BVNTD

Mua hàng trực tuyến – Những quy định pháp lý của Australia và thực tiễn tại Việt Nam

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Hiện nay, mua bán hàng qua các trang web trên mạng Internet hay còn gọi là mua sắm trực tuyến ngày càng nở rộ mang lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng như tiết kiệm thời gian, chi phí, thoải mái lựa chọn, thanh toán bằng thẻ tín dụng, giao hàng tận nhà…Tuy nhiên, mua bán hàng trực tuyến cũng là hình thức giao dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng nhất.

Thực tế cho thấy không chỉ tại các nước phát triển tỷ lệ người tiêu dùng thường xuyên khiếu nại về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được trao đổi qua hình thức mua sắm trực tuyến cao hơn các hình thức mua bán khác mà tại Việt Nam vấn đề này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan quản lý nhà nước và chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Hiện chúng ta vẫn đang hoàn thiện luật chuyên biệt về thương mại điện tử làm khung pháp lý điều chỉnh hoạt động thương mại này nên chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thực thi pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến, đồng thời chưa có chế tài hay quy định để xử lý bên vi phạm.

Những quy định về mua sắm hàng trực tuyến của Australia

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) là cơ quan tối cao thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của đất nước này. Bên cạnh đó, dựa trên những thay đổi của thực tiễn ACCC còn đưa vào những quy định chặt chẽ nhằm ngăn ngừa tình trạng người tiêu dùng bị lừa đảo khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Theo đó, tất cả các quyền của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại thông thường được pháp luật bảo vệ đều được áp dụng khi tham gia mua sắm với đối với hình thức trực tuyến ở nước Úc. Các quyền đó cũng được áp dụng khi người tiêu dùng Úc mua bán hàng trực tuyến ở nước ngoài mặc dù các điều kiện về bảo đảm, bảo hành hàng hóa như sửa chữa, thay thế hoặc hoàn tiền có thể bị hạn chế hay gặp khó khăn   bên kinh doanh trực tuyến không có trụ sở tại Úc.

Bất cứ một đơn vị kinh doanh mua bán hàng trực tuyến nào trên lãnh thổ nước Úc cũng phải tuân theo quy định như sau:

                      Đảm bảo sản phẩm hàng hóa dịch vụ phải đáp ứng các quy định về an toàn sản phẩm của Úc.

                      Không được đánh lừa người tiêu dùng bằng cách không công bố công khai giá cả các chi tiết sản phẩm (nguồn gốc xuất xứ, thông tin cảnh báo…).

                      Cạnh tranh công bằng, lành mạnh để đảm bảo người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về chất lượng và giá cả sản phẩm hàng hóa.

                      Đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể truy nhập vào hệ thống tự động để thực hiện các quyền yêu cầu sửa chữa, thay thế, hoàn tiền, hủy bỏ việc mua hàng hoặc bồi thường cho phù hợp khi hàng hóa, dịch vụ mắc lỗi.

                      Các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ bày bán phải là tài sản của cá nhân, tổ chức kinh doanh, cấm bán hàng ăn cắp và hàng hóa đảm bảo cho một khoản vay nợ.

Mua bán hàng trực tuyến từ các đơn vị kinh doanh ngoài lãnh thổ Úc

ACCP khuyến cáo rằng nếu người tiêu dùng mua hàng hóa từ một người bán trực tuyến có trụ sở ở nước ngoài, người tiêu dùng nên tự biết rằng họ có thể gặp khó khăn thực tế trong việc yêu cầu các biện pháp khắc phục khi hàng hóa, dịch vụ có vấn đề.

Bảo vệ quyền của người tiêu dùng khi tham gia mua bán trực tuyến

ACCP đưa ra những lời khuyên đối với người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến như sau:

       Chỉ xem xét việc mua từ người bán hàng trực tuyến tại Úc hoặc ở nước ngoài nếu bên bán là đơn vị có uy tín, hệ thống cũng phải hiện thị rõ ràng quy trình giải quyết khiếu nại, thắc mắc liên quan đến việc thay thế sản phẩm hàng hóa và hoàn tiền. Người tiêu dùng cũng phải xem xét hệ thống bán hàng trực tuyến đó có hiển thị những hướng dẫn, cảnh báo rõ ràng nhằm bảo vệ an ninh và sự riêng tư thông tin cá nhân và thông tin tài chính của người mua hay không. Chú ý đến số đăng ký kinh doanh, số điện thoại liên lạc, số fax và địa chỉ có thật của người bán trực tuyến.

                      Trước khi mua, kiểm tra các điều khoản và điều kiện (giao hàng, thanh toán, bảo hành…) cẩn thận để biết rằng những gì mình đang trả tiền chắc rằng không có việc gian lận về giá cả hay bị hạn chế các thông tin về sản phẩm.

                      Trước khi bắt đầu truy cập vào hệ thống mua sắm trực tuyến, đảm bảo rằng máy tính cá nhân, máy tính bảng hay điện thoại hoặc phương tiện truy cập được bảo vệ  an toàn bằng cách cài đặt hoặc cập nhật bảo mật phần mềm chống virus, chống gián điệp.

                      Đừng mua sắm ngay lập tức từ một địa chỉ duy nhất, hãy chú ý đến các địa chỉ mua sắm trực tuyến khác. Đưa ra các câu hỏi và yêu cầu cung cấp chi tiết hình ảnh sản phẩm, hàng hóa  để biết những gì mình sẽ nhận được. So sánh giá cả trên các trang web khác nhau để lựa chọn giá tốt nhất có thể.

                      Trước khi trả tiền: Hết sức cẩn thận khi nhận được yêu cầu từ người bán đòi cung cấp mã PIN ngân hàng hay mật khẩu của bạn. Đây là trang mua sắm trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo nhằm đánh cắp tài khoản ngân hàng của người mua. Không bao giờ mua từ những người bán hàng trực tuyến này và Báo ngay cho ACCC biết. Hãy kiểm tra xem trang web an toàn hay không. Nó cần phải có một biểu tượng ổ khóa và một địa chỉ bắt đầu bằng https://. Xem xét những điều kiện, điều khoản cung cấp và vận chuyển hàng hóa để đảm bảo rằng bạn có thể kiểm tra tiến độ đặt hàng trực tuyến của mình. Không nên trả tiền trực tiếp vào tài khoản của người bán đối với những mặt hàng có giá trị. Hãy sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán của bên thứ ba. Thường thì các địa chỉ mua sắm trực tuyến uy tín đều sử dụng dịch vụ này, hãy yêu cầu cho đến khi nhận được chấp thuận thanh toán qua một bên thứ ba.

                      Giữ lại bản sao của tất cả các tài liệu, bao gồm kể cả hồ sơ điện tử dự thầu, đấu giá, giới thiệu sản phẩm, địa chỉ thư điện tử (email) và các hóa đơn, khoản thu để đề phòng  trường hợp có vấn đề phát sinh.

                      Nếu xảy ra  vấn đề trong quá trình mua sắm trực tuyến,  lập tức gửi email cho người bán có nêu rõ các vấn đề nảy sinh và làm thế nào để giải quyết.

                      Nếu bạn trả tiền bằng thẻ tín dụng không nhận được sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ, hãy liên hệ với ngân hàng thực hiện việc thanh toán qua thẻ yêu cầu họ hủy bỏ ngay  khoản phí thanh toán trái phép.

Thực tiễn hoạt động mua sắm trực tuyến ở Việt Nam

Có thể dễ dàng điểm thấy trên mặt báo chí hàng loạt những phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến việc mua hàng trực tuyến bị lừa đảo, rao bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trộm cắp và đã không ít người tiêu dùng bị rơi vào bẫy quảng cáo hàng đẹp, hàng xịn, hàng xách tay đảm bảo chất lượng hàng hiệu giá rẻ, giao hàng tận nơi…

Người tiêu dùng mua hàng trực tuyến dễ mua phải hàng kém chất lượng với giá cao, hàng nhái nhãn hiệu không như mẫu hàng được rao bán, thậm chí là mua phải hàng hỏng. Người bán không có cửa hàng, không có địa chỉ cụ thể, điểm giao hàng  lại ở một quán cà phê, hoặc trên đường phố hoặc mang tới tận nơi. Người mua chỉ có số điện thoại di động, một cái tên ảo (nick-name) hay một gian hàng ảo của người bán trên mạng Internet. Đến khi biết bị lừa thì điện thoại không liên lạc được, đi tìm thì toàn bộ thông tin người bán cung cấp đều không tồn tại.

Theo thống kê ước tính Việt Nam hiện có khoảng 31 triệu người sử dụng mạng Internet, tương ứng 34% dân số. Đây là môi trường màu mỡ cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến phát triển song cũng là mục tiêu của tội phạm công nghệ cao. Chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại…và hàng loạt các văn bản pháp lý khác có đề cập đến hình thức thương mại điện tử song chưa có một luật chuyên biệt điều chỉnh một cách có hệ thống hình thức mua bán này. Chính vì thế việc kiểm soát họat động mua sắm trực tuyến rất khó khăn, các giao dịch chủ yếu do các bên tự tìm hiểu và thực hiện mà không có một bảo đảm chắc chắn nào cho quá trình mua bán. Những người quản lý trang web mua bán trực tuyến (admin) chủ yếu kiểm soát số lượng thành viên đăng các thông tin rao bán và hạn chế những mặt hàng cấm còn việc người rao bán tung ra các loại hàng giả, hàng hỏng, hàng kém chất lượng không như quảng cáo thì không quản lý nổi. Đây chính là nguyên nhân của việc người mua (bên tiêu dùng) bị lừa khi sự việc mua bán đã rồi.

Ngoài việc người tiêu dùng bị lừa về hàng hóa, dịch vụ thì còn rất nhiều vụ việc người tiêu dùng bị đánh cắp tài khoản ngân hàng, bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị mất tiền mà không nhận được hàng. Thậm chí khi biết bị lừa, tìm đến bên bán thì mới tá hỏa nhận ra đó chỉ là một địa chỉ ảo, địa chỉ “ma” hoặc bị bên bán đe dọa đã mua rồi thì không có chuyện đòi hỏi, phủ nhận chuyện mua bán và không trả lại tiền. Đó là hệ quả của việc trao đổi trực tuyến chỉ dựa vào việc tin tưởng bên bán, chuyển tiền thẳng vào tài khoản bên bán mà không dùng các hình thức thanh toán an toàn. Hầu như người mua cũng chẳng bao giờ đòi hỏi, yêu cầu những giấy tờ, tài liệu làm bằng chứng cho quá trình mua bán hoặc có thì bên bán cũng không cung cấp. Chính vì vậy các vụ khiếu nại của người tiêu dùng dù rất nhiều nhưng khó giải quyết vì thiếu căn cứ, thiếu bằng chứng.

Tìm hiểu những quy định về mua sắm trực tuyến của Úc nêu trên, người tiêu dùng Việt Nam trước tiên hãy tự biết cách bảo vệ chính mình bằng việc hết sức cảnh giác và thận trọng cũng như tìm hiểu kỹ càng trước khi mua sắm trực tuyến. Một số lời khuyên khi mua sắm trực tuyến tại Việt Nam như sau:

                      Kiểm tra độ tin cậy và uy tín của các trang web bán hàng trực tuyến thông qua phần cho điểm uy tín trên chính trang web đó do các người mua trước đánh giá.

                      Chú ý đến danh sách đen (black list) mà các thành viên tham gia mua sắm trực tuyến thông báo cho nhau để biết các địa chỉ, các tên giao dịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, không có uy tín và bị cấm hoạt động.

                      Lựa chọn các cổng thanh toán trực tuyến trung gian là các kênh thanh toán thông qua hệ thống của các ngân hàng nhằm đảm bảo quyền được hoàn tiền khi hàng hóa dịch vụ không được giao hay hỏng hóc đồng thời bảo mật được thông tin tài khoản.

                      Thanh toán bằng thẻ tín dụng và giữ lại các hóa đơn, chứng từ đề phòng trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan.

                      Hình thành thói quen bảo vệ máy tính hay các phương tiện truy cập mạng Internet của mình bằng cách cập nhật các phần mềm bảo mật, không truy cập mạng wifi công cộng khi mua sắm trực tuyến, chú ý đến địa chỉ của bên bán, số điện thoại và thông tin liên lạc.

Phan Khánh An

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương