thị trường Ấn Độ, thị trường Mỹ và thị trường một số nước khác trên thế giới. Phạm vi và tác dụng điều trị chính của các sản phẩm của Sun Pharma là các loại bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh trung ương, các bệnh da liễu, các bệnh về tim, trong phẫu thuật chỉnh hình, các bệnh về mắt, bệnh về dạ dày… Ngoài ra, Sun Pharma còn sản xuất và phân phối các loại hoạt chất dược phẩm và tá dược (active pharmaceutical ingredients – APIs).

Ranbaxy là công ty phát triển, sản xuất và phân phối các loại thuốc tân dược, các loại thuốc biệt dược, các loại thuốc không kê đơn (OTC), hoạt chất và tá dược (APIs) và các loại dược phẩm trung gian. Phạm vi và tác dụng điều trị trong nhiều lĩnh vực như các bệnh truyền nhiễm, chống lây nhiễm, bệnh về tim mạch, giảm đau, các loại bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh trung ương, các bệnh về dạ dày và đường ruột, bệnh về hô hấp, bệnh về da liễu, trong phẫu thuật chỉnh hình, bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng và tiết niệu. Ranbaxy hiện cũng đang nắm giữ 46,79% cổ phiếu của Zenotech, một công ty dược có tham gia vào việc phát triển, sản xuất và cung ứng các sản phẩm thuốc tiêm thuộc một số danh mục như các loại hoá chất trị ung thư và các sản phẩm và các sản phẩm công nghệ sinh học được chiết xuất.

Ngày 6/5/2014, CCI nhận được thông báo tập trung kinh tế (dựa trên quy định tại khoản 2, Điều 6, Luật cạnh tranh Ấn Độ) từ các bên gồm Sun Pharma và Ranbaxy.

Thông báo được thực hiện dựa trên cơ sở:

(1)           Kế hoạch tiến hành thương vụ sáp nhập được đại diện ban quản trị của Sun Pharma và Ranbaxy thông qua ngày 6/4/2014,

(2)           Thoả thuận giữa các bên về thương vụ sáp nhập được thông qua vào ngày 6/4/2014,

(3)           Thoả thuận giữa Sun Pharma với Công ty Daiichi Sankyo, bên nắm giữ khoảng 63,4% lượng cổ phiếu phát hành của Ranbaxy, đạt được vào ngày 6/4/2014.

Sau sáp nhập, các cổ đông hiện tại của Ranbaxy sẽ nắm giữ khoảng 14% phần vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp sau sáp nhập. Như dự tính của các bên nêu ra trong hồ sơ, nhóm các cổ đông sáng lập của Sun Pharma hi vọng sẽ nắm giữ khoảng 54,7% phần vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp sau sáp nhập. Hơn nữa, do Ranbaxy hiện đang nắm giữ  46,79% cổ phiếu của Zenotech, nên thương vụ sáp nhập khi được thực hiện thành công sẽ tạo cho Sun Pharma cơ hội được chuyển giao và nắm giữ lượng cổ phiếu này của Zenotech từ Ranbaxy. Zenotech là một công ty niêm yết, và như được nêu chi tiết trong hồ sơ, trên cơ sở quy định về việc chuyển giao và nắm quyền kiểm soát, Sun Pharma đã thông báo chào bán rộng rãi ra công chúng 28,1% lượng cổ phiếu nắm giữ của Zenotech. Việc bán cổ phiếu bắt đầu được thực hiện sau khi Ranbaxy sáp nhập vào Sun Pharma.

Trên cơ sở hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, CCI đã yêu cầu các bên liên quan cung cấp thêm các thông tin đồng thời thực hiện điều tra nhằm đánh giá về khả năng và mức độ tác động phản cạnh tranh nếu thương vụ sáp nhập được cho phép.

2. Xác định thị trường liên quan

CCI nhận định các bên trong thương vụ đều đã và đang tham gia vào tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối và bán đối với nhiều sản phẩm dược khác nhau bao gồm cả các loại dược phẩm công thức (biệt dược)/thuốc chữa bệnh và APIs. Các bên đều là các nhà sản xuất thuốc gốc (generic drugs) cùng với một lượng nhỏ sản xuất theo giấy phép được bảo hộ. Bên cạnh đó, các bên hiện cũng đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển nhiều loại sản phẩm mới.

Để phục vụ mục tiêu đánh giá cạnh tranh, các bên đã phân loại sản phẩm dựa trên cơ sở danh mục thuốc tân dược được phân loại tại Ấn Độ (AIOCD – All India Organization for Chemists and Druggists).

CCI xác định những loại sản phẩm thuốc có chứa các thành phần tương đương được coi là có khả năng thay thế cho nhau. Vì vậy, việc xác định thị trường liên quan dựa trên cơ sở về khả năng thay thế là hoàn toàn phù hợp. Khả năng thay thế được xem xét trên cơ sở các yếu tố mục đích sử dụng, cơ chế hoạt động và tác dụng, phương thức bảo quản, yếu tố chống chỉ định và tác dụng phụ…Hơn nữa, trên thị trường thuốc gốc, cạnh tranh chủ yếu là giữa các hãng sản xuất về một loại thuốc thuộc một danh mục nào đó. Vì vậy, sẽ phù hợp khi xác định thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của từng chủng loại sản phẩm thuốc trong cùng một danh mục dựa trên các thành phần API giống nhau. Điều này dẫn tới việc sẽ có nhiều thị trường liên quan riêng biệt được xác định trong vụ việc. Bên cạnh đó, như thông tin mà các bên cung cấp, sản phẩm của các bên liên quan hiện đang có mặt trên khắp đất nước Ấn Độ nên thị trường địa lý liên quan trong vụ việc được xác định là thị trường trên phạm vi toàn lãnh thổ Ấn Độ.

Ngoài ra, CCI xác định còn có sự chồng lấn đan xen lẫn nhau theo chiều ngang giữa nhiều loại sản phẩm của các bên trong vụ việc. Vì vậy, khi xác định thị trường liên quan đối với các dòng sản phẩm biệt dược thuộc từng danh mục thuốc còn cần phải cân nhắc và đánh giá cả về mục tiêu cạnh tranh trong thương vụ được đề xuất. CCI còn xem xét cả với những sản phẩm thuốc mà các bên đang trong quá trình nghiên cứu sản xuất để xem liệu có phải lưu tâm tới vấn đề cạnh tranh trong tương lai hay không. Riêng đối với APIs, cần lưu ý rằng đây chính là các nguyên liệu đầu vào cơ bản trong việc sản xuất các loại thuốc biệt dược, vì vậy có thể được xác định là một thị trường liên quan riêng, khác biệt so với thị trường của các loại thuốc biệt dược.

Với những phân tích trên đây và trên cơ sở những thông tin được các bên cung cấp, CCI đã xác định được 49 thị trường liên quan khác nhau và tập trung thực hiện điều tra để đánh giá mức độ tác động phản cạnh tranh mà thương vụ sáp nhập có thể gây ra đối với từng thị trường liên quan. Ngoài ra, CCI còn xác định thêm 2 thị trường liên quan khác đối với các sản phẩm thuốc biệt dược mà tại đó Sun Pharma hiện đang phân phối sản phẩm trong khi sản phẩm của Ranbaxy đang trong giai đoạn nghiên cứu sản xuất và sẽ được tung ra thị trường trong một tương lai ngắn.

3. Đánh giá trên từng thị trường liên quan cụ thể

Trên cơ sở các thị trường liên quan đã được xác định, CCI đã điều tra và đánh giá cạnh tranh trên từng thị trường liên quan cụ thể.

3.1. Trên thị trường nhóm các sản phẩm dược phẩm công thức/thuốc biệt dược

3.1.1. Những thị trường được xác định sẽ chịu tác động phản cạnh tranh

Dựa trên kết quả điều tra, CCI xác định có 07 thị trường liên quan sau đây được xác định sẽ chịu tác động phản cạnh tranh nếu như thương vụ sáp nhập được thông qua.

(1) Tamsulosin + Tolterodine/ G4C13

Trên thị trường này, Ranbaxy là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với mức thị phần chiếm từ 60% đến 65%, tiếp theo đó là Sun Pharma với thị phần chiếm khoảng từ 30% đến 35%. Thị phần kết hợp của Sun Pharma và Ranbaxy là từ 90% đến 95%, gần như là độc quyền. Với thực tiễn này, doanh nghiệp sau sáp nhập chỉ phải chịu áp lực cạnh tranh từ một đối thủ duy nhất trên thị trường là Intas với mức thị phần hiện đang chiếm vào khoảng từ 5% đến 10%. CCI xác định khi thương vụ sáp nhập được thực hiện sẽ làm cho số lượng doanh nghiệp đối thủ trên thị trường đang tử 3 giảm xuống chỉ còn 2 với sự chênh lệch quá lớn về tương quan sức mạnh. Điều này không chỉ có tác động làm phá vỡ cấu trúc cạnh tranh hiện tại mà còn làm giảm một cách đáng kể mức độ cạnh tranh trên thị trường này.

(2) Rosuvastatin + Ezetimibe/ C10G6

Trên thị trường, Ranbaxy dẫn đầu với thị phần từ 55% đến 60%, tiếp theo là Sun Pharma với thị phần khoảng 30% đến 35%. Thị phần kết hợp của hai bên là từ 90% đến 95%. Doanh nghiệp sau sáp nhập chỉ phải chịu áp lực cạnh tranh từ một đối thủ duy nhất là Lupin với thị phần khoảng từ 5% đến 10%. Vì vậy, tác động phản cạnh tranh được xác định giống như ở thị trường trên.

(3) Leuprorelin/ H1C6

Trên thị trường, Ranbaxy chiếm 45-50% thị phần, tiếp theo là Sun Pharma chiếm 35-40%, và thị phần kết hợp chiếm 85-90%. Doanh nghiệp sau sáp nhập chỉ phải chịu áp lực cạnh tranh từ một đối thủ duy nhất là Bharat Serums với thị phần chiếm 5-10%. Vì vậy, tác động phản cạnh tranh được xác định giống như ở các thị trường trên.

(4) Terlipressin/ H4D7

Trên thị trường, Sun Pharma là doanh nghiệp dẫn đầu với 55-60% thị phần, tiếp theo là Ranbaxy chiếm 5-10%, và thị phần kết hợp chiếm 65-70%. Doanh nghiệp sau sáp nhập chỉ phải chịu áp lực cạnh tranh từ một đối thủ duy nhất là Alembic với 20-25% thị phần. Vì vậy, tác động phản cạnh tranh được xác định giống như ở các thị trường trên.

(5) Olanzapine + Fluoxetine/ N5A6

Trên thị trường, Sun Pharma là doanh nghiệp lớn nhất với 40-45% thị phần. Ranbaxy là doanh nghiệp lớn thứ ba với 20-25% thị phần. Thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp chiếm 65-70%. Doanh nghiệp sau sáp nhập chỉ phải chịu áp lực cạnh tranh từ một đối thủ duy nhất là Intas với 30-35% thị phần. Vì vậy, tác động phản cạnh tranh được xác định giống như ở các thị trường trên.

(6) Levosulpiride + Esomeprazole/ A3F49

Trên thị trường, Sun Pharma là doanh nghiệp lớn nhất với 50-55% thị phần. Ranbaxy là doanh nghiệp lớn thứ ba với 5-10% thị phần. Thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp chiếm 60-65%. Doanh nghiệp sau sáp nhập chỉ phải chịu áp lực cạnh tranh từ một đối thủ duy nhất là Torrent với 35-40% thị phần. Vì vậy, tác động phản cạnh tranh được xác định giống như ở các thị trường trên.

(7) Olmesartan + Amlodipine + Hydroclorthiazide/ C9E22

Trên thị trường, Sun Pharma là doanh nghiệp lớn nhất với 30-35% thị phần. Ranbaxy có thị phần ở mức 5-10% thị phần. Thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp sẽ chiếm khoảng 40-45%. Doanh nghiệp sau sáp nhập sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh từ hai đối thủ là Macleods với 15-20% thị phần, và Micro Labs với 10-15% thị phần. Tác động phản cạnh tranh được xác định giống như ở các thị trường trên.

3.1.2. Những thị trường được xác định sẽ không chịu tác động phản cạnh tranh

Liên quan đến 05 thị trường nhóm các sản phẩm dược phẩm công thức/thuốc biệt dược gồm như Ibandronate/ M5A5, Olopatadine/ R6A47, Lactitol/ V6E4, Lubiprostone/ A6F5 và Cyclobenzaprine/ M3B7, các bên cho biết Ranbaxy không còn tiếp tục sản xuất, và do vậy hiện nay trên thị trường không có sự chồng lấn đan xen giữa sản phẩm của các bên. Hơn nữa, liên quan đến thị trường sản phẩm đối với biệt dược Somatostatin / H1D3 thì có sự khác biệt hoàn toàn giữa Sun Pharma và Ranbaxy. Đã có sự nhầm lẫn trong cách phân loại và phân nhóm sản phẩm. Các sản phẩm của Sun Pharma được sản xuất dựa trên thành phần Somatostatin được sử dụng để điều trị các bệnh miễn cảm, dị ứng hay viêm màng, chảy máu đường ruột. Trong khi các sản phẩm của Ranbaxy được sản xuất dựa trên thành phần Somatropin được sử dụng để điều trị các bệnh thiếu hóc môn sinh trưởng. Vì vậy, không có sự chồng lấn đan xen giữa các sản phẩm này.

Ngoài ra, một số chủng loại thuốc biệt dược nêu trên đã được đưa vào bảng Danh sách những loại thuốc thiết yếu quốc gia (National list of esential medicines/NLEM). Vì vậy, những loại thuốc này bị kiểm soát giá bởi Cơ quan quản lý giá thuốc quốc gia (National Pharmaceutical Pricing Authority/NPPA).

Trong số 49 thị trường liên quan được xác định, có 04 thị trường sau thuộc danh mục NLEM và được xác định sẽ không chịu tác động phản cạnh tranh nếu thương vụ sáp nhập được thông qua. Cụ thể là thị trường của các loại thuốc biệt dược bao gồm Olanzapine/ N5A5, Clopidogrel/ B1C5, Atorvastatin/ C10A1, Losartan/ C9D3.

Những thị trường khác cũng được xác định không chịu tác động phản cạnh tranh gồm Alfuzosin+Dutasteride/ G4C12, Darifenacin/ G4D7, Trospium/ G4D8, Fluvoxamine/ N6A9, Venlafaxine/ N6A19, Tolterodine/ G4D4, Atenolol+Losartan/ C7G2, Prasugrel/ B1C23, Quetiapine/ N5A8, Lacosamine/N3A25, Ranolazine/C12A1, Oxcarbazepine/ N3A9, Amisupride/N5A1, Levetiracetam/ N3A8, Olmesartan+Metoprolol/ C7G3, Bambuterol+Montelukast/ R3A41, Sertraline/ N6A16, Bicalutamide/ L2B15, Pioglitazone/ A10B18, Esomeprazole/ A2C2, Etoricoxib/ M1A28, Domperidone+ Esomeprazole/ A3F10, Montelukast/R3A46, Voglibose/A10B22, Divalproex/ N3A4, Rosuvastatin+Fenofibrates/C10F6, Rosuvastatin/ C10A6, Pioglitazone+Glimepiride/ A10B51, Atorvastatin+Ezetimibe/ C10G1, Edaravone/ N7X5, Thiocolchicoside+ Diclofenac/ M1A92, Etoricoxib+Thiocolchicoside/M1A109.

3.1.3. Những sản phẩm đang trong quá trình nghiên cứu sản xuất

Ngoài những thị trường trên, CCI còn xác định hai thị trường sản phẩm thuốc biệt dược có chứa Sitagliptin hiện Ranbaxy đang trong quá trình nghiên cứu sản xuất và mong muốn tung ra thị trường trong thời gian sớm nhất. Đối với những loại thuốc có chứa hoạt chất này, Sun Pharma hiện đang sản xuất và phân phối trên thị trường trên cơ sở của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Và trên thị trường cũng chỉ có một đối thủ duy nhất khác là Glenmark đang phân phối loại thuốc có chứa hoạt chất này.

3.2. Trên thị trường hoạt chất dược và tá dược/APIs

Vấn đề cạnh tranh được CCI quan tâm trong vụ việc là liệu thương vụ sáp nhập có dẫn tới khả năng đóng cửa thị trường nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, sản xuất và kinh doanh APIs không phải là hoạt động kinh doanh chủ yếu của các bên. Doanh thu của Sun Pharma từ hoạt động này chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu. Tương tự, doanh thu của Ranbaxy trong hoạt động này cũng chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh thu. Hơn nữa, trên thị trường hiện có hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh APIs, cả trong và ngoài Ấn Độ, luôn sẵn sàng cung cấp APIs cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc. Bên cạnh đó, APIs còn được nhập khẩu trực tiếp vào Ấn Độ. Với thực tiễn đó, CCI xác định thương vụ sáp nhập sẽ không gây tác động đóng cửa thị trường nguyên liệu.

4. Những biện pháp khắc phục được đưa ra

Dựa trên phân tích cụ thể về từng thị trường liên quan riêng biệt, CCI xác định tác động phản cạnh tranh mà thương vụ sáp nhập có thể gây nên trên một số thị trường liên quan hoàn toàn có thể được loại trừ nếu có được những biện pháp khắc phục phù hợp, trong đó có biện pháp khắc phục về mặt cấu trúc.

Vì vậy, trong cuộc gặp với các bên liên quan vào ngày 5 tháng 12 năm 2014, CCI đã đưa ra quyết định thông qua thương vụ sáp nhập giữa Sun Pharma và Ranbaxy với điều kiện các bên phải thực hiện một số biện pháp tái cấu trúc nhất định liên quan đến danh mục các sản phẩm hàng hoá mà hiện tại các bên đang sản xuất.

Sun Pharma sẽ phải chào bán:

(1)   Toàn bộ các sản phẩm có chứa Tamsulosin + Tolterodine,

(2)   Toàn bộ các sản phẩm có chứa Leuprorelin.

Ranbaxy sẽ phải chào bán:

(1)   Toàn bộ các sản phẩm có chứa Terlipresslin,

(2)   Toàn bộ các sản phẩm có chứa Rosuvastatin + Ezetimibe,

(3)   Toàn bộ các sản phẩm có chứa Olanzapine + Fluoxetine,

(4)   Toàn bộ các sản phẩm có chứa Levosulpiride + Esomeprazole,

(5)   Toàn bộ các sản phẩm có chứa Olmesartan + Amlodipine + Hydroclorthiazide.

Ngày 8 tháng 12 năm 2014, CCI ra thông cáo xác nhận đã thông qua thương vụ sáp nhập sau khi các bên đã thực hiện và đáp ứng được các điều kiện đề ra.

II. Những bài học kinh nghiệm

Thông qua thương vụ sáp nhập trên có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm hết sức thiết thực cho công tác kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế trên cơ sở các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam.

1. Bài học về việc xác định thị trường liên quan

Xác định thị trường thường là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong các phân tích về cạnh tranh. Trong các vụ việc tập trung kinh tế, việc xác định thị trường liên quan lại càng trở nên quan trọng bởi mục tiêu của hoạt động kiểm soát tập trung kinh tế là xác định khả năng, mức độ mà một thương vụ tập trung kinh tế có khả năng gây tác động ảnh hưởng tới môi trường, cấu trúc cạnh tranh trên thị trường để dựa vào đó cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định cho phép (hoặc cho phép kèm theo điều kiện phải thực hiện một hoặc một số biện pháp khắc phục phù hợp) hoặc không cho phép vụ việc tập trung kinh tế được thực hiện. Điều này cũng có nghĩa tất cả các đánh giá và quyết định cuối cùng phải dựa trên những điều kiện cụ thể trên những thị trường liên quan xác định.

Thị trường liên quan được xem xét trên cơ sở hai yếu tố gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan thường được xác định trên cơ sở các sản phẩm và/hoặc dịch vụ mà được người tiêu dùng coi là có thể hoán đổi hay thay thế cho nhau, căn cứ trên cơ sở các đặc điểm của những sản phẩm đó, giá cả của chúng và mục đích sử dụng của chúng. Thị trường sản phẩm liên quan mô tả các loại hàng hoá hoặc dịch vụ được mua và bán. Thị trường địa lý liên quan thường được xác định, là khu vực địa lý mà tại đó các doanh nghiệp liên quan tham gia vào quá trình cung ứng hoặc cầu về sản phẩm hay dịch vụ trong điều kiện về cạnh tranh tương tự và có thể phân biệt được với các khu vực địa lý lân cận trên cơ sở điều kiện cạnh tranh tương đối khác biệt giữa các vùng này. Thị trường địa lý xác định giới hạn về khu vực hay phạm vi trong đó hành vi của những người sản xuất hoặc những người bán hàng được thực hiện.

Rõ ràng trong vụ việc này CCI đã rất coi trọng việc xác định thị trường liên quan để từ đó đưa ra những nhận định chính xác về khả năng, mức độ gây tác động phản cạnh tranh mà vụ việc tập trung kinh tế có thể đưa đến. Kết quả xác định thị trường liên quan của CCI trong vụ việc cho thấy:

Thứ nhất, CCI đã xem xét một cách khá tỉ mỉ, cụ thể nhưng cũng rất bao quát và đầy đủ mọi góc độ về thị trường liên quan.

Thứ hai, cách tiếp cận để xác định thị trường liên quan của CCI trong vụ việc cũng rất phù hợp và khoa học. Trên cơ sở các thông tin về hoạt động kinh doanh do các bên cung cấp, CCI đã phân đoạn thị trường một cách rất khoa học đồng thời theo đúng thực tiễn của thị trường, bao gồm thị trường các sản phẩm thuốc trong đó bao gồm cả các loại thuốc đang được nghiên cứu sản xuất và thị trường APIs (hoạt chất và tá dược). Tiếp đó, CCI tiếp tục xác định để đưa ra những thị trường liên quan nhỏ hơn dựa trên cơ sở mục đích, thành phần và tác dụng điều trị của từng loại thuốc. Việc phân nhỏ thị trường làm cho kết quả đánh giá tác động phản cạnh tranh sẽ chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn.

Thứ ba, vụ việc cũng cho thấy xác định thị trường liên quan trên thị trường ngành dược là rất khó khăn, phức tạp. Dựa trên sự khác nhau về mục đích sử dụng, thành phần và tác dụng điều trị của từng loại thuốc dẫn tới kết quả xác định thị trường liên quan là thị trường của từng loại thuốc khác nhau. Bên cạnh đó, việc có sự đan xen chồng lấn giữa một số chủng loại thuốc đòi hỏi việc xác định thị trường liên quan phải tỉ mỉ để đảm bảo sự chính xác.

Thứ tư, vụ việc thực tiễn này cũng cho thấy rằng việc phải xác định và đáng giá tác động phản cạnh tranh trên nhiều thị trường liên quan khác nhau trong cùng một vụ việc cạnh tranh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thứ năm, việc xác định thị trường liên quan của CCI trong vụ việc này là một bài học kinh nghiệm thực tiễn có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với cơ quan cạnh tranh của Việt Nam. Có thể nói, thị trường dược phẩm tại Việt Nam cũng khá đang dạng và phức tạp. Tuy nhiên, từ sự khác biệt về mục đích sử dụng, thành phần và tác dụng điều trị của các chủng loại thuốc và căn cứ theo các quy định của pháp luật cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện và đưa ra kết quả xác định thị trường liên quan là thị trường của từng chủng loại thuốc hay các biệt dược khác nhau.

2. Biện pháp khắc phục trong kiểm soát tập trung kinh tế

Một bài học kinh nghiệm nữa có thể rút ra thông qua cách xử lý của CCI là việc đưa ra một số biện pháp khắc phục nhằm làm giảm hoặc loại bỏ tác động phản cạnh tranh để có thể cho phép thông qua thương vụ sáp nhập. Rõ ràng, trong nền kinh tế thị trường quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp cần phải được đảm bảo trong đó bao gồm cả quyền phát triển mở rộng thông qua các hoạt động tập trung kinh tế như mua bán hay sáp nhập. Mặc dù việc quy định kiểm soát đối với hoạt động tập trung kinh tế trong pháp luật cạnh tranh là cần thiết nhưng cần có sự linh hoạt theo cách trao cho cơ quan cạnh tranh quyền chủ động đưa ra quyết định trên cơ sở đánh giá và xác định khả năng, mức độ gây tác động phản cạnh tranh của hành vi tập trung kinh tế. Và quyền này cũng phải đồng nghĩa với việc được chủ động đưa ra và yêu cầu các bên liên quan thực hiện những biện pháp khắc phục cụ thể, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng vụ việc cụ thể. Ví dụ như trong vụ việc này CCI đã chủ động đánh giá, đề xuất và buộc các bên liên quan phải thực hiện biện pháp khắc phục đó là chào bán một số danh mục thuốc mà hiện các bên đang kinh doanh để làm cơ sở cho phép thông qua thương vụ sáp nhập.

                                                                                     Phùng Văn Thành – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương